Bàn về hiệu quả của lý luận trong quan hệ với sáng tác, cần phân tách xu hướng lý luận dành cho tìm hiểu sáng tác của nhà văn (hướng nhiều hơn tới người nghiên cứu) với xu hướng lý luận dành cho sáng tác của nhà văn (hướng nhiều hơn tới người sáng tạo).
Nhánh sau thường được đồng nhất với cái gọi là lý thuyết sáng tác. Vậy nên, bàn về lý luận trong mối liên hệ mật thiết với sáng tác là ta chủ yếu hướng tới nhánh này. Tôi nghĩ, để đi thẳng vào chủ đề, có lẽ nên xoáy vào hai câu hỏi quan thiết nhất: 1. Hiện trạng chung của lý thuyết sáng tác ở các nhà văn nước ta ra sao? 2. Lý luận hỗ trợ cho sáng tác của nhà văn ở ta hiện có những chỗ nào còn khiếm khuyết?
Để giải quyết thấu đáo vấn đề đầu tiên cũng cần giới hạn xem ta đang bàn tới bộ phận lý luận nào trong hệ thống lý luận văn chương thống nhất kể trên. Trong giới còn có những ý kiến khác nhau, kể cả đối lập nhau. Thế nhưng, theo sự quan sát có thể chưa thật tỏ tường của riêng tôi, thì phần đông các nhà nghiên cứu gần như đã đi tới nhất trí cho rằng, hai bộ phận lý luận văn chương học viện và học đường từ sau năm 1975, hay rõ hơn là từ khi công cuộc đổi mới chính thức được khởi động vào năm 1986 đã thật sự rơi vào trạng huống “có vấn đề”, xem ra ngày càng gay gắt thêm, và cho tới hiện nay, mặc dầu đã có sự bứt phá ở những mức độ khác nhau từ nhiều phía, nhưng tình hình chung về cơ bản vẫn chưa đổi khác, thậm chí có nơi có điểm còn trầm trọng hơn. Như bản thân tôi trong bài Phương pháp luận marxism và việc tạo dựng hệ thống lý luận văn chương hiện nay đã đưa ra một nhận xét bao quát như sau: “Do hình thành và phát triển trong một hoàn cảnh đặc biệt, lý luận văn chương nước ta so với nhu cầu của dân tộc và sự nghiệp thì còn rất bất cập, và thời gian càng trôi qua thì càng tỏ ra bất cập; so với yêu cầu của tính hiện đại thì còn lạc hậu, lỗi thời, và xem ra tình trạng này còn kéo dài nếu không có sự nỗ lực vượt bậc của toàn đội ngũ; so với diễn biến nhanh chóng của thực tiễn văn chương thì tỏ ra xơ cứng, mờ nhạt, hạn hẹp, thậm chí méo mó; so với những thành tựu lý luận văn chương của các nước tiên tiến thì vừa nghèo nàn, đơn điệu, lại vừa giản đơn, thô thiển”.
Có điều phải xem là lạ, ở chỗ, dường như lý thuyết sáng tác lại diễn biến theo hai chiều có phần ngược nhau. Một cách tương đối, có thể chia thành hai xu hướng tạm gọi là tĩnh và động. Xu hướng tĩnh gắn bó nhiều hơn với các nhà văn đã thành danh, còn xu hướng động gắn liền rõ hơn với các nhà văn đang mong muốn khẳng định tên tuổi. Đặc điểm dễ thấy ở xu hướng đầu là sự cẩn trọng nghề nghiệp, còn ở xu hướng sau là sự dũng cảm phiêu lưu, chủ yếu ở lối viết. Mới nhìn qua, trên bề mặt, ta dễ lầm tưởng ở lĩnh vực này chưa hề, thậm chí không hề, có “vấn đề”. Xem xét kỹ, hình như không hẳn vậy! Bản chất của viết văn là sáng tạo, mà sáng tạo là phải mới mẻ, “nhật nhật tân, hựu nhật tân”. Nếu cứ khư khư theo lối mòn, kể cả cách viết, như xu hướng thứ nhất, liệu có thể coi là sáng tạo đích thực? Xin nêu một mẫu mực. Vào cuối thế kỷ XIX, văn chương châu Âu, theo một nhận xét, “ít nhiều đồng nhất về tư tưởng và tình cảm để một nhà văn khi miêu tả thực tế còn có trong tay những chuẩn đủ chắc để tổ chức chất liệu của mình và có được một cái nhìn tổng thể”. Thế mà ngay khi ấy, nhà văn G. Flaubert vẫn đã cảm thấy tù túng, bó buộc vì không có được “một cái nền có hiệu lực cho tác phẩm của mình”. Có thế, ông mới vượt lên trên mặt bằng chung trở thành một văn hào được bạn đọc thuộc nhiều chân trời và nhiều thời đại ngưỡng mộ được chứ! Đó chỉ là một dẫn dụ trong muôn một. Ở một thái cực khác, bản chất của sáng tạo là mới mẻ nhưng cứ chạy theo hết trường phái này đến trào lưu nọ, chủ yếu là học theo lối viết lạ lẫm của người, nhiều phần xa lạ với thực tế và truyền thống văn chương dân tộc như xu hướng thứ hai, liệu có chông chênh? Tôi cũng chỉ dẫn ra một trường hợp: nhà văn Nhật bản Haruki Murakami. Ông là tác giả của những tác phẩm đã trở nên thân thuộc với không chỉ độc giả Việt Nam như Rừng Na Uy, Kafka bên bờ biển, Bộ ba 1Q84…, là một ứng cử viên sáng giá của Giải Nobel Văn chương nhiều năm qua. Truyện của ông đâu có quá chú trọng tới cách tân về mặt thi pháp theo mẫu hình hậu hiện đại. Mà, lạ thay, lại vô cùng lay động và thuyết phục. Trước hết và trên hết là bởi những vấn đề xã hội sâu xa và cấp thiết với con người hiện đại đặt ra một cách róng riết trong tác phẩm. Cuốn sách mới nhất của ông chính thức phát hành vào ngày 12/4 vừa rồi có nhan đề Tsukuru Tasaki vô vị và những năm tháng hành hương của anh, kể về một chàng trai cố gắng vượt qua cảm giác mất mát và bị cô lập do hậu quả của một quá khứ đen tối. Riêng ở Nhật, một trăm ngàn bản mới in đã bán hết veo chỉ trong vài giờ. Một độc giả tên là Mamuro, 52 tuổi, đã đọc một mạch hết cuốn sách trong hai tiếng đồng hồ và nhận xét: “Tôi thấy bóng dáng cuộc đại thảm họa động đất miền Đông Nhật Bản năm 2011 trong cuốn tiểu thuyết này. Tôi có cảm giác Murakami đã thẳng thắn đối mặt với thảm họa. Cuốn sách có những thông điệp mạnh mẽ và khích lệ” (theo báo Tuổi trẻ). Trường hợp này cũng chỉ nên coi là một ví dụ điển hình. Như thế, mọi chuyện xem ra cũng đã khá rõ ràng.
Xin chuyển sang giải đáp vấn đề thứ hai: Vậy, với vai trò đặc biệt của mình, lý luận đã hỗ trợ như thế nào cho sáng tác? Để thiết thực, tôi chỉ bàn tới những bất cập. Có thể đưa ra hai hướng nhìn: đánh giá nội dung và đánh giá cách thể hiện nội dung lý thuyết. Ở phương diện đầu, dễ nhận thấy nhất là tính phiến diện về cơ cấu, ở sự thiếu hụt trầm trọng dạng thức lý luận văn chương mô tả bên cạnh hình thái lý luận văn chương quy phạm quen thuộc vốn độc chiếm diễn đàn học thuật từ lâu. Trong khi chính hình thái lý luận này mới liên quan nhiều tới hoạt động sáng tạo của nhà văn. Đại thể có thể hình dung thế này. Lý luận văn chương sinh ra để thực hiện hai chức năng chính yếu. Một là, đưa tới sự hiểu biết tương đối thống nhất về văn chương bằng cách tạo ra hệ thống các nguyên lý, các khái niệm và phạm trù văn học biểu hiện qua hệ thống các thuật ngữ đặc thù. Và hai là, giúp nhận diện và lý giải mọi hiện tượng, hoạt động và trạng thái văn chương vốn vô cùng sống động, phức tạp lại luôn biến động của dân tộc và nhân loại xưa cũng như nay. Cách thực thi mỗi chức năng có phần ngược chiều nhau. Do một người thiên về ngước lên còn một người lại thiên về nhìn xuống, nên để hoàn thành chức năng đầu, lý luận chủ yếu sử dụng phương pháp diễn dịch, còn với chức năng sau lại là phương pháp quy nạp. Có sự phân công tương đối: thực hiện chức năng đầu là nhiệm vụ của lý luận quy phạm, và thực hiện chức năng sau là chức phận của lý luận mô tả. Như tôi đã nói, ở ta, dạng thức lý luận văn chương mô tả chưa được quan tâm đúng như cần phải có. Tình trạng này rất bất lợi cho sáng tác.
Chưa phát triển lý luận văn chương miêu tả ngoài nguyên do từ ý thức của các nhà lý luận ra còn có tác động đôi khi khá trực tiếp từ việc giới thiệu, dịch thuật các lý thuyết văn chương đến từ nước ngoài, cả phương Đông lẫn phương Tây. Không cần quan sát kỹ càng cũng nhận ra ngay sự trống vắng này. Chừng 30 năm qua, lý thuyết phê bình nước ngoài có mặt ở ta thì nhiều, có thể nói là đủ cả, gần như không thiếu bất cứ khuynh hướng, trường phái, trào lưu nào, cũ cũng như mới, nhưng lý thuyết sáng tác thì lại ít, vô cùng ít. Điều này không thể nói là không gây khó dễ cho sự cách tân về thi pháp của các nhà văn. Chẳng hạn, việc nắm bắt tính chất tượng trưng, siêu thực, hiện đại và hậu hiện đại của văn chương như là những phương thức vừa đặc thù trong bản thể lại vừa phổ quát trong ứng dụng, vô cùng thiết thực cho sáng tạo của nhà văn, vẫn chưa được trình bầy một cách sáng tỏ, đến nơi đến chốn trong các công trình lý luận ứng dụng ở ta. Hy vọng sắp tới sẽ có những chuyển động tích cực nếu những người hoạt động lý luận sớm nhận thấy những hệ lụy đáng kể do tình trạng thiếu hụt lý luận miêu tả tạo ra. Trước tiên là khả năng giải thích các nguyên lý chung nhiều khi rất mới mẻ lại sát sườn đối với nhà văn, tạo cầu nối hữu hiệu liên thông với hoạt động phê bình văn chương, bị hạn chế. Ví như, gần đây lý luận hiện đại bàn nhiều, bàn sâu tới đối tượng đặc thù của văn chương tập trung ở thế giới khả năng trong quan hệ với thế giới hiện thực. Câu nói quen thuộc được phát biểu từ 2300 năm nay của Aristote đã được soi rọi bằng một thứ ánh sáng hiện đại: “Nhiệm vụ của nhà thơ không phải ở chỗ nói về các sự việc đã thực sự xảy ra, mà là nói về cái có thể xảy ra theo quy luật xác suất hay quy luật tất nhiên” (Thi pháp học). Một ý tưởng mới được phát hiện từ tư liệu cũ. Hóa ra, ngay từ thời cổ đại, nhà mỹ học vĩ đại Hy Lạp này đúng ra đã không quan niệm văn chương phản ánh hiện thực như từng được giải thích mà là phản ánh “cái có thể xảy ra”, nghĩa là cái có thể có, cái khả năng. Văn chương muôn phần giàu có, tạo điều kiện gần như vô hạn cho nhà văn hư cấu nghệ thuật chính là vì thế. Bởi có tới hai dạng khả năng – “khả năng thực tế” nhất là “khả năng trừu tượng” tức khả năng hình thức. Đặc biệt, dạng khả năng sau “có thể xảy ra” trong cả quá khứ chứ không chỉ trong hiện tại và tương lai (Xin xem Văn học như tư duy về cái khả nhiên – Trần Đình Sử). Tôi nghĩ, nếu thấm nhuần ý tưởng cách tân này thì chắc chắn văn chương viết về đề tài lịch sử sẽ có những đột phá táo bạo chứ không đóng kết gần như bất động như hiện nay. Công việc giải thích, tuyên truyền “luật’ do lý luận quy phạm tạo ra như vậy chủ yếu thuộc về chức phận của lý thuyết mô tả.
