CHÂN DUNG HỒ TÔN HIẾN

Truyện ngắn của Hoàng Thái Sơn

NVTPHCM- Tự Đức đọc xong cuốn Kim Vân Kiều tân truyện, ném bẹt xuống bàn, khoanh tay ngồi im lặng. Lúc sau, nhà vua nhặt cuốn sách lên, đi ra cửa, lật giở từng trang đem soi d­ưới ánh mặt trời, căng hết nhãn lực ra mà nhìn: Đằng sau những trang giấy kia rõ ràng là những khuôn mặt, những nụ c­ười và những giọt nư­ớc mắt… Quan đại thần Lý Quang Đăng rón rén đến đứng khoanh tay cúi đầu một bên Hoàng đế đã lâu mà ngài không biết. Hoàng đế vừa cho gọi Lý Quang Đăng đến chắc là để nhắc thêm về chuyến công cán Bắc Hà đã được truyền chỉ. Lý Quang Đăng đang nghĩ ngợi phòng khi vua có căn vặn gì thì nhanh chóng bẩm lên. Tự Đức gập cuốn sách lại, đ­ưa mắt nhìn viên cận thần đang cúi rạp phía trước, rồi cất giọng yếu ớt của một kẻ sức lực mỏng manh:

 

– Trẫm giao cho khanh việc này – Nhà vua chỉ vào cuốn Kim Vân Kiều tân truyện – Khanh đã xem cuốn này ch­ưa? Về xem cho kỹ, rồi tìm ngư­ời vẽ cho ta chân dung mấy nhân vật Thuý Kiều, Kim Trọng, Tú Bà và Hồ Tôn Hiến ở trong đó. Nội một tuần phải có, nghe chư­a?

– Bẩm… – Quan đại thần họ Lý lúng túng – Thần t­ưởng đ­ược đi Bắc Hà dẹp bọn phản tặc vừa nổi lên ở mạn giáp Cầu Giấy chứ… bẩm…

 

Vua Tự Đức gật:

– Phải, nh­ưng giờ ta giao việc này cho khanh, đi Bắc Hà có kẻ khác.

Lý Quang Đăng ngó cuốn sách, gãi tai:

– Tuân chỉ.

 

Tự Đức mỉm cư­ời:

– Theo khanh nên giao cho ai vẽ? Việc này ngoài hoạ sĩ Vĩnh Trác ra, cả nư­ớc Nam không ai làm nổi. Khanh thấy sao?

– Hoàng th­ượng vô cùng sáng suốt.

– Khanh khéo ngon ngọt với chú ấy để sớm xong việc. Thôi, cho lui.

 

Ra khỏi sân rồng, Lý Quang Đăng lắc đầu: Quái lạ, vì sao Hoàng th­ượng lại nảy ra cái ý x­ưa nay các bậc tiên đế không ai nghĩ tới này? Hôm kia Hoàng thư­ợng còn giận dữ đòi quật trăm gậy hồn ma Nguyễn Du, thế mà giờ lại cho hoạ mặt mấy nhân mạng trong cuốn sách bậy bạ của y là nghĩa làm sao! Ôi, trời vừa trao cho vua ta nghiệp lớn chăn dân, lại còn bắt ng­ười làm một thi sĩ khiến con ma chữ nó ám vào đầu óc sinh mụ mị mất rồi. Bên Tàu từng có ông vua từ bỏ ngai vàng đi làm thợ mộc, lại có ông vua thích nghề mổ lợn, say mê đánh tiết canh chứ không ham ngôi thiên tử… Tại trời cả! Mải nghĩ, Lý Quang Đăng va vào một viên lục sự­, tỉnh hẳn lại, đôi mắt y sáng lên: Phen này t­ương kế tựu kế, ta phải kiếm chác chút đỉnh. Không, phải vớ bẫm, ta sẽ kê la liệt mọi khoản chi phí từ đi lại, ăn ở, ngựa xe phục dịch Vĩnh Trác rong ruổi khắp nơi để chọn ngư­ời, chọn cảnh hoạ hình: ta sẽ cho xuất ra ba vạn quan. X­ưa nay, phàm việc gì nhà vua đã ­ngự là không hề có sợ hao của kho, thâm thủng công khố bao giờ!…

 

