Hoa cúc dại

Truyện ngắn của Quỳnh Giao

 

Tôi sinh ra trong một ngôi nhà rộng rãi với những cây cột lim cũ kỹ. Ngôi nhà lúc nào cũng vắng lặng im lìm. Một sự tĩnh lặng bao trùm suốt tuổi thơ tôi.

Làng tôi nhỏ chạy dọc ven bờ sông bao quanh là cánh đồng xanh um trải rộng ra hút tầm mắt. Cánh đồng in dấu những nhọc nhằn của mẹ suốt một thời con gái… Tôi lớn lên như cỏ mọc trong vườn, đầu cắt tóc con trai, bơi lội cùng lũ trẻ chăn trâu, đầu trần chân đất lăn lê trên bờ đê bỏng nắng. Tôi chơi tất cả những trò chơi của bọn con trai, nghịch mọi trò cùng bọn chúng. Nhưng bà nội thì vẫn không quên tôi là con gái. Đó là điều bất hạnh của bà mà tôi dù cố gắng thế nào vẫn không thể xoá bỏ. Nó cứ ám ảnh dằn vặt suốt tuổi thơ tôi về một sự thiếu hụt.


Ngôi nhà tôi không ồn ào như những ngôi nhà khác trong xóm. Một không khí vắng lặng luôn bao trùm. Suốt ngày này sang ngày khác, tháng này qua tháng khác vẫn mãi một hình ảnh quen thuộc đến buồn tẻ. Chiều chiều bà ra ngồi ngoài hiên, ánh nhìn phảng phất một nỗi tuyệt vọng. Mẹ tôi tất tả dọn dẹp nhà cửa rồi lại vào buồng mang quần áo ra gấp. Cô Hạnh ngồi bên chiếc bàn gỗ có bốn chân đã xiêu vì mọt miệt mài với chồng sách vở. Tôi nằm gối đầu lên chân mẹ tập viết những chữ o a theo trí tưởng tượng rồi xoè bàn tay tập đếm. Lần đầu tiên tôi biết đếm cũng là lúc tôi biết nhà tôi có 4 người. Ba người đàn bà và một con bé tôi.

Lúc tôi nhận biết được thế giới xung quanh cũng là lúc tôi bắt đầu hiểu nỗi buồn trong căn nhà tôi là vì đâu. Có lẽ vì thiếu bóng dáng một người đàn ông, thiếu giọng nói ồ ồ gợi một cái gì đó rộn ràng và nhộn nhịp. Trong nhà tôi mọi lời nói, cử chỉ, hành động đều nhẹ nhàng, chậm rãi. Chậm rãi đến buồn tẻ. Nhiều lần tôi hỏi mẹ: “Mẹ ơi sao đứa nào cũng có cha mà con thì không có?”. Mẹ không lần nào trả lời câu hỏi của tôi mà lặng lẽ ôm tôi vào lòng…

Cha tôi là một người đàn ông quen sống với những cảm xúc của riêng mình. Với ông mọi thứ đều vô nghĩa nếu không có tình yêu. Vì thế mà ông đã bỏ mẹ tôi để theo một người đàn bà khác, đẹp và thành đạt hơn mẹ. Ông vất bỏ mọi thứ để ra đi kể cả giọt máu trong mẹ là tôi lúc ấy sau khi nói lời xin lỗi. Mẹ tôi chỉ biết quay mặt vào trong khóc thầm lặng lẽ. Rồi mẹ cố tỏ ra vô cảm trước sự phản bội của cha. Bà chửi cha là “Đồ bỏ đi” rồi bà tuyên bố coi không có cha, nhưng bà giữ mẹ tôi ở lại. Bà ốm nặng rồi cố gượng dậy khi biết mẹ tôi có mang. Ngày tôi sinh, trời đổ mưa nhạt nhoà trong đôi mắt mẹ. Bà vào buồng rồi quay ra hiên ngồi bất động.

Năm tháng lặng lẽ trôi qua, tôi lớn lên như cỏ mọc nơi góc vườn của bà chưa một lần được bà chăm sóc nâng niu. Chứng kiến biết bao nỗi nhọc nhằn của mẹ và chưa một lần được thấy mẹ cười. Mẹ tôi quen với sự chấp nhận và chịu đựng. Mẹ bảo có tôi là đủ. Tôi là lẽ sống, là niềm hy vọng của mẹ. Nhưng tôi biết mẹ vẫn mong ngày cha tôi trở lại. Với mẹ, cha là người đàn ông đầu tiên và cuối cùng.

Một ngày cô tôi đi dạy học về cùng với một người đàn ông. Đó là lần đầu tiên tôi thấy một người đàn ông xuất hiện trong ngôi nhà của mình. Bữa cơm hôm ấy mẹ dọn ra nào cá rán, tôm rang, trứng ốp nếp thơm lừng. Cô ngượng nghịu ăn hết nửa bát cơm rồi đứng dậy ra bàn pha trà. Mùi trà thơm thơm lạ. Đó là mùi hương ấm cúng lạ lùng, đánh thức mọi cảm nhận về một mái ấm. Bà nói chuyện và ăn nhiều hơn… Kể từ hôm ấy chú đến nhà đều đặn vào mỗi buổi tối. Lần nào đến chú cũng mua quà cho tôi, cho bà và có khi cho cả mẹ. Cô bẽn lẽn tỉ mẩn chải mái tóc đen dày cặp gọn phía sau, mặc chiếc áo màu thiên thanh… Bà nhìn cô quẹt ngang vệt trầu: “Đi rồi về cho sớm”. Mẹ ôm tôi vào lòng nhìn cô mủm mỉm cười. Còn tôi, thấy chưa bao giờ cô tôi đẹp đến thế! Sự xuất hiện của người đàn ông khiến không khí trong nhà bớt im lìm. Cô hay soi gương, hay cười và dạy tôi hát dân ca. Bà nội không ra hiên ngồi mỗi buổi chiều nữa, bà ngồi trên chiếc sập giữa nhà têm trầu và ngâm thơ.

Mấy ngày sau không thấy chú đến chơi. Bà nội nhắc, cô bảo: “-Anh ấy bảo về quê xin phép rồi lên thưa chuyện với mẹ”. Tôi thấy mắt bà chộn rộn niềm vui. Bà bấm đốt ngón tay tính ngày tính tháng. Mẹ nhìn lên hàng cau ngoài ngõ nhắc cau năm nay được mùa. Còn tôi trong trí tưởng tượng cũng vẽ ra hình ảnh ngày cô tôi sang sông. Cô sẽ mặc chiếc váy xoè màu trắng, trên đầu cài những bông cúc vàng rực rỡ. Nhà tôi sẽ chộn rộn người ra, người vào. Và sẽ có cả pháo nổ nữa… Lúc ấy mẹ cũng cho tôi mặc quần áo mới đi bên cô tô son đỏ thật xinh.

 

Gió mùa thổi hun hút tái tê, cô tôi chiều nào cũng ra ngõ ngóng trông. Hoa cúc nở vàng rực một khoảng đồng mênh mang nắng…

Tối ngồi ăn cơm. Cô bỏ nửa bát cơm chạy ra ngoài nôn thốc nôn tháo. Mẹ tôi chạy theo cô. Bà nhìn theo không dưng mà hai kẽ mắt ướt nhoèn!!! Từ hôm ấy cô tôi không tới trường dạy học nữa. Cô ngồi thơ thẩn như một chiếc bóng tỉ mẩn gỡ mái tóc rối bời. Mái tóc cô mỏng dần buộc vừa một nắm phía sau lưng. Hoa cúc dại nở bời bời ngoài bờ ruộng cô tôi vẫn chửa sang sông… Mẹ cấm tôi không được nhắc tới người đàn ông ấy. Tôi im lặng nghe gió thổi hun hút qua khe cửa. Ngôi nhà trống trải lạnh lẽo. Thời gian lặng lẽ kéo nhau đi qua…

Cô tôi sinh em Lam. Em Lam có đôi mắt to buồn rười rượi. Tôi có thêm đứa em để chơi đùa dỗ dành. Căn nhà cũng bớt tĩnh lặng vì có tiếng bi bô của em. Mỗi buổi chiều bà bế em Lam ra hiên ngồi, lặng nhìn ra xa. Đôi mắt bà đùng đục vời vợi những nỗi niềm: “À ơi… núi cao bởi có đất bồi. Núi chê đất thấp núi ngồi ở đâu. Trăm dòng sông đổ biển sâu. Biển chê sông cạn biển đâu nước đầy… à… ơi…”.

Vài năm sau tôi thi đậu đại học. Bà chẳng vui cũng chẳng buồn. Mẹ ôm tôi vuốt mái tóc dài chấm thắt lưng lo đời con gái mười hai bến nước. Tôi đi học, căn nhà bỗng trở nên rộng thênh thang với ba người đàn bà lặng lẽ với những niềm hy vọng âm thầm…

Bao giờ cúc nở hoa tôi về hái bông cúc trắng cài lên mái tóc cô tôi rối bời…

 

Nguồn: QNCT

Exit mobile version