TINH GỌN, THỐNG NHẤT ĐƯỢC NHỮNG VẤN ĐỀ CỐT LÕI CỦA THẾ HỆ

Trong hai ngày 28, 29 tháng 9, Hội nghị Đại biểu những người Viết văn Trẻ toàn quốc lần thứ IX đã diễn ra sôi nổi hào hứng với 120 tác giả tham dự.  Đến dự có nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch cùng các Phó chủ tịch, các Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam; ông Nguyễn Thế Kỷ – Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; ông Đào Duy Quát, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình VHNT TW cùng nhiều nhà văn lão thành.

Trong Diễn văn khai mạc, nhà thơ Hữu Thỉnh có một nhận định khiến cả hội nghị râm ran: “Ở bất cứ thời đại nào, cuộc sống cũng tìm cách sinh ra các nhà văn. Đó là trí khôn của lịch sử. Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX là hình ảnh thu nhỏ của đội ngũ đông đảo các nhà văn trẻ đầy say mê, tự tin, tài năng đã tham gia vào đời sống văn học trong nhiều năm qua.” Diễn văn cũng kỳ vọng vào một thế hệ trẻ, mới và khác trên nền tảng tư tưởng“chưa từng có” mà nếu không ý thức rõ thì văn chương sự nghiệp chưa biết rồi sẽ vinh nhục thế nào: “Theo cách nhìn văn hoá học, cuộc sống mà chúng ta đã đang trải nghiệm mang một ý nghĩa đặc biệt đó là sự chưa từng có. Võ công oanh liệt đời nào cũng có và rất đáng tôn vinh. Nhưng xây dựng một đất nước công nghiệp, hiện đại nhịp bước cùng nhân loại thì đây là lần đầu tiên trong lịch sử. Nó sẽ làm thay đổi đến tận gốc rễ số phận của cả cộng đồng đến mỗi cá nhân, tạo nên một bước ngoặt lịch sử về trình độ phát triển và bậc thang giá trị. Cấu trúc xã hội, quan hệ con người, nguyên tắc ứng xử, cho đến nhịp sống, ham muốn, sở thích sẽ hoàn toàn thay đổi. Trong xã hội hiện đại, lý trí sẽ can thiệp rất sâu vào mọi lĩnh vực. Thêm vào đó khoa học, công nghệ trở thành lực lượng sản xuất quan trọng bậc nhất. Xu hướng lý tính hoá đã đẻ ra những đứa con vô cảm là có thật. Dưới tác động của ba đặc điểm của xã hội hiện đại là thị trường, dân chủ và vai trò của cá nhân, mọi khuôn thước sẽ bị tháo tung ra, mở đầu cho một cuộc trở dạ về văn hoá vô cùng nhọc nhằn và phức tạp.”

Báo cáo Đề dẫn Hội nghị của nhà văn Nguyễn Bình Phương, Ủy viên BCH, Trưởng ban Công tác Nhà văn trẻ cũng nhiều khái quát, đặc biệt là hình dung 3 điểm trong sự nghiệp văn chương trẻ qua hình tượng Thánh Gióng: 1: Sự vươn vai lớn mạnh không đợi đến tuổi già: “…tất cả các nhà văn lớn thoạt tiên cũng là những cây viết trẻ. Như vậy có nghĩa người viết trẻ nào cũng có thể trở thành nhà văn lớn.”  2: Sự nhập cuộc vào đời sống, tựa hẳn vào dân tộc vững chãi như Thánh Gióng ăn từng nong cơm cà của dân làng để tạo thành thế đứng trong xu thế hội nhập vào thế giới phẳng và 3: Trước khi thành anh hùng khổng lồ, Thánh Gióng có ba năm im lặng – các nhà văn hãy nên có những ba năm im lặng, những khoảng tĩnh lặng để suy tưởng như là một tiền đề của lớn lao.

Sự xuất hiện và bước lên diễn đàn của nhà thơ Phạm Phú Thang, đại biểu dự Hội nghị Viết văn trẻ lần đầu tiên năm 1959 khiến Hội nghị rất xúc động. Ông, như là hiện diện của dòng chảy văn học liên tục, âm thầm nhưng mãnh liệt của chúng ta; lúc đó ông mới 24 tuổi và hiện vẫn tiếp tục sáng tác với phương châm: “Mỗi ngày không viết một trang/ Thì tôi đã chết lâm sàng từ lâu”.

Nhà phê bình trẻ Nguyễn Thanh Tâm mở đầu tham luận với tên bài “Phác thảo văn trẻ” nêu những vấn đề định danh văn trẻ, sự nhập cuộc với đời sống, tự tin tạo nên diện mạo của văn chương đương đại. Nhà văn Văn Thành Lê (đại biểu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) trình bày tham luận “Văn chương tôi đã bước vào và tôi đang thấy”. Nhà vănNông Quốc Lập (Cao Bằng) chia sẻ “Những khó khăn đối với người viết văn xuôi trẻ ở miền núi Cao Bằng trong đời sống hiện nay”. Nhà thơ Ngô Thị Thanh Vân (đại biểu tỉnh Gia Lai, sinh năm 1980), tham dự Hội nghị lần thứ 3 với tham luận “Văn học trẻ Tây Nguyên – dòng chảy chậm”, chị nhận xét: Chất Tây Nguyên đang nhạt dần trong sáng tác của người viết trẻ ở vùng đất này. Đa số người viết trẻ ở Tây Nguyên không phải người dân tộc thiểu số, điều này khiến cho những trang viết về phong tục, tập quán, đặc tính của người bản địa không sâu sắc. Nhà phê bình Thy Lan (Thanh Hóa) đọc tham luận: “Lý luận phê bình văn học trẻ – một vài cảm nhận”.

Nhà văn Chu Lai – Chủ tịch Hội đồng văn xuôi hùng hồn phát biểu: “Sáng tạo, sáng tạo, đổ máu vì sáng tạo. Hãy luôn tỉnh táo khi nhảy xuống biển văn chương; tập sống cô đơn, nhà văn chỉ có thể sáng tạo trong nỗi cô đơn thẳm sâu; cuộc đua văn chương là cuộc đua khắc nghiệt nhất trong các cuộc đua của loài người. Hãy yêu thương con người đến tận cùng, yêu thương đàn bà đến rớm máu. Chấp nhận luật bù trừ: nói nhiều sẽ viết ít, sắc sảo ngoài đời thì văn chương thường ngu ngơ.”

Nhà thơ Vũ Quần Phương với bài viết “Ôn chuyện cũ”, nhắc đến giai đoạn các nhà văn “lột xác” để thay đổi điệu tâm hồn của mình. Chẩn đoán bệnh “buồn” của thơ Mới là không sai nhưng chưa chuẩn, đó là sự lột xác. Phải biết tìm ra mình mới biết rùng mình. Sự lột xác hay tìm ra mình là bài học cho các bạn viết trẻ ngày hôm nay.

Nhà văn Lê Thành Nghị có “Mấy lời tâm sự với người viết trẻ”…

Buổi chiều ngày 28 – 9, các nhà văn trẻ thăm Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Đã hẳn, muốn cho các thế hệ trẻ học hỏi ông cha là mục đích của những người lập nên Bảo tàng và cũng là một nội dung Hội nghị của Ban tổ chức; điều đáng nói ở chỗ nó thật sự có ý nghĩa đối với hành trang của các nhà văn trẻ. Chưa phải là tất cả, nhưng có thể nói, những kết tinh từ nguồn năng lượng sáng tạo 10 thế kỷ lưu giữ ký ức của dân tộc ở đây vừa nuôi dưỡng cảm xúc vừa xác định hướng đi và đích đến của họ. Bảo tàng hiện có 4 tầng, mỗi tầng đều có không gian hiện thực của văn hóa xã hội – đó chính là cái nôi, là tã lót và bầu sữa của thời văn chương. Bảo tàng được xây trên những cột trụ vạm vỡ, đủ sức cơi nới cho nhiều thế hệ nhà văn trong tương lai cũng như bổ sung những khuyết thiếu từng thời, vùng, miền. Vả lại, Bảo tàng không chỉ là nơi chưng cất, mà còn là nơi chưng cất không ngừng. Cùng với thời gian, Bảo tàng Văn học Việt Nam lắng lọc lại, hoán đổi vị trí cùng các thứ bậc giá trị văn chương.

Hình như mỗi nhà văn trẻ đều vang vọng một câu hỏi: Mình sẽ ở đâu trong ngôi nhà này? Một trăm năm nữa, ai còn ở lại cùng vua Trần Nhân Tông, các cụ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du?

Một câu hỏi rất đỗi tích cực! Thuật đến đây, tôi sực nhớ bài thơ Lữ Huy Nguyên:

Maia trên bàn từng nghe

Những câu thơ tôi vụng dại

Ức Trai trên tường nhìn tôi như hỏi

Sự nghiệp văn chương sự nghiệp làm người?

Cuối buổi chiều, Hội nghị có cuộc Giao lưu với báo Nhân dân. Tổng biên tập báo, ông Thuận Hữu (Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam) đã giới thiệu các ấn phẩm để mời viết bài, cảm ơn các nhà văn đã từng cộng tác, có những bài góp làm nên thương hiệu về giá trị văn hóa của bản báo. Và thật bất ngờ, các nhà thơ nhà báo đã đàn hát, đã đọc thơ cho nhau nghe. Đêm thơ – đã trở thành đặc sản truyền thống của Hội nghị Viết văn trẻ tại đảo hồ Thiền Quang hôm ấy hóa ra bắt đầu tại 71 Hàng Trống. Tình người thân thiện, giào giạt, đắm say. Thực ra, đến độ tinh hoa, văn hóa và chính trị đã không còn ranh giới.

Đó quả thật là một bắt đầu tốt đẹp cho Dạ hội thơ trẻ mang tên “Bản hòa tấu tháng Chín” diễn ra ngay sau đó như một điểm nhấn đẳng cấp của Hội nghị IX.

Buổi sáng 29 – 9 Hội nghị chia làm hai diễn đàn thảo luận sâu về văn và thơ.

VĂN TRẺ: NHẬP CUỘC VÀ SÁNG TẠO

Diễn đàn này do Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Nguyễn Trí Huân chủ trì cùng các nhà văn Phong Điệp và Nguyễn Xuân Thủy. Nhiều ý kiến đồng cảm với Đề dẫn của nhà văn Nguyễn Bình Phương:“Một đặc điểm sáng tác rất cần được nhắc tới, đó là thái độ nhập cuộc có ý thức trách nhiệm của người viết trẻ với thời tiết chính trị và xã hội. Hầu như văn trẻ có mặt trong tất cả những sự kiện, những biến động của đất nước. Những nhà văn trẻ đã có mặt ở Trường Sa, đã lên biên giới, đã lặn lội vào các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để chứng kiến, trải nghiệm và phản ánh hiện thực. Kết quả là một số lượng dồi dào các tác phẩm đã ra đời, được độc giả mọi tầng lớp đón nhận và có tác động không nhỏ tới đời sống tinh thần xã hội. Tuy nhiên, thực tế đang đặt ra vô số vấn đề về kinh tế, về đạo đức, về văn hóa, thậm chí là về cả lý tưởng. Hơn bao giờ hết, xã hội cần những tác phẩm đề cập một cách ráo riết, kiệt cùng tới số phận con người, cũng như cần những cắt nghĩa, những cảnh báo…”

Cần coi ghi nhận trên đây của Trưởng ban Nhà văn trẻ là một bước tiến mới của thế hệ các nhà văn trẻ 5 năm qua. Văn trẻ không còn “Thêu thùa cho cá nhân thì khéo và đẹp mà may vá cho xã hội cộng đồng thì thô vụng” như nhận định chính xác của nhà thơ Hữu Thỉnh tại Hội nghị VIII.

Nhà văn trẻ Nguyễn Văn Học nhấn mạnh: “Cuộc sống đang đặt lên vai chúng ta trách nhiệm, đòi hỏi chúng ta phải nghĩ khác và sống khác, phải có những hy sinh cá nhân cho mục tiêu chung. Tôi không cổ vũ những sáng tác xa rời hiện thực cuộc sống đang diễn biến vô cùng mau lẹ, phức tạp và đầy ngổn ngang. Tôi không cổ vũ những sáng tác mang quá nhiều yếu tố thị trường, với những tình cảm sướt mướt, ủy mị.”

Nhà phê bình trẻ Ngô Hương Giang nói: “Nhập cuộc tức là tham gia cuộc chơi, cuộc đối thoại văn hóa – một sự nhập cuộc mang tính thời đại, tính thế hệ. Muốn nhập cuộc sâu rộng thì buộc anh phải nhận thức một cách đầy đủ nhất bản chất của nó, phải nhập cuộc với tâm thế hoàn toàn chủ động, và đặc biệt là anh phải phát huy, khẳng định được cá tính, bản sắc của mình. Văn trẻ những năm gần đây tuy xuất hiện nhiều nhưng có vẻ nhạt nhòa, ít cá tính”.

Nhà phê bình trẻ Nguyễn Nhật Huy và dịch giả trẻ Nguyễn Thị Minh Thương gặp nhau ở nhận xét lịch sử văn học thường phát triển về phía nó thiếu hụt. Sau một thời gian dài do có chiến tranh, văn học với vai trò “tải đạo”; nay thời bình, nó nghiêng về phía “mua vui.” Bộ phận văn học này phải được đặt bình đẳng trên mặt sân các giá trị trong đời sống văn học nói chung. Chúng tôi tưởng cần làm rõ khái niệm “bình đẳng”, đạt đến Truyện Kiều  thì “mua vui” và “tải đạo” đã không còn ranh giới; nhưng các quan hệ văn học cần tôn trọng sự “mua vui” thì đúng rồi. Trong tham luận của mình, Nguyễn Thị Minh Thương quan chú đến mảng văn học mạng, “âm bản”, như là sự “trồi lên” từ các tường bao đã đâu vào đấy cả của văn học dương bản truyền thống. Cần thấy ở đời sống văn học mạng tính sôi động, sinh thành, hồn nhiên cũng như các giá trị của nó. Ghi nhận và lắng lọc như một giá trị lớn, bổ sung, làm đầy một thực thể văn chương thời đại.

Lê Vũ Trường Giang: Tuổi trẻ phải đi, không thể tự đào giếng và tự biến mình thành ếch. Thượng đế sáng tạo ra con người còn chúng ta sáng tạo ra thế giới, ra các nhân vật của mình. Cót cách dân tộc, tự hào Việt và làm rạng danh xứ sở. Văn học cần lạnh trước thị trường, chúng ta hâm nóng thị trường chứ đừng để nó mua chuộc.

Chu Thùy Anh, một tiến sĩ Vật lý nói mình từng đọc các tác phẩm văn chương nước ngoài, thấy văn trẻ nói riêng, văn học Việt Nam nói chung có không ít tác phẩm không thua kém gì về chất lượng, chiều kích so với mặt bằng văn chương bên ngoài, có điều có thể do không lợi thế về mặt ngôn ngữ nên chưa được nhiều bạn bè thế giới biết đến mà thôi. Có lẽ nên tìm ngôn ngữ thích hợp cho văn Việt chứ nó đã hội nhập là câu chuyện không phải bàn cãi.

Nhật Phi: Quyền năng của văn chương, có đấy, nhưng bây giờ không phải thời của nó. Tâm trạng yếm thế sẵn có của nhà văn, chúng ta không thể làm gì được, chỉ với 1000 bản sách. Nhưng vui vẻ thôi, đời mà.

Trần Quỳnh Nga: Văn Hà Tĩnh như đang già đi. Hội nghị 9 có tôi, nhưng 5 năm sau thì không biết chắc sẽ còn ai nữa? Hội VHNT Hà Tĩnh năm nào cũng tổ chức bồi dưỡng lớp văn hè cho các cháu học sinh giỏi văn, nhưng có vẻ như đất của quê cụ Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ đã ngừng “phát”?

Nguyễn Thị Kim Hòa: Ninh Thuận là nơi có rất nhiều cái đáng viết, may là ít người viết nên em có thể viết nhiều.

Hữu Thỉnh: Đêm qua tôi đọc tập truyện ngắn của Chu Thùy Anh, tôi thao thức không ngủ được, thao thức trong giàn nhạc cụ của những con chữ tạo ra âm thanh không âm thanh. Văn hay là thế, nó tạo nên vang vọng, làm huyên náo tâm hồn. So với thơ, tôi thích văn trẻ hơn. Tôi cũng tán thành với đề dẫn của các bạn, tri thức không quan trọng bằng trí tưởng tượng. Văn xuôi trẻ đang đúng đường. Có ý kiến văn trẻ còn thưa thớt, xin nói ngay, số lượng văn học không nói lên điều gì ghê lắm, xin hãy viết một truyện Kiều thôi vậy.  Quy luật lượng chất trong văn học hổ vờn bóng và hổ vác một tạ trên lưng. Để vờn được bóng, con hổ đổ ra một năng lượng lớn gấp nhiều lần so với việc vác một tạ.

