Bút danh: Mạc Yên
Năm sinh: 22-04-1992
Quê quán: Cần Thơ
Chuyên ngành đã học:
– Nông học – Đại học Cần Thơ
– Đạo diễn Điện ảnh – Đại học Nguyễn Tất Thành
Công việc: Tự do
Tóm tắt tiểu sử: Thời học sinh từng đạt giải học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học và theo đuổi chuyên ngành tự nhiên, nên giai đoạn 2007-2019 là khoảng thời gian sáng tác không công bố tác phẩm. Từ năm 2013-2014 tiếp xúc các khối ngành kinh tế – triết học, kiến trúc – mỹ thuật, 2018 chính thức theo học chuyên ngành Đạo diễn Điện ảnh và bắt đầu công bố những tác phẩm văn chương.
Tác phẩm đã xuất bản:
– Miên Trạng (2020) – truyện dài – Nxb Thanh Niên.
Giải thưởng:
– Truyện ngắn Lam – Giải khuyến khích cuộc thi sáng tác thơ và truyện ngắn Bình Định 2018-2019.
– Truyện ngắn Thế giới bất tử – Giải Ba truyện ngắn trẻ Quán Chiêu Văn 2021.
Tác phẩm đã công bố khác:
– Lời của thời gian – truyện ngắn – báo Văn Nghệ số 33/2019.
– Pruh tím (Cái chết Pruh nơi lưng chừng trời) – báo Văn Nghệ số 01/2021
– Đẳng tử – truyện ngắn – báo Văn Nghệ số 52/2021.
– Bất tử – truyện ngắn – Tạp chí Viết & đọc mùa đông 2022
Nguyễn Mạc Yên Hải tới với nghệ thuật văn chương từ năm 14 tuổi. Tác giả tâm sự, với riêng mình thì văn chương là mệnh, còn nghệ thuật là đích đến chung cùng, nhất định phải tìm đường để đến được với nó. Thế nên, viết như nỗ lực ánh xạ tất cả mọi thứ thành một hình hài nghệ thuật nhỏ bé. Văn chương có thể tạo nên sự sống. Và có thể dập tắt sự sống. Văn chương tạo ra hòa bình. Và văn chương tạo ra chiến tranh. Là bất cứ cái gì phản chiếu lấy tâm hồn, tâm trí, trí tuệ của người sáng tạo và người hưởng thụ văn chương ấy.
Tự mỗi tác giả đều có một triết lý sáng tạo của riêng mình. Tự thân Nguyễn Mạc Yên Hải vốn ám ảnh với hai từ “có lý” và “vô lý”, nên đặt ra cho mình ba điều cốt lõi trong sáng tác: tối thượng nhất là cấm kị sử dụng các hình thức, thủ pháp vô lý, vô thưởng vô phạt hay chỉ nhằm khoe mẽ. Thứ nữa, hình thức phải là một loại nội dung để truyền đi nội dung, hàm ý nội dung và ẩn giấu nội dung. Chính vì thế một ý tưởng thai nghén đủ lâu mới viết thành tác phẩm, hoàn thành rồi lại chỉnh sửa thêm nhiều lần, có khi kéo dài nhiều tháng hay nhiều năm. Và cuối cùng, tác giả thà tạo ra một tác phẩm khó đọc khó nắm bắt, nhưng có lý và có giá trị bởi đó thật sự là ruột gan của mình.
Vì người cầm bút không thể chỉ kể câu chuyện của bản thân mình và Nguyễn Mạc Yên Hải được cầm bút thì phải nói thay tiếng nói của thế hệ mình trong thời đại này.
Mỗi thế hệ cần có những câu chuyện và tiếng nói của mình, mang tư duy, tư tưởng của thế hệ đó một cách tự do và độc lập. Tác phẩm của người trẻ phải làm được điều ấy. Vì không phải người trẻ viết thì không có ai thực sự sống, nghe, nếm trải thay người trẻ cả, những lăng kính, những góc nhìn, khát khao, niềm tin trong đôi mắt của người trẻ sẽ không thể được cảm nhận. Tác giả trẻ có thể kế thừa nhưng rất cần sáng tạo độc lập, không bị lây nhiễm hay phủ bóng bởi bất cứ ai hay bất cứ đâu. Để tiếng nói của người trẻ không còn là những lời non nớt trẻ dại, để tiếng nói của người trẻ có thể thực sự được lắng nghe, và đặc biệt để người trẻ không mất niềm tin vào chính thế hệ của mình.
“Đẳng tử” thốt lên một điều khúc mắc trầm trọng không có lời giải trong tư duy về thiện và ác, đúng và sai, ý nghĩa và giá trị, sống cống hiến và sống cho cá nhân. Cầm Kỳ Official đã giới thiệu truyện ngắn này.
Truyện ngắn “Cái chết Pruh nơi lưng chừng trời” như một khát vọng sinh thái mà một số người trẻ vẫn cố theo đuổi trong vô vọng và cô độc, trong khi nhiều người đã buông xuôi bỏ mặc sau quá nhiều sóng gió đã trải qua.
Với truyện ngắn “Họ, khát vọng, tái sinh” đó là tiếng gọi của người trẻ dành cho thế hệ đi trước rằng hãy đặt niềm tin và đừng phán xét những sóng ngầm rồ dại trong tâm thức trẻ.
Truyện ngắn “Lời của thời gian” là một dự báo ở tám năm về trước, mà hiện nay đã nào trở thành sự thật, khi mà thực tế giáo dục cần nhiều hơn không phải là giải pháp mà là triết lý căn cơ.
Bàn tay gầy xương run lên bần bật, ổ bánh mì cứu ba bữa đói nhoài khỏi lý trí Tú, lặng lẽ rơi xuống đất. Cú chạm nhẹ tênh, nhẹ đến mức chẳng nghe được tiếng động nào. Ấy vậy mà lại đủ kéo Tú khỏi cơn chấn động. Chân cậu thoăn thoắt bước, chiếc áo sa tanh đen tuyền ép vào thân hình gầy guộc khẽ vẫy theo từng luồng khí cuộn.
– Chở tui lại nhà ổng liền!
An đuổi theo kéo Tú lại ngay thềm cửa, nói bằng giọng dè dặt pha trộn mệt mỏi:
– Không có ở nhà đâu.
Tú nhíu mày nhìn An. Đôi mắt rũ buồn của đứa bạn tri âm giờ lại càng rũ xuống, kéo theo hàng chân mày vốn nghiêng nghiêng hóa thành triền dốc thẫm màu lạnh giá. Giống y con đường đất sẫm đỏ đang bị mưa cào xới trước nhà.
– Quên rồi hả? Ổng ở một mình. Bây giờ người trong Hội Cựu chiến binh đang tổ chức tại nhà tang lễ của bệnh viện.
Tú sững người bần thần, giọng chùng như tiếng đàn Cello ủ ê trong bản giao hưởng Tragische.
– Người thân chưa về hả?
– Chắc tới lúc chia gia tài sẽ có mặt.
Tú không hỏi thêm gì, lẳng lặng với lấy chiếc nón bảo hiểm đội lên đầu. An thấy vậy cũng đành chở người bạn còn chưa khỏi bệnh đến gặp mặt ông bạn già lần cuối.
Không có áo mưa, hai người trẻ lặng lẽ trên đường vắng, mặc cho thân mình cắt ngang tầng nước dày đặc đang khoái trá gõ nhịp ồn ào lên đất. An lén nhìn qua kính chiếu hậu. Gương mặt tái nhợt với đường xương gồ lên ở gò má, tóc dài bết nước che lấp xương quai hàm xanh xao. Hàng mi cong cong khẽ trĩu, phủ xuống cặp mắt xanh dương màu tiếc thương vô độ. An hiểu. Ông Liên qua đời như thể đời Tú vừa bị níu đứt một mảnh tình yêu cao thượng. Người cố tri đã thành dĩ vãng, cho kẻ ở lại cả đời hoài niệm xót xa.
Xe vừa dừng, Tú liền nhảy xuống chạy thẳng vào nhà tang lễ. An thở dài nhìn màn mưa xô ảnh hình cậu nhập nhòe như hồn ma sắp sửa tan biến vào hư ảo.
Vắng hoe. Lạnh giá. Tối mù. Cả nhà tang lễ chỉ có mỗi một gian phòng sáng đèn. Trong căn phòng vắng tuyệt người thân ấy, chỉ có hai ông bác Đảng bộ ngồi canh khách viếng. Tấm ảnh trước quan tài được ông Liên chụp sẵn mấy tháng trước giờ đang hào sảng nhìn ra cửa. Người nghệ sĩ chất chơi này đến chết vẫn chất như một tay chơi thượng hạng. Bởi, chỉ có ông mới dám biến bức ảnh thờ thành một tác phẩm khắc gỗ đầy hoa mĩ như vậy: cạnh bên phải đính bông Loa Kèn vừa khẽ nở, đối diện nó là nhánh Ban rừng đang khoe vẻ tinh khôi trên từng đốt khắc. Trong khi đóa Dã Quỳ có những cánh hoa uốn lượn dợn sóng ở phía dưới thì một đóa Lily sống động chiếm hết mép trên cùng. Nền ảnh màu xanh đơn điệu bị thay bằng mấy con bướm thêu tranh chữ thập. Tất cả do ông Liên tự mình chuẩn bị.
– Cháu là Tú hả? – Một bác lớn tuổi bước lại khi thấy Tú mãi chôn chân nhìn bức hình khuất sau đám khói nhang trầm.
– Dạ. Cháu mới biết bác Liên mất. Sao có mấy người vậy bác? – Tú vừa nói vừa thắp nhang, khói hương trầm bay lên thẳng tắp không chút xáo động.
– Có đứa cháu hồi nãy mới lại, nói sẽ đem ảnh về thờ. Còn lại không thấy đâu. Hai đứa con ở nước ngoài thì tới mai mới về đưa linh. Mà không biết kịp không.
– Sống không ai hiểu bác Liên, chết cũng không ai nhớ bác Liên – Tú ngậm ngùi nói.
– Bác không hiểu sao ổng tên Liên mà không khắc hoa Sen lên khung hình.
– Dạ, Sen chỉ ở mặt chữ, bác lại sống là chính mình từ bên trong. Chất gỗ này là Thông Đỏ. Bác Liên đã dành cả đời mình sáng tác những tác phẩm tâm huyết, trường kì miên viễn không biên giới.
– Nhắc sáng tác mới nhớ. Ổng dặn lỡ có chết thì đưa cho cháu Tú cái này.
Tú nhìn vật được dựng trên chiếc ghế đẩu rồi đưa mắt trở lại tấm ảnh người đàn ông mỉm cười giữa hoa bướm. Những hàng hương khói bay lên, nước mắt rơi ngang nụ cười xiêu vẹo. Đau và lạnh.
***
Huyền giật phắt con dao trong dĩa trái cây, cắm phập vào tờ lịch treo lủng lẳng trên vách. Mắt cô trợn trừng, môi cô chúm lại như cố giấu hàm răng bén nhọn đang thèm cắn quặc lấy cổ kẻ đối diện.
– Anh có phải con người không? Ông nói là đưa nó cho tôi thì anh có quyền gì đem bán nó?
– Ổng chết rồi, tui thừa kế muốn làm gì với mấy thứ đồ của ổng thì làm. Cô là ai mà lại đây? Cô dằn mặt ai? Biến trước khi tui gọi công an.
– Anh bán nó đi đâu?
