Nguyên Chương 

 

Hoàng hôn nghiêng trút xuống con rạch Ô Môi một màu hồng lịm đến nhói lòng. Tiếng bìm bịp kêu nước lớn buông chùng như ngoạm vào chiều nhức buốt. Không biết ai dạy mấy đứa con nít trong xóm mà tụi nhỏ tụ tập ngoài gốc cây ô môi đầu vàm rạch chơi nhảy lò cò rồi hò vang, nghe càng thêm day dứt: Hò… ớ… ơ… Tháng ba hoa ô môi nở hồng tươi biêng biếc/ Chị Miên chờ ai đi mải miết không về/ Hò… ớ… ơ… Chị còn chờ chi nữa cho suối tóc thề rưng rưng.

Mỗi lần nghe mấy đứa con nít hò như vậy, Miên lại chạy ra ngoài đầu vàm rạch, đứng dưới gốc cây ô môi soi mình xuống dòng nước thấy đôi mắt mình đỏ hoe. Anh Quyết bên kia rạch nhìn sang với ánh mắt ứ nghẹn, đầy khắc khoải. Rồi anh lắc đầu, nén tiếng thở dài. Ngày nào cũng vậy, đi làm thì thôi, về nhà là anh lại ra bờ rạch Ô Môi phóng tầm mắt qua bờ bên kia, lòng da diết ngập tràn. Có hôm anh thấy Miên bưng thau chén xuống cầu bến ngồi, ánh mắt thẫn thờ nhìn đăm đắm về phương trời xa xăm nào đó, rửa hoài mà không xong. Mà thà như vậy anh Quyết còn cảm thấy an lòng, đỡ phải lo. Sợ nhất những hôm khuya lơ khuya lắc, Miên như cái xác không hồn ngồi dưới gốc cây ô môi, anh đau lòng chịu không nổi.

Rạch Ô Môi có cây ô môi to đùng án ngữ ngay đầu vàm. Ở cái xóm Còng này, không ai biết nó mọc từ khi nào, chỉ nghe mấy cụ cao niên trong xóm nói, lớn lên đã thấy nó nở bông rực cả khoảng trời. Có lẽ cây ô môi án ngữ ngay đầu vàm rạch nên người ta gọi con rạch này là rạch Ô Môi, cây cầu cũng đặt là cầu Ô Môi. Mấy lần giặc càn vào xóm Còng, cây bị mảnh bom phạt ngang thân, có chỗ khuyết sâu vào thân nhưng vẫn đứng sừng sững đổ bóng xuống dòng nước lững lờ trôi.

Người làng đi xa không nhớ gì mà nhớ cây ô môi, nhớ mùa bông trổ, cánh hoa rụng trôi dập dềnh rực hồng cả khúc sông. Nhớ hết biết nhớ! Nhưng có người cũng nói, thôi đốn quách cái cây ô môi ấy đi cho rồi, tại vì bông nó đẹp nhưng buồn da diết nên cái xóm Còng này có nhiều chuyện buồn muốn chết. Như chuyện tình của chị Miên và anh Hậu vậy, đẹp nhưng buồn thấy sợ.

Anh Hậu và anh Quyết là bộ đội ngoài Bắc được bổ sung vào chiến trường miền Nam. Họ là bạn thân của nhau từ khi mới vào đại học. Cả hai đều tình nguyện vào Nam chiến đấu. Trắng trẻo, thư sinh, nói chuyện nhẹ nhàng, lại hiểu biết sâu rộng nên bà con xóm Còng ai cũng thích và thương mến. Còn Miên là giao liên của xã. Miên đi nhận quân, rồi dẫn hai anh băng đồng, vượt sông về đơn vị đóng ở phía sau nhà mình. Xóm Còng là vùng giải phóng, căn cứ cách mạng của xã, huyện. Nhà Miên cũng là nơi nuôi giấu cán bộ, trong nhà có đến mấy cái hầm bí mật, phía sau vườn, dưới mương đều có các căn hầm để trú ẩn. Vị trí các căn hầm chỉ có má và Miên biết. Hồi mới đến, nhìn cây ô môi trổ bông, các anh cứ đi ra đi vào tặc lưỡi hỏi cái cây gì mà bông đẹp quá chừng vậy? Miên đùa, bảo cây hoa anh đào của miền Tây, vậy mà các anh cũng tin.

Con trai miền Bắc vào miền Tây nên thấy cái gì cũng lạ, cũng hỏi. Cứ thế, Miên bịa ra đủ thứ chuyện trên trời dưới đất để trêu. Má thương hai anh như con nên la rầy Miên hoài. Nhưng Miên vẫn tính nào tật nấy, thấy trái bần, mấy anh hỏi ăn được không, Miên nói ăn ngọt lắm rồi nhanh tay hái xuống hai trái, đưa cho. Hai anh vừa đưa lên miệng cắn một miếng nhai rồi nhăn mặt nhăn mày, còn Miên thì che miệng cười khúc khích:
– Công tui trèo hái, hai anh phải ăn cho hết à nghen.

Miên tính nói chơi vậy thôi, ai dè hai anh cũng ăn cho bằng hết. Bị Miên bày hết trò này đến trò khác chọc phá, nhưng hai anh không giận, trái lại còn thương. Ngặt nỗi cả hai cùng thương Miên nên mới khổ, mới trớ trêu, mới có cái cảnh người này cứ chờ đợi người kia. Một cuộc chờ không tính bằng ngày, bằng tháng, bằng năm, mà tính bằng màu tóc nhạt phai trên mái đầu. Thoáng cái, cuộc chờ đã trôi qua năm năm, mười năm, rồi hai chục năm, ba chục năm… mà vẫn chưa kết thúc. Hình ảnh người xưa vẫn tươi nguyên trong lòng, như mới hôm qua đây thôi, nhưng thời gian thì đã làm cho mái tóc của Miên, của anh Quyết chuyển màu muối tiêu, sợi trắng nhiều hơn sợi đen.

Hồi đó, cả hai cùng yêu Miên, nhưng Miên lại chọn anh Hậu. Nhiều lần Miên tự hỏi lòng tại sao mình yêu anh Hậu mà không yêu anh Quyết, Miên không trả lời được. Chỉ biết rằng nụ cười của anh, ánh mắt của anh, bờ vai rắn rỏi, vững chãi của anh cứ lẩn quẩn trong đầu. Nhắm mắt lại Miên cũng thấy. Tối nằm vừa chợp mắt, anh lại chập chờn trong giấc mơ. Tán cây ô môi ngoài đầu vàm rạch cũng là nơi chứng kiến cái nắm tay đầu tiên, nụ hôn đầu tiên hai người trao cho nhau. Hôm ấy, hoa ô môi lộng lẫy hồng rực một khoảng trời. Rồi ngày anh Hậu chuyển công tác, hai người cũng chia tay dưới tán cây. Hôm ấy bông ô môi trổ đầy vung, nhìn như tím biếc đến da diết lòng. Từng cánh hoa buồn rưng rưng. Xiết chặt tay Miên, anh Hậu bảo nếu anh hi sinh thì thôi, chứ hòa bình rồi mà anh còn thì thế nào cũng sẽ về. Nhất định anh sẽ về.

Miên nhìn lên tán hoa, mắt ngân ngấn:

– Có hoa ô môi làm chứng, em sẽ chờ anh! Nhất định sẽ chờ!

Sự đời nhiều nỗi trái ngang, bẽ bàng. Sau ngày giải phóng, người Miên chờ không về mà anh Quyết về, mang theo một tin buồn xao xác:

– Thằng Hậu… nó… hi sinh rồi Miên ơi!

Miên cố gượng đứng cho vững mà hai chân cứ run lên bần bật. Chị thấy mình chênh vênh, chao chát như đang đứng trên sóng.

Anh Quyết cúi gầm mặt để giấu đôi mắt đỏ hoe:

– Nó hi sinh rồi… trước giải phóng một năm.

Miên chạy vù ra ngoài vàm rạch, tựa lưng vào gốc cây ô môi, nước mắt tuôn trào. Một cơn gió nổi lên, thốc ngang tán làm hoa rơi chao chát. Một vài cánh mềm oặt, xao xác vướng lên mái tóc dài xõa ngang lưng, rối bời, như một sự an ủi, vỗ về, chia sẻ. Rồi Miên nằm liệt giường gần hai tháng, không màng ăn uống, người gầy gộc, xao xác, không khóc mà nước mắt chảy hoài. Còn anh Quyết cứ ngồi lặng lẽ tựa đầu vào gốc cây ô môi, ánh mắt thăm thẳm, xa xôi.

Từ đó, Miên làm một cuộc chờ. Lúc ấy, chị mới bước qua tuổi hai mươi, sắc xuân rạng ngời trên môi, mắt. Một cuộc chờ thanh xuân dù biết người mình chờ đi mãi mãi không về nữa. Không biết có phải thế không mà năm ấy mấy chùm hoa ô môi nở muộn, cánh nào cũng nghèn nghẹn, cánh nào cũng rưng rưng.

Chuyện tình của Miên và anh Hậu đẹp như hoa ô môi nở rộ hồng tươi biêng biếc, nhưng cũng buồn như khi nó rơi lả tả xuống rạch Ô Môi, rồi xuôi dòng chảy mải miết mà không biết đi đâu, về đâu. Thấy Miên chiều nào cũng ra ngoài vàm, ngồi dưới gốc ô môi chờ đợi mông lung cho đến khuya, mấy cô chú trong xóm Còng bàn hay là đốn cây ô môi đi, để nó đứng chàng ràng ở đó càng gợi lại bao kỉ niệm buồn trong lòng Miên. Chị cản không cho đốn, bảo biết đâu anh Hậu còn sống, khi trở về nhìn thấy cây ô môi, anh sẽ nhận ra xóm Còng. Hoặc giả anh đã sang thế giới bên kia thì khi nhìn thấy cây ô môi trổ bông hồng rực, anh sẽ nhận ra xóm Còng, nơi đó có Miên vẫn chờ anh. Nghe Miên nói vậy, má kéo chiếc khăn rằn đội trên đầu xuống lau nước mắt. Còn cô Bảy nhà bên cạnh bảo:

– Cả cái miền Tây này có biết bao cây ô môi chứ có phải chỉ có cái cây ô môi ở xóm Còng mình đâu hả Miên!

Anh Quyết nghe vậy vội quay mặt đi, đôi mắt ầng ậc nước. Anh chạy ra sau vườn nhảy ùm xuống mương móc đất đắp gốc cây. Má thấy trời tối mịt mà anh chưa về nên ra vườn tìm. Nhìn anh ngồi ban đất mà hai mắt đỏ hoe, má nghẹn lòng:

– Quyết ơi, từ từ rồi con Miên nó cũng sẽ nguôi ngoai thôi. Mầy hành thân hành xác như vậy hoài làm sao sống nổi hả con?

– Kệ con đi má. Con sợ cái cảnh rảnh tay rảnh chân lắm, không có việc gì làm là con lại suy nghĩ lung tung. Sợ lắm!
Nhìn vào ánh mắt của anh Quyết, má hiểu anh thương Miên nhiều lắm. Nhà có con gái, để anh Quyết ở chung lâu ngày sợ bà con, lối xóm dị nghị nên má cắt cho anh khoảng đất bên kia rạch cất nhà ở riêng. Má nói cứ an lòng ở bên đó, chừng nào Miên nguôi ngoai nỗi nhớ anh Hậu, má sẽ gả cho anh. Nghe má nói vậy, Miên bảo anh Quyết về Bắc lấy vợ đi, anh có chờ cũng chỉ là vô vọng… Anh Quyết nghĩ mình thương Miên thật lòng thật dạ, nên không tin Miên sẽ chặt dạ chờ một người đã khuất đến hết cuộc đời.

Cứ chiều chiều, Miên lại thẫn thờ đi ra vàm rạch, ngồi lặng lẽ dưới gốc cây ô môi, không nói không rằng tiếng nào, ánh mắt dõi về phương trời thăm thẳm. Ngồi riết cho đến khi trăng lên gần đỉnh đầu mới về khiến cả má và anh Quyết đều lo. Má lựa lời bảo Miên đừng lừa dối mình nữa, hãy chấp nhận sự thật rằng anh Hậu đã hi sinh, hi sinh thật rồi, thì ánh mắt chị càng lấp lánh một niềm tin anh Hậu vẫn còn sống. Chị bảo, chừng nào tìm được mộ của anh Hậu, thấy được hài cốt thì chị mới tin là anh đã thật sự hi sinh. Biết đâu anh chỉ bị thương, đang được nhân dân đùm bọc, khi nào bình phục sẽ trở về thì sao?


Minh họa: Vũ Đình Tuấn

Sương khuya đổ ướt lạnh đôi vai gầy mảnh khảnh, ướt đẫm mái tóc dài óng mượt của Miên. Cách gốc ô môi vài mét, anh Quyết cũng ngồi chờ Miên về ngủ. Anh Quyết cũng làm một cuộc chờ khác. Một cuộc chờ Miên. Cuộc chờ của hai người không biết đến khi nào mới ngã ngũ, vì ai cũng có niềm tin của riêng mình, không ai muốn bỏ cuộc. Nghe Miên khục khặc ho, anh chạy đi mua thuốc về dúi vào tay Miên, rồi rót nước buộc Miên phải uống cho anh thấy mới an lòng. Thấy Miên đốn quày chuối chín bói, anh cũng giằng lấy dao đốn giùm. Mái nhà dột, anh bắc thang leo lên dọi lại. Miên sốt nằm mê man trong bệnh viện, anh nhúng từng cái khăn để lau mát cho. Từ ngày trở lại xóm Còng, anh Quyết mặc nhiên xem mình là con của má, là người thương của Miên, chờ Miên và sẽ cưới Miên làm vợ. Cũng từ ngày trở về đây, anh đã xác định, nếu không cưới được Miên làm vợ, sẽ không lấy ai. Vậy mà Miên vẫn một mực bảo anh đừng chờ, không hi vọng gì đâu. Những lúc ấy, anh nghe như có ai thốc mạnh vào ngực trái của mình, đau buốt, nước mắt tứa ra. Mà kệ đi, cuộc sống có người để mình thương, mình chờ đã là hạnh phúc, chỉ sợ không có ai để chờ mới là bi kịch, là đau khổ. Thế nên anh tập làm quen với những câu nói ấy của Miên.

Khuyên không được, Miên đi tìm vợ cho anh. Thấy chị Mai ở xóm trên đẹp người, đẹp nết, Miên tìm hết cách này đến cách khác để mai mối cho hai người. Chị Mai cũng thương anh Quyết, cũng tới lui dọn dẹp nhà cửa, lau chùi bếp núc cho anh. Hôm anh Quyết đi móc đất mướn, mắc mưa nên về bị cảm sốt nằm mê man, Miên chạy đi cho chị Mai hay. Chị Mai lật đật ra chợ mua thuốc, rồi về nấu nồi cháo thịt bầm với hành cho anh ăn giải cảm. Vậy mà anh không ăn cháo, cũng không uống thuốc, chị Mai năn nỉ kiểu gì anh cũng không. Anh nói chị Mai đừng làm vậy nữa, anh không thích, vì anh là đàn ông, tự chăm sóc cho mình được, không cần đến phụ nữ. Anh còn bảo chị đừng tới nữa… Chị Mai tủi thân ngồi khóc rấm rứt ngoài hè. Thấy vậy, Miên hỏi anh tại sao chị Mai thương anh như vậy, tốt với anh như vậy mà anh vô tâm, nỡ hờ hững, lạnh lùng. Đàn ông mà đối xử với phụ nữ như thế có xứng đáng không, thì anh bảo:

– Anh chỉ cưới Miên thôi, không cưới ai hết!

Hai năm trời tới lui mà anh vẫn thờ ơ, lạnh nhạt nên chị Mai cũng không còn kiên nhẫn để theo đuổi nữa. Chị lấy chồng. Ngày nhận lời ưng anh Hùng ở xã bên, chị Mai khóc với Miên rất nhiều. Chị bảo dù anh Quyết lạnh nhạt, hờ hững như thế nhưng không hiểu sao chị vẫn thương anh.

Cuộc chờ đã hơn mười năm mà anh Quyết cũng không chịu lấy vợ. Miên chiều chiều vẫn lặng lẽ ra đầu vàm, ngồi thẫn thờ dưới bóng cây ô môi, dõi ánh mắt thăm thẳm vào khoảng không mênh mông, còn con nước dưới rạch Ô Môi thì vẫn chảy xuôi mải miết. Má ngày một già yếu, sống nay chết mai biết đâu mà lần. Rủi chưa lo được chồng con cho Miên mà má đột ngột ra đi thì xuống suối vàng biết ăn nói làm sao với ba. Nghĩ vậy nên má quyết tâm ép:

– Con gái lớn lên thì phải lấy chồng, sinh con đẻ cái, chứ ở vậy hoài sao được. Con mà hổng ưng thằng Quyết, má chết cũng không an lòng, không nhắm mắt được. Má chết như vậy, con vui không hả Miên?

Miên òa khóc:

– Má đừng hỏi khó con. Má ép con quá con tự vận chết cho má vừa lòng!

Má sinh Miên ra nên biết cái tính, cái nết của Miên. Ai nói còn không dám làm chứ Miên nói là làm. Má không ép nữa, nhưng mỗi lần nhìn thấy anh Quyết đứng bên kia bờ rạch dõi ánh mắt thăm thẳm sâu qua bờ bên đây là má đau lòng chịu không nổi. Căn đày kiếp đọa gì mà khổ quá vậy Quyết ơi, má tự than rồi nén tiếng thở dài, nước mắt cứ thế ứa ra không kiềm lại được. Thấy má vì mình mà đau lòng, anh Quyết cũng xót xa lắm. Anh ôm má vào lòng:

– Thôi kệ đi má, phần số con nó vậy thì phải chịu. Con không trách gì má và em Miên đâu. Được má thương, được sống ở đây để gần má và em Miên là con vui, con hạnh phúc lắm rồi.

Anh Quyết nói mình vui, hạnh phúc mà sao ánh mắt anh thăm thẳm đến vậy, sao xa xăm đến vậy, sao rưng rưng đến vậy…

– Kệ sao được mà kệ! Nhìn con vò võ chờ đợi con Miên, má chịu hổng nổi. Trời xui đất khiến về đây làm chi để rồi đau khổ đến mức này hả con!

Anh Quyết mỉm cười mà mắt cứ rưng rưng:

– Chắc tại cái số con nó vậy. Cuộc đời này, nếu được một ngày làm chồng của Miên là con cũng mãn nguyện lắm rồi.

Anh Quyết đã làm một cuộc chờ ngót nghét gần bốn mươi năm. Chờ từ ngày tóc xanh biếc, chừng quay đầu nhìn lại, thấy cả hai mái tóc đã điểm sương. Rồi không biết ai trong xóm bày cho mấy đứa con nít hò nghe mà đứt ruột:

Hò… ớ… ơ… Anh Quyết chờ ai như sông dài biển rộng/ Gần bốn mươi năm thấm thoát xuôi dòng/ Hò… ớ… ơ… Gần bốn mươi năm thắm thoát xuôi dòng mà chị Miên vẫn chặt dạ bền lòng đợi (ớ… ơ…) ai.

Nghe mấy đứa nhỏ hò, Miên sợ anh Quyết đau lòng nên kêu lại rầy, không cho hò nữa. Chú Năm ở sát bên nhà anh Quyết cười móm mém:

– Con nhỏ này lạ à nghen. Mấy đứa nhỏ nó hò mắc mớ gì bây mà bây cản. Bây sợ thằng Quyết đau lòng thì ưng nó đi rồi mấy đứa nhỏ nó hết hò chớ gì.

Miên nói hồi còn trẻ hổng ưng thì thôi, bây giờ già hết rồi ưng gì nữa mà ưng. Chú Năm cười khà khà, bảo già gì mà già, mà bộ già rồi thì không được thương nhau, không được lấy nhau sao? Rồi chú Năm kết luận:

– Bây nói gì mà tao nghe không có lọt lỗ tai. Bộ bây tính chờ thằng Hậu cho đến chết hả? Tao hỏi thiệt nhe, bây có thương thằng Quyết không? Nếu thương thì tao đại diện bên nhà trai qua bển bàn với má bây để tính chuyện cưới hỏi cho phải lẽ.

Miên ứa nước mắt:

– Giờ đã lỡ dở hết rồi còn tính gì nữa hả chú Năm.

Rồi má ngã bệnh, đi bệnh viện được mấy hôm thì mất.

Sau ngày má mất, anh Quyết trằn trọc suy nghĩ hàng tháng trời. Hồi má còn sống, lúc nào má cũng tác hợp, kể cả gây áp lực để Miên ưng anh, nhưng còn không lay chuyển được, huống hồ bây giờ má mất rồi… Lặng lẽ đến bàn thờ thắp hương xin lỗi má, anh nhìn thật lâu từng món đồ trong nhà. Với anh, từng cái bàn, cái ghế trong căn nhà này gắn bó với anh như hơi thở. Tất cả đều như có linh hồn, có sự sống, đều là kỉ niệm không dễ lìa xa… Thôi thì tất cả đều là số phận dù sự thật có bẽ bàng, cay đắng đến đâu. Có lẽ với Miên, anh đã không có duyên mà cũng lại không có phận…

Anh quả quyết bước ra ngoài.

Anh đi tìm Miên để nói một sự thật.
*
* *
Miên đón xe làm một cuộc hành trình ra Bắc, lần theo địa chỉ ghi trong mảnh giấy mà anh Quyết đưa. Khi tấm biển “Trung tâm Điều dưỡng thương bệnh binh nặng X” đập vào mắt, chị bỗng nghe tim mình đập rộn rã. Còn rộn rã hơn cả ngày anh Hậu ngỏ lời. Rồi Miên lại thấp thỏm. Một nỗi sợ hãi mơ hồ, như có cây kim chích nhát sâu, nhát nông nhoi nhói trong tim. Chị hít một hơi thật sâu, chân líu ríu mấy lần suýt vấp khi bước theo cô y tá qua bậc cửa vào căn phòng của anh thương binh tên Hậu. Sững lại. Anh đây sao? Người đàn ông mà chị cất công làm một cuộc chờ gần bốn mươi năm đây sao? Anh nằm đó, thân hình teo tóp với đôi chân cụt đến gần bẹn. Đôi tay chỉ còn lại một cánh thõng xuôi, vồng ngực rộng mà ngày xưa chị nép vào hít hà, giờ xẹp lép, bất động sau chiếc áo bộ đội cũ… Chỉ có ánh mắt đêm từng đêm lấp lánh trong tim chị là vẫn ấm áp, nồng nàn như thuở nào. Nhưng rồi ánh mắt ấy nhanh chóng sắc lạnh… Mà nếu như anh nằm đó, chỉ một mình, không có người phụ nữ bên cạnh, thì chị cũng không bàng hoàng đến thế. Đằng này… Bỗng dưng chị ứa nước mắt. Chị giận mình tại sao lại đến đây, thà cứ ở xóm Còng ngày ngày ngồi tựa gốc ô môi chờ đợi còn đỡ đau hơn. Về. Phải về thôi. Phải rời khỏi chỗ này ngay. Chiếc nón lá trên tay rơi xuống từ lúc nào chị cũng không hay. Đôi bàn tay như thừa thãi cứ luống cuống gỡ mấy sợi tóc bạc lơ thơ hai bên thái dương vướng víu trên đôi má hằn sâu những nếp nhăn khắc khổ. Chị cố gắng kiềm lòng không khóc, nhưng nước mắt cứ trào ra chảy mải miết. Chị cố nén lòng:

– Tại sao… Mà thôi, biết anh còn sống là tui mừng rồi.

Chị bỗng òa thành tiếng, từng giọt nước mắt rớt xuống chiều vàng úa, chênh vênh. Chị nghe từ trong khoảng không mênh mông tiếng ai vọng lại, như là tiếng của anh Quyết mênh mang, da diết đến quặn thắt lòng: Em đã chờ ai hết một thời thiếu nữ/ Mắt xanh trong vò võ đến nhạt nhòa/ Ai đã chờ em suốt năm dài tháng rộng/ Một cuộc chờ hai lối rẽ trống không…

Hai người nhìn nhau mà không nói được tiếng nào. Anh nằm đó, bằng xương bằng thịt, dù không còn lành lặn như xưa, nhưng anh giờ đây không còn là anh Hậu của ngày xưa, của cái ngày mà chị thẹn thùng úp mặt lên vai, khi đôi tay của hai người xiết chặt lấy nhau, nghe thoang thoảng mùi của da thịt đàn ông, cái mùi mà khiến chị cả đời xao xác nhớ. Anh Hậu của bây giờ đã ngàn trùng xa cách, khiến chị không thể với tới, không thể chạy đến ôm anh vào lòng mà khóc cho thỏa. Miên đứng đó, như có ai chôn chặt chân chị lại, ngăn không cho chị chạy đến để ôm choàng lấy anh. Chị mím môi thật chặt ghìm tiếng nấc nhưng nó cứ trào lên, chị phải đưa tay lên ngăn lại. Mãi lúc sau, chị mới dằn được nỗi xúc động:

– Anh còn sống và có người chăm sóc tui yên tâm rồi. Từ nay tui không còn chờ đợi ai nữa.

Mãi đến sau này, Miên cũng không hiểu tại sao lúc đó mình có thể nói được một câu nhẹ hều như thế. Rõ ràng là lòng chị đau đến tê dại đi kia mà. Hay là khi con người ta đau đến vượt ngưỡng chịu đựng thì trở nên bình thản đến mức nhẹ tênh như thế? Chị cũng không biết nữa.

Anh Hậu gồng người gặng từng tiếng khó nhọc. Câu chuyện đứt đoạn trong tiếng thở dốc. Ngày ấy, anh trúng bom rồi bị vùi trong đất đá. Đơn vị tiếp tục hành quân, cứ nghĩ anh đã hi sinh không tìm thấy xác nên làm giấy báo tử gởi về cho gia đình. Một đơn vị công binh tìm thấy anh trong tình trạng thập tử nhất sinh đã chuyển anh về trạm phẫu phía sau. Sau khi điều trị, mấy năm liền anh bị mất trí nhớ nên chẳng ai biết anh là ai. Ngày anh và anh Quyết cùng thương Miên, cả hai đã thỏa thuận, nếu ai còn sống trở về thì sẽ lấy Miên làm vợ để chăm sóc, lo lắng cho Miên. Khi anh Quyết vào Nam để tìm Miên, vẫn đinh ninh rằng anh đã chết. Mãi sau này trong một lần đi tìm đồng đội, anh Quyết mới biết anh còn sống và đang ở Trung tâm Điều dưỡng thương bệnh binh nặng này. Còn người phụ nữ, giống như anh, chị vốn là một nữ thanh niên xung phong bị thương nặng về điều trị ở đây. Phòng hai người ở cạnh nhau nên chị hay sang trò chuyện, giúp đỡ anh. Cả hai đều không còn khả năng làm chồng, vợ nên đã quyết định gắn bó với nhau cho đỡ cô quạnh lúc tuổi già.

*
* *
Miên về lại xóm Còng thì anh Quyết đã bỏ đi mất biệt. Chị vội chạy sang nhà chú Năm hỏi thấy anh Quyết đi đâu không, anh ấy có nhắn lại gì không? Chú Năm nói từ hôm Miên đi, anh Quyết cũng bặt tăm luôn. Rồi chú chậc lưỡi, ánh mắt nhìn xa xăm:

– Cái thằng thiệt tệ, đi đâu mà cũng không chịu nói một tiếng, để người ta chờ.

Năm tháng trôi qua mà anh Quyết vẫn không một tin tức gì về. Chiều chiều Miên vẫn thẩn thờ ra vàm rạch, ngồi dưới gốc cây ô môi, dõi ánh mắt thăm thẳm vào khoảng không mênh mông. Hoa ô môi nghèn nghẹn nở từng cánh, từng cánh. Xác hoa rơi lả tả hồng rực một khúc sông, rồi theo dòng nước chảy xuôi mải miết…

N.C
Trại viết An Giang 2017

Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài