Hàng loạt hồi kí của những nhân vật nổi tiếng được ra mắt liên tục trong thời gian gần đây khiến công chúng cảm nhận rõ nét cơn sốt thể loại này trên thị trường sách. Nếu như cách đây mười năm, hồi kí Sống và yêu của diễn viên Lê Vân bị phán xét khá nặng nề, thì giờ đây dư luận đã có cái nhìn thoáng hơn khi nhiều góc khuất của đời sống được kể lại một cách công khai. Thái độ văn minh của bạn đọc chính là cơ hội phát triển cho hồi kí nói riêng và văn học tự sự nói chung. Tuy nhiên, nếu hồi kí chỉ nhằm đánh bóng tên tuổi của người viết và thỏa mãn sự tò mò của đám đông thì hồi kí chẳng có ý nghĩa gì trong dòng chảy tiến bộ của xã hội.
Thực tế, những cuốn sách được chú ý của Thành Lộc, Ái Vân hoặc Thương Tín, Kim Cương đều khá mơ hồ về thể loại. Đây không phải lỗi của họ, mà chính những người chấp bút cho họ cũng không phân biệt được hồi kí khác tự truyện ra sao, và khác tiểu sử nhân vật như thế nào. Tuy nhiên, công chúng cứ tạm chấp nhận những gì họ công bố là hồi kí, thì tiêu chí để thưởng thức và đánh giá là sự thật. Có bao nhiêu phần trăm sự thật trong các cuốn hồi kí của nghệ sĩ? Không ai dám khẳng định là 100%, vì quá nhiều câu chuyện phải che giấu đi vì bản thân không đủ can đảm hoặc ngại áp lực từ cộng đồng. Do đó, điểm chung của các hồi kí là những mẩu kỉ niệm đèm đẹp và những câu vuốt ve ngọt ngào.
Thực tế, những cuốn sách được chú ý của Thành Lộc, Ái Vân hoặc Thương Tín, Kim Cương đều khá mơ hồ về thể loại. Đây không phải lỗi của họ, mà chính những người chấp bút cho họ cũng không phân biệt được hồi kí khác tự truyện ra sao, và khác tiểu sử nhân vật như thế nào. Tuy nhiên, công chúng cứ tạm chấp nhận những gì họ công bố là hồi kí, thì tiêu chí để thưởng thức và đánh giá là sự thật. Có bao nhiêu phần trăm sự thật trong các cuốn hồi kí của nghệ sĩ? Không ai dám khẳng định là 100%, vì quá nhiều câu chuyện phải che giấu đi vì bản thân không đủ can đảm hoặc ngại áp lực từ cộng đồng. Do đó, điểm chung của các hồi kí là những mẩu kỉ niệm đèm đẹp và những câu vuốt ve ngọt ngào.
Đã là hồi kí thì phải chân thành với sự thật đã diễn ra. Trừ những cuốn sách chỉ dùng khái niệm ấy như một cách đặt tên, ví dụ Hồi kí Hadrien của nhà văn Pháp Yourcenar Marguerite là một cuốn tiểu thuyết lịch sử về thời La Mã, hay tác phẩm của Marquez Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi hoàn toàn xóa nhòa hư thực để phản ánh sự quẫy đạp của phẩm giá trước mọi hoàn cảnh trớ trêu. Hồi kí không có biên độ tiết lộ sự thật, mà hồi kí đòi hỏi năng lực phô diễn sự thật. Vì vậy, cần minh định, những thị phi xung quanh Một đời giông bão (Thương Tín) không phải câu chuyện pháp lí dân sự mà là câu chuyện kĩ thuật hồi kí! Hồi kí xuất hiện rất sớm ở phương Tây, nhưng với các nước phương Đông như Việt Nam thì vẫn còn khá mới mẻ. Do đó, độc giả hơi nao núng khi đọc hồi kí mà tác giả cũng hơi mơ hồ khi viết hồi kí. Về mặt thể loại, hồi kí không có cấu trúc cố định, khác hẳn với tự truyện và tiểu sử nhân vật. Hồi kí tập trung khai thác ấn tượng lưu giữ theo năm tháng của tác giả, nên định dạng khá phong phú theo hướng khai thác tối đa cảm xúc và nhận thức cá nhân.