Hồ Ngọc Đại: Anh Thỉnh nói văn phải có tư tưởng, đúng vậy. Tôi đọc 48 tác phẩm của Marx, nhận ra một tư tưởng vĩ đại trong luận điểm “mua ngang giá bán ngang giá, làm sao có lãi?” Ở chỗ này Marx khẳng định lao động làm ra lãi, lao động là hạt nhân của lịch sử phát triển. Đó là tư tưởng vĩ đại của Marx. Văn là đi bằng tư tưởng, không đi bằng đôi chân thịt.

Hữu Thỉnh: Nhân anh Hồ Ngọc Đại nói về lao động, xin dẫn câu cách ngôn của Tagore: “Văn học là thặng dư của tính người.”

Hoàng Công Danh: Tôi làm vật lý (tiến sỹ) văn học đối với tôi là tay ngang. Hôm nay tôi đến để thỉnh giáo các bạn về kinh nghiệm viết văn và tạo nên cho riêng mình một phong cách?

Văn Chinh: Bạn Hoàng Công Danh, bạn chả việc gì mà hỏi ai giúp bạn phong cách, bạn nói bạn đã đọc cuộc tranh luận giữa Phật tử Ricar Mattheu với TS NASA Trịnh Xuân Thuận, Phật và Vật lý chẻ đến cùng vạn vật thì đều đến hạt, từ hạt nhân ấy sinh sôi ra vạn vật, vạn phong cách khác nhau, kinh nghiệm làm nên cái bèo không thể giúp làm nên con cá. Xin hãy cứ đi đến cùng kiệt con người thì đến được văn chương. Sáng qua tôi nghe bạn Nông Quốc Lập nói về sự ghẻ lạnh của xã hội bây giờ với văn chương, tôi lại vừa nghe Nhật Phi thì thào về sự bất lực trước ghẻ lạnh ấy. Đó là câu hỏi lớn, làm thế nào mà cô hoa hồng bé nhỏ với 4 cái gai lại có thể chống đỡ với cái lạnh ghê rợn ấy? Một câu hỏi lớn cho hết thảy nhà văn, chúng ta cứ đi thôi.

Khép lại buổi tọa đàm, nhà văn Nguyễn Trí Huân phát biểu: Nhập cuộc là một khái niệm mở. Ngày xưa, nhập cuộc có thể là đi chiến trường, là đi “ba cùng” với nhân dân qua mỗi bước thăng trầm của lịch sử; ngày nay, nhập cuộc, với những người viết văn, là sống hết mình với dân tộc, với văn chương chữ nghĩa. Tôi rất thích thuật ngữ của một đại biểu: Văn học trải nhận, có lẽ chúng ta cần làm rõ thêm về khái niệm này ở một Hội nghị khác…

THƠ TRẺ: TRUYỀN THỐNG VÀ CÁCH TÂN

Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chủ trì Diễn đàn cùng nhà thơ Nguyễn Thụy Anh và Nguyễn Quang Hưng.

Lê Hưng Tiến (Ninh Thuận) bày tỏ nỗi trăn trở thường trực của anh trong suốt quá trình sáng tác: Mới là bản chất của sáng tạo, tôi luôn mong có nhiều tác phẩm mới đi cùng thời đại, chảy chung với dòng chảy văn học, trào lưu sáng tác mới. Các nhà trường nên có nhiều tiết học ngoại khóa, tự chọn về văn học cho học sinh các cấp để tác phẩm của người viết hiện nay đến gần hơn với người đọc trẻ. Nhà thơ có cần tìm hiểu, va chạm với lí luận không?…

Nguyễn Trọng Tạo: Sự xuất hiện của thơ ca như nhu cầu của tâm hồn. Nhà thơ như người kể chuyện tâm hồn cho nhiều người nghe. Thơ phải có tình (cảm), có tính (cách) và có tài. Tài là trời cho nhưng cũng phải rèn luyện. Nói về truyền thống và cách tân, trường hợp Nguyễn Du là một ví dụ, ông lấy thơ lục bát của dân gian để làm nên kiệt tác của mình. Khởi đầu là bắt chước và sau đó bằng tài năng thì mỗi nhà thơ tạo ra cái của  mình. Cách tân vẫn là câu chuyện sáng tạo. Đối với các giá trị, càng bị dìm xuống lại càng nổi lên. Trẻ là giới hạn tuổi tác nhưng sức sáng tạo mới là điều quan trọng. Trong sáng tạo làm sao cho gần gũi với cuộc đời thì thơ mới đi được vào rất nhiều trái tim. Dù tân hình thức hay hậu hiện đại thì chúng ta vẫn luôn hướng tới sự sáng tạo.

Phan Tuấn Anh (Thừa Thiên – Huế) phát biểu với tư cách một người vừa sáng tác thơ vừa làm công tác nghiên cứu lí luận phê bình (LLPB): “Hình như thơ của chúng ta đang dần dần được đẩy từ vị trí trung tâm ra ngoại biên. Người làm thơ hiện nay rất nhiều nhưng sách bán trên thị trường hầu như rất ít, có lẽ vì tính giải trí của thơ thua văn xuôi. Thời đại của giải trí lên ngôi thì thơ lại càng ít thu hút. Thơ và lí luận phê bình ngày càng xa nhau, những người làm LLPB ít quan tâm đến tác phẩm của người cùng trang lứa, lí do là ít đọc sách của nhau, nếu có đọc thì chủ yếu là do quan hệ cá nhân (được gửi tặng sách). Điều này tạo ra hệ lụy không tốt. Thời gian vừa qua các nhà thơ trẻ được phát hiện bởi các nhà thơ lớp trước chứ không phải người cùng thế hệ. Để LLPB và thơ xích lại gần nhau thì người làm thơ trẻ cần nâng cao tính lí thuyết và tầm tư tưởng trong thơ của mình; các nhà LLPB trẻ cần quan tâm nhiều hơn đến bạn viết thế hệ mình; các cơ quan báo chí cần có những chuyên trang cho LLPB, tạo sân chơi cho nhiều người nghiên cứu văn học; có cuộc thi cho LLPB để khích lệ những người làm nghiên cứu.

Hồ Huy Sơn: Hội nghị là cơ hội để người viết trẻ gặp gỡ và chia sẻ với bạn bè. Điều tôi quan tâm là những người viết trẻ có sống được để viết hay không? Chúng ta đưa thơ đến công chúng như thế nào? Tôi muốn lắng nghe các nhà thơ thế hệ trước có kinh nghiệm quảng bá thơ đến người đọc rộng rãi như thế nào?”

Nguyễn Đức Mậu: Thế hệ chúng tôi đã có những tập thơ in đến 25.000 bản. Đến nay tôi vẫn được các nhà xuất bản ưu ái nhưng sang năm tới chắc sẽ phải chuẩn bị tiền để tự in thơ. Dường như mỗi nhà thơ đều có một định nghĩa về thơ, dường như mọi định nghĩa về thơ đều khập khiễng…

Lương Đình Khoa (Hà Nội) nói về kinh nghiệm đưa thơ đến với công chúng của chính mình: “Một mình nhà thơ không thể tự làm nên sự thay đổi cho thơ một lối đi huy hoàng hơn mà cần có sự “hợp lực” của nhiều phía: người đọc, người làm công tác giảng dạy văn học, các hội VHNT… Đưa thơ sang một dạng thể hiện khác (trình diễn, phổ nhạc, chuyển sang video…) để thơ đến gần với công chúng hơn. Mỗi nhà thơ nên học cách làm truyền thông cho tác phẩm của chính mình để tạo sức hút với các nhà đầu tư.

Đặng Thiên Sơn nêu ý kiến về vấn đề sáng tác và tác quyền: “Làm thế nào để mang thơ đến công chúng? Một vài ý kiến của người làm xuất bản: có những lí do khiến thơ không đến được với bạn đọc, luật tác quyền đang luẩn quẩn, chồng chéo; nhuận bút thấp; báo chí, truyền thông PR cho thơ chưa thực sự công bằng; các trung tâm, cơ quan chuyên về bản quyền đã làm hết chức năng của mình để bảo vệ tác phẩm chưa? Trước hết người sáng tác phải làm tốt việc bảo vệ tác phẩm của mình. Mỗi tác giả trẻ phải ý thức được công việc tác quyền thì mới mong có sự thay đổi về xuất bản, phát hành và nhuận bút.”

