Mùa xuân Tây Bắc đã về mang theo nhựa sống tràn trề, đến Tây Bắc mùa xuân bạn sẽ cảm nhận được sức sống mãnh liệt đang rộn ràng…
Mùa xuân, đất trời Tây Bắc nở hoa. Trên những rẻo cao nơi địa đầu Tổ quốc, hoa trồng trong vườn có thể hiếm hoi hơn ở đồng bằng nhưng ta có thể dễ dàng bắt gặp hoa nở trên mọi nẻo đường.
Những thửa ruộng bậc thang bắt đầu lốm đốm những mầm xanh của lúa. Ven bờ ruộng nở đầy những bông hoa dại màu tím nhạt, ngắm từ xa có thể tưởng là những ruộng hoa. Hoa cải vàng rực trong những mảnh vườn nhỏ trước những ngôi nhà tường đất hay vách gỗ là hình ảnh đặc trưng mang vẻ đẹp bình yên của Tây Bắc mỗi độ xuân về.
Giờ đã cuối mùa cải, người ta thôi không hái cải về nữa bởi còn phải để cải đơm hoa kết trái, làm giống đến mùa sau. Thế là, núi đồi sau nhiều ngày mang trên mình màu áo xanh mỡ màng của cải nương thì giờ choàng lên màu vàng của tấm áo mới. Một mùa hoa tuyệt đẹp nơi núi rừng, mùa hoa cải, mùa hoa mang sắc vàng còn hơn cả mật ong, hơn cả nắng sớm mùa thu.
Hôm trước chỉ lác đác mấy cây cải cao lêu đêu ra hoa, mấy hôm sau, cả triền núi, cải đua nhau trổ hoa, sắc vàng lan tràn từ đỉnh núi xuống chân núi, từ đỉnh núi này sang đỉnh núi kia. Đến miền núi những ngày này, du ngoạn đến bất cứ nơi đâu, từ các thung lũng hay những bản làng trên lưng chừng núi, bạn sẽ bắt gặp những vạt cải đang mùa nở rộ.
Hoa cải mỏng mảnh, nhỏ xinh và rực một màu vàng. Nhiều bông hoa mọc chi chít trên một đường cành chừng hai gang tay tạo thành một dây hoa đẹp tuyệt. Lũ ong bướm từ đâu bay về ùn ùn, làm âm âm cả một vùng núi. Bọn trẻ chăn trâu buổi chiều lận vào giữa nương cải để nô đùa, còn mấy chú nghé nghịch ngợm mép dính đầy cánh hoa cải vàng.
Khi mùa đông đi qua thì những tia nắng bắt đầu ấm dần lên trên thảo nguyên xanh, cũng là lúc những cành mận, mơ đã đua nhau bung hoa trắng muốt. Mận mọc rải rác khắp xứ cao nguyên. Bạn được thỏa thích nhìn ngắm những ngọn đồi trồng toàn mận đang nở hoa trắng muốt pha sắc lá xanh non. Hoa mận đẹp không chỉ bởi vẻ mong manh, tinh khiết mà còn bởi khi đã nở, hoa sẽ bung ra ồ ạt chỉ trong 2-3 tuần. Những đóa hoa phủ kín cành cây khẳng khiu giống như chiếc khăn choàng tuyệt đẹp. Cả đất trời cao nguyên được “nhuộm” trắng bởi một màu hoa tinh khiết đến vô ngần…
Đi giữa mùa xuân Tây Bắc giữa một sớm tinh sương, ta có cảm giác như mình đang trôi giữa một biển mây bềnh bồng, hư ảo đến vô cùng. Có khi mây mù dày đặc đến nỗi chỉ cách vài mét mà không nhìn rõ mặt nhau, cũng có lúc mỏng manh và loãng như sương khói tạo thành những dải lụa trắng choàng lên đường đi, cành cây ngọn cỏ và góc sân nhà.
Xuân về, hoa đào Tây Bắc cũng bắt đầu hé nụ rạng rỡ chào năm mới. Hoa đào nơi đây nhiều cành, mang nhiều thế khác nhau, lúc gợi vẻ cổ kính, có lúc lại mang dáng vẻ khoẻ khoắn, thanh tân. Trên mỗi nhánh đào là vô số nụ hoa chắc mẩy, đang phấp phỏng chờ đợi khoe sắc. Dịp này, đi vào vùng núi Sa Pa du khách sẽ không khỏi ngất ngây khi đứng giữa rừng hoa đào hồng thắm mong manh rạng ngời trong nắng xuân vàng dịu.
Nhưng tươi tắn nhất vẫn là những nụ cười của các cô gái người Dao, người H’Mông… dường như cũng rạng rỡ hơn trong mùa xuân. Hoa nở khắp đất trời và hoa nở trong lòng người là thế…
Vào những ngày xuân, núi rừng Tây Bắc rộn rã âm thanh của sáo, của khèn gọi bạn tình và tiếng cười đùa. Trẻ con mải mê chơi đánh cù. Nam nữ thanh niên thì chơi ném pao, đánh cầu lông gà, ném còn… Mọi người nô nức kéo nhau đi trẩy hội, mùa xuân là thời điểm bạn được hòa mình trong những lễ hội nhiều màu sắc.
Lễ hội nhảy lửa là một lễ hội gắn liền với đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người Pà Thẻn – một dân tộc vùng Tây Bắc. Lễ hội thường diễn ra vào những lúc nông nhàn, được bắt đầu vào ngày 16/10 âm lịch năm trước đến 15/1 âm lịch năm sau.
Lễ hội nhảy lửa được coi là một hình thức sinh hoạt văn hóa mang tính tâm linh, minh chứng sức mạnh phi thường của con người dám đương đầu với nguy hiểm, xua đuổi tà ma, bệnh tật, mừng cho một vụ thu hoạch hoa màu vừa kết thúc và cầu thần linh phù hộ cho an khang, thịnh vượng.
Lễ hội Lồng Tồng là một lễ hội truyền thống đặc trưng của cộng đồng người Tày. Lễ hội này được tổ chức hàng năm vào tháng giêng, tháng hai âm lịch theo từng địa phương, mang ý nghĩa cầu phúc, cầu mùa màng bội thu, cuộc sống bình yên, no ấm. Trong lễ hội thường diễn ra các trò chơi dân gian cổ truyền, như ném còn, bịt mắt bắt dê, hát lượn….
Lễ hội cầu an bản Mường là lễ hội của đồng bào dân tộc Thái ở Mai Châu, Thuận Châu, Mộc Châu và đồng bào dân tộc Mường. Đây là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng rất quan trọng đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc. Lễ hội được tổ chức vào cuối tháng giêng, đầu tháng hai âm lịch hằng năm. Lễ hội này được gắn với tục giết trâu và tạ thần linh được thể hiện qua hình tượng thủy thần, thuồng luồng… Lễ hội được tổ chức rất trọng thể và thu hút đông đảo nhân dân trong vùng.
Lễ hội hoa ban là lễ hội của đồng bào dân tộc Thái và lễ hội này còn có tên gọi khác là hội Xên bản, Xên mường. Lễ hội thường được tổ chức vào tháng hai âm lịch, khi hoa ban nở trắng núi rừng Tây Bắc. Hội hoa ban là ngày hội của tình yêu đôi lứa; ngày hội của hạnh phúc gia đình; hội cầu mùa, no ấm nơi bản mường, đồng thời cũng là dịp thi tài, vui chơi, hát giao duyên trong những đêm trăng sáng…
Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch