Hồ Thị Ngọc Hoài (giải nhất cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 2006- 2007)

Cùng với những âm thầm sáng tạo, những cuộc thi văn chương vẫn khơi những mạch nguồn, gọi cảm hứng, nuôi giữ đam mê cho mỗi cá nhân, và điều đó quan trọng đối với sự phát triển văn chương nước nhà. Nó như những mùa màng làm ta nghĩ đến sự bồi đắp của phù sa, những khao khát dâng tặng, những lấp lánh gặt hái, những hạt giống, và mùa trước mùa sau nối tiếp, làm nên sự sống bất tận…

Nếu nói cho có nguồn gốc thì đó là vào một đêm, nghe những hạt mưa rào đầu tiên, những tiếng giòn vỡ trên mái ngói khô khốc, mở mùa, và hương thơm của sự sống như bắt đầu vào hội… thì có một một bí mật mà sau này tôi mới hay nó là bí mật của văn chương.

Là bữa đó tôi lần đầu làm thơ, những vần thơ vụng về cho cơn mưa đầu mùa hạ. Và rồi trải qua một thời gian dài mơ mộng, ấp ủ, tập tành, khô khát, đau đáu, tôi vẫn chẳng có gì với văn chương ngoài vài ba cái truyện, vài ba bài thơ.

Ngày viết Thung Lam, gia tài chỉ có vậy, chưa có gì nhiều ngoài cái tình ngun ngún với văn chương. Nhưng sau này tôi thấy, mới ngần đó trải nghiệm trong sáng tác, nó giống như những phát dọn, khai phá ban đầu giúp tôi sớm kịp tìm được chỗ màu mỡ phì nhiêu mà sung sướng vung gieo những hạt giống, và tôi nghĩ những hạt giống ấy nó có được từ đời sống nhiều chắt chiu, hay có thể cho là tôi may mắn được ban phát.

Thung Lam khiến tôi hạnh phúc trong khi viết. Bắt đầu là ý muốn viết về người vùng sâu học hành thi cử đỗ đạt, có những thay đổi khi đi xa và yêu nhớ chốn quê nơi sâu tít. Là tôi muốn viết câu chuyện của nhiều người, trong đó có phần mình. Trong khi viết, ý tưởng sinh nở, dẫn dắt nhanh, mạnh, tôi bị cuốn vào thế giới đó, có vẻ như lần đầu tiên tôi thực sự được sống với những khoảnh khắc sáng tạo kỳ diệu mà văn chương đem lại.

Trong khi viết, tôi nghĩ nhiều đến quãng đời người ta rời quê lập nghiệp, tôi đẩy cho nhân vật đi thật xa, và đi đến chỗ: bị mất dần từng thứ cho đến khi mọi thứ chỉ còn lại trong ký ức. Thực tế, có người chỉ có thể trở về quê bằng con đường ký ức, hoài niệm. Nhân vật của tôi cũng thế, cuối tác phẩm nhân vật nói: “Tôi về lại Thung Lam” ấy là về bằng con đường ký ức. Mà cuộc sống này có biết bao thứ mất đi, không nguyên vẹn, chỉ có thể tìm lại nó, sống với nó nhờ ký ức mà thôi.

Xa quê, mất cha, mất mẹ, mất nhà, và… mất gốc, ai mất, ai còn chừng nào? Tôi muốn chia sẻ với người sống xa quê, muốn họ tìm thấy nỗi lòng mình, con người mình trong Thung Lam. Xa quê, bao thay đổi vẫn nhớ về quê, đó là tâm lý chung, và tâm lý của một người con gái thì sao? Đó là ý ban đầu. Và quá trình viết (quá trình sáng tạo), ý tứ sinh sôi ào ạt, mà nói là cuộc sống ập đến, xô đến đòi được thể hiện ra cũng được, những còn – mất, những vấn đề, những thứ tình cảm khác, và tâm trạng…

Khi viết Thung Lam tôi sống nhiều tâm trạng của nhân vật, đúng hơn là tôi được sống đời sống của nhân vật, thấy mình được và mất, trải qua thế này, thế kia.

Có nhiều điều trong Thung Lam thuộc về khát vọng, ước mơ, những hình dung tưởng tưởng từ cuộc sống của bao người.

Có những điều trong thực tế tôi đã trải qua, như là nỗi nhớ da diết quê biển mà tuổi thơ tôi gắn bó, và màu lam của biển trời, màu của rừng dương nhìn xa cứ luôn lộng lẫy, tràn ngập ký ức tôi, cả trong những giấc mơ, và sau này là màu của núi rừng, nhìn thật xa nó bao la xanh thẫm, tôi đã rất yêu màu sắc ấy, và gần như đi đâu tôi cũng gặp, và sung sướng nghe trong lòng xanh tươi với nó, tôi nghĩ là tôi yêu nên khi buồn, có cây lá có màu rừng màu biển là tôi được thấy chia sẻ, thấy lòng êm nhẹ, dịu ngọt ra bao nhiêu.

Được trải qua sự dẫn dắt, soi sáng như khi viết Thung Lam, có gian khổ, và hạnh phúc như bất kỳ khoảnh khắc sáng tạo nghệ thuật nào. Tôi nghĩ yêu cuộc sống và yêu văn chương nên có Thung Lam. Nhờ Thung Lam mà tôi càng rõ hơn sức hút, sự kỳ diệu trong mối quan hệ giữa văn chương, và đời sống.

Sau này tôi mới biết, Thung Lam mang lại hạnh phúc cho tôi không chỉ trong khi viết, mà nó mang lại hạnh phúc nhiều hơn đó là khi nó được nhiều người chia sẻ. Không gì hạnh phúc hơn khi tác phẩm của mình đem lại sự xúc động cho người đọc. Tôi không thể quên sau khi gửi truyện đi thì nhận được thư của nhà văn gửi về, mở đầu bức thư là: “Tôi rất thích cách viết một tâm trạng điển hình trong “Thung Lam”. Có văn, hiện đại, câu chữ thật, mà sáng và sang”…

Và “Tôi đã đọc kỹ lại với tình cảm trân trọng và ngưỡng mộ.

Đây là loại truyện, đúng hơn là tác giả có cốt cách văn kỹ, có chữ để diễn đạt điều mình nghĩ, có tình mà không mòn, không sáo. Truyện vững chãi, đầy những tình cảm ngập ngừng có lý. Yếu tố xã hội xô bồ tác động không nhiều nhưng đủ, như mực nước làm nổi lên tâm trạng …”

Thung Lam đi, và hành trình của Thung Lam về với tôi, rồi đến với mọi người qua Báo Văn Nghệ, qua cuộc thi còn có biết bao điều thú vị bất ngờ, tôi nghĩ Thung Lam, văn chương đã mang lại cho tôi thật nhiều điều đáng yêu, đáng quí.

Có người nói với tôi đã khóc khi đọc Thung Lam (không phải là người sống xa quê), có người nói đọc đến lần thứ ba mới phát hiện ra nhân vật mỗi lần về mất một thứ, và dần mất hết… có những người nói tôi viết cho họ (chủ yếu là đàn ông), có người nói Thung Lam có tính toàn cầu, cũng có người nói với tôi đọc mà không hiểu, và tôi còn nghe đâu đó có người đọc rồi nói, cha mẹ nó (cha mẹ của tôi) còn sống chứ đã chết đâu…

Và còn nhiều những chia sẻ khác…

Khoảnh khắc được văn chương chiếu sáng qua cuộc thi từ đó đến nay đã hơn năm năm. Cùng với sự kiện và thời gian, tôi quan tâm đến đời sống văn chương đương thời hơn, mới thấy mình biết quá ít. Trước đó thấy chẳng có thời gian để đọc, tìm hiểu thêm văn học nhà trường, nói gì những xa rộng khác. Ngày hai, có khi ba buổi dạy, soạn bài, chấm bài, quả có đọc Báo Văn Nghệ nhà trường đặt mua, nhưng chỉ có thế thôi. Nói thế để thấy rằng, người giáo viên nói chung cũng bận bịu, nhất là giáo viên dạy văn, chăm chút cho phần công việc của mình được tốt đã là vất vả, họ cũng thèm có thời gian để hiểu biết thêm, ai cũng thèm cuộc mưu sinh, công việc đừng nặng nề để có thêm hiểu biết.

Bao năm qua, lắm khi muốn dứt bỏ, mà khó. Vì sao lại dứt bỏ ư? Có thể lắm chứ, vì những gian nan, thác ghềnh từ chính văn chương, và cuộc sống.

Sau thành công vẫn trầy trật, và thất bại như thường. Những trầy trật, thất bại ấy là những trải nghiệm sáng tạo phải kinh qua, là kinh nghiệm cần có, là thử thách lòng yêu mê, nó nói với rằng gian nan khổ ải lắm, và đâu phải là chuyện viết, mà là chuyện sống, thôi thì hiểu thêm biết bao điều sau vụ Thung Lam.

Dù gập ghềnh, gian nan, tôi vẫn thiết tha có được những Thung Lam khác. Tôi nghĩ, có văn chương chúng ta sẽ được đón nhận cuộc sống ở nhiều tầng ý nghĩa. Càng thấy rõ điều đó khi đọc và viết nhiều. Thế nên văn chương thật cần. Từ xưa đến nay đã như thế. Những sáng tạo vẫn âm thầm, dù văn chương và cuộc sống vẫn nghiệt ngã thách thức.

Và cùng với những âm thầm sáng tạo, những cuộc thi văn chương vẫn khơi những mạch nguồn, gọi cảm hứng, nuôi giữ đam mê cho mỗi cá nhân, và điều đó quan trọng đối với sự phát triển văn chương nước nhà. Nó như những mùa màng làm ta nghĩ đến sự bồi đắp của phù sa, những khao khát dâng tặng, những lấp lánh gặt hái, những hạt giống, và mùa trước mùa sau nối tiếp, làm nên sự sống bất tận…

Nguồn: Vannghetre

Exit mobile version