26 tuổi, nặng 37 kg, 7 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư máu và 1 tập tản văn – thơ – nhật ký chứa đựng tâm hồn của một cô gái khát yêu và sống là những gì người ta có thể tóm tắt về Hoàng Thị Diệu Thuần.
Đàn hay, hát giỏi, biết làm thơ, tâm hồn Thuần mong manh, nhạy cảm trước mọi điều của cuộc sống nhưng lại có cái lạc quan của một con người tự nhận mình “ham thích những điều vui vẻ hơn nỗi muộn phiền”.
Xuất hiện tại buổi ra mắt cuốn sách “Như hoa hướng dương” do Trung tâm văn hóa Đông Tây tổ chức tối 25/8, cô gái người Nghệ An bé nhỏ trong chiếc áo xanh, cặp kính cận. Thoạt đầu, vẻ ngoài của cô khiến những ai có mặt đều cảm thấy, dường như phải cẩn trọng, phải nhẹ nhàng, phải khéo léo để không chạm đến nỗi đau của Thuần cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhưng mọi thứ trở nên dễ dàng khi chính Thuần cất lời chia sẻ. Bình thản, với nụ cười thường trực trên môi, thậm chí có những phút giây lý lắc, tinh nghịch, Thuần khiến người khác cảm thấy, cô hiện hữu ở đó nhưng tâm hồn cô bay trên cuộc sống một cách nhẹ nhàng, như những đốm nắng, những vũ điệu ốc sên mà cô gái 26 tuổi nhìn thấy trên tán cây nhãn từ cửa sổ giường bệnh viện.
Hoàng Thị Diệu Thuần tại buổi ra mắt sách. |
Cuốn sách “Như hoa hướng dương” tập hợp những bài tản văn, thơ, nhật ký của Thuần. Phần tản văn được viết trong 4 ngày sau khi nhận lời ra sách. Thuần cho biết, ban đầu cô không định viết nhưng được sự động viên của Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Thuần đã viết với tâm niệm, cuốn sách có thể giúp cho những người bị bệnh như mình tìm thấy sự đồng cảm, kinh nghiệm đi bệnh viện, chống chọi với bệnh tật và quyết tâm chữa bệnh. Phần tản văn tái hiện lại quãng thời gian từ lúc phát hiện ra bệnh ngay khi bước chân vào cổng trường Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2005, tới những ngày tháng chữa trị, những người bạn mới mà cuộc đời mang đến cho Thuần sau khi mang bệnh, những người bạn gắn bó từ lâu, những người đã lần lượt từ bỏ Thuần trên giường bệnh…
Kết nối giữa những dòng tản văn là những trang nhật ký và thơ Thuần viết trong quãng thời gian mang căn bệnh hiểm nghèo. Xuyên suốt là sự mạnh mẽ, vững vàng của cô gái xứ Nghệ chống chọi với căn bệnh suốt 7 năm trời, mà thông thường, với những người mắc bệnh ung thư máu, thời gian sống là khoảng 5 năm. Thuần viết trong một trang nhật ký: “Cái Tết thứ 26 trong cuộc đời của tôi. Đó quả thật là điều đáng ngạc nhiên, trước hết với chính tôi. Và thật sự những gì đã trải qua khiến tôi tin vào thiên định. Đã nhiều lần thập tử nhất sinh, đã nhiều lần tôi buông xuôi tất cả. Vậy mà tôi vẫn sống, dù le lói, dù thoi thóp, đấng thiêng liêng nào đó vẫn giữ tôi ở lại, bằng cách thức nào đó mà khi nhớ lại tôi càng thấy kỳ lạ. Thời gian đồng hành với nỗi đau về thể xác, tôi có thêm nhiều mối ân tình từ gia đình và bạn bè”.
Nếu như phần tản văn cho thấy hành trình chống chọi với bệnh tật thì nhật ký và thơ chính là nơi thể hiện tâm hồn tinh tế của Thuần, những khát khao, cô đơn của một con người trẻ tuổi và một người bệnh vốn nhiều phần ham sống. Không ít người xúc động khi lắng nghe bài “Thơ gửi Cậu” mà Thuần viết tặng cho người bố của mình.
Con biết Cậu sẽ đọc thơ con một ngày kia
Rồi khóc
Bởi con biết
Thơ con buồn và nhức nhối lắm cậu ơi
Con biết làm sao giấu kín nỗi đau
Lòng dũng cảm chẳng giúp được gì cả
Con biết Cậu sẽ đọc thơ con rồi gục ngã
Nhưng tay con buồn làm sao viết nổi niềm vui
Ngày con bệnh Cậu khóc, con đau biết mấy
Ngậm chặt tiếng than con nghẹn một cái nhìn
Đỏ và trắng từ nay là màu cuộc sống
Máu và màu tóc cậu là cuộc sống của con
Mười tám tuổi con vào đại học
Niềm tin khát vọng vẹn nguyên
Như ngày con mười lăm xa nhà lên tỉnh học
Nhưng con bệnh rồi, con chỉ khát được thôi
Hai mươi ba tuổi con rời đại học
Cơn khát con lớn lên
Còn tấm thân con nhỏ lại
Con bệnh rồi, con chỉ khát được Cậu ơi!
Diệu Thuần ôm đàn hát với sự hỗ trợ của người bạn thân. |
Tại buổi ra mắt sách, Thuần ôm đàn, Thuần hát, say mê với cuộc đời. Cảm tưởng, nếu không mang trong mình căn bệnh quái ác, cô gái ấy cũng vẫn hát thế, sống thế thôi. Nhưng nếu không mang bệnh, những ngày vui hẳn sẽ nhiều hơn những ngày buồn. Diệu Thuần cho biết, gia đình cô vốn là công chức nhưng mê ca hát. Trong nhà có rất nhiều đàn, mỗi lần đông đủ cả nhà là lại quây quần ngồi cạnh nhau, bố đàn, mẹ con cùng hát.
Còn việc làm thơ lại đến một cách tình cờ. Ban đầu, Thuần được bạn của bố khuyến khích thử viết thơ đăng báo. Sau đó, một người bạn mang tới cho Thuần cuốn “Một thiên nằm mộng” của Nguyễn Ngọc Thuần. Đây chính là nguồn cảm hứng cho hành trình thơ của Diệu Thuần. Bài thơ đầu tiên cô viết là về cái chân đau, một chút trào lộng, một chút hờn giận với bệnh tật và cả một sự đùa với thơ: “Nhắm mắt lại là đêm mở mắt ra cũng là đêm/ Nhắm mắt lại là đau mở mắt ra cũng là đau/ Ối trời ơi. Tôi đau!”. Nhưng sau bài thơ kêu đau đó, Thuận viết lòng mình bằng những vần thơ xúc động, tinh tế.
Trong khi không ít bạn bè, những người biết câu chuyện của Thuần hay chỉ tình cờ ghé qua buổi ra mắt sách không khỏi rơi nước mắt, Thuần và mẹ Thuần không hề khóc. Hai mẹ con ngồi bên nhau, vững vàng. Cô gái cười, nhẹ nhàng, bình thản, như việc đã quen với những cơn đau, với việc cảm nhận những đợt thuốc từ từ đi vào cơ thể trên giường bệnh, quen với màu và mùi của những đợt điều trị. Trong mắt Thuần thậm chí ánh lên niềm vui, bởi có lẽ nước mắt, nỗi buồn được Thuần cất đi, giấu vào những dòng tản văn, những trang nhật ký và những câu thơ, được viết nên từ những cơn đau lặng lẽ trong đêm, những lần tuyệt vọng. Nhưng sau tất cả là sự vui tươi, bởi bên cạnh Thuần, hạnh phúc đầy ắp đến từ những sẻ chia. Và bởi Thuần muốn mình “như hoa hướng dương” – tựa đề tập sách mà chính cô lựa chọn.
Nguồn: eVan