Mai Nam Thắng
Ngày 2-2-2018 tại Hà Nội, Hội nhà văn Việt Nam đã tổ chức cuộc Tọa đàm về chương trình sách giáo khoa (SGK) ngữ văn mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành và xin ý kiến rộng rãi. Tham dự tọa đàm có: Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cùng nhiều nhà nghiên cứu, nhà giáo các cấp, nhà quản lý, nhà văn… Trong đó, có nhiều người từng tham gia biên soạn SGK ngữ văn phổ thông trước đây, như: GS Hồ Ngọc Đại, GS Trần Đình Sử… Nhiều người là những nhà giáo giảng dạy văn học các cấp lâu năm, như: GS Trần Đăng Suyền, GS Đinh Xuân Dũng, GS Phong Lê, PGS Phan Trọng Thưởng, PGS Nguyễn Ngọc Thiện, PGS Mã Giang Lân, NGƯT Đặng Hiển, Nhà phê bình Bùi Việt Thắng, TS Lê Thành Nghị, nhà giáo Nguyên An v.v…
Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu khai mạc tọa đàm
Sau khi tìm hiểu Dự thảo Danh mục văn bản ngữ liệu do Bộ GD-ĐT công bố và xin ý kiến rộng rãi; bao gồm Tiêu chí lựa chọn văn bản, Đề xuất văn bản và Các văn bản gợi ý cho các bộ SGK từ lớp 1 đến lớp 9, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận, trao đổi và thống nhất những nội dung sau đây:
– Nhất trí SGK ngữ văn phổ thông chỉ một chương trình nhưng có nhiều bộ SGK do nhiều nhóm biên soạn, để có sự cạnh tranh trong biên soạn và lựa chọn trong giảng dạy. Chương trình ngữ văn SGK mới phải gồm 2 phần: Phần “cứng” bao gồm những tác phẩm bắt buộc phải được giảng dạy trong các bậc học và có tính ổn định trong một khoảng thời gian ít nhất 10-15 năm. Phần “mềm” thường xuyên được bổ sung, điều chỉnh, thay đổi… theo hướng khắc phục những hạn chế và cập nhật, phù hợp hơn…
– Chương trình ngữ văn trong SGK mới phải kế thừa và phát huy những mặt tích cực, những nội dung tốt trong các bộ SGK ngữ văn hiện hành, không phủ nhận sạch trơn, làm mới hoàn toàn.
– Dung lượng nội dung chương trình ngữ văn SGK mới phải cân đối hợp lý giữa các thời kỳ (cổ đại, trung-cận đại, hiện đại), giữa văn học Việt Nam và văn học nước ngoài, văn học dân gian và văn học viết… Đặc biệt lưu ý văn học các dân tộc thiểu số. Bản dự thảo Phụ lục danh mục văn bản ngữ liệu của Bộ GD-ĐT còn mất cân đối các nội dung trên đây.
– Việc lựa chọn tác phẩm đưa vào SGK phải hết sức lưu ý đến tác giả. Trước hết là nhân cách và văn cách, cùng những đóng góp của họ cho đất nước, cho xã hội, cho văn học…
– Theo danh mục văn bản được đề xuất trong dự thảo, thì một số tác phẩm hay nhưng khó, chưa nên giảng dạy cho bậc Trung học cơ sở, như: “Thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng, “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư, “Cây đàn ghi ta của Loóc-ca” của Thanh Thảo, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ, “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu v.v… Những tác giả trên đây có thể lựa chọn những tác phẩm khác tiêu biểu và phù hợp hơn. Đồng thời, một số tác phẩm khác như “Vội vàng” của Xuân Diệu, “Lá diêu bông” của Hoàng cầm… cũng nên thay thế bằng những tác phẩm khác tiêu biểu và phù hợp hơn.
– Đặc biệt, chương trình ngữ văn SGK mới cần bổ sung những tác phẩm nói về Biển, Đảo của Tổ quốc, nhất là Hoàng Sa và Trường Sa.
Phát biểu mở đầu và kết thúc tọa đàm, nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng việc biên soạn chương trình ngữ văn SGK mới là công việc hết sức quan trọng, không chỉ đối với việc dạy và học ngữ văn hôm nay mà còn vì nền văn học tương lai của nước nhà; bởi những học sinh hôm nay được học những tác phẩm nào, được bồi đắp tâm hồn khát vọng như thế nào, để vài chục năm nữa sẽ có những nhà văn tên tuổi của nền văn học Việt Nam trong tương lai. Đây là chiến lược con người, chiến lược văn học, mà Bộ GD-ĐT có vai trò hết sức trọng yếu. Vì vậy, những cuộc tọa đàm như hôm nay là hết sức cần thiết và Hội Nhà văn sẽ tiếp tục bằng những cuộc tọa đàm, hội thảo khác nữa và những buổi làm việc trực tiếp với Ban chỉ đạo biên soạn SGK, lãnh đạo Bộ GD-ĐT và các nhóm biên soạn của Bộ GD-ĐT.
Vanvn.net
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài