Có khá nhiều điều trùng hợp để hôm nay nói về cuốn sách này: sách nói về người anh hùng Yên Thế hy sinh cách nay tròn 100 năm; người viết ra nó là con gái của người anh hùng ấy; sách được viết đã 50 năm. Tuy thế, khá ít người biết đến cuốn sách này và người dịch nó – nhà thơ Hoàng Cầm…

Điều này trước đây tôi chưa từng biết. Và hình như chính nhà thơ Hoàng Cầm trong sinh thời dường như cũng ít kể với ai về điều này. Người ta chỉ biết, những năm bị “treo bút”, tức là không được công bố sáng tác dưới bút danh chính của mình, từ 1958 đến 1987, Hoàng Cầm đã có lúc dùng bút danh Lê Kỳ Anh. Đó là khi ông đưa in một số thơ ca trên một số sách báo của ngành Văn hóa văn nghệ Hà Nội.

Lần theo bút danh Lê Kỳ Anh trong Thư viện Quốc gia ở Hà Nội, thấy có ít nhất 2 tập thơ văn do Sở Văn hóa Hà Nội in trong năm 1968 có tác phẩm của ông, đó là các tập Lời Bác vang dội núi sông (tập thơ ca kịch, gồm tác phẩm của Huyền Tâm, Việt Dung, Lê Kỳ Anh, Xuân Bình, Dân Huyền, Nguyễn Đỗ Lưu…), và Trận địa bên sông Hồng (tập kịch, gồm các tác phẩm của Xuân Phước, Lê Kỳ Anh, Nguyễn Dậu, Nguyễn Thành, Phùng Thái…). Bên cạnh đó, có một tập hồi ký nhan đề Kỷ niệm thời thơ ấu của bà Hoàng Thị Thế, con gái Đề Thám, Ty Văn hóa Hà Bắc xuất bản năm 1975, là bản dịch của Lê Kỳ Anh. Lê Kỳ Anh này chắc chắn là bút danh của Hoàng Cầm. Nhưng hãy nói đôi chút về tác giả và cuốn hồi ký.


Bà Hoàng Thị Thế (1901-1988) là con gái thủ lĩnh nghĩa quân Yên Thế Hoàng Hoa Thám (1858-1913). Mẹ bà là Đặng Thị Nhu, tục gọi là bà Ba Cẩn (? – 1910), vợ ba đồng thời là cộng sự của thủ lĩnh Đề Thám. Cuối năm 1909, trong chiến dịch tấn công cuối cùng của quân Pháp vào Yên Thế, bà Ba Cẩn và con gái Hoàng Thị Thế bị quân Pháp bắt. Bà Ba Cẩn cùng trên 70 nghĩa quân bị đem về giam tại Hỏa Lò, Hà Nội, rồi bị kết án đày sang đảo Guyane (Nam Mỹ) thuộc Pháp; trên đường đi, nhân lúc quân canh sơ ý, bà Ba Cẩn nhảy xuống biển tự tử. Cô bé Hoàng Thị Thế được đưa từ Phủ Lạng Thương về Hà Nội; cựu Toàn quyền Đông Dương là Paul Doumer nhận đỡ đầu cho cô Thế sang Pháp ăn học. Năm 1925 cô Thế về Hà Nội làm việc tại Phủ thống sứ Bắc Kỳ; năm 1927 lại được đưa sang Pháp. Cô được mời đóng một số bộ phim nói tiếng Pháp như La Lettre (1930), La Donna Bianca (1930), Le secret de l’ Emeraude (1935) và được xem là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đóng phim. Năm 1930, cô Thế kết hôn với doanh gia chuyên sản xuất rượu vang vùng Bordeaux là Robert Bourge, hai người có chung một con trai là Jean Marie.

Các báo đương thời kể rằng khi Tổng thống Pháp Paul Doumer bị một tay súng Nga lưu vong bắn trọng thương (6/5/1932), cô Thế đang có mặt bên cạnh, đã tự tay lau máu cho vị Tổng thống, ông mất sau đó một ngày do vết thương quá nặng.

Năm 1961, bà Hoàng Thị Thế trở về Việt Nam, sống ở Hà Nội và Bắc Giang. Cuốn hồi ký kể về những kỷ niệm thời thơ ấu đã được bà Thế viết vào chính thời gian này, theo Ty Văn hóa Hà Bắc (1975) thì bà Thế viết hồi ký này ở Hà Bắc vào năm 1963.

Có hai điểm đáng chú ý về cuốn hồi ký. Ấy là việc tác giả viết nó bằng chữ Pháp, và chỉ dồn mọi ký ức vào 3 năm cuối cùng trước khi rời khỏi lãnh địa Yên Thế, như trong lời giới thiệu của Lê Hồng Dương ở đầu sách nói rõ: “…bà quyết định ghi lại bằng chữ Pháp những điều tai nghe mắt thấy, những tình cảm ấm nồng về mẹ cha, anh em và các thân bằng cố hữu của mình từng sống và chiến đấu trên đất Phồn Xương từ năm 1906 đến năm 1909” (sách trên, tr. 13).


Cuộc đời Hoàng Thị Thế 50 năm sau kể từ năm 1909, cuộc đời một cô bé mồ côi, bản thân được nuôi dưỡng bởi chính thế lực đã trừ diệt cha mẹ, lớn lên tại xứ sở xa lạ, được ăn học nên người, hơn thế, còn trở nên nổi tiếng, tức là một cuộc đời thành đạt, quả thật, cuộc đời ấy chứa đựng rất nhiều nghịch lý của những mối quan hệ con người ở tầm liên dân tộc, ở tầm thời đại, thời đại thực dân và hậu thực dân. Nhưng bà Thế đã hầu như không kể về quãng đời 50 năm của bà trên đất Pháp. Bà chỉ tập trung nói về cha mẹ, về cuộc kháng cự cuối cùng của nghĩa quân Yên Thế, về chuyện chính mình bị bắt lúc 8 tuổi khi đang được người chị dâu cõng đi lánh nạn. Khoảng gián cách thời gian khá lớn có lẽ đã khiến bà không còn giữ giọng căm hờn đối với những người Pháp thực dân, nhưng ngay khi dẫn lại lời họ, bà cũng luôn luôn khẳng định họ thừa nhận tinh thần thượng võ, vị tha của Đề Thám, nhắc lại việc Đề Thám nhiều lần tha bổng các quan chức Pháp, trong khi chính những người ấy luôn luôn mưu toan trừ diệt ông.

Kể về những hồi ức của mình thời thơ ấu trên đất Việt, nhưng bà Hoàng Thị Thế lại dùng chữ Pháp, đó có lẽ là vì bà đã sống ở Pháp quá lâu, đến già nửa đời người (từ 1909 đến 1961), có thể nói là bà đã được nuôi dưỡng, lớn lên và sống phần lớn cuộc đời trong văn hóa Pháp ngữ. Những ký ức ở thời bà chưa can dự Pháp ngữ, tuy còn giữ được đến suốt đời, nhưng để kể lại chúng thì bằng tiếng Pháp, đối với bà, lại thuận tiện hơn bằng tiếng Việt.


Theo ghi chú trong sách in Kỷ niệm thời thơ ấu thì nguyên bản của thiên hồi ký này là bản viết tay bằng chữ Pháp, lưu trữ tại Ty Văn hóa Hà Bắc. Bản in năm 1975 của thiên hồi ký này là bản dịch của Lê Kỳ Anh, có sự hiệu đính của Khổng Đức Thiêm. Trong lời giới thiệu, người phụ trách Ty Văn hóa tỉnh không quên “cảm ơn dịch giả Lê Kỳ Anh đã hết lòng làm cho bản dịch tiếng Việt thêm trong sáng”. Như vậy, cuốn sách được in 6.200 cuốn khổ 13×19 cm tại Xí nghiệp in Hà Bắc, in xong trong tháng 10/1975 và nộp lưu chiểu tháng 10/1975 dưới nhan đề Kỷ niệm thời thơ ấu này, chung quy mới chỉ là bản dịch. Người ta chưa biết nguyên dạng chữ Pháp của bản thảo kia ra sao.

Điều đáng lưu ý là sau khoảng 30 năm cùng nằm chung trong một tỉnh Hà Bắc (1962-1996), hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang lại tách ra, trở về ranh giới địa lý cũ. Không rõ trong sự bàn giao việc quản lý các hồ sơ di sản, nguyên bản viết tay cuốn hồi ký nói trên của bà Hoàng Thị Thế hiện ở tình trạng thế nào, thuộc cơ quan văn hóa của Bắc Giang hay Bắc Ninh? Liệu những người quản lý có định xuất bản nó dưới dạng nguyên văn chữ Pháp?

Liên quan đến dịch giả Hoàng Cầm, từng đứng tên Lê Kỳ Anh trong bản dịch in năm 1975 kể trên, tôi nghĩ có lẽ ông đã làm công việc dịch thuật một cách có trách nhiệm, thậm chí đã gửi không ít xúc cảm vào bản dịch ấy. Tuy vậy, nếu được biết nguyên bản cuốn sách, các giới nghiên cứu và dịch thuật mới có thể đánh giá thực sự về lao động của ông hồi ấy. Đó là chưa nói, bản thảo ấy cũng có thể được dịch mới bởi một dịch giả khác

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân

Nguồn: Thể thao & Văn hóa Cuối tuần