Vâng, người thơ của Hải Phòng, sau khi trở mình lăn lộn với Tượng trưng, Siêu thực, Tân hình thức, Hậu hiện đại… đang tìm về cái đẹp của suối nguồn vĩnh cửu của tâm linh và bắt đầu cuộc đối thoại với cái tôi, với người, với chín phương trời mười phương mây, một cuộc đối thoại vô ngôn trên những dự báo bất thường. Ngoài tiếng chuông, tiếng chiêng, câu tụng niệm rì rầm, Hoa giấu mặt không có quá nhiều thanh âm của xe pháo phố phường, không có hầm hố điêu ngoa mắng chửi, chỉ thảng hoặc là một tiếng chim trên cao, tiếng cá đớp mồi. Cả chú ngựa cũng không hí vang giậm vó vì đang… đọc sách, thủng thẳng đi bước một. Những thi ảnh cứ mỏng tang, dễ vỡ, chợt nhòa chợt hiện vì quả thực, thi sĩ đang sống và viết trong trạng thái vô thức, tự cảm, đốn ngộ. Hoa giấu mặt, thành ra là khoảnh khắc dừng chân của thi sĩ trước lộng lẫy hương sắc tinh tuyền của núi cao, chiều tà, bông hoa nhỏ, của một thu đầy, một rét trời; là sự kiếm tìm cái đẹp như một “nguồn cơn cứu rỗi”(*), là sự trở về với cái tâm tịnh lặng để mê man tàn tịch với linh thiêng bất diệt. Một số Đường thi ngàn năm trước và gần đây, Haiku của Nhật cũng đã bắt chợp lấy những phút giây thế này; nhưng Hoa giấu mặt là một trường hợp phân biệt, dù có ý vị, pha trộn ít nhiều sắc màu của Đường Thi, Haiku vẫn là một giọng riêng không nhầm lẫn của MVP khi tập thơ có biên độ rộng và ngầm chứa dung lượng khổng lồ từ tâm linh, thế sự, tình yêu, phong cảnh và đặc biệt là cái nhìn riêng của thi sĩ. MVP đã bắt chộp những tình tiết, ghi nhận và bày biện ra theo cách thế của mình. Anh mời gọi chúng ta tham gia vào cuộc đối thoại trong lặng im. Hoa giấu mặt, một văn bản mở.
Điều ghi nhận đầu tiên là MVP không tô vẽ màu mè làm dáng khi hết viết thơ dài lại ngắn. Đa phần các hình ảnh trong Hoa giấu mặt gần như đã xuất hiện trong các tập thơ trước đây từ một nhánh cỏ, hạt sương, hơi thở nhẹ, gợn mây mềm, cuống rễ bé nhỏ, chiếc gai, đôi lá mầm xuân, non tơ đọt chuối, mùi hương, tiếng chiêng, váy hài… nhưng ở đây lại khoác màu áo mới: an nhiên hơn, tịnh lặng hơn.
Bông cúc ấy sắp tàn/ Nhớ lấy màu hoa / Đan áo (Dặn em)
Trong Ngày giỗ tổ, con cá bơi bỗng ngập ngừng Quanh phần cơm cúng vừa chia.
Nhưng Hoa giấu mặt không chỉ an nhiên trong từng con âm kiểu Haiku mà đầy phong vị hiện đại với ngổn ngang sự thế, những phát vấn và dự báo rất MVP.
*
1. Hoa giấu mặt và những phát vấn treo lên trời
Bài thơ mở đầu có giá trị định vị cho cả tập: Đó là Cái nhìn trực diện vừa thực, vừa ảo, gom hết từ một vũng nước nhỏ đến đỉnh cao xanh, từ một không gian hẹp, thấp đến cả thế giới rộng, dài.
Vũng nước nhỏ dưới chân núi/ Soi/ Tận đỉnh (Cái nhìn)
Những câu thơ không có giá trị miêu tả hay thông báo, cũng không lóng lánh chữ nghĩa và được viết bằng câu xác định nhưng không, chính xác đó chỉ là một câu hỏi, một câu hỏi mở ra mười phương ngắm và ngẫm ngợi, một phát vấn về những tình thế, bối cảnh được mất, hơn thua, thành bại, sáng tối… Chúng ta tùy nghi đối thoại, nếu muốn… Cứ thế, MVP bắt đầu trải đi với những câu chuyện nhẹ nhàng, dí dỏm, lãng mạn, có khi cay cực của mình.
Trồng cây nêu trước nhà là một câu hỏi thứ hai về cũ và mới, về những biến động/ biến cố thường ngày, một câu hỏi không vui vì điệp khúc cứ lập lại, những ong óng nhốn nháo của cuộc sống vẫn là ” chuyện thường ngày ở Huyện”…
Xuân / Ngấm đất / Đào xuống gặp toàn năm cũ.
Trong mạch chảy về đề tài tình yêu, thơ ba câu của MVP có hơi hướng tình dục xác thân hơn dù che đậy bằng cái lớp vỏ lãng mạn: Anh là đám cỏ lan ra lối đi/ Em đi hài đỏ/ Giẫm lên anh phải không? (Kiếp trước).
Nói chuyện hài đỏ với cỏ xanh trong bầu khí liêu trai, MVP đang hỏi về mối quan hệ đôi lứa bằng cái giọng của mình, một thứ trái đắng cay ngon ngọt dành cho nhau và chúng ta vẫn có quyền cười mim mím với một loạt các biểu tượng “đám cỏ, hài đỏ và giẫm”.
Chiều tà còn dí dỏm hơn khi gợi mở về thiếu nữ, bóng chiều, mặt trời, con suối. Hoàng hôn không có vẻ buồn thiu cổ điển nhưng tươi mát vì đầy sức sống và thi sĩ đang mộng mơ về nàng từ làn da, gót chân, vẻ nhún nhảy… Tôi tin rằng không thể nào tìm thấy một tứ thơ tương tự trong Đường thi hay Haiku.
Thiếu nữ lội qua suối/ Mặt trời nhấp nhô mấy lần/ Mới lặn
Thoạt đọc Tôi đứng giữa/ Tiếng ve/ Bông cúc (Hai mùa), chúng ta bỗng nhớ đến Con quạ của nhà thơ Basho viết năm 1937.
Trên cành khô/ Cánh quạ đậu/ Chiều thu. (Nhật Chiêu dịch)
Nếu Con quạ khêu gợi cảm giác một vùng cô tịch tận cùng, vừa huyền linh vừa như nhiên của thiền định thì Hai mùa chỉ là câu hỏi, hỏi mình, hỏi người, một câu hỏi thắc thỏm không giấu vẻ ưu tư vì một bên là xao xác, nháo nhác và bên kia là dịu dàng, yên tĩnh. Hai mùa đầy tính chất trần tục của phân vân, chọn lựa, của lưỡng lự và nghi hoặc, không hề bí nhiệm sâu kín của thiền định.
Nghĩ trong mưa là một phát vấn khác, đầy chất hoặc ngờ của thời đương đại khi mà bầu khí hôm nay quá ô nhiễm, lòng người đổi thay tráo trở đến vô lương vô lường còn những thiên tai tật bệnh cứ triền miên.
Không thể tin/ Đám mây say đắm hôm qua/ Đang làm mình ướt
Những phát vấn rồi neo lại cuộc ngày với đủ thứ mùi vị, có khi lựt xựt một hốt hoảng: Lá cây động/ Ra mở cửa/ Thủ sẵn cái búa (Con mắt nghiêng, 74); có khi áy náy với trầm tư: Ruộng sạch cỏ/ Con trâu ngủ say/ Mạ chưa cấy (Nhìn qua răng bừa); có khi buồn như thủy ba ngầm ri ri chảy trong đất: Tiếng dệt chiếu/ Trăng trên sông/ Nhạt dần (Về làng); có khi lại mơ màng về một giọt nắng lửng lơ, vẻ đẹp ngân ngấn màu cổ xưa.
Nắng/ Lơ lửng chờ/ Bông cúc khép cánh trắng (Hoàng hôn)
Phát vấn treo lên nhiều sắc màu cuộc sống, có khi lại bao dung độ lượng đến từ bi. Trong bụi gai là một ví dụ.
Gai không đâm vào gai/ Cùng thu mình/ Làn hương qua
Tôi nghĩ, MVP không xác định điều gì. Anh chỉ hỏi, hỏi trong lặng im và chờ một cuộc nói chuyện mới cho hôm nay và mai sau. Hoa giấu mặt, do đó, rất hiện đại chứ không giàu tính ước lệ, bó khuôn trong tinh thần nghiêm túc như của Đường Thi & Haiku.
2. Hoa giấu mặt và những dự báo bất thường
Tập thơ còn hiện đại hơn khi biện bày ra những dự báo bất thường. Nó không đơn thuần là những suy nghiệm tâm linh mà là những mảnh vỡ cảm thức về giá trị nhân bản, một “tiếng hú” vọng động về những biến thiên xộc xệch giữa dòng chảy bán mua xao xác.
Bí ẩn là một cảnh giác về những rình rập săn bắt có thể trong đêm, sau lưng người.
Nơi con chuột sập bẫy/ Suốt đêm/ Không con nào qua
Chim kêu trên cao, tương tự, là tiếng gọi đến khàn đục khi những tai họa mênh mông đầy trời, những bẫy rập cứ khin khít trùng vây:
Tiếng khàn đục như mắc nạn/ Cầm cây nến nhỏ/ Soi vào đêm.
Dự báo nhiều khi lại bao dung một gọi mời: Chiếc xe ủi/ Giữa trời/ Cán một mầm cây (Nhiều người nhìn thấy). Chi tiết nhỏ, tình huống lớn vì đây là tội ác hủy diệt mầm sống một cách công khai, có cả nhiều nhân chứng. Tương tự, dự báo về việc san lấp, lấn chiếm và tàn sát sinh vật.
Cạn trơ hai bờ sông/ Bụng con cá mổ/ Phơi sương muối (Nước ròng)
Hy vọng và niềm tin đang được ban bố như một phép lạ cứu rỗi
Sấm rền/ Cá trong miệng chim săn mồi/ Hy vọng (Con mắt nghiêng, 31)
Nhưng thi sĩ, dù cố nén lại trong mấy âm tiết, tiết chế cảm xúc nhưng phẫn nộ thỉnh thoảng vẫn bừng hiện: Con diệc/ Non/ Mẹ đâu? (Đời đầy hiểm họa) và những bức bối vẫn tràn bờ: Ngắt chiếc lá/ Đưa lên miệng/ Ai đang câu tôi (Lưỡi câu vô hình).
Giữa chợ là một âm vọng có hơi hướng kì bí: Mỗi con một hướng/ Chó mèo cô độc/ Trong hơi thở người nhưng rất cụ thể về sự phân cách và cô độc của thân phận người. Con mắt nghiêng số 4 cũng thở hơi tương tự về sự tái sinh trong khổ đau:
Trên gai nhọn/ Mặt trời mọc/ Giọt sương.
Dự báo, rõ ràng, đầy nghịch lý nhưng lại có lý theo cách nào đó. Đó là bí ẩn và cũng là cái huyền diệu của thơ. Phi thực mà thực đến từng chân tơ cọng tóc. Phần lớn Con mắt nghiêng đều mọc lên những cảnh huống bất ngờ:
Đàn dê/ Ăn trụi vạt cỏ/ Xuân mới đến (10)
Ngày nồm/ Cầm con dao/ Bỗng cùn (14)
Cầm bàn tay/ Mình đã nuốt em/ Không còn lọn tóc (55)
Một loạt thi ảnh khác như bình minh nham nhở, Mây đen trùm đầu, Nỗi cô đơn hình lục giác, Con nhặng đột nhiên cất tiếng, thanh kiếm gỉ, Giấc mơ con nhện, Tiếng ngân mồ hôi người, Bông hoa chảy máu… chính xác là những dự báo bất thường, âm vang trạng huống hoang mang của người thơ đang sống trong phập phồng bấp bênh.
Dự báo/ dự cảm có thể đúng hoặc sai nhưng Hoa giấu mặt cũng góp một tiếng nói vào những lịch kịch của đời sống, không tách rời hiện thực kiểu “lấy cảnh ngụ tình” của văn học cổ. Đó là nét khác biệt thứ hai của Hoa giấu mặt so với các tập thơ có chất thiền tịnh.
3. Hoa giấu mặt và vệt bay của tâm linh
Và vẫn có thể gọi Hoa giấu mặt là tập thơ có sắc màu tâm linh vì tâm linh gần như là một đặc tính trong thi pháp MVP và hiển lộ rõ nét nhất từ Cửa Mẫu trong Bầu trời không mái che. Tuy nhiên, vệt bay tâm linh trong Hoa giấu mặt kín đáo và ẩn mật hơn. Đây là những khoảnh khắc bất tri giác của nhà thơ, một vùng sâu thẳm của cái tôi đối mặt với thế giới linh huyền với chiêng, với câu tụng niệm bơi bời, với nhang khói, đóa sen tỏa hương, với một ban mai thanh sạch, và những mảnh vỡ của ánh trăng trên cây, với cuộc hóa vàng, buổi thanh minh, với cả linh hồn người chết…
Thơ vô ngôn và cuộc đối thoại càng ẩn mật hơn. Tuy nhiên, tuyệt không có cái những pháp âm, tiếng chuông Mạn đà la, cũng không hình tướng liễu ngộ trong cái ao tâm của thiền sư. Vệt bay tâm linh của Hoa giấu mặt vẫn vấn vít cái đẹp của hoang dã trần tục trong những sắc của non tơ cỏ, một nụ cười mi trăng rằm, của những miệng chim non hớp đám mây, của chén trà nhấp một nữa. Chất hư vô và nghịch lý là nét đậm nhất trong mảng này với bao nhiêu thi ảnh đượm màu từ bi, và các vật thể đều mang tâm Phật: Một bóng trăng cúi xuống bên tượng Phật, con diệc lò dò trong tiếng mõ, con cá muốn dự phần cơm cúng vừa chia, con cuốn chiếu bò đi nơi khác khi nghe tiếng cầu kinh, hoa cửa đền thơm hơn nơi khác…
Hoa giấu mặt không nhuộm sắc màu hoang đường mê tín. Có thể ghi nhận đây là tâm thức của nhà thơ giữa cuộc nhiễu nhương trần gian, của cái tôi nhỏ bé, bất lực đối diện với vĩnh cửu, của hữu hạn đối mặt với vô cùng.
Sát na là một ví dụ cho phút thoáng hiện lay động trong sâu kín khát khao kiếm tìm cái vẻ đẹp nguyên sơ: Chưa kịp cất lời Kinh/ Con chim sâu/ Vội chuyền sang cành khác. Thanh minh là khoảnh khắc sắp chạm mặt của sinh tử, sống chết:
Bà nội rất muốn gặp tôi/ Nhưng những người chết/ Ngăn lại
Còn Tìm đường là những phút đốn ngộ hiếm hoi: Chuông đổ thêm lần nữa/ Tôi nhận ra/ Con giun bò trên đất; thi thoảng là một chút sắc không: Con bướm đậu/ Hạt mưa/ Tập vỗ cánh (Con mắt nghiêng, 9) và đâu đó là một nghiêng thân hành lễ với thành kính từ tâm: Bông hoa/ Rụng dưới mặt trời/ Trọn nghi lễ (Con mắt nghiêng, 32).
Hoa giấu mặt có khá nhiều ngôn ngữ cửa Phật nhưng lại không huyền hoặc, không tạo ra cái cảm giác về một vùng đất u tịch, trầm mặc, một không khí linh thiêng vì cảm thức của nhà thơ vẫn là của người đương đại, sống và viết cho chính hôm nay. Đây là điểm mới thứ ba của tập thơ.
4. Hoa giấu mặt và cái mới trong cấu trúc chữ & nghĩa
Như đã giới thiệu từ đầu, Hoa giấu mặt là một cuộc đối thoại với hư vô, với lặng im những mặt người nên dấu vết các trường phái không có mặt ở đây; cũng không có sự bày biện trau chuốt chữ nghĩa. Cái mới là sự tiết chế chữ nghĩa, sự dồn nén cảm xúc, tứ thơ vào trong một cái khuôn từ, hoàn toàn khác với những tập thơ cũ của anh và đặc biệt là cách nói đơn giản, rất gần với ngôn ngữ thường ngày nhưng vẫn đầy những khoảng lặng, khoảng trắng để liên tưởng đa chiều.
Bằng 99 bài thơ hoàn chỉnh, trong đó bài thứ 99, Con mắt nghiêng, lại gồm 99 phần và mỗi phần đó – đánh số từ “1” đến hết – MVP đã định hướng đường đi của mình và tuân thủ một cách chặt chẽ: Thơ ba câu.
Trong chừng mực, Hoa giấu mặt là một phát sinh của các loại thơ ngắn, thơ mi-ni, Haiku… Phải chăng, khi văn hóa đọc xuống cấp, người đọc không thích đọc dông dài thì Thơ ba câu là một loại hàng hóa dễ tiếp cận và thú vị bên tách trà buổi sáng, cuộc rượu ban chiều?
*
Mai Văn Phấn luôn thao thức trở mình trên hành trình thơ canh tân, luôn tìm cách đổi mới mình. Hoa giấu mặt, thêm một lần, khẳng định điều đó: một nhà thơ không chịu lặp lại mình và nỗ lực để sáng tạo cái mới trên nền của chính cái cũ của mình tạo dựng. Tôi tin rằng Hoa giấu mặt vẫn chưa kết thúc chặng cuối con đường sáng tạo của anh. Những văn bản và cấu trúc đang mở cửa trước một thi sĩ đầy nội lực và những khát khao thể nghiệm…
Tp. Hồ Chí Minh, 12/2012
Nguồn tin: TCNV 02-2013