Tôi có may mắn được làm việc báo chí trong một thời gian khá dài với nhà văn lớn Tô Hoài! Được đọc nhiều bản thảo chép tay còn tươi màu mực của ông; được tới nhà ông ở phố Đoàn Nhữ Hài nói chuyện bài vở; có lần còn được ông nhận lời mời, cùng ngồi nhâm nhi vài chai Trúc Bạch bên Hồ Thiền Quang gần nhà ông. Còn một may mắn khác, trước đó, năm cuối đại học Sư phạm thời sơ tán bom Mỹ, tôi trọ học ngay trong nhà một người bà con với Tô Hoài, ngôi nhà cổ nhất làng Yên Thái đất Bưởi, giáp với làng Nghĩa Đô của ông.

Nhà văn Tô Hoài

Những bản thảo Tô Hoài gửi tới tạp chí Thế Giới Mới ngày ấy, đều là những trang viết tay. Đều cùng một khổ giấy – nói theo người miền Bắc thời bao cấp, giấy tập “năm hào hai” chỉ có dòng kẻ ngang. Hơn 10 năm đọc bản thảo Tô Hoài, tôi chưa thấy bản thảo đánh máy nào, cho dù, khi ông gửi cho những chương cuối cùng của tiểu thuyết tự truyện Chiều chiều là lúc máy vi tính đã thành thời thượng. Không biết đó là bảo thủ hay tự tin, chỉ biết, ngoài chuyện nói không với máy vi tình, Tô Hoài còn có tên trong câu lạc bộ những người không xem ti vi! Đó là cách ông dành thời gian cho việt đọc, viết và đi thực tế của một nhà văn chuyên nghiệp. Là cách tăng hiệu suất công việc cho lao động nhà văn.

Về chuyện viết, ông tiết kiệm từng nét bút, để viết được nhanh và nhiều. Nếu ai chưa đọc bản thảo viết tay của Tô Hoài sẽ không biết, cho tới những trang cuối cùng của đời mình ông không dùng phụ âm ngh một con chữ chính danh của tiếng Việt. Trong bản thảo bài Quái thai nhà nghỉ thực hiện trên những tờ “năm hào ai” đã thành A4 không dòng kẻ mà ai đấy đã đánh máy mặt trước, Tô Hoài viết lên mặt sau: “…nhà săm có ngĩa bóng là nhà chứa gái điếm. Nhà ngỉ, nhà trọ, nhà săm đều khiến người ta mường tượng đến những nơi lang chạ, đầu đường xó chợ”. Chẳng những bớt một chữ h theo kiểu ấy, Tô Hoài còn đẩy nhanh tốc độ viết bằng cách tất cả các chữ g trong phụ âm gi, ông chỉ buông một nét sổ có độ lượn nhất định, bỏ hẳn nét tròn ai cũng phải viết, nếu muốn đúng chính tả! Nhưng Tô Hoài (trong những chữ nhất định) đã…xin lỗi chính tả, ông viết như chính ông. Ông đã lớn tới mức, không chỉ những người làm sách phải theo để được sửa giúp, mà đông đảo bạn đọc cũng chấp nhận khi bỏ tiền mua thêm một quyển Dế mèn phiếu lưu ký nữa dù nhà đã có nhiều “dế mèn”, khi tiểu thuyết du kí này xuất bản dưới dạng để nguyên chữ viết tay (cả những chữ “sai chính tả” làm duyên) của tác giả trên những trang sách in. Không biết có phải Tô Hoài là tác giả duy nhất được tôn vinh kiểu nay, nhưng biết chắc, bản in dế mèn viết tay, là một cuốn sách đẹp vào loại nhất của nhà xuất bản Kim Đồng – đơn vị mà Tô Hoài là một thành viên sáng lập, là người đặt tên.

Bằng cách viết như chạy trên đường chữ, chạy hằng ngày như thế, Tô Hoài đã sớm tới được vạch đích bậc thầy tiếng Việt. Ông là nhà văn có các bài đinh ở sách Tiếng Việt của tất cả các cấp học, từ tiểu học tới đại học. Ông thầy chữ này, đúng là người biết mười dạy một. Hãy học một bài ông dạy học sinh lớp 5, chỉ một tính từ chỉ màu sắc thôi, chữ vàng:

QUANG CẢNH NGÀY MÙA

Mùa đông, giữa ngày mùa, làng quê toàn màu vàng- những màu vàng rất khác nhau.

Có lẽ bắt đầu từ những đêm sương sa thì bóng tối đã hơi cứng và sáng ngày ra thì trông thấy màu trời có vàng hơn thường khi. Màu lúa chín dưới đồng vàng xuộm lại. Nắng nhạt ngả màu vàng hoe. Trong vườn, lắc lư những chùm quả xoan vàng lịm không trông thấy cuống, như những chuỗi tràng hạt bồ đề treo lơ lửng. Từng chiếc lá mít vàng ối. Tàu đu đủ, chiếc lá sắn héo lại mở năm cánh vàng tươi. Buồng chuối đốm quả chín vàng. Những tàu lá chuối vàng ối xoã xuống như những đuôi áo, vạt áo. Nắng vườn chuối đương có gió lẫn với lá vàng như những vạt áo nắng, đuôi áo nắng, vẫy vẫy. Bụi mía vàng xọng, đốt ngầu phấn trắng. Dưới sân, rơm và thóc vàng giòn. Quanh đó, con gà, con chó cũng vàng mượt. Mái nhà phủ một màu rơm vàng mới. Lác đác cây lụi có mấy chiếc lá đỏ. Qua khe giậu, ló ra mấy quả ớt đỏ chói. Tất cả đượm một màu vàng trù phú, đầm ấm lạ lùng. Không còn có cảm giác héo tàn hanh hao lúc sắp bước vào mùa đông. Hơi thở của đất trời, mặt nước thơm thơm, nhè nhẹ.

(Tô Hoài, sách Tiếng Việt 5, tập 1, trang 10).

Với một chữ vàng từ đơn đã rất quen, rất nhàm, Tô Hoài cộng thêm chữ, tạo ra các từ ghép chính phụ, vàng xuộm, vàng hoe, vàng lịm, vàng ối, vàng tươi, vàng xọng, vàng giòn, vàng mượt, vàng mới để có 9 màu vàng mới lạ, giúp người đọc văn nhìn thấy nhiều sắc độ trong chỉ một màu vàng. Vàng đang nhạt dần thì vàng hoe, nhưng đang đậm thêm thì phải là vàng lịm, vàng ối. Đồng lúa chín nắng khi tới vụ gặt thì vàng xuộm, nhưng trong mùa gặt thóc gạo nhiều, con gà con chó dửng mỡ, trơn lông đỏ da nên vàng mượt. Và rồi dồn cả 9 màu vàng kia để có màu thứ mười vàng trù phú.

Trong thư tay gửi kèm bảm thảo Chiều chiều gửi Thế Giới Mới tôi học được một chữ rất hay ông phái sinh từ chữ viết chúng ta đang bàn. Ông viết: “Anh Thanh! Như đã hẹn, tôi gửi anh một chương trích trong Chiều chiều và viết ướm “Lời tòa soạn” các anh có thể sửa chữa lại cho thích hợp hơn. Tôi đề nghị, nếu in được thì in cả, đừng trích, vì sự việc ở đây dằng co nhau không có trình tự gì, không thể cắt. Nếu không in được cả thì cho tôi xin lại bản thảo”. Chúng tôi in theo ý ông, tất nhiên không in chữ “viết ướm” nơi hậu trường tòa soạn, nhưng chữ ấy lại in vào trí nhớ như một bài học. Nhà văn chẳng những phải cần cù góp nhặt chữ của thiên hạ mà còn phải tìm cơ hội để sinh thêm chữ cho thiên hạ. Khi người ta chỉ nói ướm hỏi rất khiêm nhường, Tô Hoài đã khiêm nhường hơn, viết ra chữ viết ướm.

Tô Hoài đã viết như thế, còn chuyện đọc? Nói ông đọc thiên kinh vạn quyển vẻ như không hợp với người lao động chữ nghĩa này. Ông không nhận là học giả dù ông rất uyên bác, ông là một nhà văn lực lưỡng đọc như một cái máy xén chữ. Tôi mạnh miệng dùng hình ảnh này vì chính ông nói với các nhà báo, mình đọc thượng vàng hạ cám, đọc tất cả những gì tới tay; vì chính mắt tôi đã thấy gần bàn làm việc của ông một rổ (chứ không phải giá) sách ông đang đọc! Và thêm một lí do nữa vì chính tôi là một anh “cám” đã được ông “xén”. Một lần thật bất ngờ, tôi nhận được thư Tô Hoài gửi đường bưu điện. Phong thư khá nặng vì đã gửi nguyên một tờ bán nguyệt san khổ A3 lại thêm một lá thư tay. Trong thư ông viết: “ Anh Trần Quốc Toàn. Tôi đã tìm được số báo Người Hà Nội có một bài đọc sách của tôi viết về “cây me nước…”, tôi gửi anh làm kỉ niệm chơi – Tô Hoài – Hà Nội 17/4/00”. A! Tô Hoài chẳng những đã đọc và viết về sách của thằng “cám” này, lại còn cất công “tìm” cho mình, lại còn “chơi” với mình!

Tô Hoài cứ vừa làm vừa chơi như thế. Tôi còn giữ một bài báo nhỏ cỡ bàn tay, cắt ra từ một tờ báo nào đấy, Tô Hoài kể chuyện mình đã chơi trên một mâm nhậu cỏ xanh rồi kéo dài cuộc chơi trong công việc thâm nhập thực tế, cái lần chú dế cụ Tô Hoài trở lại vùng núi xa của Vợ chồng A Phủ, trở lại quê hương thứ hai của mình. Ông kể, lần ấy cùng nhà văn Nguyễn Văn Bổng xếp hàng mua bia hơi, rồi đem ra bãi cỏ Cổ Tân, bên hông Nhà Hát Lớn, làm một tiệc chia tay với Hà Nội, đi thực tế Tây Bắc. Uống hết bia, lại… cất cả hai cái cốc vại thủy tinh nặng trình trịch của nhà hàng vào ba lô của mình, mang theo luôn! Cho bõ công xếp hàng! Trên đường thực tế, lúc qua một bản Mèo, thấy khát, ghé xóm núi xin nước uống, được ông lão chủ nhà đãi rượu ngô. Đã trả tiền đàng hoàng, hai nhà văn còn tặng ông già hai cái cốc vại làm tin. 30 năm sau, trở lại xóm núi xưa, ông già không còn, nhưng (nguyên văn): “hai cái cốc ấy, cốc vại bia bằng thứ thủy tinh hạng bét, mặt lỗ rỗ như tổ ong, chỉ đặt mạnh cốc cũng nứt đít. Thế mà hai cái cốc vẫn lành lặn, chẳng sứt chẳng rạn mảy may”! Là bậc thầy văn chương, nhưng Tô Hoài không ngại làm một tay chơi rất quái như thế! Có phải vì chơi cũng là một cách sống. Và Tô Hoài của chúng ta luôn sống rồi mới viết!

 

Trần Quốc Toàn

Nguồn: Giáo dục & Thời đại

Exit mobile version