Học viết văn đã trở thành một ngành kinh doanh xa xỉ, một năm học giá 50 nghìn USD với 10 ngày đến một tháng ở Paris.


Một hiệu sách Shakespeare & Company.

Một chiều mùa hè, bên ngoài một hiệu sách Shakespeare & Company bên bờ sông Seine ở Paris, một nhóm sinh viên viết văn của Mỹ đang ngồi nghe đọc sách. Họ là sinh viên sáng tác của Đại học New York (NYU), trong chương trình học của họ có tour đi Paris một tháng – để “nhúng” mình vào không khí văn chương của Paris. Các quán café, phòng tranh, các buổi đọc sách và đường phố Paris trở thành chất liệu cho các tác phẩm văn thơ của họ.

Nhưng sự khác biệt mà chuyến đi viết ở Paris đem lại là gì? Deborah Landau, nhà thơ, giám đốc chương trình sáng tác của NYU đáp: “Thoát khỏi cái quen thuộc là điều rất tốt. Bạn sẽ nhìn thế giới một cách mới mẻ, cực kỳ tươi mới. Paris luôn là thành phố của những người viết. Nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ đã đổ tới Paris để tìm kiếm cảm hứng và bạn văn”. Bà cho rằng sinh viên sẽ được truyền cảm hứng bởi thứ tinh thần đó của Paris – từ ẩm thực, rượu vang, nghệ thuật, âm nhạc cho tới các hiệu sách nhỏ. Sinh viên ở đây cũng được rất nhiều nhà văn và nhà thơ đến thỉnh giảng.

Ngoài khóa toàn thời gian, NYU còn mở những khóa sau đại học với thời gian học cường độ cao nhưng cũng có 10 ngày ở Paris. Cây bút tiểu thuyết Helen Schulman nói rằng 10 ngày đó chính là thời gian tạo sự khác biệt: “Họ sẽ tách biệt hẳn khỏi gia đình, công việc, mọi sức ép, có cơ hội theo đuổi giấc mơ được viết. Còn với người trưởng thành, đây là cách mà họ vẫn được viết mà không phải rời bỏ công việc hoặc gia đình”.

Các cây viết trẻ ngày nay đến Paris cũng giống như các bậc tiền bối văn chương đã làm, từ James Joyce, Ernest Hemingway đến Francis Scott Fitzgerald và Samuel Beckett… Hiệu sách Shakespeare & Company ở khu Latinh, nơi sinh viên NYU sử dụng là sự kết nối sống với di sản đó. Hiệu sách bây giờ là hiện thân thứ hai của di sản. Trước đây, hiệu sách thuộc quyền điều hành của Sylvia Beach, một người bán sách sinh ra tại Mỹ, người đã xuất bản tác phẩm “Ulysses” của James Joyce từ năm 1922. Các nhà văn như Hemingway và Fitzerald hay lui tới đây, trước khi hiệu sách bị đóng cửa trong thời kỳ phát xít Đức chiếm đóng. Khi Sylvia Beach chết, tên hiệu sách và cam kết của nó với các nhà văn được chuyển giao cho một người bán sách gốc Mỹ khác ở Paris – George Whitman.

Giờ đây, con gái ông là Sylvia Whitman điều hành hiệu sách. Trông nó có vẻ cũ kỹ nhưng ăn hình, một nơi chốn mà bạn còn muốn dùng làm bối cảnh phim. Trên thực tế, đạo diễn Mỹ Woody Allen đã lấy hiệu sách làm bối cảnh cho bộ phim ma “Nửa đêm ở Paris” của ông. Trong thư viện của hiệu sách có cả những cuốn sách từng thuộc về các nhà văn như Graham Greene hay Jean Paul Sartre.

Vẫn chưa hết. Các nhà văn trẻ có thể ở đây miễn phí – và hàng nghìn người đã ở nhờ như vậy trong những thập kỷ qua. Sylvia Whitman cho biết: “Chúng tôi cố gắng giúp họ, cho họ một cái giường, chút ít đồ ăn uống, trở thành nhà của họ khi họ xa nhà. Chúng tôi có thể thương mại hóa việc này, nhưng vẫn còn những điều quan trọng hơn thế”.

Trước đây, dưới thời Sylvia Beach điều hành, hiệu sách đã phải đóng cửa vì bà từ chối bán bản cuối cùng cuốn “Finnegan’s Wake” của nhà văn Ireland James Joyce cho một sĩ quan Đức. Và ta có ấn tượng rằng bất kỳ quan chức nào xâm phạm hiệu sách ngày nay cũng sẽ bị đối xử như vậy.

Ý tưởng đưa sinh viên sang Paris cũng phản ánh cuộc cạnh tranh giữa các khóa học sáng tác nhiều chưa từng thấy. Riêng ở Anh, hiện nay có hơn 700 loại bằng cấp khác nhau về viết lách được đưa ra chào hàng, thường là viết kết hợp với một bộ môn khác – chẳng hạn kiểm toán và sáng tác, nhân sinh học và sáng tác, quản lý thể thao và sáng tác. Trong nhiều năm, gần như nơi duy nhất ở Anh cấp bằng sáng tác là Đại học East Anglia, nơi bắt đầu dạy các khóa viết từ năm 1970. Song giám đốc chương trình sáng tác của trường – tiểu thuyết gia Andrew Cowan cho biết, trong 15 năm qua môn học này đã phát triển nhanh chóng, sáng tác đã có vị thế trong công nghiệp xuất bản.

Hemingway đã viết về Paris thế này: “Nếu bạn may mắn được sống ở Paris khi còn trẻ, thì rồi sau này bạn có đi đâu, quãng thời gian đó sẽ luôn bên bạn”.

Bảo Chi (Theo BBC)