Một hệ lụy khác do thiếu sự quan tâm tới lý luận mô tả đưa lại là sự yên ắng nhiều khi đến khó hiểu của sinh hoạt học thuật, rộng ra là sinh hoạt văn chương. Vì chỉ ở dạng thức lý luận cụ thể mới dễ tạo ra những khác biệt giữa các chủ kiến. Nên hiểu hoạt động lý luận không chỉ đóng khung trong việc “làm lý luận”, “vận dụng lý luận” mà còn cần, nếu không muốn nói là đặc biệt cần, “phản biện lý luận”. Lý luận được triển khai không thể thiếu tranh biện với những quan niệm thô thiển (thường ở người đọc), lạc hậu (thường của người làm lý luận) và cực đoan (thường trong giới sáng tác). Xin không bàn tới độc giả bình thường. Riêng đối với giới lý luận, có cảm tưởng chung là ít “đối thoại” quá! Tại sao vậy? Có thể vì ở ta chưa có những nhà lý luận đích thực chăng? Tôi luôn có ý thức phân biệt “người làm lý luận” với “nhà lý luận”. “Người làm lý luận” chỉ mới có “ngôn ngữ lý thuyết” chứ không có “ngôn từ lý thuyết” hiểu theo nghĩa là một tiếng nói lý thuyết độc lập. Chỉ có “nhà lý luận” mới có được thứ “ngôn từ” đặc trưng này. Khi đó, mỗi diễn ngôn lý thuyết của một “nhà lý luận” chính hiệu mới mang tính “đối thoại” (Xin suy nghĩ trên phạm trù này của M. Bakhtin). “Nhà lý luận” theo nghĩa đó là hiếm, thậm chí rất hiếm. Có hai dạng “đối thoại”. Có thể theo dạng “trực diện”. Phải đầy bản lĩnh và can đảm. Không phải ai cũng làm nổi. Lại có dạng thức “gián tiếp”, đầy ẩn ý mà cũng đầy ý vị. Dạng “đối thoại” hàm ngôn này dễ thực thi hơn vì mềm mại và uyển chuyển hơn nên thực tế có sức cuốn hút nhiều “nhà lý luận” hơn. Nhưng dù ở dạng nào cũng phải mang đầy đủ những đòi hỏi của tinh thần “đối thoại”. Sự tồn tại của các công trình do những “nhà lý luận” như vậy tạo ra mới thật có nghĩa lý. Vì chúng góp phần làm nên những bước chuyển ngoạn mục, chủ yếu và trước hết về mặt tư duy lý luận. Nó quyết định sự thay thế hệ hình lý luận “độc thoại” bằng hệ hình lý luận “đa thanh” tiên tiến. Hơn thế, rồi chúng ta sẽ được chứng kiến trong thời gian không xa, chính họ sẽ đưa tới một đổi thay căn cốt hơn nhiều theo hướng hiện đại: hệ hình lý luận “phức điệu” dần thay thế hệ hình lý luận “chủ điệu”. Sự tiến triển của lý luận văn chương theo hướng hiện đại mà nhân loại tiến bộ tất yếu sẽ đi tới chỉ đến đây mới có thể tạm coi là hoàn kết.
Còn trong quan hệ với nhà văn? Có thể nói ngay, lý luận của chúng ta xem ra “hiền” quá! Không đủ lý lẽ ư? Hay ngại va chạm? Chỉ xin nêu một ví dụ. Diễn đàn văn xuôi nước ta chừng năm bẩy năm trở lại đây, nổi lên hai hiện tượng là Nhật Chiêu ở phía Nam và Đặng Thân ở phía Bắc. Truyện của Nhật Chiêu ý kiến xem ra tương đối thống nhất. Trong khi truyện ngắn nhất là tiểu thuyết của Đặng Thân thì không hẳn như thế. Rõ là rất sôi động. Có hẳn một cuộc “đa thoại” khá quy mô về sáng tác qua trường hợp Đặng Thân. Nhưng ý kiến đánh giá theo chiều thuận chủ yếu là của những người “yêu” tác giả. Người ngoài giới vì “yêu” nên “kinh”. Thấy nhà văn viết sao mà phóng khoáng, táo bạo, vạm vỡ đến thế! Người trong giới thường do “yêu” mà thấy “khoái”. Mỗi tạng người mỗi kiểu “khoái”. Với những nguyên cớ có phần khác nhau. Người cầm bút thì “khoái” cho người nhưng trước tiên là cho mình. Tự do của người khác chính là tự do của chính mình mà! Nhà lý luận thì “khoái” vì lý do khác: đây đích thị là minh chứng hùng hồn cho lý thuyết mới mà bản thân từng tâm đắc và chí thú. Rất khó hiểu là phần đông các nhà lý luận phê bình lại chưa (cũng có thể hiểu là “không”) lên tiếng. Thái độ nên có theo tôi là thế này. Thứ nhất, ta mừng, thậm chí rất mừng, vì sự chuyển động của sáng tác. Thứ hai, ta e ngại bởi nhiều lẽ. 1. Cách viết không lạ với những ai quan tâm tới văn chương hậu hiện đại và văn chương mạng; 2. Có thể thấy chất liệu sáng tạo chưa được tinh lọc; 3. Phải nói ý đồ nghệ thuật chưa thật chín. Đánh giá chung là chưa thể xem đây là một giá trị văn chương được. Hơi thiên về “diễn trò”. Hình như người viết tâm đắc với chủ chương của Montaigne: ưa thích cuộc đi săn hơn là những con thú săn được. Nghĩ về cuốn tiểu thuyết, tôi liên tưởng tới ý nghĩa thâm trầm của truyện ngắn Lớp học của nhà văn hậu hiện đại danh tiếng D. Barthelme. Học trò đề nghị ông thầy làm tình với cô trợ giảng, nhằm “xác định giá trị”. Chẳng là chúng thường nghe nói tới “chuyện đó” nhưng chưa từng biết cụ thể ra sao. Ông thầy đã làm một việc rất đúng là thẳng thắn khước từ. Một nhà nghiên cứu đã rút ra kết luận xác đáng: “Giá trị chỉ có được khi con người thật sự có tình yêu”. Tôi muốn bổ sung thêm: khi con người thật sự có trách nhiệm, vì không một tình yêu đích thực nào lại không đi liền với trách nhiệm. Có cơ sở để nghĩ về tác giả 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] như vậy. Mà trách nhiệm nói đây là trong quan hệ với nghề nghiệp chứ không phải trách nhiệm xã hội chung chung. Nói gọn lại, bài học sáng tác có thể rút ra là: Nên ứng xử với nghề văn bằng một thái độ thật sự nghiêm chỉnh. Qua hiện tượng này, trước sự im ắng của nhiều nhà lý luận, tôi còn nghĩ tới hàm ý của một truyện ngắn khác cũng của D. Barthelme có tựa đề Điều sai lầm đầu tiên của em bé. Điều sai lầm ở đây là việc xé những trang sách của một đứa trẻ. Không thể tha thứ được, cha mẹ đứa trẻ quyết định đặt ra điều luật là mỗi lần xé một trang sách nó phải bị nhốt một mình bốn giờ đồng hồ trong phòng kín. Họ ý thức rất đúng rằng, “phải sống trong một thế giới với những người khác, có rất nhiều luật lệ, và nếu bạn không thể học cách chơi cho đúng luật lệ thì bạn sẽ bị bỏ rơi ngoài chốn lạnh lẽo, mọi người sẽ xa lánh và tẩy chay bạn”. Tuy nhiên, dầu bị phạt nhiều lần, lần sau tăng hơn lần trước, đứa trẻ vẫn không thể thay đổi được thói quen rất xấu này, và vì thế luôn bị nhốt nhiều giờ trong phòng riêng. Rất bất tiện, vì đứa trẻ còn phải ăn uống, học hành nữa chứ. Nhất là sức khỏe của đứa bé suy giảm trầm trọng. Thế là cuối cùng cả cha và mẹ chú bé quyết định giải quyết vấn đề bằng một tuyên bố “xanh rờn” rằng xé sách là điều chấp nhận được, và hơn thế, nếu trong quá khứ đã lỡ xé sách thì cũng không sao cả. Một sự buông xuôi hoàn toàn vô trách nhiệm. Đoạn kết là một sự đổ vỡ đồng loạt rất đáng để mọi người cùng suy ngẫm: “Em bé và tôi giờ đây vui vẻ ngồi trên sàn nhà, bên cạnh nhau, ra sức xé sách, và đôi khi, để được vui thêm, hai cha con chạy ra đường và cùng nhau đập kính xe hơi”. Thế đấy! Nhưng đó cũng chỉ là một trong nhiều hiện tượng rất cần các nhà lý luận miêu tả chính hiệu lên tiếng “mổ xẻ”.
Bây giờ, xin chuyển sang nhận xét đôi nét về cách thức truyền tải lý thuyết. Có thể dẫn ra rất nhiều điều chưa thật hài lòng. Chỉ xin nêu ra những cái phổ biến và trầm trọng hơn cả, cố nhiên là trong đòi hỏi thường mềm mại, sinh động của các nghệ sĩ ngôn từ. Trước hết là các bài viết trình bầy lý thuyết ở ta thường khô khan quá. Rất thiếu những hình ảnh, những so sánh, những ẩn dụ đậm chất văn chương. Cũng rất thiếu những phân tích giàu cảm thụ và cảm xúc nghệ thuật. Sự tinh tường, tinh tế lại càng khó tìm. Có thể mường tượng ra gương mặt của các nhà lý luận thường nghiêm nghị, đăm chiêu quá chừng. Rất hiếm bắt gặp những nụ cười, dù chỉ là cười mỉm, cười nụ. Khác xa với các nhà lý luận lớn ở những phương trời khác. Như trường hợp nhà nghiên cứu lừng danh N. Frye. Một lần ông lên tiếng chế nhạo những người đi vào văn bản chỉ mong tìm tòi “ý định” của nhà văn theo hướng sử dụng chứ không diễn giải văn bản, và đã quy kết lối phê bình đó “xứng đáng với cậu bé Jack Horner” – một nhân vật trong bài hát mẫu giáo rất phổ biến ở Mỹ. Điều này được nhà lý luận người Canada giải thích thế này: Tác phẩm văn chương trong trường hợp như thế hoàn toàn giống như một cái bánh ngọt, trong đó tác giả đã cần mẫn nhét đầy những cái đẹp, còn nhà phê bình giống như cậu bé moi hết cái đẹp nọ đến cái đẹp kia rồi tuyên bố một cách mãn nguyện: “Ta thật là một chú bé ngoan!”. Tôi không bàn chuyện đúng sai, chỉ lưu tâm tới cách diễn đạt. Thật lôi cuốn làm sao!
Đi cùng với căn bệnh trầm kha kể trên là một căn bệnh khác: khó hiểu, thậm chí rất khó hiểu. Nào là cách lập luận, nào là lối dùng từ, nào là phương thức tiếp cận… Mọi thứ đều vô cùng “khó nhá”. Nhiều lúc đọc lý luận mà cứ giống như là đang “gặm xương” vậy. Chẳng phải các nhà lý luận hay khuyên nhủ bạn đọc “Hãy chịu khó đập xương cứng ra mới mong hút được chất tủy ngon ngọt, béo bổ ở bên trong” đấy sao! Một anh bạn cùng khoa với tôi dạy ngôn ngữ học đại cương cứ khăng khăng dịch cặp phạm trù đối lập của F. de Saussure signifier/signified (tiếng Anh) là năng biểu/sở biểu chứ không dịch một cách dễ hiểu và gần như đã thành thông lệ là cái biểu đạt/cái được biểu đạt. Tôi hỏi sao anh ta lại dùng từ khó hiểu thế? Anh biện hộ rằng thế mới xứng đáng gọi là lý thuyết khoa học. Phải cao siêu chứ! Diễn đạt bình thường, ai cũng hiểu được thì còn ra gì nữa. Rồi anh nhắc tới ý của M. Heidegger, mọi nỗ lực làm cho triết học trở thành khả tri là sự tự sát của chính triết học. Tôi liền phản bác lại, bảo rằng, đó là khi nhà triết học người Đức có ý viết cho số ít hiếm hoi đầy can đảm và cao cả cùng bàn về sự Cô đơn và vẻ Quý phái của Tồn tại đấy chứ. Xin xác quyết là nếu ông viết và nói cho công chúng rộng rãi thì sẽ không thể ứng xử như vậy! Chắc rồi ông cũng sẽ học nhà lý luận Nga cùng thời với mình là V. Shklovshki thôi! Chẳng hạn, theo nhà hình thức luận này thì có hai loại hình tượng – hình tượng như “một phương tiện thực tiễn của tư duy” “nhằm thống nhất các sự vật thành các nhóm” liên quan đến “ngôn ngữ văn xuôi” và loại khác như là “một phương tiện làm tăng thêm ấn tượng” liên quan đến “ngôn ngữ thơ”. Để giảng giải, ông lập tức nêu ra hai ví dụ làm minh chứng. Ví dụ thứ nhất: đi trên phố thấy một người đội mũ đánh rơi một cái gói, ta gọi: “Này, anh đội mũ kia, anh đánh rơi cái gói rồi”. Trong trường hợp này, “mũ” là hoán dụ, thay thế cho người cụ thể, tương hợp với “lối đi của văn xuôi thuần túy”. Ví dụ thứ hai: một số người xếp hàng, viên trung đội trưởng thấy một người đứng không nghiêm chỉnh, liền nói: “Này, anh đội mũ kia, đứng ngay ngắn vào”. Ở đây, khác trường hợp trước, “mũ” lại là ẩn dụ, thay thế cho người cụ thể, đó là “lối đi của thơ”, nhằm “tạo ra ấn tượng mạnh nhất”. Nên xem đó là những bài học quý giá cho các nhà lý luận chúng ta khi dụng bút. Đã rõ là lý luận văn chương không chỉ mang tính nghề nghiệp, tính thời sự mà còn đậm tính văn chương nữa.
Xin nói đôi lời sau chót. Rằng để triển khai ý tưởng cho triệt để, dầu cũng chỉ ở một mức độ nhất định nào đó, tôi đã trình bầy phải nói là quá dài. Rất có thể lại phải bổ sung một khiếm khuyết khác của các nhà lý luận chúng tôi là ưa vòng vo, lòng thòng lắm chứ! Nói thế là muốn bộc bạch, tôi không hề có ý đứng tách ra ngoài lề, chỉ biết phê phán người khác mà thôi. Chợt nhớ tới lời nhà khai sáng D. Diderot: một người không thể “lên án trật tự hiện hữu mà không nhận thấy là mình khước từ chính bản thân mình”. Xin coi đây như là biểu hiện của tinh thần phản tư xuất phát từ thiện ý, hơn thế, thành ý, của riêng tôi. Rất mong nhận được sự lượng thứ và sẻ chia rộng rãi của đồng nghiệp!
P.Q.T
(SH294/08-13)