Trường trung học Jean de Lafontaine, một trong những trường danh tiếng tại Paris, là trường đầu tiên và duy nhất tại Pháp đưa tiếng Việt vào giảng dạy như một bộ môn chính thức của hệ thống học đường thuộc bộ Giáo dục quốc gia Pháp, bắt đầu từ cấp II. Môn tiếng Việt được hình thành tại đây vào năm 1995, dưới sự hợp tác chặt chẽ giữa Đại Sứ Quán Việt Nam tại Pháp, Đại Sứ Quán Pháp tại Việt Nam và bộ Giáo dục quốc gia Pháp, công thêm một sự cố gắng không nhỏ của Ủy ban Đại học Pháp (Agence Universitaire de France).
Được mời tham dự buổi gặp gỡ đầu năm của các phụ huynh học sinh và các em môn tiếng Việt này, tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy rất đông người tới dự, đa phần là người Pháp hoặc Việt Pháp. Những cặp mắt đen láy xen lẫn những cặp mắt xanh lơ thăm thẳm. Nhiều gia đình kéo đến với ba thế hệ : ông bà, cha mẹ và các con ! Những người Pháp thật thẳng thắn và tôi thấy vui vui trước câu đầu tiên họ thốt ra : ”Đây là tết Việt Nam chứ không phải Tết Trung quốc…” Tất cả những người trò chuyện với tôi đều rất hài lòng về bộ môn tiếng Việt của này Trường Trung học, bởi nó như một chiếc cầu nối giữa con cái họ với Việt Nam, chúng được dạy dỗ có bài bản nghiêm túc. Và kể từ đó, Hội Việt – Pháp của trường được thành lập với mục đích tạo điều kiện giao lưu giữa các bậc phụ huynh, cung cấp thông tin, sách vở, và trên hết là chia sẻ những tư tưởng, tinh thần, và truyền thống văn hóa Việt.
Anh Nguyễn Văn Hải đã đến dự cùng cả bảy thành viên gia đình, trong đó có vợ – chị Lan, và con trai Nguyễn Tâm, mười hai tuổi. Anh tâm sự rằng hàng năm đều cố gắng đưa con về thăm Việt Nam, nếu không thì cũng cố gắng gửi con trai về. Hơn ba mươi năm sống xa quê, anh thấy bồi hồi và xúc động khi đến đây, khi chứng kiến các bạn Pháp cũng đến để thưởng thức Tết truyền thống Việt đông đến vậy! Cháu Nguyễn Tâm của anh chị nói : ”…cháu thích về Việt Nam, có ông bà, và thích đi tắm biển ở Nha Trang, ở Phú Quốc. Biển Việt Nam rất ấm, ngay cả khi có mưa bão thì cháu vẫn thích. Cháu thích tết vì được nhận lì xì…” và câu ”Chúc mừng năm mới” được cháu phát âm rất chuẩn. Chị Delphine Arnaud, một phụ nữ Pháp rất sôi nổi có con trai là Yael mười hai tuổi, gia đình chị thực chưa từng có ”dây mơ rễ má” gì với Việt Nam. Nhân duyên đưa chị và con trai đến với bộ môn tiếng Việt và Hội này cũng hơi kỳ lạ. ”Cháu Yael, _chị kể, – ngay từ bé tý đã rất ham mê Việt Võ Đạo, và chính thầy giáo đã truyền cho con trai tôi thích học tiếng Việt để hiểu thêm trước tiên là về môn võ này, sau đó là lịch sử và truyền thống của Việt Nam. Cũng từ đó mà năm nào tôi cũng tổ chức tết cho con, dẫu chỉ là những món nho nhỏ, và trong những ngày đó, tôi đều tặng con trai một món quà mang đậm bản sắc dân tộc Việt”. Chị tâm sự rất muốn gửi con mình đến Việt Nam trong một ngày nào đó ”để cháu được thực sự đắm mình trong một đất nước Việt…”. Cháu Arthur Laureau, mười sáu tuổi, đang học lớp 10, cháu nói với tôi bằng tiếng Việt, vẫn còn hơi ngòng ngọng, nhưng rất đáng yêu, rằng cha là người Pháp và mẹ là người Việt. Hiện bà ngoại đang ở Pháp, và hàng tháng cháu đều đặn đến thăm bà, bởi bà làm các món ăn Việt rất ngon như bánh cuốn, nem, bún bò huế. Trong buổi hôm nay, cậu còn lôi cả cậu bạn Pierre Olivier đi theo. Chàng thiếu niên này cho biết rất ấn tượng với buổi lễ đón mừng năm mới của hội Việt – Pháp này. Chị Clémentine Nguyễn Thanh, có bố Việt mẹ Pháp, con gái chị đang học lớp bảy. Chị nói được rất nhiều thứ tiếng trừ tiếng Việt. ”Bởi thời ấy, (trong những năm 60 – PV), mọi người còn có cái nhìn hơi khắt khe về Việt Nam, nên cha tôi đã không dạy chúng tôi thứ tiếng này. Tôi rất lấy làm tiếc, nên cố cho con gái học, và giờ đây cha tôi là thầy giáo tâm đắc của đứa cháu ngoại đấy…”
