TVVHĐ – Hội chợ – Triển lãm sách Paris là địa chỉ gặp gỡ tri âm số một toàn cầu của công chúng muôn phương và những người làm ra sách để phục vụ họ. Trong những người làm ra sách, quan trọng nhất là các nghệ sỹ ngôn từ và các nhà xuất bản. Khởi xướng Hội trợ -Triển lãm từ năm 1981, Công đoàn xuất bản quốc gia Pháp đã có định hướng đúng đắn và vẫn duy trì nó một cách kiên trì. Định hướng đó là tôn vinh kiến thức nói chung và kiến thức làm người nói riêng, thông qua những hoạt động đa dạng như đọc sách, giới thiệu tác phẩm và tác giả, giao lưu giữa người viết và người đọc, ký tặng sách, hội thảo, thi sáng tác và hiểu biết về sách tại chỗ…nhằm khích lệ và thúc đẩy việc đọc sách mà hai nhân vật chủ chốt là nhà văn và độc giả. Thời gian đầu, Hội chợ-Triển lãm mở tại khu Đại Cung điện. Sau đó, do lượng khách dự  tăng lên quá đông, từ năm 1992, nó được chuyển tới Khu triển lãm cửa Versailles. Diện tích nó được sử dụng lên tới 55.000 mét vuông. Hội chợ-Triển lãm sách Paris diễn ra vào tháng ba hàng năm, trong năm ngày, với từ 1.000 tới 1.200 gian trưng bày, dành cho nước chủ nhà Pháp và tối thiểu 25 nước bè bạn. Mỗi gian thường là của một nhà xuất bản. Không hiếm khi nhiều nhà xuất bản nhỏ hợp lực mới thuê nổi một gian, vì tiền thuê không nhỏ chút nào (Hiện là 5.000 euros/m2) .Mỗi kỳ “hội chợ” đón tiếp từ 1.500 đến 2.000 nhà văn. Hiển nhiên, năm nào cũng mời những Ngòi bút vàng. Khách dự thì dao động gĩưa 150.000 và 250.000 người. Về đại thể, mỗi kỳ triển lãm hội chợ, ban tổ chức mời một quốc gia làm khách danh dự, chủ yếu là các cường quốc Âu Mỹ, thậm chí có nước được làm khách như vậy hai lần, ví dụ Italia, Đức, Ấn Độ. Hai kỳ đông đảo nhất là năm 2000 với khách mời danh dự  là Bồ Đào Nha và 2001, khách danh dự: Cộng hòa liên bang Đức. Lấn cấn nhất là 2008, với khách mời danh dự là Israel.


Đáng chú ý, dường như vô tình, Hội chợ-Triển lãm sách Paris gắn bó chặt chẽ với đời sống chính trị hành tinh. Sự thật, chưa sự kiện văn hóa nào được các chính khách, đặc biệt là các nhà lãnh đạo cấp cao và nguyên thủ quốc gia quan tâm nhiều như Hội chợ-Triển lãm này. Bộ trưởng văn hóa Pháp Jack Lang khai mạc kỳ đầu tiên, 1981. Năm sau, tổng thống Pháp bấy giờ Francois Mitterand đến dự. Năm 1987, ông Valery Giscard d’Estaing, nguyên tổng thống Pháp và đương kim chủ tịch Hội vì nền cộng hòa hiện diện tại Hội chợ-Triển lãm. Hoạt động văn hóa thực sự  hấp dẫn này từng hai lần đón tiếp ông Jacques Chirac như nhân vật trụ cột. Năm 1989, ông được mời với tư cách Thị trưởng Paris. Năm 2001, trên tư thế tổng thống nước chủ nhà, ông cùng tổng thống Gerhard Schroder của Cộng hòa Liên bang Đức, khách mời danh dự, cắt băng khai mạc. Sự chú mục tuồng như thái quá của giới chính trị chóp bu có lẽ đã bị giới làm sách và công chúng văn hóa đọc hiểu lầm. Vì thế, năm 2010, biết ban tổ chức mời Thổ Nhĩ kỳ làm khách danh dự, nhiều tổ chức và cá nhân chỉ trích kịch liệt, đến mức, ban chủ trì Hội chợ-Triển lãm phải hủy quyết định đó, và chuyển chủ đề kỳ hội năm ấy thành kỷ niệm mười năm sự kiện. Song sự vụng về đã lộ rõ và không cứu vãn được tình hình. Nhiều nhà sách lớn của Pháp từ chối tham gia hoặc giảm gian trưng bày sách và các hoạt động quen thuộc. Lượng khách tham dự sụt đi nhiều và Hội chợ-Triển lãm coi như không thành công. Thất bại lớn hơn là năm 2008. Khách năm ấy thấp nhất trong lịch sử  Hội chợ-Triển lãm. Khách mời danh dự năm ấy, Israel – mà ban tổ chức phải nhấn mạnh là “văn học Isrrael” chứ không phải “nhà nước Isrrael” được mời – đã dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ, từ Palestine qua hầu như cả thế giới A rập. Đã thế, Israel lại chuẩn bị đối phó bằng mạng lưới cảnh sát dày đặc, cùng các biện pháp an ninh ngặt nghèo. Bất chấp nỗ lực của ban tổ chức và của Khách danh dự, kỳ hội năm ấy vẫn buồn nhiều hơn vui và không tránh được những sự cố đáng tiếc. Ngày 16 tháng ba, Tổng thống Israel Shimon Perez đang đọc diễn văn khai mạc thì một tấm áp phích bay tới, súyt trúng vào đầu. Rồi một cuộc báo động cài bom, về sau biết là nhầm lẫn, dẫn đến chuyện toàn bộ khách dự phải sơ tán khỏi khu vực Hội chợ-Triển lãm.

Cần ghi nhận đóng góp không nhỏ của các nhà văn cho sức lôi cuốn không cưỡng nổi của Hội chợ-Triển lãm sách Paris. Sự có mặt của George Amado (1998), Tahar Ben Jeloun (1999), Doris Lessing (2010), Anna Gavalda (hai lần, 2008 và 2010), Umberto Eco (bốn lần, 2010, 2002, 2000, 1994)…làm cho Hội chợ-Triển lãm như bừng sáng kỳ ảo. Mấy cuộc trao đổi của Carlos Fuente năm 2009 luôn chật cứng khách dự. Cây bút nữ người Bỉ Amélie Nothomb mấy năm nay vẫn được rất nhiều độc giả chờ ký tặng sách, có khi xếp hàng dài một, hai giờ. Ấn tượng mãi không phai mờ là sự  xuất hiện của Salma Rushdie ở Hội chợ-Triển lãm năm 1995. Đang bị bản án tử hình của thế giới Đạo Hồi cực đoan treo trên đầu khắp các châu lục từ năm 1989, ông vì văn học và công chúng văn học, đến với họ thật đĩnh đạc và đường hoàng. Sự chú ý tới Hội chợ-Triển lãm của giới chính trị thượng đỉnh và của giới văn bút toàn cầu  cho thấy vai trò cốt tử của sách, rằng sách và văn hóa đọc là cần thiết và gần gũi với con người hơn mọi loại hình nghệ thuật. Những “bê bối” nêu ở phần trên thực chất là đòi hỏi quá cao ở văn học, tuồng như văn học chỉ đạo được hết thảy. Suy cho cùng là như vậy. Song theo các chuyên gia mẫn cán và đáng tin cậy nhất, sự dẫn dắt đời sống và con người của văn học là quanh co và gián tiếp hơn nhiều. Họ theo rõi liên tục Hội chợ-Triển lãm và đưa ra những thực tế đáng mừng và những con số biết nói. Nếu trong âm nhạc, Internet đang bóp chết đĩa ghi âm thì trong văn chương, sách in truyền thống vẫn là chúa tể. Trên thị trường sách Pháp mỗi năm, trong khoảng 400 triệu bản sách tiêu thụ, chỉ chùng 30 triệu bản bán được qua mạng, chiếm 6 %. Qua thăm dò, chưa đến 5 % người yêu sách đọc chúng trên màn hình vi tính. Đa phần vẫn thích được ngắm nhìn, sờ vào sách và lật giở vài trang tại các điểm bán, và khi về nhà thì thích thú đọc từng trang như đọc thư tình. Như vậy, Internet vẫn chỉ là phụ tá chứ không  lấn lướt hay áp đảo được sách in vốn đã bao đời thân thiết với người đọc.

Hai phần ba dân Pháp đọc gần năm cuốn cả năm. 9% đọc trung bình mỗi tháng một cuốn. Số này giữ nguyên qua nhiều năm. Về những người chăm đọc sách, phái đẹp đọc nhiều nhất (42% phụ nữ đọc hơn 6 cuốn một năm, trong  trong khi phái mạnh chỉ 26%). Viên chức nhà nước đứng đầu bảng hay đọc, xét theo ngành nghề. Thứ hai là người về hưu, thứ ba, các bà nội trợ. Về việc chọn sách để đọc, hai phần ba độc giả chọn đọc theo chủ đề, một phần ba theo tác giả. Lời khuyên của bạn hữu hoặc người thân có tính quyết định việc lựa chọn sách đối với 31% người đọc. 6%, dựa theo tư vấn của các hiệu sách hay người bán sách. Trái với ý nghĩ quen thuộc rằng các giải thưởng văn chương tôn thêm giá trị sách văn chương lên rất nhiều, thực tế, các giải thưởng ấy hầu không đóng vai trò gì đáng kể trong việc chọn sách để đọc. Duy chỉ 1% độc giả quyết định mua một cuốn sách vì nó đoạt một giải nào đó. Về mục đích đọc, 51% người được hỏi cho biết họ đọc để “giải trí hay thư giãn”. 49%, “để học hỏi và chiêm nghiệm”. Xin lưu ý, chỉ 14% đọc để “được cười”, 8% để “biệt lập với người khác”, 4% để được “thót tim”. Những thông tin này là vô cùng quý báu cho giới sáng tác, nhất là các nhà chuyên viết truyện ngắn hay tiểu thuyết. Chúng xác nhận lý do vì sao các nhà cổ điển thế kỷ 18 và 19, như La Fontaine, Hugo, Baudelaire, Zola, Flaubert, đặc biệt là Maupassant, cũng như các nhà kinh điển thế kỷ 20, Antoine de Saint-Exupéry, Marcel Proust, Jacques Prevert hay Albert Camus, vẫn được hâm mộ phi thường. Các tác giả đang nói vẫn ngang ngửa với những cây bút ăn khách nhất hiện thời.

Xét về xu hướng đọc, mảng sách công cụ (từ điển, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nói chung, hướng dẫn du lịch) suy giảm về tiêu thụ. Mảng nhà trường ổn định. Mảng văn học thường khởi sắc hơn nhiều. Các cây bút Pháp đang có sách bán chạy nhất trong và ngoài Hội chợ-Triển lãm sách Paris là Marc Lévy, Marc Lévy, Guillaume Musso, đặc biệt Anna Gavalda và Michel Houellebecq, giải Goncourt 2010. Theo nhiều nhà nghiên cứu và phê bình sừng sỏ, không khó để nhận ra rằng, những tên tuổi vừa nêu trên sở dĩ “mê hoặc” độc giả đến thế vì họ đã biết đổi mới văn chương trên nền tảng nhân bản là linh hồn của nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng. Các văn sỹ trẻ Marc Lévy, Guillaume Musso nỗ lực viết thật dễ hiểu, nhẹ nhàng về những chuyện gần gũi, nhưng không tầm thường mà thiết cốt, với những rung động trong sáng, cao thượng và quan trọng nhất là chân thực. Anna Gavalda và Michel Houllebecq tiếp nối truyền thống cổ điển rực rỡ của Văn học Pháp thế kỷ 19, với những đổi mới đầy triển vọng, dù họ chưa hiến được cho độc giả những tác phẩm khổng lồ như của những nhà cổ điển vừa được đề cập.  Cả bốn không cậy nhờ tới hóc hiểm, ly kỳ hay mùi mẫn, vốn là những chiêu câu khách rẻ tiền và “tiết kiệm” đáng kể công sức cho “nhà sáng tạo”. Dĩ nhiên, bốn nhân vật đang được chú ý bậc nhất trên văn đàn không chỉ của Pháp đó có đứng lại được với thời gian hay không lại là chuyện khác, ngay giờ phút này thật khó đoán định. Tại Hội chợ-Triển lãm Paris, ba tác giả ngoại quốc vẫn khiến làng văn thế giới sững sờ. Ấy là “nàng” Hoa Kỳ Stephenie Meyer và hai “chàng” Thụy Điển Stig Larsson và Henning Mankell. Đáng ngạc nhiên, cả ba đều nổi đình đám không phải với loại hình tự sự cổ điển được coi là chủ lực, mà với loại hình theo quan niệm chung là hạng hai hoặc hạng ba. Có lẽ họ muốn kết hợp cho được sự sâu xa của tư tưởng của chủ nghĩa cổ điển và tính ăn khách của văn trinh thám hay ma cà rồng. Sự nghiệp của ba người được hiểu như bước quá độ tất yếu lên một chủ nghĩa cổ điển mới ?  Với bộ tiểu thuyết Chạng vạng, Stephenie Meyer đã sáng tạo Edward, “con quỷ hút máu đồng loại” mới toanh, một nhân vật thời đại, một biểu tượng choáng váng của người Mỹ vốn đang bị soi mói hiện giờ. Qua Edward, cây viết trẻ chỉ ra thật xúc động và hùng hồn những phẩm chất cơ bản của nhân dân Hoa Kỳ, nổi bật là khát vọng chối bỏ các ác và sống vì đồng loại.

