Thập niên 60 – 70 của thế kỷ trước, ở miền Nam hay phổ biến cụm từ “xe dân biểu” mang ngụ ý hài hước, châm biếm, ai hiểu sao thì hiểu, chân phương vẫn là xe xích lô. Một phương tiện bình dân và khá thuận lợi trong việc chở người, chuyển hàng hóa với trọng lượng vừa phải, có thể vào tận những hẻm nhỏ, đường nhỏ…

Mấy năm trước, về Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang… thường thấy nhiều xe lôi rong rễu đưa rước khách đoạn đường ngắn, giá rẻ. Còn ở Gò Công – Tiền Giang có đi tìm mòn gót cũng hiếm thấy chiếc xe lôi đạp nào xuất hiện, chỉ rặt xe xích lô. Một đàng thì guồng chân kéo, một đàng thì gò lưng đẩy, cùng lao động hết mình lo bề sinh kế. Từ khi ban hành lệnh cấm, anh em xe thô sơ lo sốt vó, tất nhiên. Bà con giới bình dân có nhu cầu cấp thiết như chuyển bệnh, mua đôi ba bao xi măng, phân bón… hoặc người mua gánh bán bưng, cần chuyên chở hàng nông sản nhỏ lẻ… ít nhiều cũng lúng túng theo. Một lệnh trên đưa xuống triển khai, lúc cấm triệt để, lúc gia hạn thời gian, việc cho lưu hành tạm thời tùy địa phương, mỗi nơi mỗi khác; phải nhìn nhận là thời gian đầu dư luận khá bức xúc. Lo lắng theo dõi thông tin mãi chẳng ích gì, anh em xe thô sơ bảo nhau tự lo thân trước thì hơn. May nhờ có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề, đến nay mọi chuyện coi như đã lùi vào quá khứ!


Xích-lô đã lùi vào quá khứ (ảnh Internet)

Chỗ tôi ở trước đây có khá nhiều người theo nghề đẩy xe ba gác, đạp xích lô, đa số gia cảnh nghèo. Khuya sớm chở hàng mối, đưa trẻ đến trường xong thì uống ly cà phê, rồi tà tà đón khách thêm. Có người buổi trưa không về nhà mà tìm nơi có bóng mát để ăn cơm mang theo hoặc ra quán dằn bụng một dĩa. No lòng, tạm ngã lưng thùng xe đọc qua trang báo, sụp nón che mặt làm một giấc ngắn. Đạp xe cả ngày kiếm tiền mua gạo cho gia đình, ai thích thì chiều chiều tới điểm nhậu lề đường cùng đồng nghiệp đóng góp chơi vài xị rượu cho giãn gân cốt. Khi có lệnh cấm lưu hành ráo riết, trước tiên là xe ba gác ngậm ngùi rã rời làm phế liệu, xích lô rề rề núp bóng cũng chẳng tồn tại được bao lâu. Đạp xe mà mắt trước mắt sau, trong bụng hồi hộp, thì thôi… buông cho rồi. Người già mất đi cái thú ngồi xích lô dạo phố, uống cà phê hoặc thăm bè bạn, họ hàng. Đi bằng phương tiện tắc xi à? tốn kém vượt khả năng. Ngồi xe Honda ôm ư? tay chân run rẩy có mà phó mặc số mạng tự trời. Thời này là thời của xe ngoại nhập hợp pháp kiểu xe “Lam” ba bánh ngày trước, có đủ giấy tờ, phép tắc… để chất chồng hàng hóa, nổ máy inh ỏi, cồng kềnh tung hoành. Chúng lấn áp và đè bẹp các loại xe bình dân nội địa, một thời gắn bó, thân thương. Xích lô đã thua thấy trước, thua tuyệt đối trong “cuộc chiến” không cân sức!

