Charles de Gaulle là vị tướng kiêm chính trị gia người Pháp. Ông lãnh đạo phong trào nước Pháp tự do trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 và là nhà kiến trúc đại tài, xây dựng nên Đệ ngũ Cộng hòa. Charles de Gaulle sinh ngày 22- 11-1890 tại Lille và lớn lên tại Paris, nơi cha ông làm giáo sư Sử học. Tuy nhiên, de Gaulle không nối nghiệp cha mà lựa chọn binh nghiệp. Ông đã chiến đấu can trường trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất.


Bộ 3 cuốn Hồi ký chiến tranh(*) là những tâm sự chân thành của tướng Charles de Gaulle về con đường ông đã trải qua để vực dậy nước Pháp. Qua ngòi bút bậc thầy, hiện thân của nền văn học hiện đại Pháp, chúng ta cảm nhận được lòng yêu nước sắt son của de Gaulle, sự đơn độc mà ông đã trải qua khi những dự đoán, phân tích và đề xuất thống thiết của ông với nhà nước đều bị chối bỏ, nỗi gian truân và cả sự thất vọng trong những ngày tháng tha hương. Với những ảnh hưởng lớn về tư tưởng mà ông đã để lại trên chính trường nước Pháp cho đến ngày nay, cuốn sách này là một kho tư liệu quý nhằm diễn giải những lý do đằng sau những hành động của vị tướng đồng thời cũng là một vị chính khách tài ba này.


Tập đầu trong bộ 3 tập Hồi ký chiến tranh của tướng de Gaulle có tiêu đề Tổ quốc gọi tên được xuất bản năm 1954, năm kết thúc chiến tranh Đông Dương. Với một “tư tưởng nào đó” về nước Pháp và Pháp ngữ, tác giả – người rút lui khỏi chính trường vào năm 1946, làm nổi bật trong cuốn sách các cuộc chiến chính trị và quân sự của nước Pháp tự do trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2, từ năm 1940 đến năm 1942. Ngay sau khi xuất bản, cuốn sách thành công vang dội tại Pháp. Với lối viết tao nhã đầy tính văn chương của một vị tướng từng vào sinh ra tử đã lập tức khiến Hồi ký chiến tranh được công nhận là cuốn sách kinh điển trong nền văn học hiện đại Pháp. Không những thế, cuốn sách còn được đề cử giải thưởng Nobel Văn học năm 1963.


Charles de Gaulle đã bộc bạch tình cảm của mình qua những trang viết cảm động: “Trọn đời tôi, tôi luôn nghĩ về nước Pháp với một niềm đinh ninh được vun bồi bằng cả tình cảm lẫn lý trí. Một cách tự nhiên, con người tình cảm trong tôi hình dung rằng nước Pháp, giống như nàng công chúa trong những câu chuyện cổ tích hay Đức Mẹ trên những bức bích họa, đã được định sẵn một số phận cao quý và phi thường. Bằng trực giác, tôi có cảm tưởng rằng đấng sáng thế đã tạo nên người cho những thành công tuyệt đích hoặc những nghịch cảnh tận cùng. Nếu trong hành động của người có dấu vết của sự tầm thường thì với tôi, đó là một ngoại lệ kỳ quặc do lỗi của người Pháp gây nên chứ không nằm ở linh hồn tổ quốc. Nhưng con người lý trí trong tôi cũng lại cho tôi thấy rằng nước Pháp chỉ thật sự là chính mình khi ở hàng đầu; rằng chỉ có những sự nghiệp lớn lao mới có thể bù đắp cho những mầm mống chia rẽ nơi bản thân dân tộc; rằng đất nước tôi, như người vẫn thế, ở giữa những quốc gia khác, như họ vẫn vậy, trước những hiểm nguy chết người vẫn phải hiên ngang đứng thẳng và vươn cao. Tóm lại theo tôi, nước Pháp không thể là nước Pháp thiếu sự vĩ đại…”.


(*)  Công ty sách Alpha và Nhà xuất bản Thế giới ấn hành
Theo Văn nghệ trẻ Online