Tiểu thuyết bộ ba Thời hoàng kim (tạm dịch Millenium) của Stig Larsson (1954-2004) có thể được ghi nhận như một cú hích, nếu không muốn nói là một bước ngoặt, đối với không chỉ văn học Bắc Âu, mà cả văn học Lục địa già. Sau năm năm ra mắt, tới nay, nó đã đạt con số phát hành đáng gờm: 52 triệu bản (mỗi bản 2.000 trang khổ thường) qua gần 30 ngôn ngữ thế giới. Khác hẳn loại “tiểu thuyết vỉa hè”, kiểu Mật mã Da Vinci, nó được xưng tụng như một tác phẩm cổ điển mới lạ, có khả năng mở đường cho một cuộc cách mạng văn học. Thành công đến khó tin của nó đã đưa đến quyết định đổi mởi thể thức hoạt động của Hội chợ-Triển lãm sách Paris. Năm 2011, lần đầu tiên, ban tổ chức mời khách danh dự không phải một nước như truyền thống mà tới năm nước. Đấy là năm nước Bắc Âu, Ai-len, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và Thụy Điển. Năm nước có điểm chung: 1.Hiện vẫn được xếp vào 10 nước hạnh phúc nhất toàn cầu; 2. Loại hình trinh thám hình sự nở rộ và trở thành một đặc sản văn chương đang vượt qua loại hình ấy của Hoa Kỳ. Bốn mươi nhà văn Bắc Âu được mời tới Hội chợ-Triển lãm. Trung tâm của giao lưu năm nay là cây bút Thụy Điển lừng danh Henning Mankell và “Chín nữ hoàng Phương Bắc”, hầu hết còn trẻ. Văn học Bắc Âu được bàn tán đặc biệt sôi nổi. Sôi nổi nhất trước hết là cuộc cách tân ngoạn mục của Stig Larsson trong Thời hoàng kim hút hồn. Không lặp lại những chuyện giật gân, kiểu bàn tính mưu mô, hăm dọa, đuổi bắt, chém giết tàn bạo, yêng hùng… quen thuộc trong vô số sách trinh thám xưa nay, bộ tiểu thuyết “núp bóng hình sự” này phát lộ những con người hiện đại đáng khâm phục và noi theo cũng như sự thật đáng báo động về mộ xã hội lâu nay vẫn được xem là hoàn toàn tốt đẹp. Cô gái có vẻ bụi đời Lisbeth Salander rất giỏi vi tính và tin học. Cô đã kết hợp với viên cảnh sát điều tra Mikael Blomkvist để dần dần lần ra dấu vết vụ phạm pháp tưởng không sao làm sáng tỏ được. Thắng lợi của họ có được, phần nhờ tính quyết đoán và cương quyết truy tìm tội phạm đến cùng, phần nhờ sự giúp đỡ của nhiều người dân mà họ tiếp xúc. Giống cô gái bụi đời, viên cảnh sát điều tra cũng có những điều không hoàn thiện, dưới mắt người đời. Song cả hai tỏ rõ là những người biết điều, chân thực, giàu lòng nhân ái, vị tha và đại lượng. Hai nhân vật hư cấu được miêu tả sinh động đến nỗi không ít độc giả tưởng họ là hai con người bằng xương bằng thịt đang sống xung quanh mình. Thành tựu văn chương cùng loại xưa nay vốn hy hữu. Nó tạo nên hấp lực vui mừng của bộ sách dày sụ. Nếu bộ Harry Potter hấp dẫn chủ yếu thanh thiếu niên, thì  độc giả của Thời hoàng kim đa phần người lớn,  nhất là dân lao động. Từ các bậc bảy tám mươi tuổi tới các học sinh trung học, người thì đọc đến quên cả công việc hay gia đình, kẻ thì bỏ tất cả đấy, đọc liền tù tỳ tám ngày cho hết 2.000 trang. Một số tiếc rằng câu chuyện không được tiếp tục. Sinh thời, dù bản thảo còn ở nhà, Stig Larsson đã rất kiêu hãnh về tác phẩm của ông, và tin rằng nó sẽ được đón nhận nồng nhiệt và đứng lại được trên văn đàn.