Dường như đang có một trào lưu xuất bản hồi kí ở những đối tượng tạm gọi là thành đạt, như nghệ sĩ hoặc doanh nhân ở nước ta. Xu hướng ấy cũng đáng ủng hộ vì hồi kí cá nhân cũng chứa đựng một phần lịch sử. Trong xã hội văn minh, hồi kí luôn là một thể loại trọng yếu để cuộc đời với trang sách song hành và thấu hiểu lẫn nhau. Chúng ta đang tập làm quen với hồi kí, vì vậy cả độc giả lẫn tác giả đều phải có chung niềm tin: Hồi kí là vũ khí giải mật cho bầu trời quá khứ, và hồi kí cũng là vũ khí giải thiêng cho bóng tối im lặng! Tuy nhiên, muốn viết hồi kí phải có phương pháp và kĩ năng, còn nếu cứ kể tràn lan kiểu đẹp khoe xấu che thì chỉ tốn giấy tốn mực mà thôi. Chính mỗi người chấp bút hoặc người hiệu đính phải biết tự phản biện những thông tin được đưa vào hồi kí, thì mới tạo được niềm tin cho mọi người về giá trị sự thật mang ra sẻ chia! Hai cuốn sách vừa xuất bản gây chú ý trên thị trường sách là Để gió cuốn đi của Ái Vân và Sống cho người, sống cho mình của Kim Cương đều tồn tại không ít bất cập!
Với Để gió cuốn đi, điều độc giả quan tâm nhất là… bảy trang bị xóa trắng trong tâm tư u uẩn: “Tôi viết ra hết, viết rồi lại run sợ, không phải run sợ vì sự thật mà cho người liên quan. Tôi cũng lo cho con trai. Cháu đã quá khổ đau khi mẹ bỏ đi. Tiếng khóc của con trai bốn tuổi và lời cháu nói khi đoàn tụ vào ba năm sau nhói vào tim, cho đến tận bây giờ. Tôi không thể làm cháu đau thêm lần nữa. Dù đã trưởng thành, cháu có lẽ vẫn chưa sẵn sàng cho chuyện này. Vì vậy cho tôi xin được giữ lại món nợ này. Tôi xin giữ lại cho cháu…”. Nếu bảy trang sách bị xóa trắng, chỉ đơn thuần là tấm lòng một người mẹ thương con thì không có gì phải day dứt. Thế nhưng, liệu động thái ngỡ chừng mang tính thủ thuật chẳng đặng đừng này có vướng mắc hệ lụy nào khác chăng?
Thập niên 80 của thế kỉ trước, truyền thông chưa phát triển như bây giờ. Những câu chuyện của Ái Vân lan đi cả nước chủ yếu qua vài dòng tin ngắn ngủi và bạt ngàn các loại tin đồn. Riêng những người ở Hà Nội dạo đó thì biết hết. Thậm chí, những người sống ở khu văn công Mai Dịch thì chẳng ai lạ lùng gì những bi kịch của Ái Vân với “tập hai”. Anh nghệ sĩ múa có đẳng cấp thường thường bậc trung ấy đã theo đuổi Ái Vân, chiều chuộng Ái Vân và bạc đãi Ái Vân thế nào, vẫn là một câu chuyện hoang mang và ớn lạnh với nhiều người. Ái Vân đã chọn giải pháp “vượt biên” để thoát khỏi cuộc hôn nhân “tập hai”. Ái Vân sang Đức với danh nghĩa giao lưu biểu diễn, rồi ở lại xứ người trong nỗi ngập tràn mong nhớ đứa con vừa tròn bốn tuổi.
Thời gian có khả năng xoa dịu mọi thứ. Bây giờ Ái Vân đã có hạnh phúc ấm áp bên cạnh người chồng thứ ba và hai đứa con trưởng thành. Quá khứ đã khép lại. Không ai nỡ kết tội quá khứ, nếu quá khứ được ngoảnh lại một cách nâng niu và mềm mỏng. Sự thật trong quá khứ hoàn toàn có thể minh bạch bằng nhiều góc độ khác nhau. Kể lại bằng thái độ nhân nhượng ra sao, kể lại với độ lùi tha thứ ra sao, sẽ giúp quá khứ được vỗ về và được thức tỉnh. Ái Vân đã trút được gánh nặng của “tập hai” khi chị về nước năm 1998. Sau tám năm lang bạt đất khách, rạn nứt của cả hai đã được hàn gắn, khi “tập hai” bay từ Hà Nội vào Sài Gòn đón Ái Vân và có cuộc trùng phùng vui vẻ. Ái Vân cho biết thêm có người nói với chị về “tập hai” rất thấm thía: “Nếu biết nó có tài thế này thì để nó làm lãnh đạo Nhà hát từ sớm, nó hết mặc cảm bị coi thường, có khi hạnh phúc chúng mày không đổ vỡ!”. Vậy thì tại sao Ái Vân không kể chuyện “tập hai” như một cơ hội để bắt tay với lầm lạc đời mình? Hơn nữa, ghen tuông và bạo hành là hai căn bệnh đang đe dọa nhiều mái ấm hiện đại. Ngày xưa chưa có Luật Hôn nhân gia đình, ngày xưa chưa có cơ chế bảo vệ phụ nữ bị bắt nạt điên cuồng, nên Ái Vân phải trốn chạy như phương pháp hữu hiệu duy nhất để được an toàn tính mạng. Nếu bây giờ Ái Vân nghiêm túc tìm cách kể hợp lí về “tập hai”, có lẽ sẽ trở thành một bài học vô cùng quý báu cho nhiều người phụ nữ đang gặp bất hạnh khác, và cũng để cảnh tỉnh bao nhiêu lỡ làng “để gió cuốn đi”.
Với Sống cho người, sống cho mình của Kim Cương, thì độc giả lại có cảm giác cuốn sách được viết hơi vội, hoặc người hiệu đính cho Kim Cương hơi non tay nghề. Kim Cương là một biểu tượng sân khấu, mà đọc hồi kí Kim Cương lại không thấy đời sống thực tế của những nghệ sĩ thời cải lương hưng thịnh và thời kịch nói phôi thai từ năm 1950 đến 1970 như thế nào. Vài thắc mắc vừa là tò mò của khán giả vừa là dẫn chứng của câu chuyện, như thù lao nghệ sĩ ra sao, những mạnh thường quân nghệ thuật lúc ấy ra sao, công chúng mộ điệu ra sao, ứng xử giữa đồng nghiệp với nhau nghĩa tình ra sao… đều mờ mịt và xa vắng. Hoặc xa hơn nữa, Kim Cương khi ấy có rất nhiều cơ hội giao lưu ở nước ngoài, thì lúc đó nghệ sĩ quốc tế nhìn nhận nghệ thuật Việt Nam ra sao, chúng ta ngang vai phải lứa với họ ra sao… Đó là điều đáng tiếc nhất, bởi cuộc đời Kim Cương là một phần của lịch sử nghệ thuật miền Nam. Người ta cần những điều ấy được minh định từ Kim Cương như những cứ liệu vững chắc nhất để đánh giá lại quá khứ, để so sánh với hiện tại và để hồi hộp với tương lai.
Một điều đáng ái ngại nữa ở hồi kí Sống cho người, sống cho mình là về mặt văn bản học. Tầm vóc như Kim Cương thì phải tuyệt đối hạn chế những trích dẫn sai lệch. Ở phần “Sân khấu & cuộc đời”, Kim Cương viết ngay trang 131: “Tôi nhớ Đức Khổng Tử có câu: Làm một thầy thuốc dở sẽ giết chết một mạng người, làm một nhà lãnh đạo dở sẽ giết chết một quốc gia, nhưng làm một nhà văn hóa dở sẽ giết chết cả một thế hệ”. Không cần chấp nê về tính chuẩn xác ngữ nghĩa, chỉ nên lưu ý Khổng Tử là “vạn thế sư biểu”, ông chỉ cảnh tỉnh “cái sai người thầy giáo sẽ làm hại muôn đời”, chứ thời đại ông sống chưa có khái niệm nhà văn hóa dở hay thế nào.
L.T.N
(Lê Thiếu Nhơn – Văn nghệ Quân đội)