Cuốn ‘Gia đình, bạn bè và đất nước’ của bà Nguyễn Thị Bình được tác giả Lady Borton chuyển ngữ và giới thiệu tại Hội sách Frankfurt (Đức) sắp tới.
Cuốn hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước do Lady Borton chuyển ngữ và được nhà văn Nguyên Ngọc hiệu đính với tên tiếng Anh là Nguyen Thi Binh – Memoir – Family, Friends anh country. Ấn bản tiếng Anh được Phương Nam Books giới thiệu đến bạn bè quốc tế tại Hội sách Frankfurt, Đức vào tháng 10.
Bìa ấn bản tiếng Anh cuốn hồi ký của bà Nguyễn Thị Bình.
Cả cuộc đời cống hiến cho đất nước, cho gia đình, bạn bè, chính vì vậy, bà Nguyễn Thị Bình quyết định đặt tên hồi ký của mình là Gia đình, bạn bè và đất nước. Những trang hồi ký của bà chuyển tải nhiều bài học cho thế hệ sau qua trải nghiệm của một nữ chính khách và một người mẹ, người bà. Sách là lời tri ân đến những người Việt Nam đã hy sinh xương máu đem lại hòa bình độc lập cho đất nước. Bà cũng muốn cảm ơn bạn bè quốc tế đã đóng góp cho nền hòa bình, độc lập của dân tộc mình.
“Khi ở Hội nghị đàm phán tại Pháp, tôi nghe tin vùng con mình đang ở có bom đạn dữ dội mà bồn chồn không yên. Nhưng nghĩ lại, sự hy sinh của tôi không phải là cá biệt, biết bao bà mẹ Việt Nam khác thời điểm đó cũng phải chấp nhận vậy thôi. Tự mình phải giải quyết tư tưởng cho mình mới có thể chuyên tâm phục vụ đất nước”, bà chia sẻ nỗi lòng người mẹ trong thời chiến.
Bà Nguyễn Thị Bình sinh năm 1927, là cháu ngoại của nhà cách mạng Phan Châu Trinh và là nữ chính khách nổi tiếng. Nhà văn Nguyên Ngọc nhận định: “Có lẽ bà là người Việt Nam có nhiều bạn bè nhất trên thế giới, từ những người dân thường cho đến các nguyên thủ quốc gia nổi tiếng và thuộc nhiều chế độ chính trị khác nhau”. Bà được đánh giá là “một phụ nữ nhỏ nhắn, khiêm nhường mà uyên bác, gần gũi mà sang trọng”.
Bà Nguyễn Thị Bình từng đảm nhận chức vụ Phó chủ tịch nước, Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hòa đàm Paris 1973. Bà là nhân chứng của nhiều chuyển biến quan trọng trong lịch sử Việt Nam hiện đại.
Ấn bản tiếng Việt của cuốn hồi ký này được ra mắt vào năm 2012. Tác giả Lady Borton – người chuyển ngữ cuốn hồi ký sang tiếng Anh – là nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà hoạt động thiện nguyện. Lady Borton cũng là một người Mỹ thầm lặng thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam nhiều năm qua. Bốn mươi năm trước, khi cuộc đàm phán tại Paris đang đến hồi kết, bà Lady Borton có mặt ở Quảng Ngãi trong vai trò của một nhà hoạt động nhân đạo trong tổ chức từ thiện Quaker.
Trong hơn 300 trang của cuốn hồi ký, phần hồi ức của Lady Borton về Nguyễn Thị Bình vào khoảng thời gian năm năm đàm phán tại Paris 1968-1973 được đề cập khá ấn tượng.
Trước cuốn Hồi ký Nguyễn Thị Bình, Lady Borton chuyển ngữ khá nhiều sách về các nhân vật lừng danh trong lịch sử Việt Nam.
Theo VnExpress