LÂM AN

Năm 2011, họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đã cho ra mắt cuốn sách “Văn minh vật chất của người Việt”, được coi là pho sử “lạ” về đồ vật để qua đó thấy một chân dung khác của con người Việt Nam. Đây cũng là cuốn đầu tiên trong bộ sách bốn cuốn Văn minh Việt Nam của ông (dự tính sẽ xuất bản toàn bộ vào năm 2022). Cuốn thứ hai vừa xuất bản có tên gọi “Tập tục đời người” (Nhã Nam & NXB Hội nhà văn).
Phóng viên (PV): Thưa ông, tại sao bắt đầu từ việc nghiên cứu lịch sử mỹ thuật, ông lại chuyển sang nghiên cứu về văn minh vật chất, rồi sang nghiên cứu về văn hóa tập tục?

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng (PCT): Thời gian đi nghiên cứu mỹ thuật cổ Việt Nam ở nông thôn, cũng là thời gian tôi thấy người nông dân từ bỏ các công cụ và đồ dùng truyền thống, chuyển sang cơ giới hóa và đồ dùng hiện đại, vào những năm 90 thế kỷ trước. Tôi thấy những đồ đó có ý nghĩa với nền nông nghiệp nghìn năm qua, nên ghi chép lại, mà hình thành cuốn “Văn minh vật chất của người Việt”, viết xong năm 2008.

Việc nghiên cứu mỹ thuật cổ cũng tạm xong qua một số công trình đã xuất bản. Tôi đặt một chương trình nghiên cứu Văn minh Việt Nam theo ý nghĩa đời sống hằng ngày của người Việt Nam trong lịch sử. Còn bản thân mỹ thuật thì không hề hẹp, không bao giờ có thể đi hết, hiểu hết.

PV: Những vấn đề về tập tục được nêu trong cuốn sách, được ông khoanh lại trong đời sống của người Việt Nam thế kỷ 19 – 20. Theo ý kiến riêng của ông, có thể thí dụ một số tập tục nào nên duy trì, phục hồi và những tập tục nào nên kiên quyết loại bỏ trong đời sống hiện đại?

PCT: Những học giả đi trước tôi như Mai Viên Đoàn Triển, Phan Kế Bính khi viết về phong tục tập quán cũng phê phán những hủ tục. Thí dụ, tang ma quá tốn kém phiền phức, hủ tục ruồng bỏ người phụ nữ trong hôn nhân, sự giả dối trong các lễ phóng sinh… Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sau hòa bình 1954, đến những năm 90 thế kỷ trước, rất nhiều tập tục cổ bị loại bỏ thẳng thừng, tất nhiên nhiều nét tinh hoa văn hóa bị biến mất, nhiều di sản thất tán, nhưng cũng nhiều hủ tục được loại bỏ. Quá trình này có cả mặt tích cực và tiêu cực. Thí dụ, hôn nhân, tang ma thời bao cấp rất giản dị, phù hợp với hoàn cảnh nghèo của người Việt Nam trong chiến tranh và bao cấp. Chủ trương giữ gìn di sản văn hóa truyền thống sau chiến tranh, sự thay đổi từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, lại làm hồi sinh nhiều truyền thống, tập tục, lại cả tích cực, lẫn tiêu cực. Hủ tục đốt vàng mã, thả tro xuống sông, giỗ, Tết, biếu xén, phong bì… đều trở nên quá mức. Hội, lễ vượt ra khỏi quy mô làng xã, rất ô nhiễm và ô hợp. Những việc này rất mất thời gian khắc phục để có một xã hội có truyền thống nhưng hiện đại và lành mạnh, thân thiện với môi trường.

PV: Bắt đầu từ cuốn sách Nghệ thuật đời thường, ông đã tạo ra văn phong kết hợp tản văn cùng với nghiên cứu nhân học của riêng ông. Ông có thể gợi ý cho những người nghiên cứu trẻ về phương pháp luận nghiên cứu của cuốn sách này?

PCT: Tôi nghĩ rằng cần hiểu kỹ lưỡng đến mức có thể (với từng cá nhân), yêu quý cái đối tượng và công việc của mình đang làm, nói và viết về nó thành thật, dù là còn nhiều thiếu sót về tư liệu và nhận thức, tự nó sẽ có cách lý giải vấn đề ổn thỏa. Tôi không làm văn khi viết những vấn đề này. Mỗi cuốn sách cần một phương pháp nghiên cứu riêng phụ thuộc đối tượng nghiên cứu, chứ không áp đặt một phương pháp có trước. Hầu hết người đi học đều làm tư liệu trước, rồi viết sau, đó là một cách thức nhà trường. Ngay cả ở phương Tây, cái đó làm cho người viết bị tư tưởng của tư liệu chi phối. Tôi cứ trình bày ý tưởng của mình, sau đó cần chứng minh thêm gì thì đi làm tư liệu, tư liệu chỉ là thí dụ thôi.

PV: Muốn hiểu cuốn sách của ông thì buộc phải đọc, mà không chỉ đọc một lần. Ông có thể nói ngắn gọn vài điều với bạn đọc báo Thời Nay: Rằng, ông tâm đắc nhất những điều gì khi thực hiện cuốn sách này?

PCT: Cuốn sách này không trình bày các tập tục, điều đó cụ Phan Kế Bính đã làm rất tốt rồi. Nhưng cụ mặc định tập tục, còn tôi tìm cách lý giải nó, nó hình thành thế nào trong các môi trường sống của người Việt Nam, và vài tập tục lớn có nguồn gốc thế nào. Khi viết tôi hiểu dân tộc và đất nước mình hơn, cũng như hiểu mình hơn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: http://www.nhandan.com.vn/baothoinay

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version