Một thực tế không thể phủ nhận là tại các hội nhà văn (HNV), điều thường được hội viên nhắc mỗi kỳ hội nghị là tác phẩm viết ra nhưng không tìm được nguồn xuất bản, trong khi ngược lại, các nhà xuất bản (NXB) lại luôn than rằng không có bản thảo của tác giả trong nước để xuất bản.

Đoàn nhà văn trẻ TPHCM đi thực tế ở Vĩnh Long 6.2017

Khó lòng gặp nhau

Có nhiều lý do giải thích cho tình trạng tác giả và đơn vị làm sách ít có dịp kết nối như hiện nay. Các nhà văn, đặc biệt là những nhà văn trẻ ít tên tuổi hoặc những cây bút mới thường rất khó có điều kiện để tìm được đơn vị xuất bản chịu hỗ trợ xuất bản tác phẩm cho họ.

Trong khi đó, không phải ai cũng có đủ kinh phí để tự đầu tư xuất bản. Về phía các đơn vị xuất bản, làm sách, câu trả lời lại rất đơn giản, mảng sách chủ yếu của các cây bút trong nước hiện nay là văn học.

Đây là mảng sách kén bạn đọc, đòi hỏi nhiều vốn để thực hiện, nhất là khi sách bán chậm. Trong bối cảnh đó, các đơn vị làm sách rất e dè với những bản thảo của tác giả mới, lạ, những người mà giá trị tác phẩm chưa thể định lượng được để chấp nhận mạo hiểm đầu tư.

Ngược lại với các tác giả nổi tiếng, tác phẩm được bảo chứng về sức hấp dẫn đối với bạn đọc lại luôn được săn đón, mời chào. Đây là một thực tế bình thường trong lĩnh vực xuất bản không chỉ của Việt Nam mà còn cả trên thế giới, tác phẩm Harry Potter của nữ văn sĩ Anh J.K.Rowling từng bị từ chối ở hơn 30 NXB chỉ vì nó là tác phẩm đầu tay của một cây bút mới.Trước thực tế này, nhằm tìm kiếm nguồn bản thảo mới, đồng thời có thể giảm bớt sự mạo hiểm trong đầu tư làm sách, các đơn vị làm sách đã tìm những hướng đi riêng.

Ví dụ như NXB Trẻ đầu tư làm các tác phẩm tham dự cuộc thi Văn học tuổi 20, dựa vào các bản thảo gửi về dự thi, đánh giá yếu tố hấp dẫn thị trường, NXB đã chọn ra một số tác phẩm để xuất bản.

Các tác phẩm này hoàn toàn được đánh giá trên yếu tố hấp dẫn bạn đọc do NXB tự định chứ không nằm trong hệ thống chấm điểm của cuộc thi. Dĩ nhiên, có cuốn thành công nhưng cũng không ít cuốn thất bại về độ hấp dẫn, nhưng ít nhất, nó cũng giúp NXB bớt rủi ro.

NXB Văn hóa Văn nghệ TPHCM lại có hướng đi khác, họ hỗ trợ xuất bản cho các tác giả trẻ, có người từng đoạt giải, nay có sáng tác mới nhưng chưa có nơi nào nhận xuất bản, có người trẻ nhưng có tên tuổi trong các dạng sáng tác khác như viết tản văn, viết báo… có người lại có các sáng tác có tiếng trên các báo dạng cho học trò, nay viết sách… NXB đã vừa có thể hỗ trợ tác giả, lại vừa hạn chế được khó khăn cho mình.

Vai trò của hội nhà văn

Không phải ngẫu nhiên mà một thời gian dài nhiều HNV bị xem là nơi nghỉ dưỡng của các nhà văn, là tổ hưu trí cho các nhà văn lớn tuổi… Bởi lẽ, nhiều hội hầu như không có hoạt động cụ thể; nhất là điều được nhiều hội viên trông chờ, đó là hỗ trợ sáng tác, phổ biến tác phẩm.

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, tân Chủ tịch HNV Hà Nội, ngay sau khi trúng cử đã khẳng định một trong các trọng tâm của hội sẽ là hỗ trợ các tác giả trong việc đưa bản thảo đến các NXB để xuất bản.

Nhà văn Thu Huệ được đánh giá là người rất năng nổ và có mối quan hệ rộng với các đơn vị xuất bản nên tuyên bố của chị được rất nhiều nhà văn ủng hộ và trông chờ. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, mọi việc không đơn giản như vậy, bởi các đơn vị làm sách, xuất bản cũng đồng thời là đơn vị kinh doanh. Họ khó mà hỗ trợ lâu dài nếu không có biện pháp thay đổi căn cơ.

Ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn TPHCM trong những năm qua được đánh giá là hoạt động khá hiệu quả trong việc hỗ trợ các tác giả trẻ xuất bản sách. Nhiều tác giả được hỗ trợ kinh phí xuất bản, ngay sau đó đã đạt các giải thưởng.

Tuy nhiên, khi đánh giá về hoạt động này, nhà văn Trần Nhã Thụy, Trưởng ban Nhà văn trẻ lại cho rằng, hoạt động này mang tính riêng biệt của ban chứ khó lòng triển khai rộng ra toàn hội. Bởi lẽ, nguồn kinh phí hỗ trợ hoàn toàn từ xã hội hóa, kêu gọi giúp đỡ và các tác giả được hỗ trợ cũng không phân biệt là hội viên hay không, chỉ dựa trên tác phẩm.

Các tác giả trẻ vốn dĩ không nổi tiếng, không quen biết, không tiền… nên việc hỗ trợ rất cần thiết để giúp họ tạo chỗ đứng trên văn đàn. Nếu đưa ra quy mô toàn hội sẽ nảy sinh nhiều vấn đề khó giải quyết như, kinh phí xã hội hóa khó kêu gọi, nếu đầu tư không phải cho hội viên sẽ nảy sinh tâm lý so sánh gây mất đoàn kết…

Nhà văn Trần Văn Tuấn, Chủ tịch HNV TPHCM cho biết, hội không có ý định hỗ trợ theo hướng xuất bản mà vẫn theo hướng xây dựng bản thảo. Hàng năm, hội có kinh phí do Nhà nước cấp để hỗ trợ sáng tác, vừa qua hơn 40 tác giả đã nhận kinh phí này. Ngoài ra, hội còn tổ chức các chuyến đi thực tế, trại sáng tác… và khi có nguồn bản thảo tốt, tác giả có thể chủ động liên kết với các đơn vị xuất bản đề đưa tác phẩm đến với bạn đọc.

Một nhà văn nổi tiếng cũng cho rằng, HNV nên hỗ trợ tác giả trong khâu sáng tác hơn là khâu xuất bản. Bởi khi có bản thảo hay, tốt thì các đơn vị xuất bản sẽ dễ dàng hỗ trợ. Còn nếu hỗ trợ theo hướng xuất bản, sẽ rất khó cho các đơn vị xuất bản.

Trên thực tế, HNV có thể thành lập một dạng kho tư liệu bản thảo rồi thay các tác giả giới thiệu cho các NXB. Đồng thời tham gia hỗ trợ, làm trung gian cho các tác giả và đơn vị xuất bản trong việc chỉnh sửa, tổ chức bản thảo. Đây là khâu dễ gây khó khăn nhất trong xuất bản hiện nay, do nhiều tác giả có ý tưởng tốt nhưng việc thể hiện lên bản thảo lại chưa hoàn thiện.

TƯỜNG VY/SGGP

(Đăng lại từ Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh)

Phạm Thuý Quỳnh đưa bài 

Exit mobile version