Nhà văn Lê Văn Thảo

Có những điều tưởng như phi lý nhưng vẫn tồn tại trong thời đại này, đó là việc không có chính khách nào không nói về hòa bình nhưng thực tế ngòi nổ chiến tranh vẫn còn đây đó, những thế lực hiếu chiến, hung hăng không hề thiếu vắng chỗ này chỗ kia với danh nghĩa bảo vệ thường dân nhưng thực ra là tiếp sức cho sự bạo động, lật đổ. Vì thế, con người vẫn chưa thôi bị ám ảnh về chiến tranh, vẫn tìm đọc sách, xem phim về chiến tranh, tìm hiểu cội nguồn tính chất bạo tàn, khốc liệt của nó, tính chất phi lý của nó.

Đã 37 năm trôi qua sau chiến tranh, nhưng nghe tiếng trực thăng tôi vẫn còn thấy giật thót ruột gan. Nhiều đêm tôi nằm mơ nghe thấy tiếng gầm rú của máy bay phản lực, thấy mình đang ở trong giao thông hào nhão bùn, đang hành quân thâu đêm suốt sáng, tiếng bom nổ nghe sát bên tai. Chiến tranh không bao giờ là một điều bình thường. Tất cả đều được đẩy lên đến cùng cực, những đau đớn hiểm nguy bao giờ cũng quá sức chịu đựng của con người. Thời gian trong chiến tranh không thể tính bằng năm tháng, như nhà thơ Chế Lan Viên đã nói: Thời gian ở đây trôi như chảy máu.

Lịch sử Việt Nam là lịch sử của những cuộc chiến tranh, những trận đánh lớn. Chiến tranh ăn sâu vào tâm khảm người Việt Nam. Những câu ca dao, những bài dân ca thường nói về những cuộc chinh chiến, người chiến binh đi xa, người vợ ngồi đợi chồng. Những trang viết của các nhà văn Việt Nam từ cổ chí kim đều có những đoạn hồi ức chiến tranh, thấm đẫm không khí binh lửa và sự hoan ca chiến thắng của chính nghĩa.

Vì sống quá nhiều trong chiến tranh nên Việt Nam là một đất nước yêu hòa bình. Các tên làng tên xã ở Việt Nam thường bắt đầu bằng chữ Hòa và Bình. Giữa hai đợt súng nổ, tiếng chim hót bao giờ cũng nghe thật lảnh lót thanh tao. Người Việt Nam chắt chiu những ngày tháng bình yên, được sống với ruộng nương, làng xã.

Tại cuộc hội thảo năm 1998, tại Montana và Boston, chúng ta có nêu một thí dụ thú vị về trường hợp đài tưởng niệm cựu binh Việt Nam ở Hoa Thịnh Đốn. Tác giả là Maya Lin, một kiến trúc sư trẻ, còn đang học tiểu học khi trận đánh lớn nhứt ở Việt Nam xảy ra, Tết Mậu Thân năm 1968. Thậm chí cô chưa từng đọc bất kỳ một cuốn sách nào, hoặc có suy nghĩ gì về cuộc chiến tranh trước khi dự thi phác họa đồ án. Ví dụ trên cho ta thấy những hồi ức chiến tranh có khi không qua kinh nghiệm bản thân mà qua kinh nghiệm trung gian, được lưu truyền lại, và không vì thế mà thiếu sức mạnh của sự trung thực. Thậm chí người đời sau đôi khi còn có cái nhìn khách quan, tỉnh táo hơn.

Nói như thế để chúng ta tin rằng mãi về sau vẫn có người viết về chiến tranh Việt Nam. Sẽ có những cuốn sách hay hơn, lớn hơn về chiến tranh Việt Nam.

Cùng với năm tháng, hồi ức chiến tranh ngày càng có xu hướng trở về với nhân dân. Những người bình thường, quần chúng lao động là những người gánh chịu nhiều nhất trong chiến tranh. Đài tưởng niệm ở Hoa Thịnh Đốn ghi tên 58.000 lính Mỹ tử thương. Xin hãy tưởng tượng bức tường đó sẽ dài bao nhiêu nếu nó khắc tên hàng triệu người Việt Nam bị chết vì bom đạn kẻ thù trong chính cuộc chiến tranh ấy?

Không thể kể hết những tấm gương hy sinh của những người mẹ, người anh người chị suốt ba mươi năm qua trên đất nước Việt Nam, những người dân bình thường vô danh góp sức vào thắng lợi của dân tộc. Cùng với thời gian, nhà văn đi sâu hơn vào trong lòng quần chúng, có cái nhìn kỹ càng chăm chú hơn, văn chương đã bớt đi những danh từ to tát, trở nên gần gũi thiết thực hơn.

Đa số các nhà văn Việt Nam thế hệ chúng ta cầm súng trước khi cầm viết. Chúng ta sống trong lòng nhân dân. Vậy mà 37 năm qua chúng ta vẫn trong quá trình về với nhân dân. Chưa lúc nào chúng ta tự hào đã thấy ra hết tầm vóc lớn lao của người dân đã nuôi dưỡng chúng ta.