Tôi quen anh Thiện theo nghề đạp xích lô hơn 20 năm. Thỉnh thoảng gặp mời uống ly cà phê, hỏi thăm nhau đôi câu. Quí anh bởi tính hiền lành, thật thà, dù gặp khách sang trọng vẫn lấy giá bình thường như mọi người khác. Mấy lần khách làm rơi, để quên những món đồ có giá trị cao, anh đều nhắc hoặc tìm để trả lại. Cuộc sống lương thiện là vậy, nhưng định mệnh dành cho anh thật nghiệt ngã. Trưa nọ, vừa từ trong hẻm đẩy xích lô ra sát lề thì một thiếu niên điều khiển chiếc Wave chạy rất nhanh ép sát và tông thẳng vào anh. Được đưa đến bệnh viện, sụp tối thì anh tắt thở vì chấn thương quá nặng, tuổi đời vừa quá năm mươi. Đám tang anh Thiện có gần hai chục chiếc xích lô sắp hàng tiễn đưa, an ủi…

Về người đạp xích lô cao tuổi nhất trong phường mà tôi biết, có lẽ chỉ bác Hai. Trước đây nhà bác có xe tải nhỏ, sau làm ăn thua lỗ nên xuống đời xe “Lam” ba bánh, cuối cùng bác chuyển qua nghề đạp xích lô. Gia đình bất hòa, con cái lục đục, bác lại mâu thuẫn nặng nề với vợ nên bỏ đến nhà con gái út ở. Sống chung, nhưng bác ăn riêng và hầu như cả ngày gắn liền với chiếc xe, cơm quán, ngủ vỉa hè, tới khuya mới về nhà con gái. Bác chở hàng mối cho mấy bà, mấy cô buôn bán ngoài chợ. Hơn ba mươi năm theo nghiệp xích lô, năm đó bác đã ngoài tuổi bảy mươi. Nhìn bác với mái tóc bạc trắng, gầy gò, còng lưng đạp chiếc xe lăn bánh chầm chậm, ai cũng chạnh lòng. Chắc vì vậy mà những khách quen ái ngại, dần dần không thuê bác chở nữa. Rồi sau mấy lần nhập viện, bác phải giã từ vĩnh viễn chiếc xích lô bởi chuyện đi đứng còn khó khăn, nói chi vận dụng cơ bắp đạp xe. Thỉnh thoảng đi ngang nhà thấy bác ngồi ngó ra đường, ánh mắt mờ đục trầm tư. Tôi độ chừng bác đang hồi tưởng quãng đời thăng trầm của mình từ thời trai trẻ. Và tôi nghĩ rằng chắc bác nhớ nhất thời gian dài theo nghiệp xích lô, tuy cực nhọc mà an nhiên vui sống…

Năm kia, tôi đến xã Tân Trung (TX.Gò Công) để có dịp gặp bác Trần Văn Bảy, người được đặt danh hiệu “Đệ nhất xích lô” trong bài phóng sự đăng trên báo Tuổi Trẻ vào tháng 7/2009. Sau bài báo ấy, bác Bảy (ngụ phường Cô Bắc – Quận 1 – TP.HCM) được Công ty đầu tư xây dựng Bình Dương rước về nuôi dưỡng, chăm sóc. Sau đó, nghe bác kể còn họ hàng ở xã Tân Trung, công ty dọ hỏi và cho xe đưa bác về thăm lại quê hương sau thời gian xa cách rất lâu, từ năm bác mới 17 tuổi. Buổi họp mặt thật cảm động, bác ít nói, vẻ bình thản dường như cố hữu trong con người từng lăn lộn, kiếm sống ở đất Sài Gòn hoa lệ suốt hơn nửa thế kỷ. Bảy mươi năm! bác và chiếc xích lô là tri kỷ, là phương tiện mưu sinh và là “túp lều di động” che chở bác trong những đêm dài gió rét vỉa hè, đường phố. Tôi nhớ lời bác Bảy nói vui rằng: “Có lẽ mình sinh năm 1918 cầm tinh con ngựa, nên cả cuộc đời phải lang bạt, không nhà không cửa, không vợ con, thân thuộc chăng?”. Rồi bác tự an ủi: “Tui đạp xích lô, thiên hạ thường cho là nghèo hèn, nhưng mình sống đời không thẹn với lương tâm… Buồn thì cũng có buồn, đủ thứ, đỡ cái là trong lòng luôn thanh thản…”. Đưa ông lão “Đệ nhất xích lô” ra xe, bác cầm tay tôi, nói giọng buồn buồn: “Về thăm quê lần này rồi thôi, chắc khó có dịp…”.

Chợt nhớ, trong bài “Xích lô” của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh có những câu rất cảm động:

Xích lô, ai không hay đắn đo

Cứ lo trời nắng, cứ lo trời mưa, cứ lo toan thẫn thờ

Một mình ngửa mặt nằm im ngắm sao trời

Đèn đường bạn thân với đôi vai gầy

Nguồn: Toquoc