Hềnh ngồi trong bụi cây cả buổi, nhìn ra nương dưa đìu hiu. Con trâu quẩn quanh góc nương, giương đôi mắt to và mỏi mệt nhìn gã. Gã cũng nhìn nó chằm chằm, mặc cho lũ vắt đang dần dần bu đến, khi mùi vôi trộn muối trên đôi giày vải của gã đã bay bớt đi. Lâu lắm, dễ đến mấy canh giờ, gã nhìn con trâu, rồi lại dáo dác nhìn quanh. Núi rừng âm u cả mấy đời rồi, cây có thấy, chim có hay thì gã cũng phải lôi bằng được con trâu này về. Phía đỉnh trời thi thoảng nháng lên mấy vệt sáng, như muốn đổ mưa lớn. Càng tốt, mưa đi.. mưa đi. Hềnh reo thầm, mưa to vào, để gã kéo nó về nhà, không một ai hay biết…..

Cơn mưa sầm sập từ lúc gã bắt đầu lôi lôi kéo kéo con trâu về làng, mới đầu nó có vẻ không muốn theo Hềnh về nhà, nhưng mưa to quá, con trâu cũng đành ngoan ngoãn lầm lũi bước bì bọp theo sau gã. Cái bụng nó to lắm rồi, hà hà… mình sẽ nhốt nó ở cái lều trại ngoài rìa suối, người làng sẽ bớt dòm ngó hơn, vừa nghĩ gã vừa hì hụi kéo con trâu, mặc cho mưa rót thẳng từ trời xuống đầu nhẹp ướt, gã hớn hở đi, mang theo giấc mơ vừa trộm được về phía cuối làng.

Mưa tạt vào hiên, lũ gà mẹ, gà con nhao nhác giẫm lên chẳng mấy chốc thềm nhà biến thành bãi đất bẩn thỉu. Nồng nặc mùi chuồng lợn, át cả mùi rượu ngô đang bốc hơi nghi ngút từ cái nồi trên bếp.

Mưa thế này, sẽ xóa sạch vết chân trâu.

Hềnh ngồi nhìn lom lom vào ngọn lửa,  mắt gã cũng đỏ như hai hòn than, lóe ra những thứ toan tính mà chỉ cái đầu thâm u của gã biết. Dáng ngồi gật gù của gã tựa như con chim cú mèo cắm mặt trên cây xoan lúc chiều Đông. Gian bếp chật chội, thêm gã ngồi chình ình chắn lối đi, thỉnh thoảng  gã lại nhấp một ngụm chè đu đưa đựng trong cái cốc nhựa cáu bẩn. Nói gì thì nói, có chật chội một tý nhưng đúng là ngồi bên bếp lửa, thỉnh thoảng nghe được tiếng vạt váy của vợ đang lượn qua, lượn  lại sột soạt cũng có cái sướng, hơn chán vạn ngồi bụi cây rình trâu như hôm qua, để mưa ướt dầm dề, vắt cắn ngứa sưng cả bắp đùi. Đã quen với kiểu dính chặt mông vào cái ghế mây của Hềnh, vợ gã cắm cúi dỡ mẻ ngô vừa đồ xuống, tãi ra cái mẹt to thỉnh thoảng lấm lét nhìn gã, rồi lại giỏng tai nghe tiếng thở  phì phò của con trâu cái đang cột sau nhà. Lần này thì thị lo sợ thật rồi, gã trộm chó, bẫy mèo người ta chả nói làm gì, chứ trộm trâu thì giấu sao được bản trên xóm dưới. Đúng là Núi Biều có sập xuống Hềnh cũng chẳng bỏ được thói ăn trộm, cối gạo ngoài suối của nhà thằng Hênh em trai gã cũng luôn bị gã lấy, gã múc rồi còn không thèm chống cái máng nước lên, để cái chày thì thụp nện boong boong vào lòng cối, khi thằng Hênh ra suối thì cả chày cả cối đã vỡ mất rồi. Tối ấy, nghe thím Hênh réo chửi bên kia rào mà thị chẳng nuốt được miếng cơm nào vào bụng. Con gà, con lợn ở cùng còn thương nhau,  Hềnh thì chỉ biết cái gì gã thích là sẽ lấy về  bằng được… Xấu hổ vì phải làm vợ gã, đi đâu làm gì, thị cũng đeo bề, cái bề có đựng gì hay không thì mặt thị cũng cúi gằm xuống đất, chỉ ngẩng lên mỗi lúc có ai đó hỏi han…

Ra vào chần chừ mãi, thị cũng cố nói một câu:

– Làm thế không được đâu.

