Hàng năm, từ độ cuối thu, giải thưởng danh giá hàng đầu hành tinh lại được trao cho những cá nhân kiệt xuất có những công trình nghiên cứu mang tính khai phá trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, văn học, kinh tế và sự cống hiến cho hòa bình nhân loại lại được xướng lên cùng cái tên của nhà khoa học lỗi lạc người Thụy Điển – giải thưởng Nobel.

Di nguyện của người sáng lập giải thưởng ghi rõ rằng “giải được trao không phân biệt quốc gia của người nhận, vì thế người xứng đáng nhận giải nhất sẽ nhận giải”. Alfred Nobel có thể đã không suy nghĩ về di sản hay bất cứ giải thưởng nào dành cho đời sau, nếu ông không đọc được bản cáo phó của… chính mình.

Di sản của “kẻ buôn thần chết”

Alfred Bernhard Nobel sinh ngày 21-10-1833 tại Stockholm, Thụy Điển trong một gia đình toàn kỹ sư. Con đường đi tới thành công của Nobel trải đầy bi kịch, trong đó có cái chết của em trai ông là Emil Nobel. Chuyện xuất phát từ hóa chất mang tên Nitroglycerin.

Người đầu tiên có công tìm ra và tổng hợp được hóa chất này là nhà khoa học người Italia, Ascanio Sobrero. Hóa chất này rất dễ nổ. Ngay từ khi mới được Sobrero “khai sinh”, nó đã làm nổ tung cả bàn thí nghiệm của ông, khiến ông xây xát cả mặt mày. Do hoạt tính quá nguy hiểm, ông đã thiêu huỷ toàn bộ tài liệu và quá trình thí nghiệm những mong nitroglycerin không hiện hữu. Nếu như không có sự xuất hiện của Nobel thì loại chất này mãi mãi không có mặt trong cuộc sống nhân loại.

Nhà sáng chế, người sáng lập giải thưởng Alfred Nobel.

Alfred Nobel là một người rất quan tâm đến những chất gây nổ hoặc có đặc tính nổ vì giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX, công nghiệp khai khoáng đang làm mưa làm gió khắp Âu lục. Ông biết đến nó thông qua vị giảng viên, đồng thời là nhà khoa học người Nga N.N. Zinin.

Ngay từ khi biết đến hợp chất quý hoá này, ông đã bắt tay ngay vào thử nghiệm. Hợp chất ma quái này lại suýt hại luôn cả Nobel. Ông thử nghiệm thuốc nổ nitroglycerin lần đầu tiên trong xưởng của mình, tại Heleneborg. Nó đã gây ra một vụ nổ khủng khiếp, giết chết 5 người, trong đó có em út của Nobel, đó là Emile.

Chứng kiến cái chết thảm của em mình, A. Nobel không thối chí, ông đã pha trộn, thêm bớt nhiều chất vào để kiểm soát được hợp chất này.

Cuối cùng, vào năm 1867, ông đã sáng chế ra dinamit, một hỗn hợp nổ của nitroglycerin có tác dụng kiểm soát chu trình nổ và hữu dụng hơn. Nhờ có dinamit mà nitroglycerin trở nên an toàn, dễ sử dụng và dễ điều khiển. Không phải ngẫu nhiên mà nitroglycerin được gắn với hỗn danh “hợp chất giết người” vì khi đề cập đến nó là người ta liên tưởng ngay đến những vụ nổ hầm mỏ, rung chuyển đất cát khiến từ hàng chục đến hàng trăm người bỏ mạng.

Đã có lúc nitroglycerin bị cấm sản xuất và sử dụng. Chỉ duy nhất một người vinh quang và sung sướng là Nobel, vì hợp chất được khai thác và sử dụng rộng rãi trong công nghiệp khai khoáng, trong quân đội và các xưởng sản xuất vũ khí. Lợi nhuận từ việc bán hợp chất làm Nobel trở nên giàu có, chính thuốc nổ đã mang lại cho ông khối tài sản khổng lồ cùng biệt danh “kẻ buôn Thần chết”.

Khi người anh Ludvig của ông qua đời vào năm 1888, lúc đó ông 55 tuổi,  nhiều tờ báo đăng cáo phó sớm đã nhầm lẫn người chết là Alfred Nobel trong khi ông vẫn còn sống. Bản cáo phó trên một tờ báo Pháp có tựa đề “Le marchand de la mort est mort (Nhà buôn Thần chết đã chết) và nội dung nhấn mạnh: “Tiến sĩ Alfred Nobel, người đã trở nên giàu có sau khi phát minh ra cách thức giết con người nhanh chóng hơn bao giờ hết, đã qua đời ngày hôm qua”. Đọc được bài cáo phó cho chính mình, A.Nobel bắt đầu cảm thấy ưu tư khi nghĩ về di sản của mình và về điều mà nhân loại sẽ nhớ về ông một khi ông chết thật.

8 năm sau bản cáo phó trên, vào ngày 10-12-1896, Alfred Nobel qua đời trong biệt thự của ông ở San Remo, Italia vì xuất huyết não, thọ 63 tuổi. Trong bản di chúc gây bất ngờ lớn cho công chúng thời đó, Nobel ghi rằng, tài sản của ông sẽ được sử dụng để tạo ra một loạt các giải thưởng cho những người mang lại “lợi ích lớn nhất cho nhân loại” trong Vật lý, Hóa học, Hòa bình, Sinh học, Y học và Văn học.

Alfred đã dành 94% trị giá tài sản, 31 triệu kronor (tiền Thụy Điển, tương đương 200 triệu USD thời điểm hiện tại) và lấy lãi hàng năm để lập nên 5 giải Nobel cho “những ai, trong năm, đã đưa đến những lợi ích tốt nhất cho con người”. Trong di chúc ông còn viết: “Giải thưởng cho Vật lý và Hóa học sẽ do Viện Hàn lâm Thụy Điển trao tặng; cho Sinh học hay Y học do viện Caroline ở Stockholm; cho văn chương do viện Hàn lâm Stockholm; và cho người đóng góp vì hòa bình do ủy ban 5 người được Quốc hội Na Uy bầu”.

Người được Nobel ủy thác thực hiện di chúc là hai kỹ sư trẻ Ragnar Sohlman và Rudolf Lilljequist. Quỹ Nobel được thành lập như một tổ chức tư nhân vào ngày 29-6-1900. Chức năng của nó là quản lý tài chính và quản trị các giải thưởng Nobel. Tuân thủ theo di chúc của Nobel, nhiệm vụ chính của Quỹ là quản lý các tài sản Nobel để lại.

Nhà soạn kịch vĩ đại người Anh gốc Ireland, George Bernard Shaw.

Robert và Ludvig Nobel đã tham gia vào việc kinh doanh dầu ở Azerbaijan và theo nhà sử học Thụy Điển E. Bargengren, người nghiên cứu các tài liệu lưu trữ của gia đình Nobel, “việc quyết định cho phép rút tiền của Alfred từ Baku đã trở thành yếu tố quyết định cho phép Quỹ Nobel được thành lập”.

Quỹ không được tham gia vào quá trình lựa chọn người đoạt giải Nobel mà hoạt động tương tự như một công ty đầu tư với việc đầu tư tiền Nobel để lại để tạo ra một nguồn tài chính vững chắc cho các giải thưởng và các hoạt động hành chính.

Quỹ Nobel được miễn các loại thuế ở Thụy Điển (từ năm 1946) và các loại thuế đầu tư tại Hoa Kỳ (từ năm 1953). Từ những năm 1980, đầu tư của Quỹ đã có lợi nhuận nhiều hơn và tính đến ngày 31-12-2007, Quỹ Nobel đã kiểm soát các tài sản có giá trị lên tới 3.628 tỷ kronor Thụy Điển (khoảng 560 triệu USD).

Lý do được rất nhiều người tin về sự vắng mặt của giải Nobel Toán học là vì vợ của Nobel ngoại tình với một nhà toán học nên ông căm hận không trao giải cho lĩnh vực này. Người được cho có quan hệ tình ái với vợ của Nobel là nhà toán học người Thụy Điển Gosta Mittag-Leffler.

Tuy nhiên, Nobel thật ra chưa từng kết hôn. Ông có một bạn gái người Áo tên là Sophie Hess, nhưng cũng không có bằng chứng gì cho thấy cô có quan hệ với Mittag-Leffler. Cũng có giả thiết cho rằng Nobel đơn thuần là không để tâm đến Toán học vì đây là môn khoa học đơn thuần lý thuyết. Và theo di nguyện của Nobel, khi ấy ông không đặt ra giải thưởng về kinh tế.

Tên đầy đủ của giải này là Giải thưởng về Khoa học Kinh tế của Ngân hàng Thụy Điển nhằm tưởng niệm Alfred Nobel, được sáng lập vào năm 1968, nhân dịp kỷ niệm 300 năm thành lập Ngân hàng trung ương Thụy Điển, vì vậy tiền thưởng cho giải không lấy từ tài sản của ông để lại. Tuy nhiên, giải Nobel Kinh tế cũng được công bố cùng đợt với các giải Nobel khác, và trao trong cùng lễ trao giải ở Stockholm, Thụy Điển (trừ giải Nobel Hòa bình trao ở Oslo, Na Uy).

Ứng xử cao thượng của những thế hệ chủ nhân giải Nobel

Nhà soạn kịch vĩ đại người Anh gốc Ireland George Bernard Shaw (1856 – 1950) là “cha đẻ” của kịch ý niệm hiện đại, đồng thời là một nhà hoạt động chính trị nhiệt huyết, người đấu tranh cho bình đẳng nam nữ và công bằng xã hội.

Cho đến nay, ông là người duy nhất trên thế giới được nhận hai giải thưởng cao quý: giải Nobel Văn học (năm 1925) và giải Oscar (năm 1938). Mặc dù vậy, ông là một trong số ít người dám lên tiếng từ chối không nhận tiền thưởng từ hội đồng trao giải Thụy Điển vào ngày 18-11-1926.

Là một trong số không ít những nhà văn trở nên giàu có từ chính nghề viết nhưng lại đồng cảm sâu sắc với nỗi cơ cực trong túng thiếu của người cầm bút khi mới khởi nghiệp, ông đã dùng tất cả số tiền 35.000 USD của giải Nobel năm ấy để thành lập “Quỹ văn học dành cho tác giả viết kịch”. Khi từ chối nhận tiền, Shaw còn phát biểu một câu cực kỳ nổi tiếng: “Tôi có thể tha thứ cho Alfred Nobel cho việc ông đã phát minh ra thuốc nổ nhưng chỉ có quỷ dữ mới có thể nghĩ ra giải Nobel”.

Bức ảnh Mẹ Teresa được treo ở mặt tiền nhà thờ Thánh Peter. Ảnh Reuters.

Hầu hết những người đạt giải Nobel Hòa bình thường dùng tiền thưởng của mình để chia sẻ cùng cộng đồng. Mẹ Teresa, một nữ tu và nhà truyền giáo Công giáo Rôma người Ấn Độ gốc Albania. Bà sáng lập Dòng Thừa sai Bác Ái tại Kolkata (Calcutta), Ấn Độ năm 1950. Trong hơn bốn mươi năm, bà chăm sóc người nghèo, bệnh tật, trẻ mồ côi, người hấp hối, trong khi hoàn tất nhiệm vụ lãnh đạo dòng tu phát triển khắp Ấn Độ và ở nhiều quốc gia khác.

Năm 1970, Mẹ Teresa trở thành một nhân vật nổi tiếng toàn cầu với các hoạt động nhân đạo cứu giúp người nghèo và những người sống trong hoàn cảnh tuyệt vọng. Bà được trao Giải Nobel Hòa bình năm 1979 như một sự vinh danh cho các hoạt động nhân đạo cao cả trên và bà đã dành toàn bộ số tiền thưởng cho những cơ sở thiện nguyện của mình.

Ngày 4-9-2016, tại Vatican, Giáo hoàng Francis I đã phong thánh cho mẹ Teresa. Tương tự, Nadine Gordimer (Nobel Văn học, 1991), Wole Soyinka (Nobel Văn học 1986) cùng nhiều người khác nữa cũng ủng hộ tiền thưởng của mình cho những mục đích thiện nguyện. Günter Blobel ( người đoạt giải Nobel Y học năm 1999) sau khi chứng kiến các vụ đánh bom ở Dresden, Đức, đã dành toàn bộ giải thưởng của mình để xây dựng một giáo đường Do Thái mới và sửa chữa nhà thờ ở khu vực này.

Nhà kinh tế học Muhammad Yunus của Bangladesh, đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2006, thì dùng tiền thưởng thành lập một bệnh viện mắt chữa bệnh miễn phí cho người nghèo và một công ty sản xuất thực phẩm giá rẻ cho người nghèo. Cần biết rằng, ông Yunus là người sáng lập ra ngân hàng Grameen, ngân hàng cho vay lãi suất cực thấp giúp người nghèo thoát nghèo ở Bangladesh.

Đây là ý tưởng giúp ông đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2006. Với giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trao lại cho nhóm cựu chiến binh, các chương trình nghiên cứu trong trường đại học và các tổ chức từ thiện.

Giáo sư Mỹ James Watson, người nhận giải Nobel Y học năm 1962 cho những phát hiện ra cấu trúc xoắn kép ADN, nền tảng của sự sống, đã bán tấm huy chương Nobel của mình hồi tháng 12-2014 ( huy chương Nobel làm bằng 150 gram vàng 18 cara chạm hình Alfred Nobel).

Mặc dù sàn đấu giá trực tuyến Christie’s tại Manhattan, New York dự đoán huy chương Nobel của Watson sẽ được chào mua với giá từ 2,5-3,5 triệu USD nhưng một người mua giấu tên đã ra giá đến 4,1 triệu USD. Tổng số tiền để mua về huy chương lên đến 4,76 triệu USD bao gồm cả phí bảo hiểm.

Ông Watson (lúc ấy 85 tuổi) cho biết, số tiền bán huy chương Nobel sẽ dùng để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và một phần tiền được chuyển cho Đại học Chicago, Cao đẳng Clare thuộc Đại học Cambridge, phòng thí nghiệm Cold Spring Harbor, Long Island Land Trust và các tổ chức từ thiện khác.

Và mới đây nhất, Giải Nobel Hòa bình 2016 đã về tay Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos vì công lao ký kết thỏa ước hòa bình với lực lượng vũ trang FARC sau bốn năm đàm phán.

Tuy cuộc xung đột kéo dài 52 năm đã khiến khoảng 260.000 người chết và hơn sáu triệu người phải ly tán nhưng thỏa thuận hòa bình sau đó đã bị người dân Colombia bác bỏ trong một cuộc trưng cầu dân ý. Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos cho biết ông sẽ dành tặng tiền thưởng trị giá 8 triệu krona Thụy Điển (925.000 đôla) cho gia đình các nạn nhân của những năm xung đột triền miên.

Quang Hiếu (tổng hợp) – Văn nghệ công an