Lê Huy Quang

Vào mùa xuân Mậu Tuất 2018 này, nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ vừa tròn 30 năm ngày đi xa mãi mãi (1948-1988, năm anh cũng vừa tròn 40 tuổi). Với khoảng 50 tác phẩm sân khấu, Lưu Quang Vũ là một trong những gương mặt xuất sắc của sân khấu đương đại Việt Nam.

Nhà thơ, kịch tác gia Lưu Quang Vũ

Anh đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật. 30 năm đã trôi qua kể từ ngày Lưu Quang Vũ đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng những tác phẩm của anh vẫn được các Nhà hát Trung ương và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước dàn dựng, biểu diễn. Công chúng yêu sân khấu vẫn tìm đến những vở kịch hấp dẫn và mang tính xã hội hết sức nóng bỏng, sâu sắc một thời của Lưu Quang Vũ…

Cách đây tròn 5 năm, nhân dịp tưởng niệm 25 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã tổ chức Liên hoan các tác phẩm sân khấu của anh. Đây là cơ hội để tập hợp một số vở diễn đã được dàn dựng thành công (hoặc dàn dựng mới), góp phần tạo nên không khí nghề nghiệp, đồng thời tôn vinh giá trị nghệ thuật các tác phẩm sân khấu của Lưu Quang Vũ, đối với sự phát triển của nền Sân khấu đương đại Việt Nam. Đợt Liên hoan này có 10 vở diễn của các Nhà hát Trung ương, Quân đội, Hà Nội và một số đơn vị nghệ thuật các tỉnh thành trên cả nước đăng ký tham dự, với những tác phẩm như “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, “Lời thề thứ 9”, “Nàng Si Ta”, “ Điều không thể mất”, Trái tim trong trắng”, “Ai là thủ phạm”, Ông không phải bố tôi”, “Vụ án hai ngàn ngày oan trái”, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”…

Ngược trở lại thời gian, nhớ lại những năm 67, 68 của thế kỷ XX, Lưu Quang Vũ tròn 20 tuổi. Chúng tôi đang trẻ trung, đang nhiều mơ ước, nhiều hoài bão và khát vọng, nhưng cũng không ít nỗi buồn. Nỗi buồn vu vơ, nỗi buồn vô cớ, nỗi buồn chợt đến, chợt đi…nhưng đó là những nỗi buồn vô tư, thanh sạch tự đáy lòng mình về thi ca, nghệ thuật, về tình cảm và chiều sâu tâm hồn của mỗi con người với cách nhìn về cuộc sống, chứ không phải là những nỗi buồn vì vật chất, cơm áo gạo tiền cụ thể hàng ngày…mặc dù giai đoạn đó đang hết sức khó khăn của cơ chế quan liêu bao cấp, tem phiếu, hộ khẩu, sổ gạo và cả nước đang bước vào cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược ác liệt nhất. Và rồi, tròn 30 năm sau kể từ những ngày đó, khi Lưu Quang Vũ đã đi vào cõi vĩnh hằng, được đọc lại những dòng nhật ký của Vũ – chàng trai mới tròn 17 tuổi – mới thấy đúng như tâm trạng lớp trẻ chúng tôi ngày ấy: hoài bão, hy vọng, khát khao luôn là những ý nghĩ thường trực trong tâm khảm với những nghĩ suy hết sức lạc quan, trong sáng.

“MùA XUÂN 1965

…31-1-1965 ( 30 tết)

Hôm nay đã là 30 tết rồi. Mùa xuân đã về rồi đây. Sao trong những ngày giáp tết này, lòng người cứ thấy náo nức lạ thường. Hà Nội đang độ đẹp trời, không khí nhộn nhịp với hoa, với pháo…Xuân này đến, đối với mình, càng có nhiều điều đáng ghi nhớ mùa xuân cuối cùng của đời học sinh, sang năm là bay vào cuộc sống rồi. Xuân 1965, xuân Đất nước có bao nhiêu biến chuyển lớn lao “Nửa công trường, nửa chiến trường xôn xao” ngày chiến thắng của miền Nam đã tới gần, năm 1965 sẽ là năm chứng kiến nhiều sự kiện vĩ đại. “Tổ quốc ta có khi nào đẹp như thế này chăng?”. Thật là tự hào và hạnh phúc khi mình được sống giữa những năm sôi nổi của đất nước. Biết bao điều thôi thúc lòng ta. Mùa xuân tới, càng gọi dậy những điều tươi đẹp trong tâm hồn…(trích nhật ký Lưu Quang Vũ – Di cảo. NXB Lao động 2008)…

Trước khi về Tạp chí Sân khấu (1976), Lưu Quang Vũ vẫn cứ lang thang. Thi thoảng, có công việc gì về vẽ, tôi kéo Vũ đi, bởi Vũ làm pa nô quảng cáo, làm mảng màu khá nhanh, trong người Vũ rất có máu hội họa. Ngoài ra, tôi và Vũ chơi với nhau như tư cách cùng làm thơ. Lúc đó, Lưu Quang Vũ đã nổi tiếng, in nửa tập “Hương cây” (cùng “Bếp lửa” của Bằng Việt). Còn tôi, làm thơ chơi, cho mình và đọc cho bạn bè thân tình, không nghĩ đến in ấn và xuất bản. Từ khi về Tạp chí Sân khấu, cái máu mê sân khấu từ trong tận cùng tâm hồn Lưu Quang Vũ lại trào dậy (có lẽ cả “gen” di truyền của thân phụ# anh – nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận nữa). Chính giai đoạn ngót chục năm này là vốn sống về công việc “bếp núc” sân khấu quý giá để Lưu Quang Vũ đã viết trên mấy chục vở kịch, chiếm lĩnh hầu hết sàn diễn sân khấu Việt Nam củ#a những thập kỷ 80- thế kỷ XX.

Cũng những năm tháng ấy, tôi chưa vợ con gì, còn được tự do giữa đám bạn bè đã ổn định gia đình. Có một buồng làm việc nho nhỏ ở Khu Văn công Mai Dịch, hàng tuần, các nhà văn, nhà thơ Phùng Quán, Tạ Vũ, Trúc Cương, Trúc Thông, Ngọc Thụ, Nhật Tuấn, Trần Hoài Dương, Tường Vân, Chu Hoạch… vào chơi hẳn cả ngày từ sáng đến tối, vẽ và đọc thơ ầm lên. Lưu Quang Vũ cũng vậy, lúc buồn, lúc vui, lại túc tắc đạp xe vào với tôi, chiều tối lặng lẽ ra về. Có một ngày mùa thu tháng 9 năm 1980 ấy, Lưu Quang Vũ cũng lặng lẽ vào tôi như thế. Tôi thoáng thấy Vũ đang có điều gì đó buồn buồn trong lòng mà không tiện nói ra. Gần chiều, Vũ với tay lấy cuộn giấy vẽ, bút vẽ và bột mầu. Tôi thấy Vũ loay hoay một lúc, tưởng là Vũ vẽ chơi một cái gì đó. Hóa ra, lúc sau, Lưu Quang Vũ đưa tôi xem. Trên tờ giấy vẽ khổ lớn, Vũ dùng bút vẽ và bột mầu, chép chữ rất to như khẩu hiệu, đề tặng tôi mấy câu thơ của anh lúc đó chưa được xuất bản: “Những vần thơ như móng tay day dứt/Trên vỏ dưa xanh thắm của mùa hè/ Cho kẻ không nhà mái lá chở che/Cho ngưng lại nhịp đồng hồ quên lãng/Sợi dây mỏng nối liền ta với bạn/Và ban mai trong mắt những con gà”. Nửa tờ giấy còn lại, tôi vẽ chân dung Lưu Quang Vũ. Cho mãi đến sau này, Vũ mới kể tôi biết những day dứt của anh hôm đó, về thơ ca, tình yêu, cuộc đời và cả đời sống gia đình…

Tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1980, đợt 1 được tổ chức tại Hà Nội; Lưu Quang Vũ đã chính thức ra mắt và rất thành công với vở kịch nói đầu tay “Người cộng sản trẻ tuổi” (đồng tác giả với Đào Duy Kỳ). Đây chính là tấm giấy thông hành để anh bắt đầu đi vào con đường sáng tác kịch bản sân khấu… Nhớ lại mùa đông năm 1982, đạo diễn Phạm Thị Thành mời tôi thiết kế mỹ thuật vở cải lương “ Thủ phạm là ai” (Ngọc Thụ chuyển thể từ kịch nói của Lưu Quang Vũ), cho Đoàn Cải lương Thanh Hóa. Chị Thành đã vào làm việc với diễn viên từ mấy hôm trước, nên tôi và Lưu Quang Vũ hẹn nhau cùng đi tàu hỏa vào sau để dự lễ khởi công. Vậy mà buổi tối ngày lên đường, tôi chờ Vũ ở cửa Ga Hàng Cỏ, cho đến lúc tàu sắp chuyển bánh, mới thấy anh hớt hải đạp xe đến và ủ ê thông báo là bận đột xuất nên không đi cùng được. Sợ nhỡ tàu, tôi bắt tay Vũ và chạy vội vào sân ga, cũng không kịp hỏi lý do “ đột xuất” đó là gì nữa…Hai năm sau, cho đến Hội diễn sân khấu năm 1985, tôi lại thiết kế mỹ thuật vở “ Vách đá nóng bỏng” của Lưu Quang Vũ cho Đoàn Dân ca Thuận Hải ( Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay – Huy chương Bạc dành cho vở diễn, Huy chương Vàng Thiết kế mỹ thuật; tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1985)… Sau này (mùa đông 1987), trong bài thơ “ Cảm tác nỗi niềm sân khấu” tặng Lưu Quang Vũ, tôi đã viết…Thời chúng mình là hai bàn tay trắng/trăng trắng suông và mây trắng bay về/đêm diễn tan rồi em rầu rầu xóm trắng/sương trắng bay nhoè lá trắng ao quê- để nhớ lại một thuở buồn vui ngày ấy.

Sau “Vách đá nóng bỏng”, một lần lang thang cà phê, Vũ kể với tôi là đã có cái đề cương để viết một vở mới với tên gọi “Cô gái đội mũ nồi xám”. Chuyện kịch kể về Trâm – một cô gái có cá tính, xinh đẹp. Cô và Nhật – một nghệ sĩ, kiến trúc sư- yêu nhau, nhưng gia đình Trâm không đồng ý. Tình yêu của họ đang tốt đẹp, nhưng sau một thời gian đi công tác về, Nhật đã thú nhận mình có quan hệ với Thủy. Không thể chịu nổi sự phản bội đó, Trâm quyết định bỏ Nhật. Vài năm sau, cô yêu một người đàn ông giàu có, không tài cán gì, nhưng lại sắp được đề bạt là phó viện trưởng – đó là Đáp. Nhưng rồi cuộc tình đó cũng không thành, Trâm quyết tâm lao vào công việc để nguôi ngoai những hụt hẫng trong tâm hồn mình và trở thành một trưởng phòng trầm lặng, khép kín… có khi tưởng như đánh mất cả niềm tin vào chính mình. Nhưng rồi, một lần nữa, tâm hồn cô gái “đội mũ nồi xám” đầy cá tính đó lại xao động, khi Thành tình cờ gặp lại Trâm – và với tấm lòng trung thực, chân thành của mình – anh muốn đưa Trâm trở lại với thực tế của cuộc sống hiện tại và cả hướng tới tương lai tốt đẹp nữa…

Vở “Cô gái đội mũ nồi xám” ra đời khi cả đất nước ta đang nằm trong thời kỳ quan liêu bao cấp; với bao nhiêu khó khăn, bộn bề của cuộc sống thường nhật; với một thế hệ trẻ cũng có những băn khoăn, trăn trở trong những bước đi để tìm lấy một chỗ đứng trong xã hội cho mình. Chính trong những năm tám mươi đầy vất vả đó, bằng cách nhìn và sự quan sát tinh tế, đầy nhân bản của một nghệ sĩ, Lưu Quang Vũ đã tìm đến với thế hệ trẻ – lắng nghe những nỗi niềm tâm sự, những khát vọng cháy bỏng và cả những hoài nghi của họ nữa – để viết nên khá nhiều tác phẩm về lớp thanh, thiếu niên trước ngưỡng cửa của thời kỳ đổi mới như “Vụ án 2000 ngày”, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”, “Cô gái đội mũ nồi xám”, “Lời thề thứ 9”, “Nếu anh không đốt lửa”, “Tôi và chúng ta”, “Vách đá nóng bỏng”…đã để lại những dấu ấn về nghệ thuật cũng như cả nội dung tư tưởng. Nhưng điều thành công lớn nhất của Lưu Quang Vũ, chính là anh đã đưa ngôn ngữ của kịch nói đến với đông đảo công chúng, được công chúng đón nhận một cách nồng nhiệt – bởi anh đã nói giúp họ nhiều điều về chính bản thân họ, cũng như chính cuộc sống đang hết sức khó khăn mà mỗi một con người đều phải gồng mình lên mới vượt qua được- như ý một lời thoại trong kịch của anh- nếu anh không đốt lửa, nếu tôi không đốt lửa, nếu chúng ta không đốt lửa…thì cuộc sống này sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa…

Nhưng phải đến vở “Đôi dòng sữa mẹ” dàn dựng cho Đoàn kịch Bắc Thái năm 1986, một kỷ niệm nhớ đời mà Vũ và tôi không thể nào quên được. Đó là sau khi vở diễn đã tổng duyệt và công diễn thắng lợi, được bà con Thái Nguyên ngợi khen. 9 giờ sáng, sau khi liên hoan nhẹ nhàng tiễn ê kíp chúng tôi về Hà Nội (tất nhiên là lần này, Lưu Quang Vũ cũng bận nên không lên Thái Nguyên ngày nào), cả Đoàn Kịch đã tổ chức đi tham quan hồ Núi Cốc. Nhưng rồi, do đúng vào ngày nước lớn tháng 7 Âm lịch, chiếc ca nô đã bị lật và chìm xuống hồ. Thật là không may, cả Đoàn Kịch Bắc Thái đã bị một cái tang lớn: 19 cán bộ, diễn viên và 4 cháu bé đã bị tử nạn, một số bơi được vào bờ, số anh em khác thì chờ đi chuyến sau nên không sao…Chiều tối ở Hà Nội nghe được tin dữ, tôi đến báo với Lưu Quang Vũ. Anh ngồi lặng đi một lúc rồi nói, giá như lên Thái Nguyên cùng với tôi vài ba ngày, thì được gặp mặt cả đoàn, có lẽ cũng sẽ vợi bớt đi nỗi buồn quá bất ngờ đó. Nhưng rồi, cũng không ai ngờ được, tròn hai năm sau (mùa thu 1988), Lưu Quang Vũ cũng bất ngờ ra đi…

Thời gian cứ thế dần trôi như chớp mắt. Vậy là Lưu Quang Vũ đã đi xa tròn 30 năm (1988 – 2018). Trong ngày các Hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam liên hoan, gặp mặt chào mừng đất nước bước vào mùa xuân mới Âm lịch Mậu Tuất, nhiều anh em bạn nghề lại nhắc tới Lưu Quang Vũ, với những tình cảm riêng và chung của mỗi người. Bài viết ngắn này của tôi, như một nén tâm hương để tưởng nhớ Lưu Quang Vũ…Tất cả rồi sẽ qua đi. Cả công và việc. Cả làm và ăn. Cả thọ và yểu. Cả danh và lợi hào nhoáng, hão huyền. Cả lòng tốt đẹp và điều đố kỵ muôn thuở của con người. Nhưng vẫn còn lại “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” ngày ấy, vẫn còn lại nghĩa bạn hữu và những gì là giá trị nghệ thuật đích thực giữa cuộc đời này – Có phải thế không, Lưu Quang Vũ ơi?

Nguồn Văn nghệ số 9/2018

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài