GS.TS Hoàng Quang Thuận, Viện trưởng Viện Công nghệ viễn thông lâu nay nổi tiếng trong giới văn thơ bởi cả 2 tập thơ của ông đều rất đồ sộ được gửi tham dự giải Nobel Văn học. Những bài thơ Thiền của ông thường ra đời theo cách rất… bí ẩn.
Tác giả Hoàng Quang Thuận nhận Kỷ lục châu Á cho tập thơ “Thi vân Yên Tử”
Một đêm viết 121 bài thơ
Câu chuyện Hoàng Quang Thuận, một đêm làm 121 bài thơ đã được nhà thơ Dương Kỳ Anh kể lại trong một số bài báo. Đó là năm 2010, khi nhà thơ Dương Kỳ Anh và Hoàng Quang Thuận cùng có chuyến đi “cầu thơ” tại khu du lịch tâm linh Tràng An – Bái Đính. Sau khi làm lễ tại đền Trần ở Tràng An, Dương Kỳ Anh và Hoàng Quang Thuận ở lại qua đêm trong khu nhà lầu hình bán nguyệt, mỗi người một phòng. Hai người ký chéo những tờ giấy A4 và trao đổi cho nhau. Hoàng Quang Thuận nhận 141 tờ có chữ ký của Dương Kỳ Anh và ngược lại. Đến 12h đêm, mọi thứ vẫn yên bình không động tĩnh gì. Đến nửa khuya, Hoàng Quang Thuận thấy lành lạnh, ông lấy một tấm chăn choàng lên người và ngồi vào bàn viết. Và cứ thế, những câu thơ tuôn trào trong trạng thái vô thức.
Khi Hoàng Quang Thuận giật mình choàng tỉnh thì thấy đã 4h sáng. Nhìn trên mặt bàn, ông thấy la liệt những tờ giấy mình vừa viết, thu lại đếm thấy tất cả 121 bài thơ. Chính ông cũng ngỡ ngàng không tin được điều kỳ lạ vừa xảy ra. Sáng ra, hai người bạn thơ gặp lại và hỏi về tình hình thơ phú đêm qua, tổng kết lại Hoàng Quang Thuận làm được 121 bài, Dương Kỳ Anh làm được… 4 câu. Dương Kỳ Anh vô cùng khâm phục và kinh ngạc trước sự lạ diễn ra đêm hôm đó. 121 bài thơ đó sau này được Hoàng Quang Thuận in thành “Hoa Lư thi tập”. Tập thơ đã được làm độc bản nặng 54kg và trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, sau đó tác giả quyết định tặng cho thành phố Hà Nội.
Không chỉ nổi tiếng với “Hoa Lư thi tập”, hơn chục năm trước đó, năm 1997, trong một lần đến Yên Tử, Hoàng Quang Thuận cũng đã có cơ duyên với vùng non thiêng này. Theo như ông kể lại, ngày 24-11-1997, khi cùng đoàn phật tử miền Nam ra viếng Yên Tử, trên đường lên núi, đến chùa Hoa Yên ông gặp một người đàn ông địa phương đang rao bán một con rắn, điều đặc biệt là trên đầu vị hổ chúa có mào đỏ. Hoàng Quang Thuận đã mua con rắn và phóng sinh. Sư thầy Huệ Giác cùng đi trong đoàn đã gọi chú rắn là “Kim Xà”. Khi được thả, “Kim Xà” đã ngỏng cao đầu gật 3 lần như cảm ơn trước khi bò vào rừng. Từ Yên Tử trở về, chỉ trong 3 đêm ông đã làm được tập thơ “Ngọa vân Yên Tử”, sau này bổ sung và tái bản thành tập “Thi vân Yên Tử” với 143 bài. Tập thơ cũng đã được làm độc bản, nặng 120kg và được tổ chức Kỷ lục châu Á trao giải.
Thơ Thiền dự giải Nobel
Nhiều nhà phê bình văn học định danh thơ Hoàng Quang Thuận là thơ Thiền. Cho đến nay, có nhiều câu chuyện đồn thổi xung quanh những bài thơ của ông, chẳng hạn như việc một số địa danh xuất hiện trong thơ Hoàng Quang Thuận ở Yên Tử và Tràng An sau đó các nhà sử học mới tìm lại trên thực địa, có những địa danh đến dân bản địa cũng không rõ, và ngay chính Hoàng Quang Thuận cũng chưa một lần biết đến, dù chính ông đã đưa chúng vào thơ. Bản thân ông thì luôn lên tiếng phủ nhận nếu như có ai đó gọi mình là tác giả của những vần thơ ký tên Hoàng Quang Thuận. Ông giải thích, đó là do “tiền nhân mượn bút tôi, sai khiến tôi chép ra, tôi không dám nhận là tác giả”.
Tập “Thi vân Yên Tử” của Hoàng Quang Thuận đã được dịch ra tiếng Anh và tiếng Pháp bởi một số dịch giả như Nguyễn Đình Tuyến, Hoàng Hữu Đản, Thái Bá Tân. Gần đây Giáo sư người Mỹ David đã xin phép tác giả được sử dụng thơ trong tập “Thi vân Yên Tử” để dạy trong trường Đại học Mỹ.
Một điều khá đặc biệt từng gây nhiều tranh cãi, đó là, cả hai tập thơ của Hoàng Quang Thuận đều đã được gửi đi Thụy Điển tham dự giải Nobel Văn học. Nhưng đơn vị đề cử là Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử và Khu du lịch tâm linh Tràng An – Bái Đính chứ không phải là tác giả. Ông bảo, tôi không dám giữ lại gì cả, các tập thơ độc bản cũng đều được hiến tặng, nhận kỷ lục thì đó cũng là kỷ lục của Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, nếu được giải Nobel thì cũng thuộc về Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử.
Lý giải về những giây phút xuất thần với thi ca, Hoàng Quang Thuận cho rằng đó là hiện tượng lên đồng thơ, nhập đồng thơ mà ông không phải là trường hợp duy nhất trên thế giới. Trong những giây phút xuất thần ấy, người làm thơ gần như trong trạng thái vô thức, người của hiện tại sống trên nền quá khứ, và người của quá khứ hiện hữu trong hiện tại.
Khi được hỏi, “liệu Thần Phật còn tiếp tục mượn bút ông dưới những vần thơ”, Hoàng Quang Thuận cho biết điều đó không thể nói trước, bởi chỉ trong những thời khắc lịch sử đặc biệt mới có sự linh ứng, chẳng hạn đúng dịp 700 năm vua Trần về Yên Tử thì mới có những bài thơ trong tập “Thi vân Yên Tử”; đúng dịp 1000 năm Thăng Long mới có “Hoa Lư thi tập”. Dù đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nhưng GS.TS Hoàng Quang Thuận chưa bao giờ nhận mình là nhà thơ. “Tôi là một nhà khoa học”, đó là câu cửa miệng của ông với bạn bè thi hữu.
Làm thơ viếng vợ bạn
GS.TS Hoàng Quang Thuận
GS.TS Hoàng Quang Thuận cũng là một người bạn vong niên của Trung tướng, nhà văn Hữu Ước. Đầu tháng 7-2012, khi Đại tá Nguyễn Thị Lý, phu nhân của Trung tướng Hữu Ước đột ngột từ trần. Sự việc đến quá bất ngờ, Hoàng Quang Thuận là người rất chăm chút, xót xa cho bạn. Trong một buổi về viếng mộ Đại tá Nguyễn Thị Lý tại Hưng Yên, khi ấy Trung tướng Hữu Ước ở Hà Nội vì đang thời gian kiêng người thân không nên có mặt, nhìn cảnh đồng quê quạnh quẽ, suy nghĩ về người nằm xuống, Hoàng Quang Thuận đã xúc cảm viết nên những vần thơ trước mộ Đại tá Nguyễn Thị Lý: “Em sinh ra/ Trên cánh đồng quê/ Năm mươi lăm năm/ Em lại trở về/ Nằm thanh thản/ Giữa quê nhà đồng nội/ Phủ kín vòng hoa/ Người thân đồng đội/ Ngắm mây trời/ Non nước quê hương”.
Ngoài bài thơ trên, Hoàng Quang Thuận còn một bài thơ khác viếng phu nhân Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, nhưng bài thơ xúc cảm từ lần về viếng mộ Đại tá Nguyễn Thị Lý tại Phù Cừ, Hưng Yên có tên “Nghĩa trang chiều quê” vẫn khiến ông ngậm ngùi hơn cả. Ông cũng đã dành những lời thơ tốt đẹp để ngợi ca vợ bạn: “Em sinh ra/ Một ngôi sao nhân hậu/ Tình đong đầy/ Như nước sông quê/ Nhân nghĩa thủy chung/ Trọn vẹn ngày về/ Hương sắc ấy/ Như loài hoa Thiên Lý”. Dù đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nhưng GS.TS Hoàng Quang Thuận chưa bao giờ nhận mình là nhà thơ. “Tôi là một nhà khoa học”, đó là câu cửa miệng của ông với bạn bè thi hữu.
Nguyễn Xuân Thủy
Nguồn: ANTĐ