An Hạ
Lao Động cuối tuần
Thuở bé, tôi đã nghe bố tôi ngâm những câu thơ buồn lạ lùng của “Lá diêu bông”:
…
Chị bảo
Đứa nào tìm được lá diêu bông
Từ nay ta gọi là chồng
Hai ngày em tìm thấy lá
Chị chau mày
Đâu phải lá diêu bông
Mùa đông sau em tìm thấy Lá
Chị lắc đầu
trông nắng vãn bên sông
Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim
Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xoè tay phủ mặt chị không nhìn
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu bông hời…
…ới diêu bông…!
Khi ngâm những câu thơ ấy, mắt ông cụ thân sinh tôi buồn, và tôi, đứa bé hơn chục tuổi đầu cũng buồn. Cái buồn vơ vẩn trùm phủ xuống cả bố con tôi, cái nỗi buồn rõ ràng vơ vẩn nhưng chẳng hiểu vì sao day dứt, như một giấc mơ đẹp vì buồn, buồn vì ám ảnh, ảnh ảnh vì đâu thì một đứa trẻ như tôi lúc ấy không biết. Nhưng giờ thì tôi biết, khi lá số tử vi của nhà thơ bằng một cách hữu duyên xuất hiện để gỡ bỏ nỗi ám ảnh cũ. Nhìn lá số, ký ức và giọng ngâm năm xưa của cụ thân sinh lại ập về, ôi “Lá diêu bông”, ngôi sao Thiên Diêu lạ lùng định mệnh án ngữ ngay tại mệnh của nhà thơ đã là chìa khoá đưa tôi vào cõi mộng – cõi mẹ, cõi tình chị – em, cõi quê hương, cõi tình người lồng lộng hư ảo, của cậu bé Hoàng Cầm lên tám, cầm lá diêu bông trong bàn tay nhỏ, lặng lẽ đi xuyên cõi người.
Cõi mộng của lá diêu bông
Cung mệnh nhà thơ đóng tại Sửu, Thiên Lương đóng. Cõi mộng trong thơ Hoàng Cầm có cội nguồn tại đây, ngay cung mệnh, bởi tình cảm thống thiết khắc khoải của ngôi sao Thiên Lương. Những người cung mệnh có sao Thiên Lương thường vô cùng mẫn cảm, đặc biệt trong trường hợp, Thiên Lương lại nhị hợp với Liêm Trinh và Thiên Tướng – hai ngôi sao duy tình. Ở trường hợp của Hoàng Cầm, Lương chẳng những tương hợp với Liêm và Tướng, mà có một mối nhân duyên đã được an bài với Thiên Diêu tại cung mệnh. Thiên Diêu còn có tên khác là “Huyền ảo tinh”, có tính đào hoa, dễ tạo tác nên những mối tình sét đánh, để con người ta lững thững trôi dạt trong xúc cảm thăng hoa, Diêu là nét đẹp yểu điệu xinh tươi, có hàm ý dẫn dụ, có nét phóng túng, có sự sâu sắc mà cũng xa xôi, nhập vào mệnh sẽ tạo nên những xúc cảm tinh tế trước cái đẹp, những khát vọng chiếm hữu cồn cào dù chỉ trong mộng tưởng. Khi Diêu tương tác với Thiên Lương, tạo nên vẻ ngoài trầm tĩnh, tưởng như lạnh nhạt, nhưng tâm hồn lại chất chứa nỗi buồn tình, chỉ có thể dùng tưởng tượng mơ màng để nỗi ẩn ức có thể được tỏ bày. Hoàng Cầm thân cư Phúc, có ngôi sao Thiên Đồng – phúc tinh, tượng là đứa trẻ, kết hợp với cung mệnh, ta bỗng chốc hiểu về con người thơ Hoàng Cầm: Ẩn ức buồn bã của một đứa trẻ, cả đời ông, cả cõi thơ của ông, là tâm tình của một đứa trẻ nhỏ – Thiên Đồng. Chẳng hiểu Hoàng Cầm có biết tử vi không, khi đặt tên cho bài thơ, cho đời thơ, cho cõi mộng của mình bằng tên của một thứ lá không có thực: Lá diêu bông. Diêu bông, hay là Thiên Diêu?
Nguồn cội của ẩn ức
Cung phụ mẫu trên lá số của nhà thơ là một cung đặc biệt. Ở đó, ngôi sao Thất sát vốn có tính chất cứng rắn và hình khắc, lại gặp thêm Hoả Tinh và Linh Tinh, khiến cho tính cứng rắn và hình khắc ấy bị đẩy lên mức độ khắc nghiệt. Bản thân việc Thất Sát toạ thủ cung phụ mẫu, đã định sẵn một sự chia ly, sự chia ly của cha mẹ, sự chia ly của bản thân với cha mẹ. Mẹ Hoàng Cầm là người con gái đẹp, Hoàng Cầm viết: “Mẹ tôi mặc chiếc váy lụa kiểu Đình Bảng, mép váy buông chùng cửa võng xuống đến mu bàn chân, ai trông thấy phía trước đều tưởng như người con gái này đang đi trên sóng dập dờn”. Hôn nhân không hạnh phúc, người cha bất đắc chí lang thang, mẹ Hoàng Cầm tự mình vượt cạn, tự tần tảo nuôi con, âu cũng là định mệnh khít khao với cung phụ mẫu. Với một mệnh cách giàu tình cảm như Hoàng Cầm, đây sẽ là một nỗi dằn vặt lớn khoét sâu trong tâm hồn ông từ khi còn là một đứa trẻ. Ông viết: “Không hiểu sao, tôi sớm có cái buồn cô đơn ngay từ những năm lên sáu, lên bảy tuổi. Bẩm sinh chăng? Hay chính nỗi buồn của người con gái tài sắc lấy chồng từ năm mười bảy tuổi mà phải sống cô đơn đến hơn mười năm?”. Lý giải dưới cái nhìn tử vi, ta thấy cung phúc đức chả nhà thơ có Thiên Đồng, đối cung là Thái Âm, thế nên đối tượng của thế giới tinh thần Hoàng Cầm chính là Thái Âm, là người mẹ, người chị. Bao tình cảm, bảo chờ mong, hy vọng dồn hết cả vào ngôi sao Thái Âm ấy. Nhưng Thái Âm lại toạ thủ cùng với Thiên Hình, chủ sự nghiêm khắc, cậu bé Hoàng Cầm chẳng thể nhận được tình yêu trọn vẹn từ ngôi sao Thái Âm. Ta hình dung, thế giới tinh thần – cung phúc của Hoàng Cầm, luôn là cái nhìn của một đứa trẻ – Thiên Đồng, hướng về Thái Âm – người mẹ, người chị, khao khát yêu thương mà chẳng bao giờ được nhận trọn vẹn, cứ đuổi bắt mơ hồ theo bóng dáng lạnh nhạt – Thiên Hình, có lẽ vì thế nên sức ảnh hưởng của âm tính mẫu hệ do sao Thái Âm mang lại càng trở nên mạnh mẽ. Nhất là khi “cậu bé sớm trưởng thành” Bùi Tằng Việt biết đến sự rung động của ái tình và nhục cảm trong tâm thức. Sự trói buộc, che giấu của Tuần Không, của Thiên Thọ quanh ẩn ức được khuếch đại bởi Lương Lộc Diêu và nỗi khát khao cháy bỏng trong một phức cảm đặc biệt dồn nén đã thăng hoa thành những thi phẩm có một trên đời. Chị Bắc, chị Nghĩa, chị Vinh.. là thực đấy mà cũng là mộng đấy. Những tình yêu non nớt vụng dại đầy khát khao thực chất mà cũng mơ hồ xa xôi, tất thảy đều kết thúc bằng cái kết tan vỡ khuất nghẹn, tiếc nuối.
Thế nên, người ta nhớ và mê Hoàng Cầm, chẳng phải vì một đôi câu thơ, mà bởi được mê chìm trong cõi mộng tình vĩnh cửu, được dệt nên bởi một tâm hồn khát khao thương yêu, nén dồn thành ẩn ức của kẻ đã mơ suốt một đời mơ.
Đúng như Hoàng Cầm hay nói, “Ton art purifie ton âme”, nghệ thuật của bạn thanh lọc linh hồn bạn, thi ca của Hoàng Cầm đã thanh lọc tâm hồn ông, và sẽ còn thanh lọc tâm hồn chúng ta, bởi những cơn mơ.
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài