Nhà văn Hoàng Ngọc Hà
Trong thời kỳ làm giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội, Hoàng Ngọc Hà vừa phải lo đảm bảo đời sống cán bộ công nhân viên, vừa phải đọc kỹ và bàn bạc với các tác giả, biên tập viên để nâng cao chất lượng tác phẩm. Công việc quả là nặng nề với một người phụ nữ. Nhưng bù lại, chị học được rất nhiều từ môi trường này và coi đây là một trường đại học về nghề viết văn của mình. Vốn nhanh nhạy, tính tình cởi mở, lại khiêm tốn, ham học hỏi nên chị được các nhà văn có tên tuổi: Ma Văn Kháng, Ngô Văn Phú, Lê Bầu, Lê Minh Khuê, Phan Hồng Giang, Hồ Anh Thái… yêu quý và hết lòng giúp đỡ, động viên chị bước tiếp trên con đường sự nghiệp đầy gian nan và còn mới mẻ. Rồi nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú đã giúp chị bằng cách đăng một vài chương tiểu thuyết trên Tạp chí Tác phẩm mới (Hồi Nguyễn Thị Ngọc Tú làm tổng biên tập). Khi nói với tôi về những tác động tinh thần không nhỏ đó, chị vẫn còn rất xúc động.
Tác phẩm Chuyện tình của mẹ ra đời năm 1990, như đánh dấu bước chuyển của chị sang lĩnh vực tiểu thuyết để trở thành nhà văn chuyên nghiệp. Rồi lần lượt chị đều đặn cho ra đời các tiểu thuyết: Hoàng hôn buồn (1991), Lệ đắng (1992), Nắng lạnh (1992), Hoa nước mắt (1993), Tia nắng mong manh (1994), Nỗi buồn lặng im (1998), Gập ghềnh (1999), Suy ngẫm (2001). Xen kẽ là tập truyện ngắn Chuyện của hai người (1998) và tập truyện sau cùng là Người đẹp (2004). Có những truyện được chuyển thể thành phim như Hoa nước mắt (thành Trăn trở tuổi trăng tròn), Tia nắng mong manh (thành Sắc màu tình yêu). Có vài truyện được giải thưởng của Tạp chí Tác phẩm mới, có truyện được giải thưởng của Hội nhà văn (Gập ghềnh).
Chín cuốn tiểu thuyết, 2 tập truyện ngắn trong vòng trên 10 năm của một người phụ nữ luôn bận rộn với công tác quản lý, công tác xã hội như Hoàng Ngọc Hà quả là một sức lao động đáng khâm phục. Nhưng điều đáng nói, như nhà văn Hồ Anh Thái viết nhân đọc Tia nắng mong manh – là “Hoàng Ngọc Hà là một cây bút tiểu thuyết đang có người đọc, mừng cho chị…” rồi lối kể chuyện thủ thỉ, chân tình… không lê thê làm người đọc sốt ruột hoặc nhàm chán” và lối dẫn truyện thì “rất đằm, rất duyên theo kiểu phụ nữ” (tạp chí Tác phẩm mới số 4 – 1995). Có được thành quả này, ngoài yếu tố năng khiếu trời cho, còn là niềm đam mê, coi viết là một nhu cầu quan trọng trong đời sống tinh thần, tình cảm của chị. Nữ nhà văn thường viết từ 9 giờ tối đến 2 hoặc 3 giờ sáng. Thói quen ghi nhật ký hàng ngày trong công tác Đoàn, công tác dân vận đã giúp chị viết tương đối nhanh. Chị ghi một cách có chủ ý, chọn lọc với cảm xúc nóng hổi nên nhiều trang nhật ký sau này dễ chuyển thành trang văn. Và thực tế cuộc sống trải qua nhiều môi trường, tiếp xúc với đủ hạng người nên chị hiểu được nhiều tâm tư, nỗi lòng thầm kín của những thân phận con người. Là phụ nữ, chị quan tâm và dễ thông cảm, chia xẻ với những oái oăm, éo le của cuộc đời chị em. Từ đó, trong những trang viết của chị dễ thấy rõ sự đồng cảm sâu sắc của tác giả với nhân vật, đặc biệt là các nhân vật nữ… Chị không có khuynh hướng tìm những đề tài gay cấn, mũi nhọn của cuộc sống, những vấn đề sôi động của xã hội mà thiên về khai thác từ những kỷ niệm, những trải nghiệm của chính bản thân, những điều thấy được, nghe được. Như Chuyện tình của người mẹ là câu chuyện do bà mẹ chị kể lại, được có hư cấu thêm. Hoàng hôn buồn có tới 70% là sự thật từ những kỷ niệm riêng của bản thân chị. Hoa nước mắt dựa vào câu chuyện của người thân trong gia đình…
Có ai đó từng nói: “Người đàn ông coi sự nghiệp là tình yêu, còn người đàn bà lấy tình yêu làm sự nghiệp”. Chín cuốn tiểu thuyết của Hoàng Ngọc Hà đều xoay quanh lĩnh vực tình yêu, hôn nhân, gia đình, sự nghiệp. Đương nhiên, qua đó chị cũng bộc lộ những suy nghĩ, trăn trở, nhiều khi như những lời bàn, lời giải về nhiều vấn đề thuộc quan điểm, tư tưởng, tình cảm và rộng ra là cuộc sống xã hội hôm nay. Tất nhiên, có những vấn đề của một thời đã qua, nhưng nhìn lại không phải là không còn ý nghĩa. Chị thường chọn người phụ nữ làm nhân vật trung tâm trong hầu hết các cuốn tiểu thuyết. Điểm đặc biệt là mẫu người phụ nữ yêu thích của chị phần lớn là thông minh, học thức, yêu mãnh liệt, không cam chịu sự áp đặt của số phận, nhưng cuộc đời thường là một giai điệu buồn. Có khi là nỗi buồn man mác, khi là nỗi buồn xót xa, thảng hoặc nếu có một chút vui thì đó cũng là niềm vui muộn màng như ánh nắng cuối ngày. Buồn như chính các tên truyện: Hoàng hôn buồn, Tia nắng mong manh, Nỗi buồn lặng im, Lệ đắng, Hoa nước mắt …
Nổi lên trong một số truyện của Hoàng Ngọc Hà là bi kịch của những mối tình say đắm, nhưng dang dở, tan vỡ và bi kịch của những người không đồng điệu, không phải là một nửa của nhau mà phải sống bên nhau, như Chuyện tình của người mẹ, Hoàng hôn buồn.
Cái tài của nhà văn là ở chỗ chị đã nhìn con người ở nhiều góc cạnh, không cực đoan, phiến diện để nhận ra và nói với độc giả rằng: thật khó mà cho rằng ai tốt, ai xấu hoàn toàn. Cái tốt, cái xấu đan xen, trộn lẫn trong mỗi con người, nhiều khi tinh vi,phức tạp. Chị cũng muốn cảnh báo rằng đừng có nhìn vào hiện tượng mà vội vã qui kết, bởi thật giả khó lường mà bản chất con người không dễ nhận ra.
Một khía cạnh khác cũng được thể hiện đậm nét trong đa số các tác phẩm của Hoàng Ngọc Hà, đó là cuộc sống gia đình và trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái… Bên cạnh đó, Hoàng Ngọc Hà cũng chú trọng, gợi cho độc giả nhiều suy nghĩ,liên tưởng về vấn đề hạnh phúc gia đình và sự nghiệp… Tất cả những điều ấy khiến cho khi đọc tiểu thuyết của Hoàng Ngọc Hà, người ta không chỉ thấy những vấn đề thiết cốt trong cuộc sống, những cách lý giải hay, mà còn thấy sự phân tích tâm lý nhân vật sâu sắc, lối dẫn truyện có duyên, lời văn khoáng hoạt… Tất nhiên, cũng không tránh khỏi, đôi khi chị có sa đà theo cảm tính.
Bên cạnh tiểu thuyết, về truyện ngắn Hoàng Ngọc Hà viết không nhiều, nhưng có một số truyện hay và sâu sắc. Như Chị và em, Thời gian không trôi mất (trong tập Chuyện của hai người), Hạnh phúc, Làng quê xanh thắm (trong tập Người đẹp)…
Nhà văn Hoàng Ngọc Hà vào nghề muộn. Hơn 50 tuổi chị mới chính thức bước vào đường văn nghiệp (tính từ tiểu thuyết đầu tiên Chuyện tình của mẹ). Muộn, nên chị có ưu thế của một người đã từng trải, qua nhiều cảm xúc khác nhau của cuộc đời, có vốn sống phong phú, cũng như một kiến văn dầy dặn. Có cảm giác chị không phải mất công tìm kiếm đề tài mà bản thân nó đã sẵn có và đến với chị từ trong cuộc đời vốn bề bộn và phức tạp này. Chị như người đàn bà kể chuyện có duyên, nhẩn nha, tâm tình với người đọc về số phận của những con người mình đã nghe, đã gặp. Và nhân vật phụ nữ trung tâm trong truyện của chị đều là trí thức và hầu hết thành đạt trong sự nghiêp, nhưng lại bất hạnh trong cuộc sống riêng. Chị đi vào nhiều lớp người : nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, người kinh doanh… và luôn chú ý xây dựng những tính cách riêng từ suy nghĩ đến ứng xử. Chị thường viết theo cảm hứng, không lập đề cương và để nhân vật cuốn ngòi bút của mình đi. Có thể, vì thế mà nhân vật của chị rất sống, và cuốn hút độc giả. Chị cũng không lên giọng kết án một ai, cũng không thờ ơ lạnh nhạt với nhân vật mà ẩn chứa trong nhiều trang viết là thấm đẫm cả một tấm chân tình. Chị thường đứng ở vị thế của nhiều người để lý giải, biện minh cho suy nghĩ, ứng xử với cộng đồng. Bởi thế, truyện của chị không một chiều. Đó là cách viết mở theo lối hiện đại. Về câu chữ, chị hành văn trong sáng, mạch lạc, nắm bắt nhanh ngôn ngữ thường nhật, chọn lọc đưa vào tiểu thuyết nên tạo được không khí cho truyện và tạo được những đoạn đối thoại sống động. Chị ít khi tả cảnh, nhưng khi cần cũng rất tinh : “Bông sen trắng rung rinh, những vành lá sen chao mặt nước, và các viên ngọc trai lăn tăn đuổi nhau trên mặt lá đùa rỡn với gió” (Gập ghềnh – trang 52).
Chị viết nhiều và khá đều tay, nhưng theo tôi Nỗi buồn lặng im và Gập ghềnh là hai tác phẩm bộc lộ đầy đủ nhất mặt mạnh về nghệ thuật viết. Và cũng ở đây chị bộc lộ những suy nghĩ riêng của mình. Trong Gập ghềnh, Tâm nói với Thảo :”Nhiều lúc, chị chỉ muốn được làm một người vợ, người mẹ bình thường để được hưởng cuộc sống bên chồng, bên con. Nhưng số phận đã thế thì mình phải sống như thế. Nhưng dù sao cũng phải tìm mọi cách để bảo vệ hạnh phúc gia đình mình. Xét cho cùng gia đình mới là lẽ sống của người đàn bà” (trang 216 – 217). Có thể coi đó là thông điệp chung trong tiểu thuyết của Hoàng Ngọc Hà chăng ?
Giờ đây, nhớ và nghĩ về Hoàng Ngọc Hà, chúng ta càng thấy yêu mến, khâm phục một cây bút nữ tài năng, giầu tâm huyết và lòng nhân ái, như luôn kích thích mọi người, nhất là phụ nữ cần vươn lên, sống đẹp hơn với một khát vọng hạnh phúc chân chính.
PGS.TS Lê Thị Đức Hạnh – Nguồn Văn nghệ