Ngô Gia Thiên An (học sinh lớp 12): “Trong chương trình học không có tác giả đương đại mà chỉ có các tác phẩm thời kì văn học trung đại, thời kì 1930 – 1945, sau đổi mới cho đến những năm 1990, còn lại các thầy cô không nhắc đến giai đoạn văn học sau này mặc dù rất nhiều nhà văn nhà thơ viết mới và hay. Đây là một sự thiếu tôn trọng đối với văn học và những người đang sáng tác. Tôi biết mình cần phải tự sửa đổi bản thân để ngoài việc học ở trường còn tiếp thu thêm nhiều sáng tác mới của văn học đương đại.

Lương Kim Phương (Hải Phòng) chia sẻ cách đưa văn chương đến với học sinh: “Sách giáo khoa ngữ văn trong trường THPT hiện nay phần cập nhật về văn học đương đại mới đưa đến Ma Văn Kháng, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Minh Châu, Lê Minh Khuê… Chỉ khi học đến cao học thì mới được các thầy cô đưa dòng chảy văn học đương đại đến với học viên. Các giáo viên chỉ đưa đến học sinh những giá trị văn học đã được định hình. Nỗi lo giới hạn “giáo làng” khi làm thơ khiến tôi ngập ngừng. Sự cách tân hay truyền thống nào cũng dựa trên cảm xúc của nhà thơ.

Hà Thị Vinh Tâm (giáo viên cấp 3 ở Nghệ An) đưa ra một số giải pháp giảng dạy văn học đương đại (thơ) trong trường phổ thông: hội VHNT địa phương tổ chức trình diễn thơ để các nhà thơ đương đại đến với các em nhiều hơn. Để thơ trẻ đến với bạn đọc cũng như các nhà LLPB trẻ thì các nhà thơ chia sẻ với các nhà LLPB; người sáng tác nên có độ trầm tĩnh, độ lắng nhất định khi đưa ra đứa con tinh thần của mình; các cơ quan báo chí, xuất bản nên tổ chức các cuộc thi dành cho LLPB.

Anh Ngọc: Muốn làm thơ hay hơn thì phải làm thế nào? Bài thơ là cách phát biểu tốt nhất của nhà thơ. Tôi tôn trọng hoàn toàn sự sáng tạo của các bạn, nhưng cần phải đối diện với một sự thật là các bạn trẻ hiện nay ít người đọc lắm vì các bạn đều tồn tại trên các thực từ ngữ nghĩa. Ông đọc bài thơ “Buổi chiều nhân thế” – một bài thơ nói về nỗi cô đơn để chứng minh cho sự truyền thống và cách tân.

Trần Đăng Khoa bình bài “Buổi chiều nhân thế” của Anh Ngọc một cách hóm hỉnh: “Đây là nỗi bất lực của người già chứ không phải nỗi cô đơn…”

Trương Trọng Nghĩa: Lập website Thơ trẻ để vinh danh, có cuộc thi thơ online, mới chỉ là một danh xưng, chưa là thương hiệu. Thơ trẻ chưa thuyết phục công chúng. Các nhà thơ phải trả lời câu hỏi, độc giả mua thơ của anh thì họ được cái gì. Ai cũng có thể làm thơ, Xuân Diệu có thời cả nước đọc thơ, bây giờ chỉ có nhà thơ đọc thơ.

Đoàn Văn Mật: Các người trẻ đang lảng tránh, chỉ có các nhà thơ đi trước nói về thơ. Tôi muốn được nghe người đi trước cũng như các bạn trẻ nói về việc đang làm thơ như thế nào?

Khúc Hồng Thiện: In thơ bằng tiền của mình cũng là một cái hay, tự tin. Công tác truyền thông có nhiều mặt của nó, quá sa đà vào mặt nào đó, những tác phẩm sẽ bị nhạt nhòa đi, xóa mờ thật giả. Hôm qua Nông Quốc Lập có nói một câu đau xót, với số đông hiện giờ: Nhà thơ tán gái, nhà văn nói láo. Vấn đề nhà thơ với cuộc đời, cuộc đời với nhà thơ. Nó là một nghề bình thường, sáng tác là góc riêng.

Nguyễn Việt Chiến: Những bài thơ hay muôn đời vẫn là điều bí ẩn của sáng tạo. Nhà thơ phải hội đủ: kiến văn sâu rộng, tài năng đích thực, phẩm chất thi sĩ mới có được những bài thơ hay. Bài thơ hay sẽ vượt lên trên tất cả những yếu tố truyền thống hay cách tân. Làm thế nào để người đọc vừa thấy được tác phẩm vừa nhớ được tác giả.

