“Ông vua màn ảnh rộng” một thời, nghệ sĩ Thương Tín vừa ra mắt cuốn hồi ký “Một đời giông bão” đã khiến dư luận xôn xao, thậm chí phê phán, chỉ trích gay gắt vì những gì được cho là ăn chơi trác táng, sa đọa nhất của ông cũng đã được phơi bày trong cuốn sách. Nếu là một cuốn hồi ký trải nghiệm nghiêm túc về chuyện đời, chuyện nghề của một ngôi sao từng vụt sáng thì nó rất hữu ích cho các diễn viên đàn em kế cận, vì chí ít Thương Tín cũng là một nhân vật có tiếng tăm trong ngành nghệ thuật thứ 7, với số lượng fan hâm mộ không nhỏ.

Tuy nhiên, Thương Tín hình như đã đi quá xa và “Tây hóa” khi đề cao chủ nghĩa tự nhiên vốn không dễ được chấp nhận dù là ở xứ sở cơi mở hơn như ở phương Tây, nơi các ngôi sao cũng thường viết hồi ký sau những biến cố đời mình hoặc trong những cơn “giận dữ” thậm chí “thù hận”.

Hồi ký “What Falls Away” (Những thứ đã rời xa) xuất bản năm 1997 của nữ diễn viên huyền thoại Hollywood Mia Farrow từng gây xôn xao dư luận nước Mỹ và những ai hâm mộ bà. Farrow là vợ của ca sĩ kiêm diễn viên tên tuổi Frank Sinatra và nghệ sĩ piano Andre Previn, đồng thời là người tình một thời của đạo diễn lừng danh Woody Allen.

Tự truyện của Farrow gây nhiều tranh cãi, kể về các mối quan hệ  rất phức tạp và bi kịch trong cuộc đời bà. Đặc biệt, mối quan hệ giữa Farrow với Allen gây chú ý nhất. Cuốn hồi ký có kể, trong thời gian còn yêu Farrow, vị đạo diễn đem lòng yêu đứa con gái 17 tuổi của bà, sau đó còn cưới cô làm vợ. Allen cũng bị cáo buộc quấy rối tình dục một cô con gái khác của Farrow. Nữ diễn viên từng kiện cáo và không bao giờ tha thứ cho Allen. Nội dung của hồi ký rất câu khách và đã có nhiều độc giả bầu cho cuốn tự truyện nằm ở mục rất hay.

Cuốn “My Life So Far” (Đời tôi tính đến nay) của Jane Fonda khi ra mắt năm 2005 đã nhanh chóng trở thành cuốn sách bán chạy nhất tại thời điểm đó, đồng thời cũng nằm trong danh sách những cuốn hồi ký gây nhiều tranh cãi nhất thế giới. Từng chứng kiến tội ác của không quân Mỹ tại Hà Nội trong 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12-1972, nên Jane Fonda được mang biệt danh Hanoi Jane.

Hồi ký “My Life So Far” của Jane Fonda.

Cuốn tự truyện hơn 600 trang do NXB Random House phát hành đã kể lại cuộc đời hoạt động nghệ thuật và những kỷ niệm không thể quên trong những năm tháng tham gia phong trào phản đối chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Người dân Hà Nội vẫn không thể quên hình ảnh Jane Fonda mặc áo bà ba đen, đầu đội mũ rơm chứng kiến cảnh bom Mỹ tàn phá Bệnh viện Bạch Mai và phố Khâm Thiên, Hà Nội tháng 12-1972 cùng những phát biểu của bà ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Jane Fonda càng được nhân dân Việt Nam ưu ái vì bà đặt tên Trỗi cho con trai với người chồng cũ Ted Turner, để tưởng nhớ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi của Việt Nam.

Cuốn sách của Jane Fonda trước khi chính thức phát hành thì nữ diễn viên đã xuất hiện trong chương trình “60 phút” của truyền hình Mỹ để giới thiệu nội dung cuốn tự truyện. Tạp chí Mỹ Time đã mua bản quyền trích đăng nhiều kỳ một số chương của cuốn tự truyện. Trong cuốn sách cũng đề cập Jane Fonda trải qua 3 cuộc hôn nhân với các ông chồng danh tiếng, quyền lực. Nữ minh tinh đã kể về đời sống tình dục của vợ chồng bà, chuyện ngoại tình và những suối nguồn cảm xúc ân ái.

Với người chồng đầu tiên là đạo diễn Pháp Roger Vadim, Jane Fonda kể lại những hồi ức về đời sống tình dục: “Một đêm, ông ấy về nhà mang theo một phụ nữ tóc đỏ xinh đẹp và đưa cô ta vào giường cùng tôi. Đó là một gái gọi cao cấp. Tôi không hề có ý định phản đối. Tôi lao vào cuộc quan hệ tay ba với mọi kỹ năng và sự háo hức của một nữ diễn viên từng trải”.

Với người chồng thứ ba, Ted Turner (ông chủ của CNN), Fonda miêu tả người tình luôn mang lại “những lần ân ái như suối nguồn của Versailles”. Hai người đã chia tay nhau năm 2001. Hiện nữ minh tinh từng hai lần giành giải Oscar đang hò hẹn với nhà sản xuất âm nhạc Richard Perry. “Vấn đề của tôi chỉ xoay quanh những người đàn ông. Tôi luôn cố gắng làm hài lòng những người đàn ông mà tôi yêu thương. Nhưng không bao giờ, kết quả là 100%, thì cao nhất cũng chỉ được 95% mà thôi”. Năm 2011, bà cũng cho ra mắt Hồi ký “Prime Time”. Hiện bà đang hướng tới cho ra đời những cuốn tiểu thuyết.

“Bunny Tales: Behind closed doors at the Playboy mansion” (Những chuyện cổ tích thỏ con: Đằng sau cánh cửa kín của lâu đài Playboy) là cuốn hồi ký ấn hành năm 2006 của người mẫu Izabella St. James, một trong những bạn gái của Hugh Hefner, ông chủ tạp chí Playboy được xem là một trong những cuốn sách tai tiếng của sao Hollywood. Hồi ký kể về trải nghiệm của St. James khi sống trong lâu đài Playboy chung với Hefner và nhiều người mẫu khác. Nàng “thỏ” Izabella St. James bị cho là đánh bóng tên tuổi khi tung ra cuốn hồi ký và nói rằng, sách tiết lộ những câu chuyện bí mật bên trong “lâu đài thỏ”.

Những câu chuyện trong “Bunny Tales” khiến độc giả sốc nặng, chẳng hạn, chuyện ông trùm Hefner uống thuốc kích dục Viagra 2 lần mỗi tuần vào thứ Tư và thứ Sáu, có sở thích ngủ chung với 4 cô gái mỗi lần… Các chân dài khác không tham gia vào cuộc thác loạn thì đứng xung quanh tán dương. Sau mỗi màn biểu diễn của Hefner, họ lại hét lên cổ vũ ông: “Ôi bố yêu”.

“My Adventures in Hollywood and the Secret Sex Lives of the Stars” (Cuộc phiêu lưu ở Hollywood và chuyện chăn gối của các ngôi sao) của Scotty Bowers xuất bản năm 2012. Sách dài 286 trang tiết lộ sốc về đời sống tình dục của các sao Hollywood, hàng loạt bí mật về bê bối tình dục của các huyền thoại điện ảnh Hollywood cách đây hơn nửa thế kỷ cũng được phơi bày.

Scotty cho biết, đã thu xếp một đường dây mua bán dâm bí mật cho các ngôi sao điện ảnh Hollywood nổi tiếng nhưng bị đồng tính hoặc lưỡng tính thời đó. Họ đều là những huyền thoại tên tuổi hàng đầu của thập niên 40 hiện đã qua đời như: Walter Pidgeon, Cary Grant, George Cukor, Katharine Hepburn, Rock Hudson, Vivien Leigh… Cuốn hồi ký với những sự thật trần trụi của Scotty làm người thân cũng như fan hâm mộ của những minh tinh màn bạc nổi tiếng Hollywood sốc nặng và tức giận đòi thu hồi cuốn sách.

Cuốn “Merci pour ce moment” (Cảm ơn thủa bên nhau) được xuất bản hồi tháng 9-2014  của nhà báo chuyên viết về chính trị Valérie Trierweiler, người tình cũ của Tổng thống Pháp Francois Hollande đã gây chấn động thế giới năm 2014.

Sách “High on Arrival” của Mackenzie Phillips.

Scandal tình ái lùm xùm nhất năm 2014 của đương kim Tổng thống Pháp đã được kể lại trong cuốn hồi ký của cựu Đệ nhất phu nhân này. Giờ đây, cuốn hồi ký từng gây sốt này đang sắp được chuyển thể lên màn ảnh. Cuốn sách được cho là nhằm “trả thù tình” đối với ông Francois Hollande. Đây là cuốn hồi ký bán rất chạy tại Pháp cũng như tại nhiều nước khác trên thế giới trong năm 2014.

Trong mối quan hệ kéo dài 6 năm này, dù hai người không ràng buộc bằng hôn thú nhưng bà Trierweiler luôn được coi như Đệ nhất phu nhân của nước Pháp và được hưởng tất cả những đặc quyền của một Đệ nhất phu nhân dù công luận đã nhiều lần chỉ trích. Bà cũng luôn xuất hiện bên cạnh Tổng thống trong những nghi thức cần thiết mang tầm quốc gia.

Cuộc tình của họ đã kết thúc bằng một scandal tình ái lùm xùm nhất trong năm 2014, khi ông Francois Hollande bị phát hiện đang ngoại tình với nữ diễn viên xinh đẹp Julie Gayet. Khi nhận được tin sốc này, bà Trierweiler đã bị ngất và phải vào bệnh viện cấp cứu hơn một tuần. Sau đó, dù bà Trierweiler có những động thái cứu vãn mối quan hệ, nhưng ông Hollande quyết định đi đến chấm dứt. Theo nhà sản xuất phim người Pháp Saida Jawad, hiện tại, bà Trierweiler đã đồng ý vấn đề bản quyền để chuyển thể cuốn hồi ký lên màn ảnh.

Dự án làm phim này hiện đã thu hút sự quan tâm của những công ty sản xuất phim ảnh tại Pháp và trên thế giới. “Merci Pour le Moment” đã được chuyển ngữ sang 12 thứ tiếng. Nhà sản xuất phim Saida Jawad đảm bảo rằng, khi bộ phim được chuyển thể lên màn ảnh, khán giả chắc chắn sẽ tìm thấy những điều mới mẻ so với cuốn hồi ký đã được xuất bản.

Tổng thống Holland đã phải đối mặt với những lời chỉ trích sâu cay trong cuốn hồi ký của bà Trierweiler, những lời nhận xét đó có khả năng làm xấu hình ảnh của ông trong vai trò một chính trị gia. Trả lời phỏng vấn báo chí ngay sau khi ra mắt cuốn hồi ký, bà Valerie Trierweiler luôn khẳng định rằng, cuốn sách của bà được viết ra không nhằm mục đích “trả thù tình”, ngược lại, bà Trierweiler đang cố gắng “xây dựng lại” bản thân mình bằng cách viết cuốn hồi ký. Bà Trierweiler còn chia sẻ rằng, bà hy vọng cuốn sách sẽ mang đến cho ông Holland “một cú choáng váng” và sẽ “giúp ông ấy nhìn thấy những lỗi sai mà ông ấy đã gây ra, để ông ta thấy rằng nên dừng những việc làm ấy lại”.

Tuy nhiên dù phương Đông hay phương Tây thì những cuốn hồi ký, hay tự truyện đề cập đến chuyện chăn gối, và những mối quan hệ tình ái trong quá khứ giật gân câu khách để bán lấy tiền của chủ nhân hồi ký thì cũng làm đau lòng không ít những kẻ trong cuộc. Hi vọng các nghệ sĩ, những người nổi tiếng ở Việt Nam hãy lấy bài học của Thương Tín cho mình nếu có ý định viết hồi ký trong tương lai.

Theo Trường Minh – Văn nghệ công an

Exit mobile version