Tôi dự trận đánh Tết Mậu Thân năm 1968 ở Sài Gòn suốt từ đầu chí cuối. Suốt năm tháng trời mỗi đêm tôi ngủ một nhà. Tính ra số nhà tôi ngủ chỉ riêng trận đánh ấy có tới số trăm. Tôi chỉ cần tìm hiểu ghi chép chuyện về những gia đình đó thôi, tâm tư tình cảm họ thế nào, vì sao họ xả thân cưu mang tôi. Bao nhiêu đó thôi cũng đủ cho tôi có một quyển sách dày.

Vừa mới đây tôi và nhà văn Nguyên Ngọc đi tìm mộ nhà văn Nguyễn Thi, nhà văn lớn của miền Nam chúng tôi. Anh đã chiến đấu anh dũng và hy sinh trong trận đánh Tết Mậu Thân năm 1968. Chúng tôi về vùng Nam Sài Gòn, gặp gỡ những người già nghe kể lại trận đánh năm xưa. Và họ đã kể lại trận đánh cách nay hơn 40 năm, từng chi tiết rõ ràng sống động, y như trận đánh vừa mới xảy ra. Ký ức chiến tranh lưu giữ trong nhân dân, không một thư viện, bảo tàng nào sánh kịp.

Từ năm 1975 đến nay, ở Việt Nam cũng như ở Mỹ, văn học về đề tài chiến tranh Việt Nam không khi nào vắng bóng trên văn đàn. Con người vẫn chưa thôi bị ám ảnh về chiến tranh, vẫn còn muốn tìm hiểu về nó. Văn học là phương tiện vô song trong việc miêu tả tâm hồn con người, đi vào những chiều sâu kín nhất, không một tuyên ngôn khảo luận nào có thể thay thế được. Cùng với năm tháng, nhà văn tỉnh táo hơn, nhìn kỹ hơn vào thân phận những người dân bình thường, miêu tả không chỉ hai bên đối địch, mà còn trong từng gia đình, từng con người, cuộc chiến giằng xé bên trong mỗi con người.

Thuở nhỏ đi học tôi từng biết đến nước Mỹ qua văn học, say mê đọc truyện về người Mohican, về ông già và biển cả, về chú bé Hấc-phin đi bè trên sông Mississipi. Tôi xem nhiều phim về những người chăn bò cần cù dũng cảm. Rồi tôi tham gia chiến tranh, dự những trận đánh lớn, chịu đựng bom B52, máy bay Thần Sấm, Con Ma. Hòa bình tôi có những lần sang Mỹ, gặp gỡ chuyện trò với những người Mỹ bình thường, ở trong trường học cùng với các em học sinh ngây thơ trong sáng. Tôi cũng gặp nhiều người Mỹ sang Việt Nam, quen biết trở thành bạn thân. Tôi không quên cuộc chiến tranh vừa qua, tôi chưa thôi thấy cay đắng. Nhưng tôi thấy lòng yên tĩnh. Tôi hiểu ra tôi chịu đựng cuộc chiến tranh khốc liệt như thế, thật sự chỉ đối đầu với một lực lượng rất nhỏ ở Mỹ. Còn nước Mỹ rộng lớn, bao la hiền hòa, có trình độ khoa học cao, có nền văn hóa tiên tiến, vẫn là đất nước tôi yêu mến, như thuở nhỏ tôi đã từng yêu mến.

Tôi cũng đã về bang California sống với cộng đồng người Việt, nghe kể lại nhiều cảnh đời nhiều số phận, chứng kiến ý chí làm việc với nỗ lực phi thường của những người đồng hương. Tuy biết chính kiến chúng tôi vẫn còn khác nhau, nhưng tôi không còn thấy nặng nề như trước. Máu chảy ruột mềm. Ở đâu cũng là sinh sống, ở đâu cũng là cống hiến. Hồi nhỏ tôi được học: thế giới chia làm hai phe. Sau này tôi hiểu thêm, không chỉ có như vậy, cuộc sống phức tạp hơn nhiều.

Tôi nói với anh em: “Có trăm đường đi tới cửa Phật. Có trăm cách yêu nước khác nhau. Nhưng Tổ quốc Việt Nam chỉ có một”.

Chúng ta không ngây thơ tin rằng ngày nào đó chiến tranh sẽ không còn nữa. Nhưng chúng ta cũng tin rằng, bằng nỗ lực của mọi con đường, trong đó có văn học của chúng ta, có thể khiến ai đó muốn châm ngòi chiến tranh sẽ có giây phút chần chừ, nhớ ra đã đọc rất nhiều trang viết của đồng nghiệp về những cảnh đời trong chiến tranh, thân phận những con người đã sống và chịu đựng đau khổ, sự ngoan cường của con người chiến đấu cho một nền hòa bình, độc lập thực sự của đất nước. Từ quan niệm này, tôi vẫn viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ, một cuộc chiến tranh mà tôi từng tham gia suốt thời tuổi trẻ

TP. Hồ Chí Minh, tháng 7-2012

LÊ VĂN THẢO

Nguồn: Vannghequandoi