Một ngày cuối tháng chín, trong căn nhà ở Hà Nội, một người đàn bà đang ngồi xếp lại những bút tích, di cảo, vật kỷ niệm, các tập ảnh, những thước phim, băng đĩa về nhà thơ Tố Hữu. Bà là Vũ Thị Thanh, người vợ, người bạn đời thuỷ chung của nhà thơ Tố Hữu.


Nhà thơ Tố Hữu (thứ 3 từ phải qua) trong một lần thăm TP Leipzig (CHDC Đức). Ngoài cùng bên phải là tác giả bài viết.

CHƯƠNG I: BUỔI BAN ĐẦU

Nhng ngày đầu tham gia Cách mạng

Tôi là con gái tỉnh Thanh. Người xưa (thời bà Triệu Ẩu) gọi là đất Thanh Hoa – cái tên mà anh Tố Hữu đã chọn cho con gái đầu lòng của chúng tôi. Tôi sinh ra và lớn lên ở thị xã Thanh Hóa, nhưng nhiều năm học ở Huế nên Anh thường nói “quê mình” để chỉ sự gắn bó của Anh và tôi với thành phố thơ mộng đó.

Là con gái nhà nghèo được đi học ở Kinh Đô, có lẽ đối với nhiều người là một điều khó hiểu! Bố tôi có nghề làm khăn mũ. Tuy chỉ được học hết cấp cơ sở tiểu học, biết một ít chữ nho, một ít tiếng Pháp nhưng ông rất yêu thơ văn cổ. Những lúc ngồi khâu mũ, ông thường ngâm khe khẽ Kiều hay Chinh Phụ Ngâm. Mẹ tôi làm ruộng và dệt vải vuông ở quê, đến khi lấy bố tôi thì lên ở thị xã. Bà vốn là con gái cưng một cụ đồ nho vừa dạy học, vừa bốc thuốc ở làng. Bà có nước da trắng hồng, tóc mây dày vấn khăn nhiễu tía, váy lụa đen dài chấm mắt cá chân. Nhiều người quen thường kể mẹ tôi là con gái đẹp của làng. Vì là con thầy đồ, bà cũng biết ít chữ và cũng ham đọc sách. Lại thêm xứ Thanh vốn là một trong những chiếc nôi của dân ca nên bà thuộc khá nhiều ca dao. Bà thường mượn ca dao, ngạn ngữ mỗi khi răn dạy con cháu.

Về kinh tế, ông bà nội tôi để lại cho bố tôi một căn nhà nhỏ ở đầu Phố Ngang, thị xã Thanh Hóa, và một mẫu ruộng ở quê (huyện Hậu Lộc – Thanh Hóa). Ruộng xấu, nhiễm chua mặn, chỉ cấy được một vụ mùa và một vụ chiêm bấp bênh. Mẹ tôi cũng được ông bà ngoại chia cho năm sào ruộng ở huyện Hoằng Hóa.

Ruộng hương hỏa của bố mẹ tôi đem cho cấy rẽ, vì ông bà không sống ở quê nữa. Mỗi phiên chợ tỉnh, các anh chị họ tôi từ làng lên chợ thị xã bán những vuông vải, vuông lụa tự dệt, thường gánh giúp cho gia đình tôi một ít gạo ăn trong thời gian giữa hai phiên chợ. Gạo đủ ăn quanh năm nếu không mất mùa. Mọi chi tiêu khác nhờ vào số tiền ít ỏi kiếm được do bán những chiếc mũ của bố tôi làm ra. Nhưng hàng hóa ế ẩm nên thức ăn hầu như chỉ toàn cá kho mặn. Thỉnh thoảng khi có gì vui, mẹ mua quà cho mấy chị em, khi một ổ bánh mỳ nhỏ, khi một vài lát bún … là chúng tôi đã thấy sung sướng lắm. Cả thời thiếu nữ tôi chỉ ước có một cái áo dài màu mà không có.

Nhà nghèo như vậy nên chỉ có tôi và cậu em trai được đi học. Sau đó em trai tôi được cử đi đào tạo kỹ sư cơ khí ở Trung Quốc từ năm 1950. Khi hòa bình lập lại, cậu lại sang Tbilixi (cộng hòa Grudia- thuộc Liên xô cũ) để tiếp tục hoàn thành luận án tiến sỹ. Cậu là một trong những người thầy đầu tiên của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Hai em gái tôi ở nhà lao động giúp bố mẹ. Lúc ở thị xã Thanh Hóa cả hai em cùng bố tôi làm mũ, đồng thời đan len thuê. Khi thị xã Thanh Hóa “tiêu thổ kháng chiến” thì hai em về quê ngoại làm ruộng.

Thấy tôi học được, bố mẹ cố gắng cho tôi ăn học nhờ sự giúp đỡ của một người chị họ tên là Loan. Chị không có con, buôn bán ở các huyện miền núi. Bố tôi dặn dò:

“Hai em con không được học, bố mẹ lo cho con ăn học để sau này làm cô giáo hay cô đỡ giúp đỡ gia đình.”

Lớn lên, ý thức được trách nhiệm đó, tôi luôn cố gắng chăm chỉ học hành. Ba năm cuối của cấp tiểu học (tương đương lớp bốn, năm, sáu ngày nay) tôi luôn dẫn đầu lớp. Hàng năm còn được thưởng ít tiền mang về cho mẹ.

Tôi bắt đầu đi học ở trường nữ học thị xã Thanh Hóa, gần nhà Giây thép (nay gọi là sở Bưu điện) và phía trước sở Cẩm (nay gọi là ty Công an). Trường nhỏ có sáu lớp, từ lớp năm tới lớp nhất. Trường có sân chơi rộng nền đất, mỗi khi ra chơi chúng tôi nhảy dây, đất tung lên mù mịt. Bù lại sự lầm bụi đó là những rặng cây to, xanh um, bốn mùa mát mẻ, có điểm xuyết những cây phượng vĩ hoa đỏ rực vào mùa hè. Tuy được mệnh danh là “học gạo” (nghĩa là chỉ biết học, không chơi bời), hai năm cuối của cấp cơ sở, tôi đã ham đọc sách. Tôi tranh thủ từng chút thời gian rảnh rỗi, nhất là lúc đi đến trường. Với một quyển truyện đặt trên cặp sách trước mặt, tôi vừa đi vừa đọc. Đôi khi tôi mải đọc, đụng đầu vào cột điện đau điếng mới tỉnh người, vội vã chạy đến lớp.

Học hết cấp phổ thông cơ sở, năm 1941 tôi thi đậu vào trường Đồng Khánh Huế, được học bổng toàn phần. Cả xứ Trung kỳ chỉ có một trường nữ trung học này, dạy nữ sinh từ Thanh Hóa đến Phan Thiết. Học sinh trong trường phần lớn là con cái quan lại, địa chủ, tư sản lớn. Giáo viên toàn là người Pháp, chỉ có năm giáo viên Việt nam: cô giáo dạy tiếng Việt (bị coi là ngoại ngữ.), cô giáo dạy sử Việt Nam, thầy dạy chữ Hán, thầy dạy vẽ, cô giáo dạy thể dục. Giao tiếp trong lớp phải dùng tiếng Pháp. Kỷ luật của trường rất nghiêm ngặt. Học sinh hàng ngày không được ra khỏi cổng; chỉ được ra khỏi trường sáng chủ nhật, về lại trường chiều chủ nhật, nếu có người đỡ đầu. Niềm đam mê duy nhất của tôi lúc này là nghiền ngẫm các tác phẩm văn thơ lãng mạn của Tự lực Văn đoàn. Tôi tâm đắc nhất hai cuốn: “Đoạn tuyệt” và “Đôi bạn” của Nhất Linh. Sau kỳ nghỉ hè 1942-1943, theo yêu cầu của cô giáo dạy văn (mỗi học sinh phải bình luận một tác phẩm mình yêu thích nhất) tôi đã say sưa thuyết trình trước lớp gần hết buổi học về hai tác phẩm trên. Tôi ca ngợi mối tình trong sáng của hai nhân vật Loan – Dũng, cảm phục chàng thanh niên Dũng kiên cường đã hy sinh mối tình đầu của mình để đi thoát ly, phụng sự lý tưởng (mặc dù tôi chưa thật rõ là lý tưởng gì!).

Trong trường, học trò nghèo như tôi rất hiếm. Tôi không thích chơi với những bạn giàu có, vì vậy sống khép kín, rất ít giao du. Tôi cố gắng học giỏi để không bị ai coi thường, ngược lại khi làm bài, bạn phải nhờ cậy mình. Hơn nữa, có học giỏi mới giữ được học bổng. Có lẽ vì chỉ biết học nên tôi thường xuyên dẫn đầu lớp, hàng tuần được chọn làm một trong hai người kéo cờ của trường.

Năm 1942, bố tôi bị bệnh rồi mất. Gánh nặng gia đình dồn hết sang vai mẹ tôi. Tôi tự nhủ càng phải học tốt hơn theo lời bố dặn. Đến những năm 1943-1944 (năm thứ ba trung học phổ thông) trong trường xuất hiện nhiều hiện tượng lạ. Nhiều bạn đi lễ chùa, có bạn vào nhà thờ công giáo cầu kinh, việc học hành có phần trễ nải. Tuổi trẻ vốn ham tìm tòi cái mới, tìm một lý tưởng để phụng sự. Vì chưa hiểu các trào lưu tôn giáo, tôi a dua theo bạn bè, cũng đi lễ chùa, cũng đi nhà thờ mỗi chủ nhật. Được một thời gian tôi chán vì thấy chẳng thêm được chút lòng tin nào. Sau này tôi mới biết đó là âm mưu của địch lôi kéo thanh niên xa rời các hoạt động chính trị đã bắt đầu được dấy lên. Không theo tôn giáo, cũng không được ai giác ngộ cách mạng, tôi giải tỏa tâm lý tìm đường bằng việc tham gia tổ chức Hướng đạo sinh chuyên làm việc tốt mỗi ngày.

Như vậy, tôi học ở Huế bốn năm. Đến hè năm 1945, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông (lúc ấy gọi là đậu Diplome), tôi về nhà nghỉ hè với ý định sẽ quay trở lại Huế học tiếp lên ban tú tài. Về đến thị xã Thanh Hóa, tôi thấy ngoài đường đầy lính Nhật, chân nện giày đinh kêu chói tai, lưng đeo súng lục và thanh gươm dài đến mắt cá chân, thái độ hung hăng dữ tợn. Khắp thị xã loan đồn nhiều tin tức về tội ác của lính Nhật: vơ vét của cải châu báu của nước ta đem về Nhật; bắt nông dân nhổ lúa trồng đay; đánh đập phu phen ở cầu Bố; mổ bụng những người dân bị vu cáo bán mạt cưa thay cám cho ngựa của chúng. Ở Huế, tôi chỉ biết một lần một viên sỹ quan Nhật vào trường, từ tốn một cách mị dân, hiểu dụ thầy trò chúng tôi về thuyết Đại Đông Á. Là học trò ở một trường toàn là giáo viên người Pháp hống hách, đồng môn phần nhiều thuộc tầng lớp trên giàu có, nay lại tận mắt thấy những người lính nước ngoài cực kỳ tàn ác đè nén, giết hại bà con mình, sự căm tức trong lòng tôi dồn ép bấy nay đến lúc bùng phát. Tôi đã lơ mơ ý thức được cái nhục, cái khổ đau của người dân một nước nô lệ. Đúng lúc ấy tôi được chị Nguyễn thị Nghiên, một người bà con với tôi ở quê ngoại, là tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Thanh Hóa, đến tuyên truyền cho tôi về việc đánh Pháp đuổi Nhật, đả phá thuyết tam tòng cổ hủ, thực hiện bình đẳng nam nữ. Như nắng hạn gặp mưa rào, tôi không do dự liền theo chị vào một tổ Việt minh bí mật gồm ba người chị Sáu, chị Ái Phượng và tôi.

Cũng như mọi năm, cứ hè đến là mẹ tôi cho mấy chị em tôi về quê thăm họ hàng ở xã Hoàng Hà, và xã Hoàng Đạt huyện Hoằng Hóa. Tại đây phong trào Việt minh đang lên cao. Dân xã tôi cùng với dân cả tổng Bút Sơn, cả huyện nổi dậy, chặn đánh tại Cầu Tào một đoàn xe Nhật chở của cải vừa cướp được đem về nước. Tên tri phủ Hoằng Hóa Đặng Hiếu An về làng tôi chỉ đạo việc cướp thóc, cướp bông, bị cả làng kéo ra đánh cho một trận tơi tả, phải nhảy vội lên xe kéo gọng vàng chạy về huyện. Trong làng, đêm đêm nam thanh niên rèn dao kiếm, tập quân sự. Chị em nữ thanh niên, mặc đồng phục áo sơ mi nâu, quần thâm, chân quấn xà cạp, tóc vấn trần có lưới bao bọc, tập đi đều, tập múa gậy dưới ánh trăng ở sân gạch lớn của dì tôi. Thỉnh thoảng một vài cán bộ huyện, (trong đó có anh Toản, chồng chị Mừng người chị họ tôi – là một cơ sở nuôi anh Tố Hữu năm 1944; anh Vũ Văn Kính – cháu gọi tôi bằng dì, sau này là Trưởng ty Công an Thanh Hóa; anh Vũ Văn San người làng tôi) về làng tuyên truyền Việt minh. Sau này anh tôi kể lại: Đoàn cán bộ trên về chỉ có một cây súng trường cũ kỹ, đi đâu cũng mang theo, bắn đì đẹt vài phát trước lúc diễn thuyết để thị uy.

Gặp bầu không khí cách mạng sôi sục đó, tôi quyết định thôi học, mặc dù rất nhớ Huế, nhớ trường. Tôi bỏ hết sách vở, tư trang tại Huế, ở lại làng  tham gia đội nữ du kích xã. Giữa tháng tám năm 1945 có một cuộc biểu dương lực lượng lớn của các tổ chức chính trị và vũ trang toàn tỉnh cướp chính quyền. Tôi được phân công cầm cờ dẫn đầu đội nữ du kích xã cùng đoàn biểu tình huyện Hoằng Hóa lên thị xã Thanh Hóa. Trời nắng, sức vóc học trò, phải chạy bộ 16 cây số từ huyện lên tỉnh với một cây cờ to rất nặng trong tay mà lúc nào cũng dương cao, không hiểu sao tôi cũng theo được tới cùng. Nhưng đến nơi thì ngất xỉu, mọi người phải khiêng về nhà vì say nắng. Sau đó tôi ở lại Thanh Hóa hoạt động Việt minh.

Liền sau thắng lợi cách mạng Tháng tám, quân Pháp gây hấn ở Nam bộ. Thanh niên các tỉnh phía bắc nô nức xung vào đội quân Nam tiến. Trong số thanh niên ở làng tôi đi Nam, có đồng chí Vũ Huy Đĩnh (sau này là em rể tôi). Tôi cũng xin vào đội cứu thương cùng bộ đội Nam tiến. Trước đó tôi đã được học lớp cứu thương một tháng ở bệnh viện tỉnh, đã băng bó cho anh em tự vệ chiến đấu với quân Nhật ở Phủ Thiệu, Phủ Thọ đưa về. Được tin tôi sắp lên đường vào Nam, mẹ tôi hoảng hốt khóc lóc, và khóa trái cửa, nhốt tôi trong buồng của bà không cho đi. Thế là tôi lỡ một dịp thể hiện bầu máu nóng cứu nước của thanh niên thời ấy.

