Tuổi trẻ Hoàng Nhuận Cầm bị ẩn khuất giữa mất mát và chia lìa. Anh nhận ra ‘câu thơ cũ có gì không thực nữa, chớp qua hồn như pháo sáng mà thôi’, để lặng lẽ day dứt cho người ngả xuống.
Liên hoan phim Việt Nam – Bông Sen 2011 và Giải thưởng Hội Điện ảnh VN – Cánh Diều 2012, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đều được vinh danh Biên kịch xuất sắc với kịch bản Mùi cỏ cháy.
Lấy cảm hứng từ nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, nhưng thực chất Hoàng Nhuận Cầm không hề làm công việc chuyển thể một cách đơn giản, mà anh viết Mùi cỏ cháy như viết về chính thế hệ của anh, viết cho chính thế hệ anh, thế hệ nhiệt thành “sáng nay – tuổi hai mươi, bùng lên như viên đạn”. Nói vậy, không phải gắng gượng phỏng đoán hay vu vơ gán ghép, ngay cái tên phim Mùi cỏ cháy cũng được phát triển từ bài thơ Cỏ cháy mà Hoàng Nhuận Cầm viết từ năm 1978:
“Lửa đã đốt đi những điều anh chưa thành thật
Công sự khét mùi khói đạn mồ hôi
Thuốc súng phủ lên môi, giờ tấn công đã gọi
Anh ném nửa lá thư còn lại xuống chân đồi”.
Nếu xem Mùi cỏ cháy không khó để nhận ra kịch bản chưa hẳn thuyết phục ở chi tiết và nhân vật, nhưng đã truyền tải được không gian của một thời tuổi trẻ biết sống vô tư và dâng hiến. Không gian ấy chất chứa lý tưởng “tôi thôi làm cây nến buồn thành phố, tôi làm ngọn đuốc thắp hừng đông” từng hiện diện trong tập thơ đầu tay Những câu thơ viết đợi mặt trời của Hoàng Nhuận Cầm do Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới in năm 1983.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.
Những ngày khói lửa khốc liệt, Hoàng Nhuận Cầm cùng bè bạn tình nguyện rời giảng đường đại học để vác ba lô vào chiến trường Bình – Trị – Thiên thấu hiểu Buổi sáng trên chốt cam go: “Bom giặc ném vào bờ tre/ Đau cả lòng Thánh Gióng/ Da trời căng như mặt trống/ Vó ngựa về trong khao khát bao năm/ Con đã sống những ngày cao đẹp nhất/ Tuổi hai mươi chỉ có một lần”.
Bàn chân anh lính Hoàng Nhuận Cầm hướng theo kim chỉ nam “tứ thơ nằm thăm thẳm lối Trường Sơn” bằng tất cả hồn nhiên và say mê. Giọng điệu hào sảng của Hoàng Nhuận Cầm cũng lẫn vào dàn đồng ca thơ chống Mỹ giục giã cho tương lai một dân tộc đang bị chia cắt giữa hờn căm: “Tiếng mùa mưa hồn hậu đến bên tôi/ Tiếng thương nhớ không lời trên tóc mẹ/ Tiếng Tổ quốc trên môi như đạn xé/ Tiếng cuối cùng khẩu súng nắm trên tay”.
Thế nhưng, thơ Hoàng Nhuận Cầm cũng tạo được ấn tượng nhờ những rung động tươi xanh để có thể hình dung Bức tranh dọc đường hành quân không bị chìm đi trong thử thách bom đạn: “Có rất nhiều tơ nhện trắng mung lung/ Đường anh bạn giao liên vừa đến/ Tiểu đội trưởng nhắc tên những đồn thù sẽ chiếm/ Trâu ven đồi thành tĩnh vật trong tranh… Chuồn kim ơi thân dài cánh đỏ/ Em khâu gì trên áo xám của sườn non”.
Bìa tập “Những câu thơ viết đợi mặt trời”.
Ánh mắt trong trẻo giúp Hoàng Nhuận Cầm phát hiện Trên chiến hào biên giới có những chàng trai nông thôn ra trận không phải để làm anh hùng lừng lẫy sử sách mà ra trận để cầu mong thanh bình cho bờ tre gốc ruộng quê nhà: “Có mùa lá ải nồng/ Giữa vầng trăng trong vắt/ Người lính tựa vách đất/ Hát bài ca gieo trồng”.
Tuổi trẻ của Hoàng Nhuận Cầm bị ẩn khuất giữa mất mát và chia lìa. Anh nhận ra “câu thơ cũ có gì không thực nữa, chớp qua hồn như pháo sáng mà thôi”, để lặng lẽ day dứt cho những người ngả xuống: “Anh biết vì sao anh đã khóc/ Lá rừng sốt rét xuống trang thơ/ Đâu những căn hầm, đâu nấm mộ/ Nhắc tên lên đã thấy bơ phờ”.
Hòa bình trở lại, những mộng mơ ở Hoàng Nhuận Cầm được dịp nảy nở. Tập thơ thứ hai Xúc xắc mùa thu do NXB Hội Nhà Văn in năm 1992, lúc Hoàng Nhuận Cầm tròn 40 tuổi, phơi bày khá đầy đủ tâm hồn mỏng mảnh và chênh chao của anh.
Năm tháng học trò ngỡ bị mất cắp bởi chiến tranh đã được hồi sinh mãnh liệt “ta pha mực tím yêu thương lại, vở trắng vô cùng chưa hết trang”, khiến Hoàng Nhuận Cầm có được những câu thơ sinh động cho lứa tuổi áo trắng, từ khoảnh khắc Chiếc lá đầu tiên hoài niệm: “Em đã yêu anh, anh đã xa vời/ Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi/ Anh nhớ quá! Mà chỉ lo ngoảnh lại/ Không thấy trên sân trường – chiếc lá buổi đầu tiên” sang bâng khuâng Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến xôn xao: “Quả tim anh như căn nhà bé nhỏ/ Gió em vào – nếu chán – gió lại ra/ Hò hẹn mãi cuối cùng em đứng đó. Dẫu mùa thu, hoa cúc cướp anh rồi” và nhoi nhói Viên xúc xắc mùa thu u uẩn: “Anh đi qua tất cả mối tình câm/ Mối tình nói rồi mối tình bỏ dở/ Đôi tay kẻ ăn xin, đôi môi hồng trẻ nhỏ/ Đất nước đau buồn chưa hết Mỵ Châu ơi!”
Bìa tập “Xúc xắc mùa thu”.
Thơ Hoàng Nhuận Cầm vừa trọng âm vận vừa trọng nhạc tính, nên lời thơ thường tràn qua cả ý thơ. Hoàng Nhuận Cầm luôn muốn dùng một bài thơ để kể một câu chuyện nên khoảng trống thẩm mỹ lẽ ra được ưu tiên có mặt giữa những câu thơ hoặc những đoạn thơ, đành phải nhường chỗ cho ngôn từ cảm thán. Đúng như Hoàng Nhuận Cầm viết “nỗi khôn ngoan ám sát tuổi học trò”, phần lớn những kỹ thuật thi ca như ngắt nhịp, chuyển ngữ, đổi vế nhằm lý giải hoặc nhằm tạo ấn tượng đều ít mang lại hiệu quả cho thơ anh.
Khi và chỉ khi Hoàng Nhuận Cầm để trái tim mình đắm đuối đến mức cực đoan thì thơ tạo được dư vị, dẫu nghĩ về Sông Thương tóc dài nôn nao: “Mai đành xa sông Thương thật thương/ Mắt nhớ một người, nước in một bóng/ Mây trôi một chiều, chim kêu một giọng/ Anh một mình – náo động – một mình anh” hoặc sốt ruột Nhớ ngày mai quay quắt: “Ta thực đã vào đời bằng nước mắt/ Để con ta mơ mộng ngủ bên đàn/ Ta đã đi như mèo trên phố vắng/ Gọi tên con như gọi các thiên thần/ Có một nốt không bao giờ con biết tới/ Là nốt buồn, cha đã nuốt thay con”
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống nghệ thuật có người cha là nhạc sĩ Hoàng Giác nổi danh với những ca khúc Mơ hoa, Ngày về, Lỡ cung đàn, Hoàng Nhuận Cầm giăng mắc nhiều đam mê. Bài thơ Người đóng vai phụ của anh cũng có thể an ủi được nhiều kẻ lạc bước đa đoan: “Có vở kịch tôi cầm cờ, có vở tôi làm lính/ Có vở dài năm hồi – tôi không nói một câu/ Ngay cả mẹ cũng không thấy tôi đâu/ Đôi vở tôi nấp trong phụ trách phần tiếng động… Điều hạnh phúc khi được giao vai phụ/ Là tôi đã không phụ lại nó bao giờ”. Tuy nhiên, hai vai nổi bật nhất của Hoàng Nhuận Cầm vẫn là nhà thơ và nhà biên kịch. Cái rạo rực làm nên phẩm chất thơ Hoàng Nhuận Cầm đã được nuôi dưỡng khá lâu. Rạo rực yêu thương, rạo rực gắn bó và cả rạo rực ngộ nhận, rạo rực sai lầm đều mang vẻ đẹp thi sĩ. Nguồn rạo rực ấy khô cạn thì thơ Hoàng Nhuận Cầm cũng chấm dứt, nhưng hồn thơ còn vương vất lại thiết lập giá trị nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm.
Vốn liếng hành nghề của nhà thơ – nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm là hình ảnh người lính trở về đời thường với ngổn ngang dằn vặt và lo toan đã từng thảng thốt trong thơ anh: “Sáng nay/ Như rất nhiều buổi sáng/ Chuyến xe điện vắng teo/ Lăn bánh qua bản nhạc cuối cùng/ Có một người cởi áo lính/ Khóc rưng rưng”. Muốn chọn một bài thơ nồng nàn nhất của Hoàng Nhuận Cầm, có lẽ phải đắn đo nhắc đến Mây rất thờ ơ với nhiều câu run rẩy:
“Trả cho em nước mắt
Lăn ngang ngực đàn bà
Trả cho anh cát bụi
Những đêm hành quân xa”
Hãy hình dung, nếu Hoàng Nhuận Cầm triển khai nỗi tiếc nuối dâng cao như niềm ám ảnh ấy thành một kịch bản phim, có lẽ sẽ hay hơn Mùi cỏ cháy, thậm chí sẽ hay hơn những kịch bản phim từng làm anh tự hào như Hà Nội mùa đông 1946 hoặc Đêm hội Long Trì!
Sài Gòn, cuối tháng 3/2012
Lê Thiếu Nhơn
Nguồn: eVan.