Ba gương mặt học viên trẻ triển vọng vừa tham dự Lớp sáng tác, thẩm bình truyện ngắn do Khoa Viết văn – Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức đã có những tâm sự về con đường đến với văn chương và lý do tham gia lớp học. Được tiếp cận với văn chương họ đã tự tin hơn để bước những bước đầu tiên trên con đường chữ nghĩa.
Nguyễn Thị Ngọc Liên: Lớp học đã cho tôi cái nhìn về nghề
Ngày bé tôi được nghe bà kể chuyện “Lưu Bình – Dương Lễ”, “Quan Âm Thị Kính”… tôi thích lắm. Sau này, đọc “Chiếc lá cuối cùng”, “Lão Hạc” và sáng tác của những nhà văn đương đại, khiến tôi càng yêu thích văn chương. Tôi vốn là người lao động tự do của miền quê nghèo Hưng Yên. Một người bạn giới thiệu khóa học “Sáng tác và thẩm bình truyện ngắn” cho tôi. Đây là cơ hội tốt để tôi có cái nhìn về nghề chữ nghĩa. Lúc đăng ký tham gia học tôi khá tò mò, không biết thầy cô sẽ cho mình những gì?
Được gặp mặt thầy cô là các nhà văn mà tôi ngưỡng mộ như thầy Văn Giá, cô Lê Minh Khuê tôi rất xúc động. Trong 15 ngày tham gia khóa học, chúng tôi được thầy, cô là các nhà văn nổi tiếng trực tiếp giảng dạy. Thầy Sương Nguyệt Minh chú trọng tìm tòi đổi mới trong sáng tác truyện ngắn; cô Võ Thị Hảo quan niệm “Viết văn phải độc đáo độc giả mới chú ý”; thầy Khuất Quang Thụy cho rằng “Tranh đẹp cần treo chỗ đắc địa”; cô Lê Minh Khuê định nghĩa “Truyện ngắn là sự đổi mới của câu chuyện”… Riêng phần thẩm bình truyện ngắn thầy Bùi Việt Thắng, Chu Minh Sơn dạy chúng tôi cách tiếp cận tác phẩm văn học sâu sắc… Mỗi thầy cô một phương pháp giảng dạy, qua đó giúp chúng tôi hiểu rõ chính mình.
Tôi thấy học viên tham dự lớp có nhiều cây bút tài năng và nắm vững lý thuyết thể loại, làm cho tôi “choáng”, cứ tưởng mình chẳng bao giờ dám viết truyện ngắn nữa. Khi bình tĩnh lại, tôi thấy cần phải tranh thủ thời gian tham dự lớp để bồi dưỡng thêm kiến thức, kỹ năng viết truyện ngắn. Điều đó rất quan trọng. Như khi xây một ngôi nhà người ta cần có bản thiết kế.
Trước lúc tham gia khóa học tôi chẳng có nổi một truyện ngắn ra hồn. Giờ tôi đã có truyện ngắn đầu tay đăng trên website của nhà trường, đó là nguồn động viên, khích lệ tinh thần lớn dành cho tôi. Tôi khao khát được viết về thân phận nổi trôi, bé mọn, những người lao động nghèo. Phải xa mọi người tôi rất buồn. Tôi sẽ mãi nhớ về thầy cô và những người bạn viết đáng quý tới từ những vùng miền khác nhau.
Lâm Thị Khánh Ly: Tôi học được nhiều ngay từ các học viên
Tôi vốn rất thích đọc truyện và tiểu thuyết, đặc biệt là những truyện ngắn về tình yêu, và tôi đã có đôi lần tập viết truyện ngắn. Nhưng khi viết xong, đọc lại truyện mình viết tôi lại cảm thấy nó không còn thú vị như khi mình hình dung trong đầu nữa. Cốt truyện vẫn vậy nhưng lời văn lại nhàn nhạt, thiếu cảm xúc, có lẽ là do thiếu kỹ năng, vậy nên viết truyện mà như đang kể chuyện bằng ngôn ngữ nói. Chính vì thế khi tôi thấy có thông báo tuyển sinh lớp “Sáng tác và thẩm bình truyện ngắn” của Đại học Văn hóa Hà Nội, chính là ngôi trường tôi đang theo học, tôi đã quyết định đăng ký tham gia. Tham dự lớp học tôi hi vọng mình sẽ có thêm được vốn kiến thức bổ ích cho việc đọc, hiểu và viết truyện sau này.
Thời gian theo học ở lớp không dài nhưng đã đem lại rất nhiều điều bổ ích. Được gặp gỡ các nhà văn nổi tiếng, nghe các nhà văn giảng bài, tôi đã hiểu thêm về truyện ngắn cũng như những yếu tố cơ bản cần thiết khi viết truyện. Trước khi tham gia lớp học này, tôi cứ nghĩ truyện ngắn đơn thuần chỉ là những câu chuyện thường ngày được viết ra, nhưng sau hai tuần tham gia lớp học, tôi mới biết một truyện ngắn tạo nên bởi rất nhiều yếu tố, đặc biệt là chi tiết hư cấu. Hơn nữa cách dẫn dắt câu chuyện khiến người đọc hứng thú và tạo điểm nhấn cho câu chuyện cũng là một điều không thể thiếu. Truyện ngắn có thể có hoặc không có cốt truyện nhưng cần để lại cho người đọc một dư âm, ấn tượng thì khi đó mới là một truyện ngắn đạt yêu cầu.
Thêm vào đó, các thành viên trong lớp rất phong phú về cả độ tuổi lẫn nghề nghiệp, riêng tôi là học viên nhỏ tuổi nhất. Tôi đã học hỏi được rất nhiều từ các cô các bác và các anh chị học viên khác. Mọi người đến tham gia lớp có chung niềm đam mê văn học, nổi bật là truyện ngắn, thế nên, việc trao đổi, nhận xét và góp ý trở nên dễ dàng hơn.
Tôi tin rằng lớp học này sẽ là cầu nối để các học viên đến với nhau, cùng nhau chia sẻ văn chương, trao đổi kinh nghiệm sáng tác. Tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn đến các thầy cô giáo trong Khoa Viết văn – Báo chí đã tạo điều kiện cho các học viên tham gia khóa học rất có ý nghĩa này.
Nguyễn Tuyết Trang: Tôi bắt đầu viết truyện ngắn
Từ khi còn nhỏ, tôi được mẹ truyền cho sở thích đọc sách, đọc truyện. Càng đọc, tôi lại càng thấy thích, yêu vô cùng cảm giác đắm mình vào trong những lời văn sâu sắc và cảm nhận những gam màu của cuộc sống qua những trang sách. Mỗi lần đọc được một áng văn hay, tôi lại thấy trong mình sôi sục một điều gì đó, lạ lắm, điều ấy cứ hối thúc tôi, tôi đã cầm bút và viết. Tôi bắt đầu từ những dòng nhật kí ghi lại cảm xúc của mình rất đỗi chân thành, dần dần tôi muốn mình làm điều gì đó hơn thế nữa, tôi bắt đầu viết truyện ngắn.
Thời gian đầu tôi viết nhiều, nghĩ là truyện mà không hẳn là truyện. Viết theo cảm tính, truyện của tôi cốt truyện không rõ ràng, không đủ sức lôi cuốn người đọc từ đầu tới cuối, cũng không thể nói được những gì mình muốn gửi gắm trong đó. Tôi băn khoăn, lăn lộn trong những suy nghĩ, làm thế nào để viết được truyện ngắn hay? Đúng lúc ấy, tôi thấy thông tin về khóa học sáng tác và thẩm bình truyện ngắn của Khoa Viết văn – Báo chí, Đại học Văn Hóa Hà Nội, không cần phải đắn đo gì nữa, tôi đã đăng kí ngay khi có thông tin. Và lớp học chưa bao giờ khiến tôi phải hối tiếc dù chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn ngủi.
Tôi không chỉ thu về được những kiến thức cơ bản của truyện ngắn mà còn được nghe những nhận xét, những chia sẻ chân thành của các nhà văn nổi tiếng mà chưa bao giờ tôi nghĩ mình có thể gặp được họ. Tôi đã biết được những điểm yếu của mình và những điều cần phát huy. Tôi còn vui mừng hơn nữa khi tới đây tôi đã có những người “bạn viết” đáng tuổi ông, bác, cô chú tôi, mọi người đã giúp tôi rất nhiều khi chia sẻ những trải nghiệm cá nhân cũng như góp ý về truyện ngắn của tôi.
Giờ đây từ một người nghĩ gì viết đấy, tôi đã biết thế nào là xây dựng hình ảnh nhân vật, tạo dựng tình huống của truyện sao cho thu hút. Tôi không còn viết cẩu thả, ít chú ý về ngôn từ như trước nữa. Tôi thấy mình thật hạnh phúc khi được tham gia lớp học này. Đã có lúc tôi thầm nghĩ, giá mà khóa học có thể kéo dài thêm một chút, để kiến thức của tôi sâu thêm một chút, để tình cảm đong đầy hơn một chút, và cũng là để tôi trưởng thành hơn một chút .
Tôi tiếc nuối, nhưng tôi cũng hiểu rằng, khóa học kết thúc không có nghĩa là tôi và các giảng viên, các bạn viết sẽ không liên lạc với nhau nữa, chúng tôi vẫn sẽ chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm, góp ý thông qua nhiều hình thức khác. Điều tôi muốn nói nhất lúc này là tôi muốn cảm ơn khoa viết văn báo chí, cảm ơn thầy Văn Giá cùng những thầy cô khác đã cho tôi học một khóa học ý nghĩa như thế, cảm ơn các cô, các bác đã đồng hành cùng tôi trong suốt hai tuần qua.
Phúc Thiện Nguyên ghi
Bài đã in báo Văn nghệ trẻ