– Cái gì?

Hai hòn than trên gương mặt Hềnh lóe lên, chiếu thẳng vào gương mặt sợ sệt của vợ gã.

– Tôi nói là.. là lấy cái gì còn được, chứ trâu thì.. to quá!

– Im cái mồm đi! Tao làm kệ tao!

Thị nín lặng, biết là gã sẽ như thế, nhưng không nói thì đem cái lo sợ cất vào đâu? Nhưng cũng chỉ dám thế thôi, nếu ho he thêm tý nữa, lần lượt mấy cái ghế mây méo mó, ấm nước đang sủi bọt vần cạnh bếp cũng sẽ theo nhau ra sân… Mãi thế rồi.

Mưa giăng xám mờ triền núi, dẫu có đốt thêm mấy đống lửa to nữa thì cũng chẳng sưởi ấm được cái rét đang run lên trong lòng thị.
*


Gã ngồi giương đôi mắt ráo hoảnh như cái cái lòng cối rỗng lên nhìn thằng trai bản dưới. Nó làm công an xã à? Cái thằng ngày xưa gã vụt khăng vào mặt mấy lần, bưng má sưng húp về nhà ăn vạ. Giờ nó mặc bộ quần áo xanh, oai như con cóc… Gã lầm bầm nghĩ..

Làm gì được gã nào,  trước lúc công an đến bắt gã vì tội trộm trâu, gã đã ép thằng Hênh – em trai gã mới nhậm chức trưởng bản chưa lâu, ký xác nhận là gã bắt được con trâu trong vườn sắn nhà mình, chờ mãi chưa thấy ai tới nhận kia kìa. Ai lại dám ăn trộm cả con trâu… Đấy nhé, làng công nhận cho gã có lòng tốt, nuôi cả con trâu nái, sắp đẻ  ra nghé cho người ta rồi nhé… Anh công an xã nhìn gã lắc đầu: – Tha cho anh vì lần này có người làm chứng, nhưng không có lần sau nữa đâu.

Gã lệt xệt lê chân về. Ánh mắt nhàu nhĩ ném sang hai bên đường. Bụng gã anh ách:

– Tháo mõ con trâu rồi, lại chỉ chặt lá lau non về cho nó ăn sau nhà, sao công an biết nhanh thế. Chuyến này thì đành phải trả con trâu. Tiếc thật!

Bọn trẻ con trong bản lấp ló sau những khe vách gỗ nhìn gã, xì xầm:

– Lão Hềnh đấy, lão trộm trâu đấy!…

Gã tức mình, đá thốc mẩu củi cháy dở văng vào chân bịch lúa nhà lão Đỏ. Ngay lập tức mấy con chó ở đầu hè nhổm dậy sủa inh lên, có con còn xông ra, nhe nanh hầm hè định cắn gã.  Gã ngoảnh đầu bỏ chạy, vứt lại phía sau tiếng cười giòn giã của bọn trẻ con, đau như đàn ong đang ùa ra châm chích vào cái mặt sưng của gã.

Thị đang đun cám lợn, nồi cám sôi sùng sục như  cái mặt bừng bừng của kẻ say. Thị rón rén mang ớp rau rừng ra phía bến nước rửa, rồi lại khẽ khàng trở vào bắc xoong nấu cơm. Vừa làm, thị vừa để ý gã. Từ lúc trở về, sau một hồi chặt chém gì đó ở vườn sau, gã vào bếp, ngồi nhìn chằm chằm cái nồi cám lợn, chừng như muốn bưng cả nồi đổ lên đầu ai đó….

Gã mà biết thị mách thằng Phiên công an viên chuyện con trâu, hẳn nồi cám này sẽ úp lên đầu thị mất. Nhưng gã vẫn ngồi im, mãi thị mới phát hiện ra gã đang gật gù ngủ, gương mặt gian manh giờ chảy xệ xuống, nhuốm một màu đỏ hồng… Thị thề có thành hoàng làng, có lúc thị chỉ muốn ai đó bắt gã, mang đi đâu cũng được, để thị có một ngày được ngẩng đầu lên, hưởng chút nắng ấm cho gương mặt vốn sớm nhăn nheo của thị bớt lạnh lẽo…. nhưng cứ như có thần linh phù hộ, chả khi nào Hềnh phải đi khỏi nhà quá một tuần, rồi đâu lại vào đấy thôi… Người bản vừa khinh, vừa sợ gã, nhưng mỗi mồng hai Tết, vẫn phải cho gã một ghế uống rượu hoãng cùng nhau bên cái bàn dài, vẫn phải cho gã một chân trong vòng xòe Tết nhảy, nghe cái giọng ồ ồ của gã hô điệu Hố hoài hề… Đã là người cùng bản, thì cùng có chung thần linh phù hộ, cùng thờ một thành hoàng ngoài miếu, ăn chung cái mó nước ngoài rìa suối.. bỏ làm sao được, có điều nhiều lúc nhìn thấy gã cũng muốn nóng cái con mắt quá thôi.  Thị hiểu chuyện đó rõ lắm, thế nên hôm nay thấy Hềnh vênh váo mà trở về, thị chả biết còn phải làm cách nào. Gã cứ như  cây mị ở góc nương, rỗng hết ruột mà vẫn mọc xanh um, chả được việc gì, đến đốt làm củi thì khói cũng tỏa ra mùi thối…

Gã tức là bởi vì ngày mai người ta sẽ đến bắt con trâu đi. Con trâu nái to khỏe gã cất công lôi từ rừng về, hằng đêm trong gian buồng tối om, nằm bên vợ mà tai gã để cả vào tiếng thở phì phò, tiếng huých sừng của nó vào cái cột lều, chẳng lâu sau con nghé ra đời.. bán chúng đi mua được cả mấy nén bạc ấy chứ…

Ngày mai, người ta lại ung dung dắt nó đi qua mũi gã. Nghĩ tới đó đã thấy cái tiếc dâng lên đầy cổ rồi.

Gã chẳng biết, cục tức của gã bằng con lợn, thì cái giận trong lòng vợ gã cũng to bằng con trâu…
*


Mấy tuần mưa đi qua, nắng vàng thơm từ nương ngô sang ruộng lúa, thị đã thấy bàn tay mình ram ráp, lúc ngủ dậy vấn khăn, những sợi vải chàm dinh dính vào lòng bàn tay. Mùa đông đến rồi.

Hềnh vẫn vác cái mặt vênh như vỏ cây khô đi khắp bản, nhưng lũ trẻ cười giễu nhiều hơn, lũ chó vờn quanh gã đông hơn. Chả biết cái đầu gã có nghĩ thêm ra được cái gì không, chỉ thấy gã vẫn vác cuốc  đi lẩu nương, đào hố cho vợ theo sau tra hạt. Chắc gã cũng biết mấy con chó, con gà ăn trộm chả đủ no lâu, nương sắn, nương ngô của vợ mới nuôi gã cả đời, thế nhưng nhìn thấy của người chân tay gã ngứa ngáy lắm, đầu chỉ chăm chăm nghĩ làm sao lấy được, giấu được… Thị nghĩ là gã mắc bệnh thật rồi, một căn bệnh thật đáng khinh …bệnh ăn cắp.  Trong con mắt chưa bao giờ nhìn quá đồi bồ đề của thị, thị chưa thấy ai tệ hơn chồng mình. Gã chỉ giỏi mỗi lúc ở trên giường, còn thì làm cái gì, nói câu gì cũng như chọc vào tai, đâm vào mắt người khác.  Thằng Hênh em trai gã chẳng lẽ thấy anh sắp vào tù mà không cứu, nó nhắm mắt ký vào cái tờ giấy ấy cũng chỉ để dân bản chê cười. Giờ lời thằng Hênh chả mấy người nghe, vợ nó quay sang đay nghiến thị, vì có ai dám mở miệng chửi gã đâu. Thị nghe mà như có lá han đốt ở trong bụng, vừa nóng vừa rát.
*


Ông chưởng lý nhăn trán, mấy cái rãnh như đường cày vụng về làm khuôn mặt ông trở nên kì dị:

– Mang việc xấu nhà mày nói ra cho cả động biết, mang nén bạc nhà mày ra phạt vạ, thịt lợn cho cả động ăn. Mày làm được không?

Thị đi bước ngắn, bước dài… Chồng thị chỉ còn chưa bị động Dao phạt vạ nữa thôi. Đã lâu lắm rồi, từ cái ngày xóm  có công an thì ít có người bị làng đem ra phạt vạ, làm gì sai quấy, chỉ có trưởng thôn nhắc nhở họ cũng thôi ngay rồi… Nhưng đấy là với người khác, còn Hềnh chồng thị thì chả biết ăn bao nhiêu con gà, con chó, trộm bao nhiêu cum lúa, lấy cả chuột, sóc từ bẫy người ta, cứ để yên thế mãi rồi gã còn làm thêm điều ác nữa, lúc ấy thị cũng chả sống được. Còn nén bạc giấu dưới đáy bồ, con lợn trong chuồng định sang năm làm Lập tĩnh cho thằng Dèn, mấy chum rượu hoãng vần sau bếp, thị phải nhắm mắt nộp cho làng  thôi, nếu cái đầu Hềnh còn biết nghe lời nói phải, cái bụng còn biết run khi người làng trách tội, khắc gã sẽ tỉnh ra dần dần…

Nhìn mấy con chim cù rù trên mấy cành mơ khẳng khiu, như cố chờ đợi xem khi nào mặt trời ra được khỏi màn sương nặng nề, bước chân thị nhanh hơn, vạt váy quệt vào cỏ bên đường lột xột …
*


Phịch! Gã đá vèo cái ghế mây bay tít tận cuối gian trong:

– Mày ăn phải củ ráy à?

Gã trừng mắt nhìn vợ. Quái lạ, thị chả ngẩng mặt lên, vẫn  hí hoáy ngoáy cám, nồi bột ngô sôi lọc bọc như trêu ngươi sự bực dọc của gã.  Tài nhỉ, sao thị có thể ngẩng mặt mà nói với gã điều ấy? Tổng động à? Gã việc gì phải sợ mấy lão già suốt ngày ghi ghi chép chép ấy. Từ ngày lấy thị về làm dâu, cái miệng thị lúc nào cũng  như  nồi rượu được cơm nát bịt kín hơi kia mà.

– Tao đang nói mày đấy, con vợ già kia!

Lần này thì thị ngẩng lên, ừ một tiếng, rồi lại cúi xuống, thủng thẳng nhấc nồi cám đặt ra bên cạnh, bắc nồi rượu lên, thị chả nói, chỉ có mấy cái vòng bạc trên cổ tay thị kêu roong reng, cứ như chọc vào tổ giận trong bụng gã.

Thị bê nồi cám ra ngoài, trộn rau rồi réo gọi đàn lợn tới:

– Ụt ui ui..Li …lì li…lì li …lì li …

Thị gọi lợn véo von như hát, rồi đổ cám vào cái máng gỗ. Đàn lợn chạy tới, đâm sầm vào nhau chí chóe. Đàn gà cũng phi tới, tranh nhau mổ. Phải như mọi khi thị còn đứng đó, cầm cái gậy dài, vụt cho mấy con lợn to đầu tham ăn, nhưng hôm nay thị ngoảy mông, mang cái nồi vứt bên mó nước, rửa tay rồi quày quả vào nhà.

Lướt qua bếp, chẳng liếc nhìn bộ mặt hết đỏ lại trắng của Hềnh, thị đi vào buồng trong. Gian buồng tối om sực mùi chàm mốc. Kể từ ngày bước chân lên thềm nhà Hềnh, chính thức nhập dòng họ Triệu, thị đã gắn bó với cái buồng bé tý này, dù hôi hám, chật chội nó cũng là nơi riêng tư thật thà nhất của thị, khi hân hoan triền miên, lúc xót thân tủi phận rấm rứt một mình, nơi ẩn náu cuối cùng của thị cũng chỉ có chỗ này… Dù thế, thị cũng muốn thử làm khác đi một lần.

Thị mang ra cái díu lớn, đút bừa mấy bộ váy áo vào trong cho nó căng phồng lên, rồi bước ra gian ngoài. Gã đã nhặt cái ghế mây lại, ngồi nhìn chòng chọc vào bếp lửa. Thị dứt khoát:

– Cái tôi nói không sai. Mình nghĩ thông được thì tôi về.

– Mày định đi đâu?

– Mẹ tôi ốm, tôi về thăm.

– Tao cho mày đi chưa?

– Tôi có chân, khắc đi.

Giống như lúc gánh lúa chạy xuôi dốc, giọng thị chắc nịch khiến gã đờ ra. Chả kịp nói thêm gì, thị đã bước ra đến hè nhà, giương chiếc ô đen che đầu, cắm cúi bước. Một năm, chỉ lúc nào cả vợ chồng địu con sang nhà bà ngoại, gã mới mở chiếc ô ấy cho thị che, thế mà lần này thị lừ lừ vác cái ô lên, chả ngoái nhìn, cứ như gã chết rồi. Tức quá!
*


Thị đi hai ngày … Gã cũng chán chả buồn ăn, vò rượu mang ra vần bếp đã vơi đi quá nửa.  Đàn lợn chỉ được ăn mỗi bữa cám ấy, giờ đói đến mức muốn phá chuồng rồi. Hôm đầu tiên gã tức chỉ muốn đốt nhà. Sang hôm nay, ngồi trong bếp nhìn ra ngoài sân vẫn chưa thấy cái váy đung đưa của vợ, gã lại bồn chồn. Liệu thị có làm thế thật không? Bao năm lúi húi xó cửa, gã chả bao giờ thấy thị bước ra khỏi nhà hùng  hổ như thế, bụng thị như ủ men lá, chả nói mà cái nóng cứ bốc ra ngùn ngụt, khiến gã cũng ngỡ ngàng…

Gã loạng choạng đứng lên, mò vào buồng. Gian buồng tối om, lạnh ngắt. Lúc thị ở nhà, chả cần bật đèn, chỉ nghe tiếng vòng bạc leng keng, gã cũng biết vợ đang ở góc nào, gã chỉ cần vươn tay là quơ được thân hình mềm ấm của vợ. Gã ra ngoài có oai mấy thì tối về vẫn rúc vào váy vợ mà ngủ thôi, lúc lên nương gã cũng đeo bề giống nặng, lúc trở về cũng đeo bó củi to, gã cũng tự mang bát mà xới lấy cơm như những người đàn ông Dao tiền khác, chỉ thỉnh thoảng quát nạt ra oai tý. Gã ăn trộm thì thịt gì thị cũng ăn. Mỗi con trâu này to nhất thì phải trả người ta rồi,  thế mà thị dám đeo díu, vác ô một mình về nhà mẹ đẻ, thật coi thường gã quá.

Nghĩ thế, nhưng gã cứ nằm im trong buồng tối, bần thần. …

Vợ gã cũng có lý.. nhưng  cái bụng gã chưa xuôi…

Ngoài kia bếp củi đã tàn, chỉ còn đống tro ấm màu xám mốc.

Ngày đi chậm như con rùa đau chân. Chả biết khi nào tối, lúc nào sáng…

Gã mơ màng, trong mơ gã nghe tiếng vợ cười khanh khách trong sương mù, bên những cánh hoa mơ vẫn còn long lanh nước, như hồi gã mới đến nhà vợ làm công ….
*


Mưa phùn ngớt, đã nghe lũ chim hót gọi nhau ríu ran trên rừng xoan. Hôm qua thằng Hênh sang chơi, nói Hềnh mang lợn, gà và nén bạc sang nhà Chưởng lý rồi, chờ  ngày hai tám Tết này mời cả làng ăn phạt vạ.

Gã bảo với Chưởng lý:

– Bạc mua lại được, lợn gà cũng nuôi được, nhưng vợ thì không ai thay được, phải mang nó về thôi. Tôi cũng biết tội rồi…

Khuôn mặt gã chỉ thấy ủ dột, như cái lều nương bị bỏ hoang mấy mùa.

Lúc gã đứng lên đi về, chưởng lý còn gọi với theo:

– Nhớ đến sớm mà thịt lợn đấy nhé…!

Gã chả nghe, cứ cùn cụt đi về.

Mới hai tuần, hoa mơ đã nở trắng đồi, mặc sương mù giăng lạnh buốt.  Thị nhớ cái gian bếp nhỏ quá rồi, mấy ngày ở nhà mẹ, thị cứ đi ra đi vào, bụng cồn cào như ăn quả me xanh. Thị nhìn ra vườn mơ mà thở dài. Mơ là loài cây kỳ lạ, chúng luôn nở vào lúc trời lạnh nhất, khi chưa kịp nảy lên cái lộc nào, những cánh hoa nhỏ nhoi, trắng muốt cứ bung ra, như hàm răng trắng xóa của thiếu nữ cười tinh khôi trong màn sương giá. Nó làm thị nhớ tới ngày về làm dâu, thị mặc trên người tầng tầng váy áo, vòng bạc theo bước chân leng keng, áo chàm thêu chỉ đỏ rực rỡ làm cho cả bầu trời mùa đông sáng bừng lên, như nụ cười của gã…

Sớm nay không kịp ăn sáng, thị gói mấy miếng sắn luộc cho vào díu, cắp cái ô vào nách rồi mải miết lên đường…

Gian buồng tối tăm chợt le lói vài ánh sáng từ khe cửa, khiến gã mở mắt. Chiều qua khi mang lợn sang nhà Chưởng lý về, người gã nhẹ như cởi được cái bề nặng. Gã ngủ một giấc ngon lành.

Gã giỏng tai…

Có tiếng váy đung đưa theo bước chân sột soạt….

Có tiếng củi nổ lép bép ngoài bếp…

Gã ngổi dậy, xỏ dép.

Vợ gã đang gọi lợn gà  ngoài chuồng:  Ụt úi.. Ụt úi… Li ..lì li.. lì li..lì li….
Theo Văn nghệ số 4/2016

 

Exit mobile version