Festival  anh đào ở thủ đô nước Mỹ diễn ra từ 26 -3 đến 10-4. Năm nào hội cũng kéo dài 2 tuần nhưng thời điểm bắt đầu thì mỗi năm một khác, tùy thuộc vào ngày hoa nở. Người ta chia anh đào ra năm cấp độ nở hoa, từ lúc nẩy nụ đến khi mãn khai, với các tiêu chí cụ thể để đoán tiến độ hoa, rồi cứ theo đó mà thông báo cập nhật cho người yêu hoa trong khắp liên bang định ngày về ngắm hoa. Lúc hoa đẹp nhất thật ra chỉ độ 5 ngày, cả cây là một khối toàn thân hoa, hoa phủ kín cành những chùm lớn không có lá. Có những cây thả cành xuống chạm mặt thàm cỏ, mặt nước hồ. Mọi nụ đều đã thành hoa mà hoa lại chưa rụng cánh. Mặt cánh mịn và tươi căng. Cây hoa uốn thành vòm, vòm nối vòm, ùn ùn cuộn cuộn như sóng  mây, sóng khói. Cây đan dày hàng ngang, chạy dài theo hàng dọc, ôm quanh bờ vịnh Tydal tràn ra bờ sông Potomac, tỏa vào các ngả đường quanh khu công viên trung tâm, nơi tập trung rất nhiều đài tưởng niệm. Đài tưởng niệmThomas Jefferson và đài tưởng niệm Abraham Lincoln đều là những lâu đài trắng đường bệ, mái vòm dâng cao, hàng cột tròn song song vút lên, gợi dáng dấp đền đài xưa La Mã. Đài A. Lincoln nhìn thẳng tới nhà Quốc hội. Giữa hai công trình kiến trúc ấy là một khu đất phẳng mênh mông dài và rộng, nơi tọa lạc những đài tượng niệm nổi tiếng: Đài tưởng niệm Washington gây ấn tượng bằng sự đơn giản, hình cây bút chì bốn cạnh dựng ngược, đơn độc vươn lên, cao nhất trong toàn khu. Đài kỷ niệm Thế chiến 2 là một hồ nước mặt nguyệt, hai phía bờ biểu tượng cho hai phía mặt trận của Mỹ Thái Bình Dương và  Đại Tây Dương. Chiến tranh Triều Tiên gợi nhớ bằng những pho tượng lính phong trần, đúc đồng, to bằng người thực đang chạy gằn trên trận địa. Dấu ấn chiến tranh Việt Nam là bức tường đá đen khổng lồ, đoạn chìm xuống đất đoạn lại chồi lên, khắc đủ 58 nghìn họ tên những người lính Mỹ đã không về…Tất cả đều vùi trong hoa . Nhưng gắn bó với cảnh trí anh đào nhiều nhất là đài tưởng niệm T. Jefferson. Đài không nằm trong trục chính công viên mà chếch sang phía bên,  gắn với vịnh Tydal, nối liền vào vòng đai hoa khổng lồ ôm quanh vịnh. Hoa trùm che mặt đất, ngẩng lên thấp thoáng vệt trời xanh. Người đi lẫn trong hoa, hoa chen vào phố xá, hoa ngập ngừng kín đáo điểm trang cho kiến trúc. Nắng lên, trong chiều sâu trắng xốp của hoa bỗng ánh lên những sắc hồng phớt, sắc xám mờ rất khó nắm bắt, luôn biến hóa theo góc nhìn và độ nắng.
Tôi chắp nối những mầu thư tịch về anh đào Washington, được biết vào năm 1885, người đầu tiên đưa phương án trồng anh đào hoa (không phải anh đào quả) quanh sông Potomac là một phụ nữ, bà Eliza Scidmore. Mười một năm sau, 1906, một trăm cây anh đào được nhập về trồng thử.  Đến năm 1909, mới có đợt trồng đại trà 2000 cây với sự tham gia tích cực của người khởi xướng từ 24 năm trước, bà Scidmore. Và đến năm 1912, nước Nhật tặng nước Mỹ 3020 cây, trồng vào khu công viên trung tâm này. Đặc điểm anh đào trồng ở Phù Tang là hoa phải được soi mặt nước và thấp thoáng bên hoa phải có bóng dáng những ngôi đền chùa lẩn khuất. Kế thừa và cải biên, người Mỹ trồng anh đào quanh vịnh Tydal  và loang theo một đoạn sông Potomac. Thay cho kiến trúc đền chùa cổ kính là đài tưởng niệm Jefferson bề thế. Từ đấy nhìn ra thấy trọn vẹn vòng vịnh phủ kín hoa anh đào, người đi dưới hoa, đi bên hoa, đi trong bóng rợp của hoa.

 


Một vùng anh đào kỳ ảo nữa ở Washington là trong khu Kenwood. Đó là một làng phố mang dáng dấp công viên. Anh đào ở đây thưa cây hơn nhưng lại nhiều cổ thụ, có gốc sinh đôi sinh ba phải hai ba người ôm mới kín vòng. Từ gốc cây già nua cóc cáy lại bật ra những mầm nhánh bụ bẫm nở đầy hoa. Hoa non tơ của bây giờ nở trực tiếp ngay nơi gốc gân guốc của một trăm năm trước. Tôi nhớ lại cái cảm giác ghê răng có phần thảng thốt thuở thanh niên, khi nếm quả sấu non dơn dớt chua của cây sấu nghìn năm rừng Cúc Phương. Cây vô tri có sức dồn ép năm tháng dễ làm trạnh lòng người. Kenwood không có mặt nước, bù lại là cả một quần thể biệt thự cổ kính, đa dạng thấp thoáng sau hoa. Sống trong những căn nhà này thì bằng thường trú trong hoa, ở với vườn cổ tích hồng hoang nhưng trong nhà lại đầy trang bị gia dụng công nghệ cao hiện đại. Năm nay anh đào ở Kenwood chín sớm hơn khu vịnh Tydal. Khách du nơi này không đông nên giữ được vẻ u tịch vốn rất hiếm trong các đô thị lớn.
Tính đến nay lứa anh đào đại trà năm 1912, ghi mối “huê tình” Nhật Mỹ, đã vào tuổi tròn trăm. Bao nhiêu lứa anh đào khác đã được trồng kế tiếp. Và lứa đầu tiên ấy cũng được người ta nhân giống để lưu giữ một gien hoa hữu nghị. Có một chi tiết nghiêm trang đến hài hước ấy là vào hồi cuối năm 1941, máy bay Nhật đánh úp cảng Trân châu của Mỹ ngoài đảo Hawai, người Mỹ nổi giận chặt béng bốn cây anh đào Nhật, trả hận. Nhưng chỉ bốn cây, kịp ngừng dao! Giận cá chém thớt. Giận bom lại chém hoa, nó thế nào ấy. Nó là Hoa, vốn chả hại ai, mà mình lại là Người, chúa tể. Việc đời đâu có đó ! Hoa được  cứu chỉ là nhờ vẻ đẹp của chính nó. Giờ đây, mỗi khi thủ đô Mỹ xây công trình nhà cửa, đường sá lại có ban bảo vệ anh đào đôn đáo giữ cho hoa không bị triệt hạ trong giải phóng mặt bằng.
Một bài nhật báo địa phương ước lượng Washington bây giờ phải tới cả triệu cây anh đào Nhật Bản. Phố nào cũng có anh đào. Anh đào trồng xen trong các vạt rừng của phố, trong các vườn nhà, công sở… Hôm ấy tôi từ New York xuống, tới Baltimor đã bắt gặp anh đào nở hoa. Anh đào đồng hành cùng xa lộ liên bang, xa lộ tiểu bang và ngay cả đường nội bộ. Từng cụm, từng dãy hoặc từng cây đơn độc. Cây chưa to và ở vào nhiều lứa tuổi chứng tỏ việc trồng anh đào vẫn tiến hành thường xuyên và rộ lên vào vài ba mươi năm gần đây. Hoan nghênh sáng kiến Nhật chọn anh đào làm đại sứ hiện diện cùng nhân loại.  Mùa anh đào năm nay, ở quê gốc của hoa, người dân đang kiên cường chống thiên tai: động đất, sóng thần gây rò rỉ phóng sạ. Mất người, mất của rất đau thương nhưng đến cữ của hoa thì hoa phải nở. Cảm nghe trong sắc trắng khói sương thanh khiết của anh đào một nghị lực nén lòng để tươi cùng thiên hạ, Ngày cuối tuần, hoa lại đang mãn khai, trời thì ấm nắng, người Mỹ từ nhiều tiểu bang về thủ đô ngắm hoa. Người nô nức bên hoa, thân ái và trang nghiêm, sau hoa này là nước Nhật, trước hoa này là nước Mỹ, không ai bẻ cành hay sả rác, Hoa đón người ra sao thì người trọng hoa đến vậy. Người là hoa của đất thì hoa là tâm hồn của người. Tương thân, tương kính. Ở Việt Nam hoa anh đào Nhật cũng đã soi mặt người Hà Nội bên chỗ người trước trả gươm cho rùa. Nghe đâu các bạn Nhật đã có nhã ý mang anh đào tới cho bén rễ đất mình, san sẻ sắc hương Phù Tang Đông Bắc cho Việt Nam Đông Nam Châu Á. Tôi ước ao thầm: con đường bao quanh hồ Tây sẽ thành con đường hoa hậu duệ của Nhật Tân, có anh đào Nhật di thực xen lẫn với Hồng đào Bắc và Hoàng mai Nam cố cựu. Ba loài hoa thân mộc ấy sẽ cổ thụ với thời gian mà ôm ấp, mà quấn quýt những nhà cửa, trường học, chùa chiền vùng đất cổ Dâm Đàm… và nhất là làm tôn lên bên hoa cái bóng dáng mảnh mai, chăm chỉ  của những con người Việt “một đời chỉ cúi vái hoa mai”.

Nguồn: Lethieunhon

Exit mobile version