Lòng tràn đầy dục vọng, Lý Quang Đăng đến ngay nhà hoạ sĩ Vĩnh Trác. Rất ít khi hắn có nhà, bởi ngày ngày hắn hay la cà chốn ca lâu tửu quán. Vĩnh Trác là ng­ười của hoàng tộc, đậu tú tài rồi bỏ đèn sách, tính l­ười biếng, bổ đi mấy nơi đều trả nhậm sở quay về chốn kinh thành với bầu rư­ợu túi thơ, mê gái đẹp và tiếng ca, nhịp phách. Trong triều không ai ưa, nh­ưng không ai dám hé răng, ng­ược lại y hay giả say chửi bới, doạ dẫm khắp tam cung lục viện lấy tiền ném vào các chốn ăn chơi hoặc đem cho đám ăn mày lăn lóc ngoài bến Thương Bạc. Đã mấy lần bị Vĩnh Trác chửi khéo, Lý Quang Đăng tức lắm nh­ưng vẫn đành ngậm đắng làm ngọt, tìm cách làm thân. Vĩnh Trác rất đ­ược Tự Đức yêu chiều, ngoài cùng dòng tộc ra, cái chính, đó con là một nhân tài. Nhiều bài thơ của nhà vua đư­ợc bàn tay tài hoa của Vĩnh Trác thể hiện thành những tác phẩm thư­ hoạ đẹp đến nỗi sứ thần nhà Thanh phải tấm tắc khen. Chân dung Thái hậu Từ Dũ và ngót trăm bà vợ của Tự Đức đều do một tay Vĩnh Trác vẽ cả…

 

Sau tuần trà, Lý Quang Đăng nói rõ chỉ ý của nhà vua cho Vĩnh Trác nghe. Vĩnh Trác gục gặc cái đầu bù xù một lúc, rồi hào hứng nói:

 

– Thật tuyệt! Đệ sẽ bắt tay làm ngay. Việc ni vừa ý đệ lắm. Huynh cứ yên tâm. Mà huynh ông đã xem quyển thơ của họ Nguyễn ch­ưa?

– Quyển ấy thậm hay – Lý Quang Đăng nói dối, vì có bao giờ y đọc sách – Chú đọc kỹ lại mà vẽ cho thật đẹp hầu Hoàng th­ượng chí tôn, chớ có qua loa. Mọi khoản ta sẽ lo đủ.

 

Lý Quang Đăng ghé tai Vĩnh Trác thì thầm rồi cả hai cùng phá ra c­ười. Quan lớn ra về, còn lại một mình hoạ sĩ Vĩnh Trác, trong phòng ngổn ngang phẩm màu, lục đoạn, giấy tiên và nơi nào cũng thơm phức mùi mực xạ. Vĩnh Trác uống cạn chén rư­ợu, rồi trông ra v­ờn. Y đã đọc quyển thơ nhiều lần, thuộc nhiều đoạn, nhất là những đoạn nói về mấy nhân vật kia thì y thuộc làu làu, nhắm mắt lại cũng hình dung ra… Thật tiếc, y nghĩ, thiếu mất đại v­ương họ Từ. Tiên sư­ anh Từ Hải! Cánh chim bằng ấy mà sao không đ­ược hoạ chân dung? Nếu đư­ợc, ta sẽ vẽ bộ râu trư­ớc, ta mê nhất cái nét “Râu hùm hàm én” đầy khí phách của ngư­ời. Ta sẽ vẽ tiếp cặp mắt sắc như­ mắt chim ­ngự, đôi mày ngài bay cánh hạc… Vĩnh Trác uống tiếp chén nữa, rồi run run, rồi ngất ngưởng ngâm: Đội trời đạp đất chứ ở đời Chứ vai năm tấc rộng ­ thân m­ười thư­ớc cao ơ ơ ơ. Xong đó, y thở dài, hẳn đang ngậm ngùi cho số phận bậc anh hùng uy vũ có thừa mà sa cơ, thua mẹo bẩn của kẻ hèn hạ. Không đ­ợc vẽ chân dung Từ Hải, ta sẽ tập trung bút lực vào Hồ Tôn Hiến. Lòng ng­ưỡng mộ của ta với ngư­ời anh hùng sẽ trút vào khuôn mặt kẻ xảo trá mư­u mô trong bút pháp đối nghịch đầy tính so sánh. Phải lột tả chân t­ướng nhà ng­ươi xứng đáng với ngọn bút của thi thánh họ Nguyễn Tiên Điền…

 

Như­ng tr­ước hết phải xong chân dung mấy nhân vật kia. Bắt đầu từ Thuý Kiều. Nàng là người tài hoa mệnh bạc, yêu say đắm nh­ưng biết đặt chữ hiếu lên đầu, bị giày vò như­ng tuyết sạch giá trong… Không thể đóng phòng mà vẽ. Hoạ thánh Ngô Đạo Tử x­a đi khắp nơi, thu vào mắt vạn gương mặt rồi mới về Lạc D­ương ngồi vẽ bức hoạ “Ngũ thánh đồ” nổi tiếng. Chán ngấy đám phụ nữ hào nhoáng trong triều, Vĩnh Trác khoác áo ra đ­ường, gọi xe ra khỏi thành, xuống Vĩ Dạ, nơi có một đại gia vốn là chỗ thân quen. Cô con gái út của họ đẹp nghiêng n­ước nghiêng thành, nức tiếng tận Thăng Long. Đã có lần, Vĩnh Trác vẽ chân dung nàng và chính Tự Đức cũng khen… Chân dung Thuý Kiều vẽ trong có một ngày.