Tôi đành ở lại thị xã Thanh Hóa hoạt động trong hội Phụ nữ Cứu Quốc. Sau khi học xong một lớp chính trị phổ thông, tôi xác định phải tự cải tạo mình, phải quần chúng hóa, vô sản hóa, như đã  được đồng chí Nguyễn Khai, Thường vụ Tỉnh ủy giảng dạy. Từ đó, gần như tối nào tôi cũng xuống xóm lao động Bến Cốc thăm hỏi, hội họp với các anh chị em thợ xây, phu khuân vác, phu kéo xe, chị em bán hàng rong… Đó là một thời gian rèn luyện quý giá đối với một nữ sinh Đồng Khánh Huế như tôi, dù cũng xuất thân từ con nhà nghèo, nhưng vẫn chưa hiểu hết và cảm thông với cảnh đời của những tầng lớp dưới đáy của xã hội đô thị thời Pháp thuộc.

Thời gian này ở thị xã Thanh Hóa đang dấy lên nạn Quốc dân Đảng của Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam. Chúng in báo, phát truyền đơn khắp các phố xá, tuyên truyền Chủ nghĩa Đại Việt. Chúng bắt cóc, giết hại cán bộ Việt minh. Thị ủy Việt minh (đồng chí Hà Uyên, đồng chí Trần Tiến Quân) cử ra một nhóm thanh niên cứu quốc, độ 20 người, vừa nam vừa nữ, làm nhiệm vụ hoạt động phá rối Quốc dân Đảng. Tôi cũng được vào nhóm cùng hoạt động với gần chục chị em như: chị Nguyễn thị Hào (sau này là Tỉnh ủy viên), chị Sáu, chị Phượng (cùng tổ Việt minh với tôi), chị Như Tú, chị Nữ Tú, chị Lê Thi, chị Lê Mậu. Mỗi tối, nhóm dùng nhà tôi làm nơi hội họp, viết truyền đơn, áp phích. Nội dung truyền đơn là chống lại những luận điệu phản động của Quốc dân Đảng, vạch mặt Chủ nghĩa Đại việt, phản đối hành động bắt cóc, giết hại cán bộ Việt minh. Tôi và chị Như Tú, người có trình độ văn hóa hơn cả, phụ trách việc viết lách. Áp phích viết bằng sơn trắng trên giấy tím. Buổi chiều chạng vạng, chúng tôi phân công nhau đi rải truyền đơn và dán áp phích ở các khu phố lớn. Để hóa trang nhằm giữ bí mật tung tích, tất cả chúng tôi đều mặc áo dài tứ thân vải đồng lầm nâu thắt vạt, quần thâm, đầu vấn khăn, bên ngoài chùm khăn láng đen mỏ quạ, mắt đeo kính râm, chân mang dép cao su Con Hổ. Chúng tôi chú ý những nơi có trụ sở Quốc dân Đảng đóng, mặc dù biết chúng ở phía trong hàng rào vẫn chĩa mũi súng ra ngoài đe doạ. Hàng ngày, khi bọn Quốc Dân Đảng vào từng nhà phân phối báo, tôi còn hăng hái tranh luận với họ về thuyết Đại Đông Á tuy trình độ hiểu biết của tôi còn non nớt.

Từ những hoạt động tích cực đó, đầu năm 1946, Thị ủy gợi ý đưa tôi vào Đảng. Sau khi đã được học tôn chỉ mục đích của Đảng ở một lớp cảm tình Đảng, được biết lý tưởng, nhân cách cao đẹp của những người cộng sản, thì vào Đảng là nguyện vọng, là một vinh dự lớn của tôi. Song tôi nhận thấy mình chưa xứng đáng. Vì với tôi: “Vào Đảng là phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng”, đúng như đồng chí Nguyễn Khai dạy. Tôi thưa lại với đồng chí đại diện chi bộ:

“Xin cho tôi thêm một thời gian nữa để rèn luyện, đủ quyết tâm chiến đấu cho Đảng”

Tháng chín năm 1946 tôi được kết nạp vảo Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng một năm 1947 chi bộ công nhận tôi là đảng viên chính thức (ưu tiên giảm hai tháng thử thách). Một thời gian sau đó tôi được cử làm Bí thư chi bộ một chi bộ ghép gồm những đảng viên là công nhân nhà máy điện và đảng viên khu phố Lớn (Grand Rue) của thị xã.

Cuối năm 1946, có chủ trương tiêu thổ kháng chiến, phá thị xã Thanh Hóa, tạo vùng trắng nhằm ngăn chặn quân Pháp có thể từ  Khu Ba tràn vào căn cứ địa Khu Bốn. Là đảng viên, tuy rất thương mẹ và các em, nhưng tôi vẫn xung phong phá nhà mình trước. Mẹ và các em tôi phải sơ tán về làng làm ruộng. Sau này, mẹ tôi còn giận tôi rất lâu về chuyện này.

Cách mạng đã đưa tôi đến với Anh

Cách mạng đã chuyển hướng cuộc đời tôi và đưa tôi đến với Anh. Chúng tôi gặp nhau trong các lớp chính trị mà anh là giảng viên và qua những lần họp phụ vận có anh tới dự với tư cách là Bí thư Tỉnh ủy.

Ngay từ đầu được tiếp xúc với anh, tôi đã mến phục thầy giáo Lành (bí danh của anh Tố Hữu) với những bài giảng đầy nghĩa khí. Cảm tình của tôi với thầy có lẽ còn vì cái giọng Huế trầm ấm mà tôi rất quen từ những ngày còn học ở Cố đô. Tôi nhớ trong một lớp học, anh đã chọc vào tính tự ái của tôi vì hầu như không bao giờ anh gọi tôi phát biểu ý kiến. Với tính hiếu thắng của cô học trò mới rời ghế nhà trường, tôi giận dỗi và phản ứng bằng cách rủ cô bạn (chị Đặng thị Hạnh, con cụ Đặng Thai Mai) xuống bàn dưới chơi cờ ca rô.

Thời gian này, tôi thường được làm việc với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trong những lần họp phụ vận tỉnh ở huyện Thọ Xuân. Cạnh trụ sở có con sông Chu cuồn cuộn chảy qua. Thỉnh thoảng, sau những giờ hội họp căng thẳng, các chị lớn tuổi (chị Thái, chị Đính…) lại rủ tôi ra tắm sông. Trong những dịp như thế, các chị kể (không biết có phải cố ý?) khá nhiều mẩu chuyện về anh. Qua nhiều lần tiếp xúc gần gũi, lòng cảm mến của tôi đối với anh càng tăng thêm. Bên cạnh sự ngưỡng mộ những bài thơ cách mạng trữ tình, tôi còn nể phục tài hùng biện của anh. Đỉnh điểm của tình cảm này là lần nghe anh diễn thuyết và ngâm bài thơ “Ly rượu thọ” hùng tráng tại buổi liên hoan văn nghệ quyên tiền cứu đói tại một rạp chiếu bóng ở thị xã Thanh Hóa. Cả con người anh toát ra một cái gì vừa thanh lịch dịu dàng, lại vừa nghiêm trang đĩnh đạc. Lúc này tôi đã mơ hồ nhận ra rằng có lẽ đây là  người mà tôi hằng mơ ước. Bất giác tôi nhớ lại chàng Dũng trong tiểu thuyết  “Đôi bạn” đã một thời là hình tượng người thanh niên lý tưởng của tôi.

Mặt khác, tôi cũng cảm giác anh đã để ý đến tôi. Mặc dầu anh vẫn giấu kín tình cảm của mình, nhưng qua ánh mắt và những lời chào hỏi đôi lúc gặp riêng đã mách bảo tôi rằng anh không thờ ơ với tôi. Song trong lòng tôi vẫn canh cánh một điều: tôi biết có một chị cán bộ trong tỉnh khá xinh đẹp rất yêu anh. Lương tâm không cho phép tôi làm người thứ ba cản trở, nên tôi không hề thổ lộ tâm sự riêng với ai.

Thế rồi năm 1947, tôi được điều về huyện Hoằng Hóa, tham gia Huyện ủy phụ trách Phụ nữ cứu quốc. Đây là quê ngoại của tôi, một vùng rất nhiều dừa, nhiều cây dẻ to, hoa thơm nức. Đây cũng là nơi tôi tiếp xúc với nông dân nhiều nhất. Các bà gọi tôi là “chị cán bộ tỉnh về, trắng trẻo, hát hay”, vì tôi thường hát giúp vui mỗi lần chờ họp. Mỗi phiên chợ huyện, các mẹ, các chị thường cho quà như bánh lá, bánh đa cùi dừa, chuối, quýt…

Với tư cách là Bí thư Tỉnh ủy, anh thường về huyện kiểm tra công tác. Xong công việc, chiều đến, khi ngọn đèn dầu thắp lên, anh thường gọi tôi sang huyện ủy hỏi han công tác. Công việc không nhiều, nhưng thời gian chuyện trò thì kéo dài.

Cho đến một hôm, chị Nguyễn thị Hào (buôn bán tạp hóa lặt vặt ở phố Cầu Sâng), người chị đỡ đầu của tôi, lúc ấy đã là Tỉnh ủy viên, gọi tôi lên tỉnh. Đến đêm đi ngủ, trong bóng tối, chị thủ thỉ:

“Anh Tố Hữu gặp chị ở cuộc họp Tỉnh ủy tại huyện Thọ Xuân, có nhờ chị thăm dò xem em đã có ai chưa, và anh muốn tìm hiểu em, em nghĩ sao?”

Tôi không ngỡ ngàng lắm, nhưng không khỏi hồi hộp khi nghĩ rằng sẽ có một hạnh phúc rất đẹp với người thanh niên trong mộng ước của tôi lâu nay. Là một học sinh mới lớn lên, chưa hề yêu ai, vốn chịu nhiều ảnh hưởng của các tiểu thuyết lãng mạn, lại mới được giác ngộ cách mạng, tôi rất cảm kích về lời cầu hôn của người vừa là nhà thơ giàu cảm xúc, vừa là một cán bộ cách mạng chân chính. Chắc là tai tôi phải đỏ vì sự xao xuyến mãnh liệt trong lòng, nhưng may thay, trời tối đen nên chị Hào không đọc được những ý nghĩ của tôi. Ngủ lại với chị Hào đêm hôm ấy, chị cứ căn vặn tôi:

“Em đã có ai chưa, mà không nhận lời?”

Tôi chỉ ậm ừ, nhất định không nói thật lòng mình, vì e ngại anh đã có một người con gái khác như những lời đồn đại trong tỉnh.

Sáng hôm sau ra về huyện, tôi như người mất hồn, cả công tác, ăn uống nghỉ ngơi đều không ra gì, vui mừng, buồn lo lẫn lộn.

Anh Tố Hữu lại nhắc chị Hào hỏi tôi một lần nữa. Hơn một tuần sau, chị Hào gọi tôi lên tỉnh, và bố trí cho tôi gặp thẳng anh tại một căn nhà đã bị phá hoại lúc tiêu thổ kháng chiến, cạnh nhà chị. Tôi còn nhớ anh Tố Hữu mặc bộ kaki vàng bạc màu, hai tai đỏ ửng, lúng túng rụt rè đến gần tôi. Anh nhìn tôi một lúc rồi mới thốt ra được mấy câu rất “chững chạc”:

“Tôi đã nghe chị Thái[1] nói về Thanh từ hồi tôi còn ở Việt minh Trung bộ tại Huế. Nay về tỉnh nhà, tôi biết Thanh qua những lần gặp gỡ công tác, lại được nhiều đồng chí trong tỉnh, trong huyện giới thiệu. Tôi rất mến Thanh, không biết ý Thanh thế nào?”

Chỉ mấy lời ngỏ ý ngắn ngủi, vụng về thế thôi, rồi anh im lặng đứng nhìn tôi chờ đợi. Tôi rất xúc động thoáng nghĩ: thì ra anh ấy đã có ý tìm hiểu mình từ lâu, qua nhiều người, qua nhiều thời kỳ. Tình yêu thương bồng bột dâng trào, mặt nóng bừng, tôi lí nhí được một câu:

“Vâng”

Nhưng rồi tôi tỉnh lại, tập trung nghị lực, thẳng thắn, mạnh dạn hỏi anh:

“Anh có thể cho biết anh đã có ai chưa?”

Không do dự, anh thanh minh:

“Có một người yêu tôi, nhưng đó là tình yêu một phía”

Tôi tin ngay vì nghĩ Anh là một người cộng sản chân chính.

Tình yêu thầm kín được ấp ủ đã lâu, nay được bộc lộ với sự tin tưởng sâu sắc. Cả hai chúng tôi mắt nhìn mắt, tay trong tay, không muốn rời nhau. Nhưng rồi đến lúc cũng phải ra về. Anh vui sướng nắm chặt tay tôi một lúc lâu nữa, và hẹn gặp lại.

Từ hôm đó chúng tôi chính thức và thường xuyên gặp nhau, lúc thì ở huyện Hoằng Hóa, khi ở Việt minh tỉnh. Anh thú nhận: nhiều lần về huyện công tác, kết hợp thăm tôi, xe đạp suýt rơi xuống giao thông hào chữ chi xẻ dọc đường cầu Hàm Rồng. Anh có thói quen vừa đạp xe, vừa huýt sáo làm thơ, lơ mơ nên mới ra nông nỗi đó. Đối với tôi, những ngày chờ đợi gặp anh sao mà dài thế! Cứ mỗi cuối tuần, chiều đến tôi lại chăm chú lắng tiếng chuông xe đạp quen thuộc của anh.

Bất ngờ một hôm vào tháng tám năm 1947, anh về huyện cho tôi biết: Trung ương điều anh lên Việt Bắc làm công tác Văn hóa. Anh hỏi ý tôi, muốn chúng tôi cưới nhau để đưa tôi đi cùng. Anh nói:

“Toàn quốc kháng chiến. Quân Pháp đang mở rộng trận địa. Đất nước sẽ chia cắt nay mai. Nếu không được đi cùng nhau thì rất khó gặp lại. Mà anh thì không thể chia tay Thanh ở đây”.

Thật sự tôi chưa muốn kết hôn vì mới mười chín tuổi, thích kéo dài thời gian yêu đương, mộng mơ. Nhưng anh là một cán bộ cao cấp, công việc bề bộn, buộc anh phải khẩn trương. Sợ tôi trì hoãn hay từ chối, anh khẩn khoản: “Thanh thông cảm cho anh, hãy lên Việt Bắc với anh”. Đứng trước hoàn cảnh ấy, tôi không có sự lựa chọn nào khác là đi theo anh, sau khi làm lễ cưới.

Lúc này mẹ tôi không thuận tình “gả” tôi cho anh, một người xa lạ, quê quán “tận đâu đâu”, gia đình dòng họ không rõ, vóc dáng lại gầy gò ốm yếu. Mẹ tôi là hội viên hội Mẹ chiến sỹ ở làng, bộ đội qua lại bà vẫn ủng hộ cơm bưng nước rót rất nhiệt tình. Nhưng cách mạng là gì, bà không hiểu lắm. Hơn nữa đối với việc gả chồng cho con gái đầu lòng, chỗ dựa và niềm hy vọng của gia đình, thì bà quan niệm:

“Có phúc gả con chồng gần/ Có bát canh cần nó cũng đem cho/ Vô phúc gả con chồng xa/ Trước là mất giỗ, sau là mất con”.

Bà còn đắn đo: “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”. Chúng tôi không hề trách mẹ, nhưng hoàn cảnh bức xúc, không thể lùi được. Tôi biết thâm tâm bà muốn gả tôi cho một anh cán bộ trong huyện, gia đình vừa có nhiều ruộng, lai lịch dòng họ lại rõ ràng. Vì vậy, mấy hôm trước đám cưới, bà bỏ ăn, nằm đắp chiếu buồn xo. Anh Tố Hữu phải nhờ chị Nguyễn Thị Nghiên, người rất có uy tín đối với gia đình tôi, về làng thuyết phục mẹ tôi: “Bà gả Thanh cho anh ấy đi. Anh ấy là một cán bộ Việt minh tốt. Nếu sau này có chuyện gì, tôi chịu trách nhiệm”. Thế là mẹ tôi “chịu” một cách bất đắc dĩ. Để chiều lòng bà, mặc dầu rất bận công tác, nhất là phải bàn giao công việc trước lúc đi xa, anh vẫn cố gắng đảm bảo đúng nghi lễ cưới.

Đám cưới được tổ chức tại làng Đạt Tài, huyện Hoằng Hóa, nơi mẹ và các em tôi mới sơ tán về. Nhà cửa không trang hoàng gì nhưng cũng có vài mâm cơm (do Tỉnh bộ Việt minh cho một ít tiền) mời họ hàng thân nhất và một số cán bộ trên tỉnh về (anh Đặng Thai Mai đại diện Uỷ ban Nhân dân tỉnh; anh Đặng Việt Châu đại diện Uỷ ban Kháng chiến tỉnh, anh Bùi Đạt Chủ nhiệm Việt minh tỉnh, hai chị Nguyễn Thị Nghiên và Nguyễn Thị Hào là Tỉnh ủy viên và cũng là hai người chị đỡ đầu của tôi).

Chị Nguyễn Thị Nghiên cho tôi một cái áo dài lụa xanh lá mạ làm áo cưới; mẹ cho tôi hai cái áo cánh nâu bằng nái (lụa thô bà dệt lấy) gọi là của mẹ cho con gái đầu đi lấy chồng.

Họ nhà trai không có ai. Tháng Bẩy âm lịch (25/8/1947). Trời  mưa tầm tã. Đường đất thịt lầy lội. Mỗi bước đi phải bấm mười đầu ngón chân mới không trượt ngã. Anh đã đạp xe hơn mười sáu cây số từ thị xã xuống thẳng Chợ Vực, Tổng Ngọc, huyện Hoằng Hóa, đèo cụ Lê Quang Trường, mời cụ làm đại diện họ nhà trai. (Cụ Trường làm nghề bốc thuốc bắc, là một cơ sở cũ của anh lúc anh hoạt động bí mật. Sau khởi nghĩa, cụ làm Chủ tịch hội Liên Việt huyện). Thời tiết xấu, đi xe đạp nhiều lúc không được, anh phải vác xe lên vai, tách khỏi lớp đất quánh bám dưới bánh xe. Trời vẫn mưa to. Đến trưa, đại diện nhà trai và chú rể vẫn không thấy đâu, mà khách khứa thì đã đông đủ. Đợi chờ mãi, bỗng một cậu bé trong xóm chạy vào báo tin: có hai người lạ mặt đang rửa xe đạp và gột quần áo ở cầu ao đầu ngõ. Đợi một lúc nữa mới thấy anh Tố Hữu, vẫn bộ kaki vàng cũ, và cụ Trường đến, quần áo còn dính bùn đất và ẩm ướt. Tôi ở trong nhà ngó ra, thở phào nhẹ nhõm!

Nghi thức lễ cưới khá tươm tất. Có lẽ có nhiều cán bộ trên tỉnh về, nên đồng chí Du – Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã đã đi đâu đó, học hỏi được vài thủ tục tổ chức đám cưới “đời sống mới”cho đúng luật lệ của chính quyền mới. Anh Du mời chúng tôi ra trước một cái bàn và hỏi:

“Tôi đại diện cho chính quyền xã Hoằng Hà xin hỏi:

-Anh Tố Hữu có đồng ý lấy chị Vũ Thị Thanh không?”

Sau anh Tố Hữu, anh Du cũng hỏi tôi một câu như vậy. Tôi rất ngượng ngùng làm theo những điều bắt buộc đó. Cẩn thận thế, nhưng có một việc quan trọng lại không làm: đó là giấy đăng ký kết hôn! Sau này anh Tố Hữu đùa tôi:

“Hai anh em mình chỉ là nhân ngãi, không phải vợ chồng, vì không có giấy”

Nghi lễ, ăn uống xong, khách khứa ra về, còn lại hai chúng tôi mới thật khó xử. Mẹ tôi không có nhà. Lễ cưới phải mượn tạm nhà cậu ruột tôi. Cậu tôi lại mới mất được vài tháng, mợ tôi rất phong kiến nên đêm tân hôn, chú rể phải nằm queo một mình trên một phản gỗ trong gian nhà thờ. Để chúng tôi chuyện trò đến tối, mẹ sai em gái tôi ra gọi tôi vào ngủ với bà. Tôi nắm tay anh một lúc, rồi hồn nhiên xuống nhà dưới với mẹ và các em.

Cưới hỏi thế là xong. Ngày hôm sau (26/8/1947), trên thanh ngang phía trước chiếc xe đạp nam, anh đèo tôi về trụ sở Tỉnh bộ Việt minh. Tôi mang theo chiếc ba lô “tư trang”, trong đó còn có vài con búp bê nhỏ và một ít cuộn chỉ xanh đỏ làm đồ chơi của tôi hồi bé mà tôi rất quý.

Phòng hạnh phúc của chúng tôi là một gian kho nhỏ của cơ quan, đóng trong một căn nhà giữa phố ga đang bị phá hoại dở dang. Trong kho có chứa gạo, mắm, muối, cá khô. Không biết bằng cách nào mà chị phục vụ của cơ quan đã khéo kiếm cho hai chúng tôi một cái giường sắt Hồng Kông kiểu cổ. Tuy vậy chúng tôi thật hạnh phúc.

Vài hôm sau, anh đưa tôi ra Việt Bắc. Đường bộ qua Khu Ba, Khu Tả Ngạn quân Pháp đang hoành hành. Chúng tôi quyết định đi đường thủy. Tuần trăng mật kéo dài khoảng trên 10 ngày, lênh đênh trên một chiếc thuyền nan nhỏ. Thuyền đi ven sông Mã về Nga Sơn, Phát Diệm; qua sông Đáy đến Hà Đông, lên Việt Trì; ngược sông Lô lên Tuyên Quang. Một cuộc du ngoạn thật thơ mộng. Ban ngày hai anh em ngồi tựa mạn thuyền hiu hiu gió mát ngắm những ruộng lúa, bãi mía, nương ngô bạt ngàn hai bên bờ sông. Qua những làng quê tre mọc kín xung quanh, phía sau là những đồi chè xanh mướt, đồi sim mua có tán cọ che phủ. Thỉnh thoảng chúng tôi ghé vào gần thuyền đánh cá của ngư dân, mua một ít cá tươi, luộc chấm với muối, thật ngon lành. Ban đêm nằm ngắm bầu trời đầy sao và trăng muộn cuối tháng. Thi thoảng một làn gió thu quạt vào lòng thuyền se se lạnh. Sức anh chẳng được bao nhiêu nhưng anh cũng gắng ấp cho tôi đỡ lạnh, và luôn giục tôi:

“Em dựa vào anh cho ấm mà ngủ đi cho đỡ mệt”

Tôi vờ nhắm mắt cho anh vui lòng, nhưng đầu óc thì suy nghĩ mông lung. Đối với anh, sau quãng thời gian hơn mười năm, từ lúc mười lăm tuổi tham gia cách mạng, bị giam cầm trong tù ngục bốn năm, vượt ngục ra phải sống trốn tránh trong nông dân vừa thoát nạn đói năm 1945, thời gian này là lúc anh được nghỉ ngơi đôi chút. Còn đối với tôi, ngoại trừ những lần đi đò ngang qua lại sông Hương khi còn là học sinh trường Đồng Khánh thì đây là lần đầu tiên tôi được đi đò dọc dài ngày, tha hồ ngắm cảnh vật thiên nhiên của đồng quê, của rừng núi hùng vĩ. Bên anh, tôi cảm thấy hoàn toàn hạnh phúc. Tôi đã có một người chồng, một người đồng chí đầy tin cậy, chỗ dựa vững chắc cho cả cuộc đời.

Con thuyền đang êm ả trôi thì đến Phát Diệm bỗng nghe trên bờ tiếng tù và thổi ầm ỹ, tiếng chân người chạy rầm rập. Đó là lúc bọn phản động nổi loạn giết ông Ái – Bí thư huyện ủy Kim Sơn. Với thói quen của một cán bộ lãnh đạo chính trị, anh lên bờ xem xét tình hình và tìm cách giải quyết. Trong không khí náo loạn của quân phản động, giáo mác hung hăng, anh tìm đến ông Ngô Tử Hạ – một nhân sỹ, ông trùm công giáo có uy tín trong vùng. Anh trịnh trọng giới thiệu:

“Ông Nguyễn Xuân Dương là Chánh án Tòa thượng thẩm đi cùng với một ông luật sư, và anh là phái viên của Trung ương”.

Mặc dù anh chỉ là người qua đường thấy cảnh bất bình thì ra tay, còn hai ông cán bộ tư pháp mà anh tôn vinh kịp thời chỉ là hai người bạn cùng đi chung thuyền. Cả ba anh cùng ông Ngô Tử Hạ vào thẳng nhà thờ Phát Diệm, gặp Giám mục Lê Hữu Từ, yêu cầu Đức cha phải chịu trách nhiệm về sự kiện này và phải cùng các anh dẹp loạn, giữ an ninh trật tự, bảo vệ chính quyền cách mạng. Kết quả là trong một ngày trật tự được lập lại. Sau đó ông Ngô Tử Hạ cử một đội tự vệ đưa tiễn chúng tôi ra khỏi tỉnh.

Lúc này xảy ra một chuyện: khi lên bờ anh dặn tôi ngồi yên dưới thuyền chờ anh. Tính còn trẻ con, dù đã là huyện ủy viên, tôi cũng lên bờ tham quan thị trấn Phát Diệm vẫn được ca ngợi là đẹp. Khi trở về anh hốt hoảng về sự mất cảnh giác của tôi nhưng cũng chỉ “dám” phê bình cấp dưới một cách nhẹ nhàng, âu yếm.

Chúng tôi lại xuống thuyền tiếp tục cuộc hành trình. Chuyến “trăng mật” của hai chúng tôi lại tiếp tục, nhưng không còn yên bình như trước. Tuy vẫn lững lờ trên sông nước, nhưng qua các tỉnh đồng bằng sông Hồng, thỉnh thoảng vẫn nghe tiếng moóc-chi-ê câu vu vơ đâu đó và cả tiếng súng đi càn của địch trên bờ.

Sự thanh thản trong lòng anh cũng chẳng được bao lâu. Tôi dần nhận thấy anh bồn chồn lo lắng. Anh trăn trở về việc chung của đất nước và công việc riêng sắp tới của anh và tôi.

Vũ Thị Thanh

__________________

[1] Một đồng chí Cách mạng lão thành, người huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa, Tỉnh ủy viên đã từng họat động bí mật với Anh trong 4 năm.


Exit mobile version