Một cặp Pháp có tuổi, vẻ kín đáo, đã thu hút sự chú ý của tôi, bởi có ba ”nhóc tỳ, mắt xếch tóc đen” đến ôm hôn họ rất âu yếm. Đó là anh chị Paule Boury. Sau khi nói chuyện, tôi được biết anh chị đã nhận ba đứa con nuôi người Việt. Chị Paule tâm sự : ”Chúng tôi đã biết và làm quen với Việt Nam từ lâu. Ông nội chồng tôi đã từng sống ở Việt Nam thời xưa, sau đó là bố chồng. Cách đây hơn mười tám năm, chúng tôi đã đến Việt Nam…” Chị kể chuyện đã nhận nuôi các con, với những chi tiết rất xúc động. Chị đã gửi cả ba con mình theo học tiếng Việt tại trường Jean de Lafontaine, và đã ra nhập Hội Việt Pháp này được bảy năm nay. Chị nói thi thoảng cũng đưa các con về Việt Nam và nhất là vào tết, chị thường tự tay làm, và dạy các con thực hiện các món đơn giản như bò xào, mì xào… Chị cám ơn Việt Nam đã cho chị những đứa con tuyệt vời và nói sẽ cố gắng để chúng không quên nguồn cội của mình.
Cuối cùng đợi mãi, tôi cũng gặp được anh Lê Vũ, chủ tịch hội, luôn tất bật tiếp khách. Anh tâm sự đảm nhận chức vụ này đã được ba năm. Anh có vợ Pháp và bốn đứa con, sang Pháp từ năm 1983. Với chức năng chủ tịch Hội, anh tâm sự Hội cũng gặp không ít khó khăn, về tài chính cũng như nhân sự. Anh nói : ”Phải đi quảng bá cho hội rất nhiều, bởi ngay cả ở Paris, cũng ít người Việt biết rằng có một trường Trung học có tiếng Việt là môn học chính. Như chúng ta ai cũng biết, _anh nói thêm – rằng có nhiều người Việt tại Pháp vẫn bất đồng với chính phủ Việt Nam, và họ cho rằng một khi chính thống sẽ chỉ giao giảng về chế độ Cộng Sản. Tôi đã phải đi diễn thuyết rằng Hội và Trường dạy học là phi chính trị. Thực chất Trường và Hội chỉ truyền bá ngôn ngữ và truyền thống Việt cho con em và các bạn thích tìm hiểu về lịch sử đất nước Việt Nam mà thôi…Và nhất là Hội cố gắng để có nhiều cuộc gặp gỡ giao lưu hơn nữa giữa các bậc phụ huynh. Bởi chính họ mới là chất xúc tác tác dụng lên con cái mình nhiều nhất…”
Khi được hỏi với chức phận là một người cha Việt thì bản thân anh đã làm gì để truyền lại cho con cái mình tinh thần Việt, trong khi anh lấy vợ ”đầm”. Anh nói: ” Đúng là tôi ít thời gian gần gũi các con hơn, nhưng tôi đánh giá cao thứ gọi là văn hóa truyền khẩu. Tôi thấy có nhiều gia đình dạy con tiếng Việt, các cháu nói được, nhưng khi hỏi về lịch sử Việt Nam thì lại ngu ngơ. Ngay từ khi các con còn nhỏ, tôi đã thường nói với chúng về truyền thống dựng nước của các vua Hùng, về Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi, Quang Trung…về các triều đại Vua của Việt Nam và về cả hai cuộc kháng chiến vĩ đại gần đây nhất…” Anh nói thêm : ”Trong nhà tôi cũng có một bàn thờ tổ tiên. Ngoài các ngày giỗ tết, mỗi khi các cháu thành đạt hay chuẩn bị một kỳ thi, tôi bảo các cháu đến thắp hương, quỳ lạy ông bà phù hộ. Đó cũng một cách để các cháu nhớ lấy truyền thống của người Việt mình… Thôi thì mình cố gắng làm những việc nho nhỏ nhưng thiết thực…”
Ngoài trời Paris đang mù trắng tuyết rơi, nhưng bà con Pháp Việt ai nấy đều hồ hởi. Họ hỏi nhau về những lần hội ngộ sắp tới. Xa quê cả hàng chục ngàn cây số, nhưng lúc này tôi thấy thật gần gũi giữa muôn lời chúc tụng nhau bằng tiếng Việt ”Chúc mừng năm mới” khi lơ lớ, khi rành rõ. Trời Paris ngày mai hẳn sẽ ấm lại.
Paris ngày mùng 06 tháng 2 năm 2012