Nguyễn Quang Thiều: Hôm nay các nhà thơ lớn tuổi phát biểu mạnh mẽ và chân thực nhưng các nhà thơ trẻ thì lại rụt rè và lưỡng lự mặc dù tác phẩm của các bạn luôn mới mẻ, tự do, thậm chí liều lĩnh… Câu chuyện mà các bạn kể với người khác (bằng thơ hay văn xuôi) chỉ có thể lan tỏa khi nó chứa đựng đầy tính nhân văn. Nhiệm vụ của thi sĩ là làm cho đời sống sinh sôi và đầy hi vọng. Nếu nhà thơ rời bỏ lòng nhân ái lớn lao thì thơ ca chấm dứt và nhân loại sẽ không còn tồn tại. Thơ cũng cần sự khác biệt. Ở Mỹ, một tờ báo bình chọn một nhà thơ tiêu biểu trong năm và khi lặp lại, bạn đọc cho rằng như thế thơ đã chết? Thơ đã chết khi sự khác biệt không còn!

Hữu Thỉnh: Khi nào mệt mỏi, hạ cánh xuống cánh đồng văn xuôi. Những con mãnh sư và những con đại bang thường đi một mình. Chúng ta làm mọi việc cần để những con đại bàng bay lên trời xanh, đủ sức đi một mình. Văn xuôi là tạc những tượng đài trên cát; thơ tạc tượng đài trên đá kim cương; gần danh ngôn châm ngôn. Vì vậy thơ nhọc nhằn. Đọc thơ là thưởng thức tâm hồn, làm nảy nở tâm hồn. Thơ trẻ đang bung phá, là lực lượng tìm kiếm mạnh mẽ nhất của văn học. Cách tân thời nào cũng khởi từ thơ, hồi đầu thế kỷ XX, Thơ Mới rồi mới đến Văn xuôi Tự lực. Chống Pháp cũng thơ trước văn sau. Thơ tiên phong của mọi nền văn học. Thơ trẻ đang nghiêng về cách tân, đó là ddieeeuf dễ hiểu và đáng mừng. Nhưng Xuân Diệu nói, đừng chê chúng tôi cổ, chúng tôi cổ để trở thành cổ điển. Anh Chiến nói hay, mọi hiện đại đều trở thành cổ điển, nếu hay. Nguyễn Quang Thiều nói rất đúng: Toàn bộ văn học tạo nên giá trị bổ sung, không phải để thay thế. Lê Thành Nghị cũng đúng khi nhấn mạnh không cần chỉ 1 Nguyễn Du, nhiều giá trị khác nhau. Mỗi người hãy vét cạn cá nhân để tạo nên giá trị bổ sung. Thơ không cần những giá trị giống nhau. Giữa trang này với trang khác trong tuyển thơ Bản hòa tấu tháng chín là những chân trời khác nhau. Hội nghị không phát hiện một bài thơ, mà phát hiện một tác giả thơ.

Nguyễn Quang Thiều: Các bạn rời khán phòng này, có thể bỏ lại nhiều thứ, nhưng nhất thiết các bạn phải mang theo lời nhắn nhủ mà lớp cha anh kỳ vọng ở các bạn là làm ra giá trị mới để bổ sung, đầy hơn, nâng cơi kích thước thơ Việt.

Viết về dù chỉ 1 căn phòng, nhưng phải lan tỏa. Nhà thơ Ba Lan Nobel văn học Wislawa Szymborska có bài thơ Tháp đôi, câu kết là những người chết đang bay; không viết câu cuối cùng nói về các thân thể dập nát; sinh ra từ lòng nhân ái bao la, đầy hy vọng. Thơ lan tỏa chậm như từng cánh hoa nở trong bầu trời nhân ái.

Lê Văn Đồng (Bình Định, nói ở hành lang): Các nhà thơ già thì băn khoăn làm thế nào để thơ cách tân mà vẫn truyền thống còn các nhà thơ trẻ thì hỏi làm thế nào để bán thơ và để nổi tiếng nhanh?

Tường thuật của PV NV&TP và Phong Lan

(Nguồn: Tạp chí NV&TP)