Văn Thơ đã bước sang cái tuổi 78 nhưng sức làm việc vẫn rất dồi dào, nhiệt huyết. Kể về ấn tượng những lần gặp Bác Hồ, những bức tranh tái hiện cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh trải dài theo trường ca “Theo chân Bác”, đôi mắt vị họa sĩ già trào dâng nhiều cảm xúc…

Họa sĩ Văn Thơ quê gốc ở Hà Nam. Ông đam mê vẽ tranh từ thuở nhỏ và một phần không nhỏ trong khối lượng những sáng tác đồ sộ của ông là tranh về Bác Hồ. Tác phẩm đầu tay, bức tranh gây “rúng động” Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1962 và cũng là bức tranh tạo ra bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời ông là bức tranh ông vẽ Bác Hồ và 24 vị anh hùng trong ngành công nghiệp.

Sau này, một số tranh Văn Thơ vẽ Bác Hồ minh họa tập trường ca Theo chân Bác của nhà thơ Tố Hữu đã được in vào tập trường ca, phổ biến tới đông đảo bạn đọc cả nước. Đó hầu như là những hình ảnh đẹp nhất trong mỗi giai đoạn cuộc đời của Bác…

Nhân dịp kỷ niệm 125 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, những  bức tranh vẽ Bác Hồ minh họa cuốn Theo chân Bác được trưng bày triển lãm tại Hà Nội, phóng viên Dân trí đã có cuộc trò chuyện với họa sĩ Văn Thơ.

Họa sĩ Văn Thơ bên bức tranh Bác Hồ tại triển lãm “Bác Hồ với phụ nữ và thiếu nhi” nhân kỷ niệm 125 ngày sinh của Bác tại Hà Nội

Ông vẽ tranh Bác Hồ từ khi nào?

Tôi thích vẽ từ bé. Thời chống Pháp, một lần tôi nhặt được mẩu báo trong đó có vẽ chân dung Bác Hồ và giữ rất kỹ. Sau này, tôi mới biết bức chân dung Bác Hồ do họa sĩ Phan Kế An vẽ.

Thời điểm đó, có đơn vị bộ đội qua đóng ở nhà tôi, có anh đánh máy và vẽ rất giỏi. Tôi suốt ngày bắt anh vẽ Bác Hồ và tôi cũng tập vẽ rất nhiều. Về sau, làng bị giặc tạm chiếm. Lúc giặc đi càn, giở đống sách cũ trong nhà tôi thấy tranh Bác Hồ, chúng đã gọi bố tôi lại và bảo nếu còn để con cái vẽ tranh như thế này chúng sẽ đốt nhà.

Năm 1960, tôi ra Hà Nội. Tháng 5/1962 có Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 3. Khi đó tôi đang vẽ sách giáo khoa tại Nhà xuất bản Giáo dục. Cứ ban ngày tôi làm việc “nhà nước”, thời gian buổi tối tôi dành cho sáng tác. Tác phẩm đầu tay của tôi là bức tranh Bác Hồ với công nhân, vẽ 24 vị anh hùng ngành công nghiệp vừa được phong tặng đang đứng quây quần bên Bác.

Bức tranh lấy cảm hứng từ Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1962, đã gây được sự chú ý của Bác. Báo chí cũng đưa tin rầm rộ về sự kiện này.

Tôi được nghe kể, khi đến thăm Triển lãm, Bác Hồ đã nhận ra 24 vị anh hùng và nhắc tên một số người. Trong đó có những anh hùng mới được phong như chị Thạc, chị Hiếu ở nhà máy dệt Nam Định. Giờ nếu còn sống thì các chị cũng phải trên dưới 80 tuổi rồi.

Tại buổi Triển lãm, đồng chí Nguyễn Khánh Toàn- Nguyên thứ trưởng Bộ Giáo dục sau khi xem tranh vẽ Bác Hồ của tôi đã quay sang nói với Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên nên đưa tôi đi bồi dưỡng để chuyên vẽ về Bác. Về sau này, tôi được NXB Giáo dục cử đi học Đại học Mỹ thuật. Có thể nói, tác phẩm đầu tay vẽ Bác Hồ đã tạo ra bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời tôi.

Bức tranh Bác Hồ dành tình cảm cho thiếu nhi trong cuốn “Theo chân Bác”

Ngoài bức tranh “Bác Hồ với công nhân”, ông có thể chia sẻ về những bức tranh vẽ Bác ý nghĩa khác?

Sau bức tranh Bác Hồ với công nhân, tôi còn vẽ rất nhiều bức tranh khác về Bác. Đó là bức tranh Bác Hồ đến thăm một gia đình nông dân sau thành công năm 1962. Trong tranh Bác cầm tay một em bé, bên cạnh có bố mẹ, ông bà. Giờ không biết bức tranh còn được treo ở 45 Nguyễn Du hay không?

Tôi cũng tái hiện lại hình ảnh lần đầu tiên Bác Hồ gặp gỡ trò chuyện ông Phạm Văn Đồng. Bức này được treo ở Bảo tàng Bộ Tài chính.

Hay một bức tranh ấn tượng khác về Bác được tôi vẽ ngay tại nhà của nhà thơ Tố Hữu sau năm 1975. Đó là bức vẽ hình ảnh Bác Hồ đến thăm nông dân ngoài cánh đồng. Bác Hồ mặc áo gụ, chỉ tay về phía đập thủy lợi.

Bức tranh Bác Hồ về thăm chùa Hương giờ vẫn còn ở đó, nhưng có lẽ chất lượng bức tranh không được như xưa vì nơi đó ẩm ướt…

Những năm tháng Bác ở chiến khu Việt Bắc

Bác Hồ trong đám tang Lenin

“Theo chân Bác” là một trong những tác phẩm hay nhất của nhà thơ Tố Hữu, một trong những áng thơ hay nhất trong hàng ngàn bài thơ ngợi ca Hồ Chủ tịch. Ông có gặp khó khăn khi tái hiện cuộc đời Bác Hồ trải dài theo trường ca này?

Khi được NXB Kim Đồng mời vẽ minh họa cho bài thơ đã đi vào lòng toàn dân, tôi phải đọc rất kỹ từng đoạn thơ, cố gắng chắt lọc tìm ý phù hợp cho bức tranh. Có thể nói, toàn bộ tranh minh họa trong sách nhằm giúp độc giả hình dung ra cuộc đời của Bác Hồ. Từ bức vẽ Bác thời còn nhỏ trong ngôi nhà ở Kim Liên, đến khi Bác trưởng thành ra đi tìm đường cứu nước, rồi Bác ở Paris viết báo và hoạt động cách mạng, đi viếng Lenin ở Liên Xô, trở về nước sau bao nhiêu năm bôn ba, những năm tháng ở chiến khu Việt Bắc “Ung dung yên ngựa trên đường suối reo”. Hình ảnh Bác với nông dân, công nhân, với các cháu thiếu nhi…

Cuốn sách xuất bản năm 1975 sau đó được tái bản nhiều lần. Bìa một bản in cũ của cuốn sách Theo chân Bác là hình ảnh Bác Hồ xắn quần lội suối ở chiến khu Việt Bắc, một trong những hình ảnh quen thuộc nhất với thiếu nhi về Bác.

Những bức tranh tôi vẽ hầu như là những hình ảnh đẹp nhất trong mỗi giai đoạn cuộc đời của Bác. Tôi biết nhiều gia đình vẫn gìn giữ cuốn sách này, truyền lại cho các đời con cháu cùng xem và cảm nhận.

Nhà thơ Tố Hữu đánh giá thế nào về bức vẽ về Bác Hồ của ông?

Nhà thơ Tố Hữu rất trân trọng những bức vẽ này. Ông từng nói “Văn Thơ là người vẽ Bác Hồ đạt nhất”. Khi cuốn Theo chân Bác xuất bản, sau này nhà thơ Tố Hữu còn đến đặt vấn đề với NXB Kim Đồng mua lại nhiều cuốn để tặng.

 

Bức ảnh NSND Trà Giang chụp cùng Bác Hồ tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ 3 năm 1962

Để có những bức tranh đẹp và chân thực về Bác Hồ, hẳn là ông không chỉ dựa vào ảnh, sự cảm nhận để vẽ về Bác? Những lần được gặp Bác Hồ, để lại cho ông ấn tượng gì?

Hình ảnh về Bác có rất nhiều nhưng được gặp trực tiếp Bác ngoài đời, cảm nhận về Bác chân thực, gần gũi và cảm xúc hơn.

Tôi từng được gặp Bác Hồ 2 lần. Lần thứ nhất vào năm 1960-1961, khi đó tôi công tác ở Bộ Giáo dục, được cử đại diện sang sân bay Gia Lâm đón Bác. Khi đó tôi còn là anh thanh niên ít tuổi, được đứng ở hàng trước. Tôi rất nhớ hình ảnh Bác với làn da đồi mồi, hơi nâu, từng trải. Bác đi bắt tay từng người một.

Lần thứ hai, tôi vinh dự được gặp Bác Hồ tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc năm 1962. Trời nóng, tôi còn nhớ Bác để mở cúc áo ngoài. Phong cách của Bác rất tự nhiên gần gũi. Lúc đó, tôi là đại biểu trẻ nhất của giới họa sĩ, còn NSND Trà Giang là đại biểu trẻ nhất bên điện ảnh. Khi đến, Bác hỏi ai là đại biểu trẻ nhất và đại biểu già nhất. Bác có chụp ảnh kỷ niệm với cô Trà Giang và cụ Phan Chánh.

Dưới con mắt của một họa sĩ, ông cảm nhận hình ảnh Bác Hồ như thế nào?

Thực ra, để vẽ cho đẹp và đúng thần thái của Bác Hồ thì không phải ai cũng vẽ thành công. Những năm còn trẻ, da bác hơi nâu; đến khi về già da của Bác căng và hồng hào hơn. Nhiều người ví Bác đẹp lão như ông tiên là vì thế!

Tôi ấn tượng nhất là đôi mắt của Bác. Cách đây ít hôm, tôi được nhìn lại trên phim tài liệu chiếu cảnh Bác sang Đức, có chiếu bức chân dung Bác đang cúi xuống và ánh mắt Bác nhìn chứa tất cả sự thông minh, từng trải của một vị lãnh tụ. Nhưng bức chân dung bình thường chưa lột tả được trọn vẹn thần thái đôi mắt Bác.

Xin cảm ơn ông!

Theo Nguyễn Hằng – Dân trí

Exit mobile version