Sau giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Quân đội hồi đầu năm, nhà văn trẻ Nguyễn Thị Kim Hòa vừa tiếp tục giành giải Nhất trong cuộc Vận động sáng tác cho thiếu nhi giai đoạn 2013 – 2015 với chủ đề “Gõ cửa trái tim”; tác phẩm được Ban tổ chức đánh giá “là một sáng tạo đặc sắc về sự thức tỉnh tình thương yêu và sự đồng cảm”.
Xin giới thiệu đến độc giả truyện giải Nhất Hoàng tử Rơm.
Bạn đã bao giờ được ở chung nhà cùng một hoàng tử chưa?
Hoàng tử mắt tròn veo, má hồng trái đào, tóc đen mượt như những sợi tơ.
Hoàng tử hơi kì lạ nên có những câu chuyện cũng rất lạ kì. Nếu không bận việc gì, mời bạn ghé lại đây nghe tôi kể chúng, bảo đảm bạn sẽ thích mê li.
Những câu chuyện sẽ bắt đầu thế này: Ngày xửa ngày xưa, có một hoàng tử tên Rơm…
Hoàng tử và người đánh xe ngựa
Tôi đang ở trong vườn cùng hoàng tử. Một buổi sáng trời xanh ngăn ngắt và bọn thuyền mây rủ nhau giong buồm trắng chạy khắp nơi. Tôi thì không được chạy. Vì tôi là một người đánh xe ngựa.
Người đánh xe không có roi. Người đánh xe chỉ có cánh tay đẩy cỗ xe ngựa xích đu lúc lắc, lúc lắc…
Hoàng tử Rơm đang ở trên ấy. Hôm nay, hoàng tử đội cái mũ miện nhỏ xíu tôi gấp bằng cặp giấy có vẽ hình một bông hoa đỏ rực. Cổ hoàng tử đeo dây chuỗi kết từ những viên hồng ngọc trái nho to tròn và chắc hẳn là ngọt xớt. Áo choàng trắng muốt trên vai hoàng tử theo nhịp phi của cỗ xe cứ tung lên phấp pha phấp phới. Tôi đã lén gỡ tấm khăn trải bàn trên dây phơi của mẹ, để hoàng tử có cái áo choàng đầy những khoang trắng nối nhau như được kết bằng lông của một trăm con thiên nga.
Xe ngựa chạy một hồi thì người đánh xe bị…mỏi tay. Thế là hí lên một tiếng, tôi cho cỗ xe thắng lại.
Hoàng tử mặt vẫn nghiêm khi vịn tay tôi bước xuống.
Thật vinh hạnh khi được chạm vào bàn tay nhỏ bé xinh đẹp của hoàng tử. Hoàng tử cũng biết mình được hâm mộ nên hơi kiêu kiêu. Hoàng tử chả thèm nhìn tôi, chả thèm cười. Nhương nhướng người lên, hoàng tử tìm một cái gì đó trên mái nhà.
May mà tôi kịp nhớ ra ngày nào trên ấy cũng có anh bạn mèo Miu.
“Meo… meo…”. Mặc kệ phản đối của kẻ lười biếng ngủ ngày, tôi điệu anh ta từ sau bếp ra trước mặt hoàng tử.
Lần này thì hoàng tử ngó lên, nhưng mà ngó… anh mèo.
Chầm chậm, hoàng tử còn đặt tay lên cái đầu vàng đang ngọ nguậy.
– Mèo! – Tôi nói thật to, thật rõ như mẹ mỗi lần trò chuyện cùng hoàng tử.
Hoàng tử chả buồn đáp lại tôi. Cắm cúi, hoàng tử chạy đuổi theo anh Miu vừa tuột xuống, bỏ trốn ra chỗ cỗ xe ngựa xích đu.
Tôi chạy theo hoàng tử. Vừa chạy vừa nhặt nào hồng ngọc nho, nào mũ miện, nào áo choàng hoàng tử bứt ra trong lúc rượt bắt anh mèo láu cá. Hoàng tử vốn chả bao giờ thích rườm rà mà.
Trong bộ áo thun siêu nhân cực kì đơn giản, hoàng tử vẫn cứ là hoàng tử khi kéo tay tôi dắt đến chỗ anh Miu xù lông.
– Chị Hai bắt mèo cho em, đúng hông? – Tôi lại nói bằng giọng của một cái chuông.
– …ắt…ắt…èo…èo…
Tôi suýt nữa hét rầm lên. Lần này thì hoàng tử đã chịu trả lời. Bạn đang nghĩ câu trả lời của hoàng tử hơi hơi kì cục một tẹo, đúng không?
Chả sao cả. Mọi hoàng tử tuyệt vời trên đời này đầu tiên đều kì cục ở một vài điểm gì đó. Hoàng tử Ếch khi giấu mình trong lốt ếch suốt ngày cũng cứ kêu ồm ộp. Hoàng tử Sọ Dừa lúc núp trong khối thịt tròn xoe thay vì đi cũng phải lăn lông lốc.
Chả có gì lạ cả khi hoàng tử chín tuổi của tôi không biết nói, biết cười, lẫn biết nhìn tôi.
Khi bạn thấy một hoàng tử “kì cục” thì chắc chắn bạn đã gặp một hoàng tử đang làm con nhộng. Nhộng chơi trò năm mười trong kén. Khi nào chán sẽ chui ra, biến thành một chú bướm đẹp và oai hết cỡ.
Rồi một ngày hoàng tử bướm của tôi nhất định sẽ biết nói một trăm thứ tiếng, giọng hoàng tử còn rành rọt và thánh thót hơn mọi loài chim.
Trong khi chờ đợi ngày đó, giờ mỗi chiều chiều tôi sẽ là người đánh xe ngựa xích đu chở hoàng tử nhộng đi chơi.
Hoàng tử nhộng không biết nói, không biết cười, không biết nhìn tôi hay “kì cục” đến thế nào đi nữa thì tôi vẫn yêu hoàng tử nhất trên đời.
Vì hoàng tử là em tôi mà. Một đứa em rất đáng yêu, chỉ thua tôi đúng một tuổi rưỡi.
Mẹ hay gọi em là hoàng tử mặt buồn.
Hoàng tử và bài hát thần kì
Tôi chưa tiết lộ với mẹ rằng Rơm, hoàng tử mặt buồn của mẹ, thật ra cũng có mỉm cười.
Một lần, khi mẹ đi chợ, tôi ngồi bên võng đưa, đã thấy em cười. Nụ cười thật đẹp với vành môi nhỏ khe khẽ cong lên, với hai cái răng cửa bé xinh he hé vén tấm rèm môi. Một nụ cười như bông hoa nở bung ra trong mơ.
Tôi ao ước làm sao được thấy lại một bông hoa như thế, rồi nhiều bông hoa như thế khi em tỉnh giấc. Nhưng chắc những bông hoa biết mắc cỡ. Chúng trốn khỏi môi em lâu lắc.
Tôi cho em xem bộ phim hoạt hình vui nhất, tôi lấy bút lông vẽ mặt mình thành mặt con mèo, tôi chọc lét em cũng chỉ thấy một cái ngoắt người đi và hai cái tay đập đập vào nhau.
Lớp học đặc biệt mẹ đưa em tới cũng có những đứa trẻ vẫy vẫy hai cánh tay như thế. Các cô quản lớp gọi các em là bầy vịt con xinh xắn.
Bầy vịt chẳng bao giờ chịu đứng thành hàng. Các cô tập múa. Bầy vịt đứa đập cánh nói chuyện với bức tường, đứa phành phạch quạt tay với bầy kiến hay thế giới tí hon vô hình nào đó dưới đất, đứa lại vừa vẫy tay vừa ngửa cổ quay theo cánh quạt trần xoay xoay.
Mẹ nói các cô quản lớp là những người kiên nhẫn nhất thế giới. Tôi cũng thấy như vậy. Bằng chứng là sau buổi văn nghệ lần ấy của lớp Rơm, về nhà thậm chí em tôi còn hát được một bài tặng mẹ.
Đó là một bài hát thần kì.
Khi nó vừa cất lên, bà ngoại đã kéo vạt áo chậm chậm mi mắt. Ba tôi nghe bài hát, ba cười, nhưng mắt ba lại đỏ hoe. Còn mẹ, mẹ không nói gì cả. Mẹ ôm chầm lấy chị em tôi, lăn dài trên gương mặt mẹ là những giọt nước nối đuôi nhau, trong vắt.
Tôi có bị bài hát thần kì làm cho khóc nhè không. Bạn đừng tò mò nhé! Đấy là một bí mật.
Tôi chỉ có thể tiết lộ với bạn điều này: Rơm không biểu diễn bài hát ấy một mình.
Nếu tình cờ đi ngang một ngôi nhà ngoài vườn đặt cái xích đu hình con ngựa, chịu khó nhìn vào phòng khách, nơi có ba người lớn đang khóc, bạn sẽ thấy hai đứa trẻ cùng đập đập tay, cùng quay vòng và cùng hát. Đứa con trai hát hay hơn cả. Nó chả bị vấp một lời nào. Còn đứa con gái. Nó cứ phải ngừng liên tục để chùi mũi và “híc híc”.
Thật là một bài hát khó kinh khủng, bạn không biết đâu! Dù từ đầu đến cuối nó chỉ có một lời duy nhất “Ê…ê…ê…”
Hoàng tử và sáng chế tương lai
Sẽ như thế nào nếu bạn có một đứa em trai bình thường. Tức là một đứa em trai không “kì cục” và chỉ thua bạn một tuổi rưỡi?
Nó sẽ nghĩ ra đủ trò để trêu chọc bạn. Nó sẽ giành đồ ăn ngon của bạn, vẽ bậy sau vở bạn, giẫm chân dơ lên gối bạn. Và thậm chí nó còn dám đánh bạn.
Với Rơm, tôi chả bao giờ phải lo những điều này.
Rơm lúc nào cũng là một em bé quá dễ thương. Một em bé cũng hơi bự bự.
Em bé sẽ không cần bạn la rầy nghịch ngợm, không cần bạn hét um sùm để dạy em tập viết hay đánh vần. Cũng không cần nhức đầu để nghĩ ra hết trò này sang trò khác để chơi cùng mà vẫn bị chê “chị Hai kiếm trò gì dở ẹc à”.
Cứ đưa cho em bé một chiếc xe. Em bé sẽ ngồi yên và chơi với những cái bánh của nó suốt cả ngày.
Tôi nghĩ em hẳn phải có hàng trăm câu chuyện cần tâm sự cùng những cái bánh. Khi em mân mê ngón tay lên lớp vỏ cao su, khi em áp cả bốn bánh xe vào bên má, chính là lúc em đang trò chuyện cùng những chiếc bánh. Em nói bằng ngôn ngữ của em bé. Các bánh xe hiểu được ngôn ngữ này vì nó cũng gần gần với ngôn ngữ “viu viu” của bọn chúng khi quay.
– Sau này nhà mình sẽ có một thợ sửa ô tô siêu giỏi! – Ba nói mỗi lần đi ngang chỗ Rơm ngồi quay các bánh xe.
Tôi mới học bài tập đọc về Đân-lớp, cha đẻ của các lốp xe. Tôi nói với ba rằng tôi thích Rơm sẽ là một chuyên gia về lốp và bánh xe hơn. Ba đồng ý. Và cùng nhau, chúng tôi ngồi bàn bạc về những chiếc bánh xe trong tương lai của nhà sáng kiến Rơm.
– Chúng sẽ là những cái bánh xe không cần lốp lẫn chân căm.
– Những cái bánh xe vô hình, ba ơi! Không ai thấy tụi nó đâu mà xe vẫn chạy.
– Hay là những cái bánh vừa lăn vừa biết thổi bay hết lũ đinh?
– Thổi bay sẽ trúng người khác đó ba. Chúng phải có một cái máy để hút hết tụi đinh lại. Chúng còn biết xịt nước. Xịt. Xịt. Xịt. Thế là đường hết bụi. Vui gì đâu luôn, Rơm ha?
Tôi lắc lắc tay nhà sáng chế tương lại.
Vẫn đầy vẻ bí bí mật mật (chắc là để không bật mí các phát minh quá sớm), tiếp tục quay các bánh xe, nhà sáng chế có gật gật cái đầu.
Hoàng tử và người khách lạ
Dạo này, tôi và Rơm có một vị khách. Vị khách mấy ngày đầu còn qua lại lấp ló bên ngoài hàng rào. Rồi dần dà còn cả gan trèo lút lên cây trứng cá trước cửa ngõ, thọc đầu nhìn xuống.
Bạn đang nghĩ tới một thằng nhóc phá phách, mặt nhìn rất bợm? Không hề. Vị khách là một đứa con gái. Con nhóc da đen nhẻm, tóc lơ thơ vàng khè, đã vậy còn mặc một cái áo dài lòng thòng, đỏ hoét. Tôi thấy như cây trứng cá đang mọc ra một trái ớt.
Trái ớt yên lặng xem chị em tôi chơi hoàng tử cưỡi ngựa được vài ba phút. Phút thứ tư, từ trên cây nó vọng xuống một tràng cười hí hí.
– Ê! Con ngựa gì mà không biết hí gì hết. Dở òm!
– Coi cái mình ngựa kìa! Tróc sơn tùm lùm. Bắt gớm!
– Con nhỏ kia. Ai cho trèo lên cây hả? Xuống ngay! – Tôi chỉ tay trừng mắt. Thấy mình cần phải ra oai với Trái ớt phá bĩnh.
– Xìa. Không sợ! Còn hoàng tử nữa. Hoàng tử gì mà cái mặt ngơ ngơ y như khùng!
Tới đây thì tôi hết chịu nổi. Hét lên một tiếng, chụp cây chổi tôi chạy ra cửa ngõ.
Tôi đứng giậm chân dưới gốc cây thì con nhóc chỉ còn là một chấm đỏ nhỏ xíu tít cuối đường. Nó chắc phải nhanh hơn sóc gấp một trăm lần.
Ba nói không nên hù đánh lúc nó ở trên cây, lỡ lật đật trèo xuống nó bị sẩy tay, té ngã. Nhưng thử gặp con nhỏ lì lợm ấy một lần xem, bạn sẽ không cách nào nhịn được. Nhất là khi nó lại dám chọc quê hoàng tử Rơm của bạn.
Chắc biết tôi vẫn canh me bên cây trứng cá, nên bẵng đi mấy ngày không thấy nó nữa. Nhưng y chang ma xó, tôi vừa đội vương miện, khoác áo choàng, đỡ hoàng tử Rơm trèo lên ngựa là tiếng cười hí hí của nó lại cất lên. Lần này ở bên ngoài rào bông giấy.
“Chíu! Chíu!”
Chưa kịp phản ứng, người đánh xe ngựa và hoàng tử đã bị tập kích.
Đạn của kẻ địch là những trái nho chín đỏ, tròn căng giống hệt những viên hồng ngọc tôi xỏ xâu làm vòng đeo cổ cho hoàng tử.
Đạn hồng ngọc cứ bay vèo vèo vào từ phía bờ rào. Trái bể, trái bẹp dí, trái chảy nước làm chân tôi giẫm phải cũng ướt nhèm nhẹp. Cứ như chúng tôi đang bị tấn công bởi một nữ hải tặc.
Tôi xô cửa chạy ra. Nữ hải tặc lại co giò chạy mất.
Vài lần như vậy thì mẹ tôi thông báo đã biết nhà của hải tặc Trái ớt.
– Anh phải tới gặp ba mẹ con nhỏ. Nó phá phách kiểu này, mai mốt không quăng nho mà quăng đá thì con mình phải làm sao… – Mẹ nói với ba.
Thế là ba tôi với vai trò sứ giả lên đường. Có thêm một sứ giả nhí nữa tháp tùng. Đó là tôi.
Nhà cả Trái ớt ở mút khu đất rẫy cuối xóm. Nơi cứ như là xứ sở của nho. Nho chạy thành giàn nối giàn xanh ngắt. Nho treo toàn chùm là chùm lủng lẳng, đung đưa, lớp hồng lớp đỏ giữa những chiếc lá to đẹp như những ngôi sao xanh.
Đầu giàn nho ba con tôi tới mọc lên một ngôi nhà nhỏ xíu, bên hông có cái chái bếp lợp bằng một tấm bạt thủng lỗ chỗ và mấy vỏ bao phân bón lạch phạch đập theo gió.
Trái ớt đang lom khom trước một bếp lò đầy khói. Nó phù phù thổi lửa. Nghe tiếng chân , nó ngước nhìn ra. Thấy cha con tôi, cái mặt tèm lem nhọ bếp đen thui của nó chuyển thành tái mét.
– Tí à … Tí…
Mặt nó càng tái nữa, tưởng chừng sắp xỉu tới nơi khi từ trong nhà vẳng ra một tiếng gọi lè nhè. Tôi ngửi được mùi rượu bay ra sau tiếng gọi.
Ba tôi khẽ nhíu mày. Hết nhìn con nhỏ rõ ràng đang run lên trước mặt lại nhìn về phía phát ra tiếng gọi. Cuối cùng, nắm chặt hơn tay tôi, ba dắt ra khỏi giàn nho.
– Mẹ có hỏi thì con nói mình méc vốn xong xuôi hết rồi nha! – Ba khẽ dặn tôi trên đường về.
– Dạ. Con sẽ kêu ba mẹ nó còn đánh cho nó một trận. Sưng hết mông. – Tôi trả lời ba.
Trả lời xong lại đâm lo ngay ngáy. Ba Trái ớt đang say rượu. Những người say rượu thường rất hung dữ. Liệu nó có bị đánh đòn vì lỗi gì đó không?
Tội gì đâu.
*
Trái ớt, giờ đã biết là con Tí, xuất hiện trước nhà tôi ngay sáng hôm sau.
Vẫn thập thò ngoài hàng rào bông giấy, nhưng không có viên đạn nào bay vào từ nó nữa mà là một chùm nho.
– Cho chị! – Nó thả chùm nho xuống tay tôi rồi ù té chạy.
– Chờ xíu! – Tôi gọi với qua rào – Mai Tí vô đây chơi hông?
Tôi thấy một con tàu siêu tốc tên Tí đang neo lại chần chừ, bối rối. Chắc nó không ngờ mình lại là vị khách được mời.
– Ba em có hay đánh em không?
Đó là câu đầu tiên tôi hỏi khi vị khách đặt chân vào khu vườn.
Con Tí lắc đầu.
– Ba em hiền lắm. Chỉ có say rượu ba hay khóc. Tại ba nhớ mẹ…
Con Tí khoanh tay trước gối chép miệng. Ra nó cũng có nhiều nỗi buồn.
– Em cũng nhớ mẹ. Mẹ cũng hay chơi trò công chúa cưỡi ngựa với em. Nhưng mẹ là cô ngựa. Ngựa chở em đi hết nhà luôn.
Bà ngoại tôi nói một đứa trẻ thật đáng thương khi không có mẹ. Mẹ ru ta ngủ. Mẹ ôm ta khi ta khóc. Có mẹ, lúc nào ta cũng là một em bé xinh xắn nhất, hạnh phúc nhất. Mẹ con Tí mất vào năm ngoái. Những người mẹ không bao giờ muốn rời xa con mình. Bà tôi chắc chắn như vậy. Nên nếu lỡ phải buộc đi đến một nơi xa xôi nào đó, những người mẹ đều ráng tìm mọi cách để được nhìn thấy con.
Có một đám mây luôn theo con Tí khi nó đi đến bất kỳ đâu. Nó gọi đám mây là Mây Mẹ. Ngày nào nó cũng kiếm một cành cây trèo lên để được nhìn rõ mẹ hơn, gần mẹ hơn. Hèn chi mà nó có thể trèo cây nhanh thoăn thoắt. Nó thèm vòng tay mẹ, thèm lại được chơi những trò đã chơi cùng với mẹ. Hèn chi nhìn thấy chị em tôi chơi hoàng tử cỡi ngựa, nó nhịn không được cứ lén tới xem, rồi ức lên bày trò chọc phá.
– Con nhỏ kể ra cũng tội… – Bà ngoại tôi hay chép miệng vậy mỗi lần nhắc tới nó.
Hễ thấy nó qua, bà vẫy lại, rửa mặt, chải tóc cho nó.
Mẹ tôi cũng không còn giận nó chuyện tấn công chị em tôi bằng đạn trái nho. Mẹ còn mua cho nó một cặp kẹp tóc bướm y hệt tôi. Tôi và bà ngoại tết mấy sợi tóc loe hoe của nó thành hai cái bím nhìn thật ngộ. Hai cái bím nhỏ chút mà đem theo cả hai chú bướm cùng đung đưa, đung đưa.
*
Con Tí đã trở thành vị khách thân quen với mọi người, ngoại trừ hoàng tử Rơm. Hoàng tử toàn làm mặt lạ, chả thèm để ý tới nó, chả chịu chơi cùng nó. Có thể hoàng tử còn giận vụ bị trúng đạn nho chăng?
Con Tí có vẻ rất ấm ức. Một bữa trong nhà nhìn ra, tôi thấy nó ngồi chồm hổm trước mặt hoàng tử.
– Nè! Nè!… Tui tên Tí! Mình làm bạn được không?
Hình như đây là lần thứ một chục tôi nghe nó nói câu này.
Lại cũng như chục lần trước, hoàng tử im re, thản nhiên ngồi quay các bánh xe.
– Nè! Mặt sữa! Tui nè! Tí nè! Làm quen nha!
Con Tí thò nắm bàn tay hoàng tử Rơm lắc lắc. Hoàng tử giật ngay lại cái tay. Tôi nghĩ hoàng tử cũng hơi bị…mắc cỡ. Nên cúi đầu, hoàng tử tiếp tục trò chuyện bằng ngôn ngữ em bé với các bánh xe.
– Nè! Bạn làm tui bực rồi đó nha! – Con Tí lườm lườm nhìn hoàng tử, có vẻ như nó đang rất tự ái.
– Tui biết bạn bị bịnh. Mẹ tui cũng bị bịnh vậy. Nhưng mẹ chả bao giờ buồn hiu như bạn. Mẹ kết bạn với tất cả mọi người. Bạn là đồ mặt sữa kiêu căng đáng ghét lắm, bạn biết không?
Con Tí chắp tay ra sau đít đi xung quanh hoàng tử đúng một vòng tròn. Nếu không có những bước chân nện thịch thịch tức giận, chắc nó sẽ rất giống một nhà thông thái hoặc một cô giáo đang giảng bài.
“Học sinh” hoàng tử vẫn kiên trì với những bánh xe.
– Nè! – Thình lình con Tí hét to lên. – Nghe tui nói gì hông?
Hoàng tử đúng là đã giật mình.
– Đưa đây coi! – Con Tí giật phắt chiếc xe tải đồ chơi trên tay hoàng tử. Rồi, không thể nào tin vào mắt tôi nổi nữa, nó liệng thẳng chiếc xe bay ào qua rào bông giấy.
Tôi nghe một tiếng rớt đánh rầm xuống mặt đường.
Chiếc xe tôi tặng cho Rơm. Chiếc xe đã mua bằng toàn bộ tiền tôi đập bùng binh. Giờ nó đang bể tan nát đâu đó ngoài kia. Rồi gương mặt méo đi sợ sệt của em tôi. Tất cả làm tôi phải nhảy xổ ra.
– Tí! Mày làm cái gì vậy? – Tôi hét còn to hơn tiếng nó.
Chắc bị hết tiếng hét này sang tiếng hét khác làm cho mất hồn, hoàng tử Rơm vụt khóc òa lên.
Ôm lấy hoàng tử đang nức nở, càng tức run, quay sang con Tí, tôi chỉ thẳng tay.
– Đi về ngay cho tao!
Con Tí xanh lét hết mặt mũi ngó chị em tôi. Đứng chôn chân, nó vặn vẹo khổ sở mấy ngón tay. Rồi cuối cùng, quay lưng, nó đi như chạy ra khỏi khu vườn.
Nhìn theo cái dáng lủi thủi buồn bã của nó, tự nhiên cơn giận trong tôi xịu xuống như một cái bong bóng xì hơi.
*
Ba nói tôi không nên đuổi con Tí.
– Nhưng nó ném hư đồ chơi của Rơm, ba à. Nó còn làm em khóc… – Tôi ráng thanh minh.
– Không đổ lỗi cho người khác để trốn lỗi mình, con gái. Và đừng để tức giận làm con xấu xí. Khiến một người bạn buồn, nỗi buồn đó rồi cũng sẽ lây sang con. Con không thấy sao?
Ba tôi đúng thật có cặp mắt thần. Tôi giấu kĩ rồi chứ, vậy mà ba cũng biết tôi buồn.
Con Tí đã một tuần rồi không ghé khu vườn.
Tự nhiên tôi thấy nhớ hai bím tóc nhỏ xíu của nó. Tóc nó thưa lắm, cả tôi cả bà ngoại ráng tết thế nào cũng chỉ được hai cái bím mỏng lét, nhẹ hều. Ấy thế mà nó toàn thích được thắt bím.
– Hồi chưa thành mây, ngày nào mẹ cũng thắt tóc cho em!
Đám Mây Mẹ có thấy nó bị tôi đuổi khỏi khu vườn không? Nếu có, vậy là tôi đã làm buồn đến hai người. Hèn chi buồn bã trong tôi như biết làm phép nhân, cứ gấp gấp lên hoài.
Chiều nào chơi với hoàng tử Rơm tôi cũng ngong ngóng ngó ra ngoài rào. Hoàng tử Rơm không chừng cũng ngóng con Tí y chang tôi. Hoàng tử cứ hay đến bên cửa ngõ, nắm những song gỗ tròn lắc lắc. Hoàng tử có mong chạy ra khỏi cánh cửa để đi tìm con Tí hay không?
Sau cùng, tôi quyết định thay hoàng tử tới nghiêng ngó trước một giàn nho.
– Tí nó đi chơi rồi cháu! – “Người say rượu hay khóc”(là ba nó) vừa tỉa trái vừa nói vọng ra. Giọng đúng là hiền y hệt ba tôi.
Nhưng con Tí đã đi đâu? Nó giận tôi đuổi nó về nên đã đi tìm chỗ khác chơi rồi sao? Khu vườn của chúng tôi sẽ chẳng bao giờ được đón tiếp một vị khách nào tên là Tí nữa sao?
Vị khách biết trèo cây hái cho tôi những trái trứng cá vừa chín vừa thơm ngọt, biết vẽ những lởm sơn tróc trên mình chú ngựa xích đu thành những bông hoa. Vị khách hay mang tới những chùm nho đỏ mọng, giúp hoàng tử Rơm có những chuỗi hồng ngọc đeo cổ đẹp và to nhất. Và vị khách là người bạn đầu tiên ghé vào khu vườn chịu ngồi trước mặt hoàng tử Rơm của tôi để hỏi đi hỏi lại: “Tụi mình làm bạn được không?”
Thế là tôi đã làm mất đi không phải chỉ của riêng khu vườn một người khách quý giá biết chừng nào.
Buồn muốn phát khóc, về đến cửa nhà, tôi bỗng gặp vị khách tưởng không bao giờ gặp lại nữa… bên bờ rào.
Tôi gần như bay đến bên nó.
– Em… em… tới đền chiếc xe cho Rơm…
Chắc không thấy vẻ mặt vui mừng của tôi, lắp bắp, nó lật đật chìa ra một chiếc xe.
Tôi ngạc nhiên đến tròn mắt. Món đồ chơi tưởng rớt nát bét của hoàng tử Rơm vẫn còn nguyên si. Nhìn kĩ mới thấy một vòng băng keo chạy quanh thân xe, qua các ô cửa và bắt chéo trên mui. Chiếc xe cứ như được thắt nơ. Một cái nơ băng keo trong suốt. Có vẻ như suốt một tuần qua nó đã được băng bó và chăm sóc rất cẩn thận.
– Chị xin lỗi…
– Em xin lỗi…
Hai tiếng nói của chúng tôi cùng lúc bật ra, va vào nhau thật vui tai.
Cùng lúc đó, từ trong vườn cũng vút lên một tiếng kêu nữa giòn tan.
– …í….í…í…
Cả tôi và con Tí đều phải quay qua.
Là hoàng tử Rơm. Hoàng tử đang cưỡi ngựa. Hoàng tử đã tự trèo được lên xích đu. Vẫn vịn hai tay lên đầu chú ngựa trắng như thường lệ. Nhưng thật không tin nổi nữa. Hoàng tử đang ngước lên, đang nhìn về phía chúng tôi. Và cứ như một phép màu, một nụ cười đang dần bung ra trên môi hoàng tử. Một nụ cười rạng rỡ, sáng bừng.
Cuối cùng, tôi đã đợi được nụ cười không phải trong giấc ngủ của hoàng tử Rơm.
Cuối cùng thì … các bạn ạ, tôi đã có thể khép lại câu chuyện này.
Câu chuyện rốt cuộc lại không hẳn của riêng hoàng tử Rơm.
Hoàng tử cũng chẳng bao giờ muốn sở hữu riêng mình một câu chuyện. Hoàng tử là một người luôn thích chia sẻ. Thì xem đấy. Giờ hoàng tử đang chia sẻ chú ngựa thần kì của mình với một người bạn nữa: một công chúa. Công chúa hay mặc áo đỏ nên cứ bị tôi gọi là Trái ớt. Ngồi sau hoàng tử, công chúa Ớt đang cười tít mắt.
Và tôi, người đánh xe ngựa, hí lên một tiếng dài, tôi cho cỗ xe xuất phát.
Gió thổi tung tóc, tung vạt áo, tung cả những tiếng cười trong vắt vào buổi chiều đẹp như cổ tích ở góc vườn.
Theo Tạp chí sông Hương