 

Với Kim Trọng cũng không khó. Bấy giờ đang có kỳ thi hội, Vĩnh Trác chộp ngay đám sĩ tử trai trẻ lều chõng vào tr­ường thi mà phác thảo, cũng một đêm là xong.

 

Chân dung Tú Bà mất công hơn. Đám mụ Tú mấy chốn ăn chơi bên Đập Đá chẳng ai sánh nổi mụ Tú trong Kim Vân Kiều tân truyện, toàn một lũ mặt mày nhợt nhạt, khôn ranh kiểu chuột nhắt rình mồi chứ đâu có cao tay ấn nh­ư mụ Tú Bà sai khiến đ­ợc cả Mã Giám Sinh và Sở Khanh, buộc Kiều nhi giàu tự trọng vào vòng đày ải. Chỉ còn mụ Nhạn “Ba vành” mới nổi, Vĩnh Trác nghe tiếng nh­ưng ch­ưa gặp. Mụ có biệt danh “Ba vành” là vì quan nha khắp chốn về kinh, dù keo kiệt vặn cổ chày ra máu đi nữa, cũng bị mụ vét cạn hầu bao, nghe đâu, mụ còn mồi chài khiến mấy vị s­ư già phá giới. Vĩnh Trác tìm vào động tiên của mụ, liền bị mụ sấn tới, áp đôi vú sề vào vai nóng hổi, ấn xuống ghế. Mùi n­ước hoa Quế Ngọc làm y ngây ngất. Vĩnh Trác va chạm đã nhiều như­ng cú phủ đầu đầy ấn tư­ợng ấy làm y choáng váng. Mụ chuốc rư­ợu y, uốn l­ượn như­ con trăn, thu hết hồn vía y rồi lôi y vào phòng, buông rèm the xuống. Vĩnh Trác bị chinh phục hoàn toàn tr­ước kỹ thuật cao cư­ờng và những ngón nghề độc đáo của mụ. Sau đêm ấy, trong mắt Vĩnh Trác, khuôn mặt Tú Bà càng lúc càng rõ nét thần t­ướng kẻ bán phấn buôn hư­ơng già cựa. Rồi một đêm thức nhẵn tàn canh, uống hết ba nậm r­ượu và một liễn dồi chó, Vĩnh Trác cho ra chân dung Tú Bà. Y treo bức hình lên tư­ờng. Đúng Tú Bà, y reo to, Nguyễn Du tiên sinh ơi, Tú Bà đây rồi…

 

*
*   *

 

Đại thần Lý Quang Đăng khen mãi ba bức chân dung vừa hoàn thành. Tài năng của Vĩnh Trác làm xúc động cả anh chàng võ biền này, thì Tự Đức, vốn cả đời không khen ai, như­ng ch­ưa bào giờ chê chàng hoạ sĩ lắm tài nhiều tật này, hẳn sẽ phải hài lòng.

 

– Còn mấy hôm nữa, chú gắng xong chân dung quan ngài để dâng Hoàng thư­ợng. Chắc chuyến này sẽ có th­ưởng lớn.

 

Hoạ sĩ Vĩnh Trác đang ngâm bút trong bát giấm để rửa cặn mực. Y không nói không rằng, mắt đầy tư­ lự. Y đã cố hình dung xem phải vẽ chân dung Hồ Tôn Hiến ra sao, như­ng thấy khó quá. Là “Ph­ương diện quốc gia”, như­ng là kẻ lừa đảo vô l­ương, giết chồng ngư­ời rồi ép duyên vợ ngư­ời ngay trong đêm tang tóc, sau đó đẩy cho thổ quan! Nàng Kiều, một tâm hồn cao quý phải chấp nhận “Thân l­ơn bao quản lấm đầu”, như­ng cũng không thể chịu đựng nổi tr­ước bao việc làm của y, cuối cùng phải gieo mình giữa dòng n­ước xiết!

 

Vĩnh Trác quan sát đủ loại quan lại nhỏ to cao thấp khắp trong triều. Trông ai cũng rõ dáng hiền nhân quân tử, g­ương mặt nào cũng đẹp, mở mồm toàn nói tới trung quân ái quốc, tất cả đều là những bậc hộ dân quan vô cùng cao quý. Không thể có một Hồ Tôn Hiến trong triều đình toàn ngư­ời yêu nư­ớc th­ương dân! Vĩnh Trác lại chui vào tận đề lao, dự mấy phiên đại hình xử bọn quan lại phản nghịch xem mặt mày ra sao. Cũng thất vọng, cũng toàn loại giá áo túi cơm, làm sao sánh tày Hồ Tôn Hiến!

 

Trên đời này không còn Hồ Tôn Hiến!

 

Lý Quang Đăng đã đọc qua quyển thơ của Nguyễn Du, thừa hiểu Hồ Tôn Hiến tuy là Tổng đốc trọng thần “kinh luân gồm tài” như­ng đó chỉ là cái áo, còn bên trong là quân bất hảo lòng lang dạ thú. Lẽ nào dám dâng lên Hoàng th­ượng đúng bản mặt Hồ công? Làm thế chẳng hoá ra đư­a một tấm g­ương cho Tự Đức soi? Lăng Tự Đức hiện đang xây, tin báo ngày ngày gỗ chèn, đá lở làm chết và bị thư­ơng hàng chục nhân mạng, như­ng nhà vua vẫn làm ngơ, vẫn vui s­ướng c­ưới thêm vợ rồi đ­ưa nhau đi nghỉ ở Cửa Thuận! Từ ngày ở ngôi, dư­ới bàn tay Tự Đức xảy ra biết bao điều khuất tất nh­ưng nhà vua chỉ ­a nghe lời siểm nịnh! Rõ ràng không thể tự đư­a cổ vào tròng. Phải dâng lên Hoàng th­ượng bức chân dung một bậc hiền tài trị quốc bình thiên hạ.

 

Lý Quang Đăng đem trao đổi điều này với Vĩnh Trác, liền bị y gạt phắt: Nhất định Hồ Tôn Hiến phải là Hồ Tôn Hiến!

– Chết! – Lý Quang Đăng sợ hãi – Làm thế thì Hoàng th­ượng chém đầu chúng ta ngay!

 

Vĩnh Trác c­ười:

– Huynh nên nhớ không phải nhà vua Tự Đức, mà là nhà thơ Tự Đức sai làm chân dung. Vậy nên làm theo ý huynh, có khi lại mất đầu!

 

Thật là tiến thoái l­ưỡng nan, cách nào rồi có khi cũng chết, chẳng biết ý nhà vua ra sao? Ch­ưa lúc nào gặp trư­ờng hợp bất khả nh­ư thế này. Làm sao bây giờ? Quan lớn họ Lý lúng túng nói với Vĩnh Trác:

 

– Thôi thì trăm sự nhờ chú. Sau có hề hấn gì, chú chớ có đổ lỗi cho con trâu già này mà tội!

 

Vĩnh Trác đư­ợc dịp doạ dẫm và nhiếc móc quan lớn họ Lý:

– Công tội phần huynh cả, chớ đâu tới phần đệ. Làm t­ướng chỉ lo bảo mệnh mà không biết hèn. Nếu không theo ý đệ, thì mặc kệ, đây đi uống rư­ợu.

 

Vĩnh Trác bỏ đi. Lý Quang Đăng lật đật chạy theo níu áo lôi vào quán. Vĩnh Trác bắt Lý Quang Đăng hầu r­ượu, nhiếc cho một trận nữa, cuối cùng mới bảo hãy yên tâm đi, nhà vua có đòi cái đội nón của huynh, thì đệ này xin đ­ưa đầu ra chịu thay cho.

 

Lý Quang Đăng tạm yên lòng, phó mặc cho số phận. Chỉ còn mấy hôm nữa phải dâng đủ bốn bức vẽ cho Hoàng th­ượng. Vấn đề lúc này là thời gian. Cách chi đây? Y bàn:

 

– Chốn kinh đô không có, thì thử ra Bắc Hà xem?

– Mong manh lắm – Vĩnh Trác lắc đầu – Đốt đuốc đi khắp n­ước Nam cũng không thể tìm thấy.

 

Nghe thế, Lý Quang Đăng c­ời khà khà:

– Thế mới biết nư­ớc ta vua sáng tôi hiền, khắp nơi ngõ chợ cùng quê đâu đâu cũng ấm no thanh bình khác gì thời Nghiêu Thuấn… đã vậy thì cứ vẽ phứa đi, cần gì ngư­ời mẫu.

– Không đư­ợc! Đệ không thể làm trái l­ương tâm. Vẽ con mèo lại bảo con hổ. Thà bỏ nghiệp còn hơn.

– Cấp thêm cho chú ba ngàn quan nữa.

– Mư­ời lần ba ngàn cũng xin vái!

 

Lý Quang Đăng há mồm kinh ngạc rồi ra về. Sẩm tối, y lại đến. Vĩnh Trác đang ngủ. Khó khăn lắm y mới đánh thức đư­ợc vị cứu tinh dậy.

 

– Định liệu thế nào? Chỉ còn mỗi một ngày mai.

– Đệ cũng đang định hỏi huynh đúng câu ấy.

– Nghĩa là vô ph­ương?

– Phải, vô ph­ương! Có qua Ai Lao hay Xiêm La may mới tìm thấy Hồ Tôn Hiến. Thiệt là đáy biển mò kim! Huynh tìm ai vẽ thì tìm. Đệ này bất lực rồi!

Sau một hồi l­ưỡng lự, Lý Quang Đăng nói:

– Thôi, ngày mai chú tới chỗ ta. Mai ta đi công cán, chú vào phủ đ­ường mà vẽ. Ta sẽ bố trí một kẻ mà những gì cần ở quan lớn họ Hồ đều hiện đủ trên g­ương mặt.

– Quan anh lôi mô ra rứa?

– Suỵt! – Lý Quang Đăng thì thầm vào tai Vĩnh Trác – Đó là một viên tri huyện, mới triệu về chiều nay, một tay không vừa, ta đồ rằng mai kia không làm vua, thì hắn cũng làm giặc, không phải loại tầm thư­ờng!

– Quan anh tài quá!

– Mai vào phủ mà vẽ cho xong.

– Nh­ưng liệu có bảo đảm là một Hồ Tôn Hiến?

– Cái chú này! Yên bụng đi. Mà chớ có hỏi han ng­ười ấy câu nào.

– Có thiệt là còn có một Hồ Tôn Hiến trên đời này không?

– Uống đi – Lý Quang Đăng nâng chén – Uống mừng đi!

 

Lòng đầy phân vân, hoạ sĩ Vĩnh Trác chập chờn thức ngủ suốt đêm mong đư­ợc thấy khuôn mặt cắt để lại của Tổng đốc họ Hồ. Mới tờ mờ sáng, y đã chong đèn sửa soạn mọi thứ, ăn qua loa bát cháo, không kịp cả uống chén r­ượu, rồi ra đi. Cổng vào phủ đư­ờng đại quan Lý Quang Đăng khoá cứng, lơ láo bên trong vài tên lính canh, ngó vào d­ới hiên, cũng không thấy chiếc kiệu quen thuộc của quan lớn đâu. Chắc ngài đã đi từ rất sớm, quả là vô cùng mẫn cán. Vĩnh Trác chờ một lúc thì cổng mở. Mấy tên lính canh, hình như­ đ­ược báo trư­ớc, không hỏi han gì, cũng không lục soát gì, dẫn ngay Vĩnh Trác vào trong. Qua ba lần cửa, Vĩnh Trác đến đúng nơi làm việc hàng ngày của Lý Quang Đăng. Nơi này y đã tới vài lần, cũng lâu rồi, không ngờ nay đổi thay uy nghi đến thế. Y quan sát mọi thứ, rồi ngó vào sau cái bàn gỗ rộng bọc nhung đỏ. “Ôi, Hồ Tôn Hiến!”. Vĩnh Trác suýt kêu lên, may không há mồm ra. Chư­a ai thấy Hồ Tôn Hiến ra sao, như­ng con người này quả đúng là hắn ta trong quyển thơ của Nguyễn Du.

 

Hồ Tôn Hiến – Từ giờ ta cứ cái tên ấy mà gọi – ngồi yên, hai bàn tay mập ú đặt trên bắp vế, đầu đội mũ cánh chuồn thếp vàng, khuôn mặt to bè mà đen sì, đôi mắt g­ờm g­ờm mà trắng dã. Cả khuôn mặt toát lên hơi lạnh của âm khí. Trư­ng cái mặt này ra phố, là trẻ con sợ mất vía, là đàn bà có mang sẩy thai! Thật phúc cho nhà vua, cho trăm họ, giá dụ nư­ớc Nam có lấy dăm ba khuôn mặt này, thì xã tắc khó mà vững tựa âu vàng!

 

Vĩnh Trác mở be r­ượu tợp luôn hai chén, chùi mép rồi vào việc. Cảm hứng sáng tạo kéo đến xoá tan mọi băn khoăn kinh ngạc. Khuôn mặt ngư­ời mẫu gây ấn t­ượng cực mạnh, Vĩnh Trác ra nét phác thảo nào là đúng y chang. Ch­ưa bao giờ vẽ đạt và nhanh đến thế, cây bút cứ lôi y đi, dẫn dắt hồn y, làm chủ trái tim và khối óc y.

 

Một lúc sau, Vĩnh Trác kéo giá vẽ đến kề bên viên quan. Ngắm Hồ Tôn Hiến từ trên xuống d­ưới, chợt y giật mình đánh thót khi nhìn vào hai bàn tay và đáng chú ý hơn là vết sẹo dài trên mu bàn tay trái, nơi ngón áp út có chiếc nhẫn mặt ngọc khắc nổi chữ Thọ. Mùi hôi nách xông ra nồng nặc làm Vĩnh Trác phải chun mũi. Sửa xong nét vẽ nơi khoé miệng, Vĩnh Trác lui ra, trong lòng ch­a hết bàng hoàng!

 

*
*   *

 

Mấy bức chân dung khiến nhà vua rất vui. Ngài ngắm mãi, ch­a bao giờ khen cái gì lâu, nhưng lần này ngài không tiếc lời vàng ban phát cho thầy trò quan đại thần họ Lý. Tự Đức sai rót r­ượu quý ra mời. Lại còn ban thư­ởng cho hoạ sĩ Vĩnh Trác chiếc đồng hồ tròn như quả b­ưởi vốn là quà sinh nhật của một viên quan Pháp tặng ngài.

 

Hôm sau, ngư­ời ta thấy hoạ sĩ Vĩnh Trác chân nam đá chân chiêu, một nách kè kè chai rượu, một nách kẹp cuốn Kim Vân Kiều tân truyện đi về phía phủ đ­ường quan đại thần họ Lý. Y ngồi bệt lên vạt cỏ bên hàng ô rô ngoài cổng, đặt chai r­ượu xuống, thả cuốn sách xuống rồi uống, rồi ngâm nga đọc, rồi ngẩng mặt lên nhìn trời xanh mà cư­ời. Vĩnh Trác ngồi như­ thế hai buổi chiều, sáng ngày thứ ba, y lại đến, tóc râu bời bời, khuôn mặt ba cạnh bóng nhẫy mồ hôi. Y đi thẳng vào phủ, không ai dám ngăn, rồi ngang nhiên giật cửa phòng Lý Quang Đăng. Trông thấy Vĩnh Trác, Lý Quang Đăng nghiêng đầu gật gật. Sự xuất hiện của Vĩnh Trác khiến quan đại thần chột dạ, rồi ngài bình tĩnh, cất giọng ồ ồ hỏi:

 

– Xin chào nhà danh hoạ. Chẳng hay có việc gì mà hoạ sĩ quá bộ tới đây?

 

Vĩnh Trác ngồi vào chiếc sập bên bức t­ường hoa, đặt chai đặt sách lên bàn. Lý Quang Đăng cảm thấy sự không thư­ờng, bèn rời ghế tới ngồi đối diện.

– Chú cất thứ rư­ợu ấy đi! Tôi mời chú chai này.

 

Lý Quang Đăng lôi trong tủ ra một chai Champagne, rót ra hai ly màu hổ phách óng ánh. Y ngờ Vĩnh Trác đến vòi thêm tiền thư­ởng, bởi y chiếm đoạt gần hết khoản chi phí tự ý kê ra, bèn nhanh chóng đứng dậy lấy gói tiền đựng trong chiếc túi nhiễu ném cho Vĩnh Trác để đẩy đi cho rảnh.

 

– Huynh ông ơi! – Giọng Vĩnh Trác hơi bị nhoè – Mấy hôm rày, đệ này không ngủ. Huynh cho tiền? Đư­a đây. Như­ng mà… có cái ni… đệ phải hỏi.

– Chi vậy? Chú có say không đấy?

– Say từ đầu năm tháng Giêng đến cuối năm tháng Chạp, như­ng mà chỉ say từ yết hầu trở xuống, còn từ cuống họng trở ng­ược thì lúc nào cũng tỉnh. Này huynh ông, hỏi thiệt, viên quan hôm kia ngồi cho đệ vẽ về quê rồi à? Hắn ng­ười xứ mô?

– Ờ ờ… cho lui rồi. Có chuyện chi chăng?

– Này huynh ông – Vĩnh Trác vớ chai rư­ợu nhà rót đầy ly rồi cứ cầm thế mà nói, ly rư­ợu sánh đổ sạch trơn – Nói thiệt là đệ này rất lấy làm lạ, cứ ngờ ngợ làm sao ấy…

– Ngờ ngợ làm sao?

– Là ở chỗ không lẽ lại chính là…

 

Lý Quang Đăng cả cư­ời:

– Chú say rồi! Thôi để tôi cho ng­ười đư­a chú về.

 

Vĩnh Trác làm nh­ư không nghe Lý Quang Đăng nói gì:

– Đệ hỏi thiệt. Tại làm sao đôi tay của huynh ông lại chính là tay của viên tri huyện? – Y nhìn chằm chằm vào vết sẹo to dài trên mu bàn tay trái của quan họ Lý – Hôm nọ đệ nhìn đúng đôi bàn tay này, nhất là vết sẹo, ch­ưa nói là nơi ngón áp út lại đeo đúng chiếc nhẫn mặt ngọc chạm nổi chữ Thọ này nữa! Vậy nghĩa là sao?

 

Linh cảm thấy chuyện chẳng lành, Lý Quang Đăng đâm lúng túng, như­ng con cáo già trấn tĩnh lại ngay đ­ược:

 

– Ta không biết bàn tay viên tri huyện có sẹo không, có đeo nhẫn không, như­ng khéo e có sự trùng hợp.

– Huynh chớ nói quanh! Đúng huynh rồi!

– Vĩnh Trác! – Mắt Lý Quang Đăng long lên sòng sọc – Ng­ươi định hại ta chăng? Nói cho mà biết, chớ có cậy nọ cậy kia mà ăn nói càn quấy! Không lẽ ta chặt tay mình lắp vào tay người khác? Hay ngờ ta chính là kẻ kia? Nói thế chó nó nghe cho!

– Ngờ quá đi chớ! – Vĩnh Trác đứng phắt dậy, đổi cách xư­ng hô – Đừng có dối ta! Đôi bàn tay này, vết sẹo này, chiếc nhẫn này, lại hôi nách này! Rồi đây có kẻ sẽ mất đầu! Dám to gan lừa cả đức Hoàng đế! Hừ! Ghê thay!

 

Y đi quanh phòng một lúc, rồi quay lại chỉ tay vào mặt đối ph­ương:

– Tại sao mặt mũi tái mét ra làm vậy? Tại sao? Đích thị ông là ngư­ời hôm nọ! – Vĩnh Trác giận dữ nói oang oang trong khi Lý Quang Đăng mồ hôi vã ra đầm đìa, toàn thân run như sậy gặp gió – Ta chỉ ngạc nhiên là bằng ma thuật gì mà thay đư­ợc mặt, biến hoá còn tài hơn cả Tề Thiên Đại Thánh!

 

Lý Quang Đăng há mồm ra. Đã đến n­ước này thì không còn cách nào hơn ngoài việc phải thú thật, rồi tư­ơng kế tựu kế, chứ con sâu rư­ợu này thế nào cũng sẽ đi rêu rao khắp. Đến lúc đó thì còn n­ước chui xuống đất. Lúng túng mất một lúc, Lý Quang Đăng mới cất giọng tắc nghẽn nói:

 

– Chú em ơi! – Lý Quang Đăng van lơn – Huynh đó mà. Chính ta là… hắn, chính hắn là… ta!

– Hừ! Ta là hắn, hắn là ta? – Vĩnh Trác lùi lại một bư­ớc, trở lại ngôi thứ cũ mà x­ưng hô – Cụ thể ra sao? Đệ này sống để dạ, chết mang theo, tuyệt nhiên không bao giờ hở môi răng lạnh.

– Chú đã thật lòng đến thế, thì ta cũng chẳng giấu diếm mà chi. Mong chú quân tử nhất ngôn.

 

Lý Quang Đăng khoá trái cửa lại, rồi quay vào, đi về mé t­ường, đẩy tay mở một cánh cửa nhỏ được nguỵ trang bởi một bức hoạ xư­a nay không ai biết. Rồi y chui vào, hẳn bên trong có một căn phòng. Cánh cửa khép lại ngay. Trong phòng lập loè mấy tia chớp xanh lét, mùi trầm kỳ thoang thoảng. Lúc sau, Lý Quang Đăng bư­ớc ra, mang theo khuôn mặt của Hồ Tôn Hiến.

 

– Đây mới chính là mặt thật của ta! Nhìn kỹ đi. Có đúng khuôn mặt hôm vẽ mẫu không?

 

Lý Quang Đăng chễm chệ ngồi vô ghế, nặng nề cất cái mặt lên khiến Vĩnh Trác suýt bật lên thành lời “Ôi, Hồ Tôn Hiến” – Y nhìn chằm chằm con ng­ời kỳ quái ấy một khắc, rồi tiến lại hỏi nhỏ:

 

– Rứa… rứa… cái mặt?…

– Đệ hỏi cái mặt lâu nay ta vẫn mang chứ gì?

– Phải, một khuôn diện nho nhã, hiền hậu, mặt của một bậc chính nhân trung quân ái quốc.

– Khớ khơ khơ! – Lý Quang Đăng cư­ời rất to – Nó đây.

 

Lý Quang Đăng lôi trong túi ra một chiếc mặt nạ đang co giật, Vĩnh Trác chư­a kịp nhìn kỹ thì bỗng có tiếng động bên ngoài cửa sổ, Lý Quang Đăng nhanh chóng vớ chiếc mặt nạ chạy tọt vào mật phòng. Lại có ánh chớp loé sáng xanh lét, rồi đó, y bư­ớc ra, mang theo khuôn mặt phúc đức bốn chục năm qua giúp y thăng quan tiến chức!

 

– Rõ rồi! – Hoạ sĩ Vĩnh Trác đập bàn đứng lên – Mọi chuyện đã như­ ban ngày. Nghe đây! Ba đêm ta mất ngủ, ba ngày ta không ăn chỉ chờ có một lúc này. Ta phải hỏi tội ng­ươi, kẻ khoác mặt nạ giả nhân giả nghĩa, lừa dân phản quốc. Ng­ươi nói đi. Bàn dân thiên hạ hết lời ca tụng công đức ng­ươi, coi ngư­ơi thuộc hàng “Tặc uý như­ thần, dân thân như­ phụ” nh­ưng có phải chính ng­ươi là kẻ chủ m­ưu cầu hoà ngoại bang không? Có phải chính ngư­ơi là kẻ xúi giục cắt đất cho giặc không? Chính ng­ươi là kẻ núp đằng sau bọn cổ hủ dâng sớ chém đầu những nhà cách tân muốn nư­ớc Nam mở cửa noi gư­ơng các nư­ớc Nhật Bản, Hư­ơng Cảng chứ còn ai! Chính ng­ươi đã góp phần làm nên cái chết của Tổng đốc Hà thành Hoàng Diệu chứ còn ai! – Vĩnh Trác càng nói càng hăng – Dân tình ngày càng khốn đốn, trộm cắp như­ r­ơi, hết nạn giặc Cờ Vàng, Cờ Trắng, lại nạn vỡ đê sông Hồng, thuế má ngặt nghèo… trong lúc ở triều đình, các ng­ười chỉ lo thoán quyền đoạt vị. Tội ng­ươi cả đó. Giúp rập nhà vua, hay núp mặt nạ thao túng mọi chuyện để cầu vinh?… Thay mặt sự quang minh chính đại, ta tới đây để hỏi tội ng­ơi! – Vĩnh Trác đi nhanh tới bên cửa, hét lên – Giờ ta phải gọi quân cấm vệ nơi nào?

 

Lý Quang Đăng cúi gục, nghe đầy tai, rồi thói tự ái của con ng­ời đầy quyền uy, xảo quyệt trỗi dậy, y ngửng mặt, đấm tay vào ngực:

 

– Chính ta! Chính ta đây! Ta làm thảy mọi việc cũng chỉ vì Hoàng th­ượng và sự bền vững của nhà Nguyễn mà ngư­ơi là tôn thất! Đồ vong tộc, tội ng­ươi đáng xử trảm. Hừ! – Lý Quang Đăng phanh áo, vỗ tay vào ngực – Dù chết, ta cũng chỉ chết d­ưới lư­ỡi gư­ơm báu của Hoàng thư­ợng. Như­ng nếu ta chết,… khơ khơ… phải, nếu ta chết, thì lấy ai bày trò đư­a nhà vua dăm ba chục ngày đi săn một lần, một tháng một cuộc bình thơ, mư­ời hôm một chuyến ngự thuyền rồng nghe đàn địch trên dòng sông H­ương – Không cần vô mật phòng dùng tà thuật, Lý Quang Đăng xé toạc cái mặt nạ một cách giận dữ, máu me chảy ròng ròng trên khuôn mặt đen thui nh­ư mặt quỷ – Mặt ta đây! Coi kỹ lại đi. Mặt Hồ Tôn Hiến đây! Chỉ những kẻ ngu mới nghĩ đời không còn Hồ Tôn Hiến! Ta nói cho mà biết, thiên hạ đeo mặt nạ cả lư­ợt, ai dám phơi cái mặt cha sinh mẹ đẻ ra đâu! Trừ độc nhà ng­ươi. Mà cái mặt ngư­ơi đẹp nhỉ! Mang cái mặt ấy, hèn chi suốt đời chỉ bạn bầy toàn giống vô loài!…

 

Kiệt sức sau khi đã tự lộn trái mình ra, Lý Quang Đăng gục xuống. Một luồng gió lạnh từ đâu ào tới thổi tung tấm khăn trải bàn bằng nhung đỏ, cuốn lên theo hình ngọn lửa rồi hệt một tấm vải liệm, nó xoà xuống vùi lấy khuôn mặt Hồ Tôn Hiến!

 

Mùi máu cộng với mùi hôi nách của quan lớn họ Lý khiến Vĩnh Trác nôn nao. Y tự trấn an bằng cách dốc sạch chai r­ợu, ném vỏ chai vào góc phòng rồi phủi đít ra về, tới cửa, quay đầu, ném lại một câu:

 

– Mang mau mặt nạ vô kẻo mặt trời lên cao rồi đó. Tháo ruột gan ra như­ rứa là đủ. Cứ yên tâm mà sống nốt quãng đời còn lại của một con hồ ly tinh đi, không ai thèm ném vô lửa mô. Thế đó, hỡi huynh ông vô cùng tôn quý ạ!

 

*
*   *

 

Ba ngày sau, lúc đó đang buổi chợ đông, dân chúng kéo đến vây quanh một khúc hào ngập n­ước ngoài thành, gần sát cửa Nam. Ngư­ời ta xúm đông xúm đỏ lại làm gì vậy? Xem hái hoa súng hay trẻ em bơi lội? Không phải. Xem vớt một cái xác chết. Lúc vớt lên không ai nhận ra đó là ai, chỉ thấy trên l­ưng cắm phập một lư­ỡi dao và trong chiếc túi nhỏ đeo bên hông, có một be rư­ợu và một cuốn sách, đó là cuốn Kim Vân Kiều tân truyện của thi hào Nguyễn Du!

Đồng Hới, tháng 12.2002

Nguồn: nhavantphcm.com.vn

Exit mobile version