Một lý do để ông tin và người đọc tiếc như thế là những khám phá xã hội chân thực đến như  kỳ lạ. Những khám phá thận trọng mà đúng đắn đó bộc lộ những mặt chưa ổn của xã hội Thụy Điển, một đất nước nằm ngoài cuộc Đại chiến II, một mô hình dân chủ nổi tiếng mẫu mực. Nhiều năm liền, Tổ quốc quê hương của Stig Larsson, do sự an bình và chất nhân văn rất cao, đã thành một miền Đất hứa và dân nhập cư tăng lên vùn vụt, có khu vực lên tới 15 % dân số. Nhiều tệ nạn và lối sống xa lạ, thậm chí phản dân chủ và nhân đạo,  nhập vào. Tiêu cực muôn mặt đâm chồi nảy lộc. Mảnh đất màu mỡ cho trinh thám hình sự vậy là xuất hiện. Cơn sốt truyện vụ án bùng lên ở Phương Bắc. Dĩ nhiên, mục đích ban đầu của các cây bút nặng lòng với Xứ sở thần tiên của họ là báo động về sự  xuống cấp văn hóa và văn minh của quê hương mình. Đã vang lên không phải ở một nơi hay trong một thời điểm tại các quốc gia thường bé nhỏ của Phương Bắc câu hỏi hối thúc được trả lời: “Ai đã giết chết Bán đẩo scandinave đức hạnh ?”. Lời đáp lúc đầu kết tinh thành nhiều cuốn tự sự giàu chất hiện thực, khiến cho không ít nhà nghiên cứu thốt lên rằng trên thiên đường, tội ác vẫn có thể lộ diện. Sự độc đáo này được đón tiếp tức thì. Trước tiên ở Đức  Hà Lan và Đức. Pháp chậm chân hơn, thứ  ba. Mấy  năm nay, tiểu thuyết trinh thám hình sự Bắc Âu ồ ạt đổ vào phần châu Âu còn lại. Tiền của đổ về và người ta đua nhau viết về chuyện ân oán giang hồ. Các chuẩn mực bị phá bỏ. Không hiếm người hám lợi lao vào thứ văn cốt ly kỳ, bất chấp nhớp nhúa và phản cảm. Chính ở những cuộc thảo luận về tự  sự trinh thám Bắc Âu tại Hội chợ-Triển lãm sách Paris vừa rồi, công chúng được biết rằng nhà văn Lars Kepler thực ra là bút danh của một đôi vợ chồng đều là giáo sư văn học, trước mỗi người từng công bố riêng những trước tác đáng trân trọng nhưng ít người đọc, giờ viết chung chuyện câu khách để kiếm nhiều tiền.

Họ cũng biết thêm rằng dư luận Thụy Điển tỏ ý lo lắng cho hình ảnh Đất nước tươi đẹp của Nobel, Lagerlof, Strindberg hay Fifi Brindacier đang bị loại hình giật gân ăn khách bóp méo. Và với Thời hoàng kim, – thực chất là tái khẳng định bản lĩnh thánh thiện khác biệt của con người Thụy Điển – , Stig Larsson đã tìm được cách khắc phục vấn nạn đó một cách thần tình. Hơn thế nữa, Hội chợ-Triển lãm Paris như nhắc nhở rằng bộ phận văn giới Thụy Điển và Phương Bắc lầm lạc cần tỉnh ngộ, đi theo con đường của Stig Larsson, chí ít cũng quay lại tự sự hiện thực đượm chất thơ huyền ảo truyền thống vẫn đang được các cây bút trẻ theo đuổi. Hai trong chín nữ hoàng Bắc Âu trong Hội chợ-Triển lãm 2011 là Sara Stridsberg, Thụy Điển, và Sofi Oksanen, Phần Lan, đều mới trên hai mươi, hai tiểu thuyết đầu tay đều được khách dự khen ngợi và đón nhận. Thực chất của văn học Bắc Âu hiện tại, với những trăn trở nặng tình, là bí mật thành công ngoài dự kiến của Hội chợ-Triển lãm sách Paris năm nay. Hội chợ rút ngắn một ngày, nhưng khách tham gia lên tới trên 180.000 người. Đọng lại trong lòng những người đã tới đó là sự theo rõi sát sao đời sống văn chương thế giới và kịp thời phát hiện những vấn đề nổi cộm…

Nhật Thảo Quân – Quảng