Tuyên Hóa

Vanvn.net – Sáng 27-2-2018, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Thơ và những vấn đề của thơ đương đại”. Đây là hoạt động mở đầu chuỗi sự kiện của “Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVI” diễn ra từ ngày 27-2 đến ngày 2-3 (Nguyên tiêu Mậu Tuất 2018), hướng tới nâng Ngày thơ Việt Nam thành Ngày văn học Việt Nam hằng năm. Đoàn Chủ tọa điều hành Hội thảo có: Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Nhà thơ Trần Ninh Hồ, Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam Khóa IX; Nhà thơ, nhà phê bình thơ Vũ Quần Phương, cựu Chủ tịch Hội đồng thơ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn Chương của Hội Nhà văn Việt Nam Khóa IX.

Đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu-lý luận-phê bình văn học, phóng viên các cơ quan báo chí và công chúng yêu thơ đã đến tham dự chật kín Hội trường Hội Nhà văn Việt Nam, nơi diễn ra Hội thảo. Rất nhiều đại biểu phải đứng bên hành lang Hội trường để theo dõi nội dung hội thảo. Gần 30 tham luận văn bản và nhiều ý kiến trình bày tại hội thảo đã tập trung trao đổi xung quanh 3 vấn đề lớn đã được nêu lên trong bản Tham luận Đề dẫn do nhà thơ Vũ Quần Phương trình bày: Thực trạng thơ hôm nay đang “đi lên” hay “đi xuống”? Hoạt động lý luận-phê bình thơ, xét tặng giải thưởng thơ và kết nạp hội viên thơ thời gian qua có gì bất cập? Mối tương quan hoạt động giữa giữa 2 cực thơ “đại chúng” và “nâng cao” hiện nay như thế nào?

Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu kết luận Hội thảo, Nhà thơ Hữu Thỉnh đánh giá cao nội dung các tham luận đã đề cập nhiều vấn đề và thống nhất trong nhiều nhận định về hiện thực thơ Việt Nam hiện nay. Nhiều tham luận viết khá công phu, sâu sắc, hàm chứa lý luận-thực tiễn và có tính định hướng cao. Vì thế, nội dung hội thảo này không chỉ thiết thực đối với thơ ca mà còn phản ánh nguyện vọng của công chúng đối với nền thơ nước nhà hiện nay.

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, thơ Việt Nam đương đại hội tụ cả 3 đặc điểm: Đa dạng hóa, tập trung hóa và kết tinh hóa.Ba đặc điểm này đồng hành, tương hỗ và “đấu tranh” với nhau để làm nên đời sống thơ ca phong phú nhiều cung bậc. Và nếu có chăng sự “lạm phát” thơ thì cũng không cần phải lo lắng nhiều, bởi tự thân của “phong trào” này sẽ thanh lọc và lắng đọng. Có cái Mới nhưng không Hay, nhưng thơ đạt đến Hay thì luôn luôn Mới. Thơ Hay là thơ chinh phục được lòng người, neo lại với lòng người. Nếu không, thì đó chỉ là mốt, là thời thượng và dần dần sẽ tự đào thải.

Đoàn Chủ tọa điều hành Hội thảo

Về những băn khoăn “Đổi mới-cách tân thơ đang được hay mất?”, thực tế cho thấy là Được nhiều hơn Mất. Cái được lớn nhất là tạo ra một không khí dân chủ trong sáng tạo và tiếp nhận, “quyền làm thơ” và “quyền đọc thơ” của nhà thơ và bạn đọc được phát huy, mở rộng tối đa. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, với tư cách một nhà thơ cũng chia sẻ rằng: Có những cái Mới nằm ngay trong cái Cũ. Chẳng hạn thơ Lục Bát hôm nay có những giọng điệu rất mới và có sức chở rất lớn, đó là những đặc tính chưa có trong ca dao, thậm chí trong Truyện Kiều. Dân tộc Việt Nam có nguồn cội, có truyền thống và chúng ta phải “đổi mới-cách tân” trên nền tảng truyền thống ấy, đừng để đất nước thành bãi rác thải văn hóa ngoại lai. Nhà thơ làm “phu chữ” là tìm kiếm hồn chữ, chứ không phải chỉ để sắp xếp những câu chữ lạ bên nhau. Văn học nói chung và thơ ca nói riêng phải phấn đấu để trở thành Văn Hóa của dân tộc. Đó mới là cái đích cao cả mà các nhà thơ phải phấn đấu.

Vanvn.net-Cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam-sẽ lần lượt giới thiệu các tham luận của cuộc Hội thảo trên đây trong thời gian tới.

Ảnh: HỮU ĐỐ

Vanvn.net

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài