“Đường lên dốc đá, nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa…” có lẽ chính là con đường dẫn vào làng phong Quy Hòa mà nhạc sĩ Trần Thiện Thanh nhắc đến trong bài hát “Hàn Mặc Tử”. Ngày nay, du khách đến thăm Quy Hòa (P. Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, Bình Định) sẽ có cảm nhận đây là chốn yên bình và thơ mộng.
Ghềnh Ráng.
Một nét đẹp khá ấn tượng của Quy Hòa là có những ngôi nhà mang nét kiến trúc cổ kính của Pháp ẩn mình thấp thoáng dưới những hàng cây xanh trầm mặc. Quy Hòa có diện tích khoảng 60 ha, nằm trong thung lũng ba bề núi và cây xanh bao phủ, mặt quay ra biển yên bình sóng vỗ.
Nhiều tài liệu ghi rằng: Vào khoảng năm 1929, một linh mục người Pháp có tên Paul Maheu đã phát hiện ra sự yên bình vắng lặng hiếm có của vùng đất này và ông đã quyết định xây dựng một khu điều trị cho bệnh nhân phong mang tên Bệnh viện Laproserie de Quy Hoa.
Nhà lưu niệm nhà thơ Hàn Mặc Tử ở Quy Hòa.
Đến Quy Hòa, du khách chắc chắn sẽ nhớ đến thi sĩ Hàn Mặc Tử tài hoa vắn số. Năm 1940, Hàn thi sĩ đã trút hơi thở cuối cùng tại đây khi “nửa đời chưa qua hết”. Ngôi mộ của nhà thơ nằm ở một góc vắng gần chân núi được 18 năm, đến năm 1959 mộ đã được những người thân của ông dời ra khu Ghềnh Ráng đúng như tâm nguyện của nhà thơ khi ông còn sống.
Tuy Hàn Mặc Tử không còn nằm ở đây nữa nhưng phòng bệnh nhà thơ nằm điều trị từ tháng 10 cho đến lúc mất (11/11/1940) và phần mộ thì vẫn được giữ lại làm nơi lưu niệm.
Tượng nhà thơ Hàn Mặc Tử.
Ai đã đến thăm ngồi nhà lưu niệm, thắp nén hương tưởng nhớ về một thi si tài hoa, không thể quên hình ảnh chiếc gường nhỏ ở góc phòng nơi thi sĩ điều trị bệnh, bên ngoài cửa sổ “hoa cười nguyệt rọi”… mà giờ đây vẫn khoe sắc hồng. Dưới giàn hoa giấy trước nhà lưu niệm nhà thơ đã là điểm đến của những người yêu thơ…
Bạn trẻ và thơ Hàn Mặc Tử.
Khung cảnh bình yên.
Hoa cười nguyệt rọi cửa lồng gương
Lạ cảnh buồn thêm nỗi vấn vương
Tha thướt liễu in hồ gợn bóng
Hững hờ mai thoảng gió đưa hương
Xa người nhớ cảnh tình lai láng
Vắng bạn ngâm thơ rượu bẽ bàng
Qua lại yến ngàn dâu ủ lá
Hòa đàn sẵn có dế bên tường.
(Cửa sổ đêm khuya, Hàn Mặc Tử)
Hoàng Tuấn – Đại đoàn kết