Từ những chia sẻ ban đầu trên facebook có sức lan tỏa, được bạn bè động viên, người lính chiến một thời Vũ Công Chiến đã tập hợp thành bản thảo để xuất bản cuốn “Hồi ức lính” đồ sộ hơn 700 trang vừa được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Buổi ra mắt cuốn sách diễn ra đúng dịp kỉ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước có tên “Ngàn ngày sống trong thử thách chiến tranh”.

Bìa Hồi ức lính
Cuốn sách của tác giả Vũ Công Chiến


Người lính chiến viết về cuộc đời lính trận

 

Tác giả Vũ Công Chiến sinh năm 1953, hiện là cán bộ của Viện Khoa học Việt Nam và Viện nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa Bộ Công thương. Nhập ngũ 4/9/1971, chỉ có 6 năm đời lính nhưng cho đến tận bây giờ, gần nửa thế kỉ trôi qua, lúc nào ông cũng nghĩ mình đang là lính. Những chiến trường đã đi qua, một phần đời tuổi trẻ, những dấu chân lùi lại phía sau nhưng tiếng vọng của nó còn vẳng đến hôm nay khiến cho trái tim tác giả không ngủ yên.

Những hồi ức vụn vặt được tác giả chia sẻ trên facebook đã nhận được sự chia sẻ của nhiều đối tượng bạn đọc và lọt vào con mắt xanh của nhà phê bình Lưu Khánh Thơ, vốn có người anh trai Lưu Quang Điền là bạn đồng ngũ với tác giả. “Khi đọc những gì anh Chiến chia sẻ trên facebook, tôi nghĩ chúng phải đến được với bạn đọc, nhất là người trẻ”, chị Lưu Khánh Thơ chia sẻ tại buổi ra mắt sách. Từ suy nghĩ ấy, nhà phê bình Lưu Khánh Thơ đã động viên tác giả tổ chức bản thảo để cuốn sách ra đời. Nhận xét về tập “Hồi ức lính” của tác giả Vũ Công Chiến, PGS.TS Lưu Khánh Thơ viết: “Trong quầng sáng của chiến tranh, dường như mọi giá trị thật giả đều phơi bày một cách trần trụi nhất. Dũng cảm và đớn hèn. Yêu thương và thù hận. Tin tưởng và thất vọng. Dục vọng bản năng và lí trí. Tất cả những trạng thái tâm lí rất thật của người lính đã được phơi trải đến tận cùng, không né tránh. Không khí chiến trận đã được miêu tả qua hàng loạt những quan sát, ghi nhận của một người lính trung thực, đầy ấn tượng”.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và PGS.TS Lưu Khánh Thơ trong vai trò diễn giả chia sẻ về tác phẩm

Thời gian trong quân ngũ chỉ chiếm 6 năm trong cuộc đời nhưng 6 năm ấy có ảnh hưởng lớn đến phần đời còn lại của tác giả. Vũ Công Chiến bộc bạch: “Cuộc đời quân ngũ của tôi chỉ có hơn 6 năm, chỉ là một phần của cuộc đời, Thế mà không hiểu sao cho đến bây giờ tôi vẫn luôn coi mình là người lính, sống và giữ mãi những phẩm chất tốt đẹp mà mình đã rèn luyện được trong quân ngũ. Quân đội thật đúng là một trường học lớn. Nó rèn luyện con người ta rất khắc nghiệt. Nhưng khi đã vượt qua rồi, tôi thấy mình thêm tin yêu cuộc sống, giàu lòng nhân ái và vị tha hơn, sẵn sàng hi sinh vì người khác”.


Anh Lưu Quang Điền, người bạn đồng ngũ với tác giả phát biểu tại buổi ra mắt sách: Khi anh Chiến xuất bản trên facebook, bạn bè có nói mày cố gắng thay chúng tao kể lại chuyện này, chỉ yêu cầu mày đừng “bịa”, đừng “bốc phét”, bọn tao đọc nhiều truyện, nhiều phim như thế rồi. “Mục đích viết là để bạn bè đồng đội và các con của chúng tôi đọc thôi, không có mong muốn gì lớn. Rất may anh ấy viết rất trung thực. Ví như động cơ đi bộ đội của chúng tôi, rất thật, rất đơn giản chứ không cao cả như viết đơn bằng máu. Anh Chiến có thể đi nước ngoài, nhưng anh ấy có 2 người em trai, dứt khoát nhà phải có người đi bộ đội, hai em của anh ấy vụng dại hơn, xác suất “chết” cao hơn nên anh ấy chọn nhập ngũ để các em được học. Tôi cũng thế, anh Vũ (nhà thơ Lưu Quang Vũ) thì phục viên rồi, ông anh cả của tôi thì đang ở nước ngoài, các em thì còn nhỏ, nên tôi đi, rất đơn giản thế thôi”, anh Lưu Quang Điền nói. Anh cũng cho rằng “hồi ức này không phải của riêng anh Chiến mà là hồi ức của chúng tôi”.

Tác giả Vũ Công Chiến chia sẻ về cuốn “Hồi ức lính”

Đại diện cho lớp trẻ, con trai của tác giả chia sẻ: “Những trận chiến căng thẳng bố cháu kể khác rất nhiều so với các bộ phim cháu xem, những câu chuyện cháu đọc. Chiến tranh khốc liệt hơn rất nhiều”.


Sự lên ngôi của thể phi hư cấu?


Tại buổi ra mắt “Hồi ức lính” một số ý kiến đã nói về điều này. Một số người nhắc lại một số cuốn sách đã đánh động đến số đông độc giả thời gian gần đây như “Quân khu Nam Đồng” của Bình Ca, “Biên bản chiến tranh” của Trần Mai Hạnh, “Dĩ vãng phía trước” của Ngô Thảo hay như một số cuốn nhật kí chiến tranh của Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, Vũ Xuân… xuất hiện trước đó. Đó là những sự kiện lưu giữ kí ức của một thế hệ được người trong cuộc kể ra, nhận được nhiều đồng cảm.

“Hồi ức lính” được các nhà văn, nhà phê bình, nhất là những người từng khoác áo lính có mặt tại buổi ra mắt đánh giá cao. Dù rất kiệm lời và chẳng mấy khi chịu xuất hiện trên báo chí nhưng nhà văn Bảo Ninh đã dành cho Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh hẳn một cuộc phỏng vấn về cuốn sách. Một trong những lí do Bảo Ninh thấy cuốn sách “thân thiết đến nhói lòng” đó là: “Không phải đời tôi, không phải đơn vị tôi, vậy mà đây cũng chính là cuộc đời tôi, là tổ ba người của tôi, là tiểu đội, trung đội, đại đội tôi. Tác phẩm làm sống dậy trước mắt tôi từng ngày tháng, từng chặng đường của thế hệ chúng tôi, của tuổi trẻ “đất thánh” Hà thành năm xưa lên đường ra trận”. Nhà văn Phạm Ngọc Tiến cũng đồng cảm với Bảo Ninh khi cảm nhận như đó chính là “cuốn sách của tôi, như tôi viết”.

Nhà phê bình Lưu Khánh Thơ lí giải về sức hút của “Hồi ức lính”: “Những câu chuyện và chi tiết tươi ròng sự sống, được nhìn với cự li sát gần của người trong cuộc có sức lôi cuốn riêng, nó chinh phục chúng ta bằng sức mạnh của sự chân thực, bằng những trải nghiệm cá nhân, rất riêng tư nhưng lại gắn liền với cả một thế hệ thanh niên mà bước chân đầu tiên của họ khi vào đời là cuộc sống quân ngũ. Anh tái hiện bộ mặt của chiến tranh không chỉ bằng khả năng ghi nhớ mà bằng sự cảm nhận của tất cả các giác quan, và điều quan trọng hơn là bằng sự từng trải của người lính”. Nhà thơ Hữu Việt cũng nói về sức hút của thể phi hư cấu trong đời sống văn học gần đây. Anh cho rằng, với những cuốn sách dạng này, người ta có thể dựa vào sự thật để soi rọi cuộc sống hôm nay.

Trong số khách tham dự buổi ra mắt có nhiều người là đồng đội cũ của tác giả

Nhà phê bình Ngô Thảo gọi tác giả là “người viết ra những giấc mơ của người lính, viết ra những câu chuyện của đời lính”. “Tôi đi bộ đội năm 1965, đi qua nhiều chiến trường, và tôi tìm lại được mình trong cuốn sách của một người làm khoa học. Chúng tôi được sống trong một thế hệ đẹp, sống tử tế, ra trận với tấm lòng trong sáng”, ông nói. Ngô Thảo cho rằng, tác giả “Hồi ức lính” đã khai thác những mạch truyện mà các nhà văn chưa chạm đến, đã cung cấp một tư liệu thật nhất về chiến tranh.


Tác giả “Dĩ vãng phía trước” cũng bày tỏ trăn trở: Chúng ta chiến thắng không phải là giành độc lập là xong mà là thế hệ hôm nay xây dựng đất nước ấy như thế nào, điều hành đất nước như thế nào để thế hệ hôm nay làm được những điều như thế hệ chống Mĩ đã làm được, xây dựng một đất nước không còn bất công, thù hận, nếu không thì chiến thắng ấy cũng trở nên vô nghĩa.


Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cũng là một người từng khoác áo lính, nói, nhà văn hay không phải nhà văn viết về chiến tranh đều đáng trân trọng. Vì trong chiến tranh mọi chuyện đều có thể xảy ra. Ông cho rằng “Hồi ức lính” là một trong những cuốn sách cần cho quá khứ, cần cho hiện tại và cần cho tương lai.

 

Theo Dương Tử Thành – Vannghequandoi

Exit mobile version