Ghì chặt con dao trong tay, Huyền cố căng mắt tìm khắp căn nhà chỉ vỏn vẹn mười sáu mét vuông với hi vọng là hắn ta đang nói dối. Những tấm liễn thêu chỉ vàng vẫn tòng teng đung đưa trên đầu mấy khối ấn bằng ngọc thạch. Nghiên mực, la bàn, bút lông vẫn còn nguyên chỗ của chúng. Chỉ có thanh đỡ gắn chết lên bức tường sau quầy thu ngân là trống trơn. Huyền tóm lấy một cái bàn tính bằng mã não huơ huơ trước mặt thằng cháu đích tôn.
– Món này bán còn lời gấp trăm lần sao không bán? Bán cho ai rồi hả? Hôm nay anh không nói thì tôi quậy banh chỗ này.
– Tui ghét nên tui bán đó rồi sao? Cái thứ gái đi dụ dỗ một…
Bụp.
Thằng cháu đích tôn chấp chới giữa không trung rồi đánh rầm xuống góc nhà. Chiếc thùng rác xấu số dưới chân Huyền bị chụp lấy, tống thẳng lên đầu gã đàn ông đang lăn lộn. Và để màn vĩnh chào thêm phần ấn tượng, cô phóng tới, tấn thêm một đá vào hạ bộ. Hình như đúng khoảnh khắc ấy, cô nghe có ai đập trứng gà ở nhà bên cạnh, kích thích cái dạ dày bị thất sủng mấy ngày nay ồn ào trở lại.
Vừa bước khỏi căn tiệm, cô chợt nhận ra mình thật sai lầm. Đáng lẽ cô phải tẩn cho đến khi hắn phun ra tên người đã nẫng món báu vật đó ngay trước mũi mình. Điện thoại chợt reo.
– Dạ, con Huyền đây. Thủ tục xong hết chưa chú?
– Không được rồi con ạ. Mình dời ngày nghe con – Giọng đầu dây bên kia bình thản như không.
– Sao kì vậy chú? Tuần trước chú nói không thành vấn đề mà?
– Tình hình bây giờ khác rồi, người ta đặt cao quá chú không nhận thì ăn nói sao với lương tâm nghề nghiệp được con. Con dời qua bữa sau đi.
Huyền chưa nói được câu nào thì đầu bên kia đã dập máy. Cơn giận man rợ trào ra, quấn thít lên mạch máu nơi cổ họng thành từng ngấn dày cộm. Máu từ vết răng cắn chảy tràn vào vòm họng, phả vị tanh tươi đầy trong khí quản.
Bước chân Huyền vội vã, liến thoắng như kẻ nôn nóng không muốn bỏ lỡ. Nhưng chẳng ai biết, thực chất trong đầu cô hoàn toàn trống rỗng, mơ hồ vô định. Cô không biết phải đi đâu và làm gì cho đúng, cô chỉ biết mình cần những cơn gió liên tục bạt vào mũi để khỏa đi thứ tanh nồng đang chiếm cứ não bộ.
Nhà hát hiện ra. Băng rôn đã bị dời đi đâu mất. Một tấm panel khác được phóng to lên quá cỡ thế chỗ, ngày tháng cũng được đẩy vào đúng giờ cô đã đặt. Khuôn mặt tay ca sĩ Đoài Trúc lại một lần nữa lồ lộ hiện ra. Lại một lần nữa kênh kiệu chiếm lấy vinh quang đáng lẽ không thuộc về hắn.
– A lô, Băng hả? Thằng chú đó của cậu phản rồi nhé. Thằng chết dẫm Đoài Trúc nhảy vào chiếm đúng ngày của mình.
– Chết hông, để mình giải quyết thử coi sao. Cậu lấy được chưa?
– Mất bà nó rồi. Thằng cháu khốn nạn bán nó đi đâu không biết. Lúc mình vừa lại là mới bán cái độp. Tui thấy… 8497.
– Hả?
– Thôi nhe.
Huyền cúp máy, mắt dán vào chiếc xe Audi màu xanh đậu trước quán phở. Cô lao qua đường, chạy ngay vào trong quán, dáo dác tìm. Quán đông nghịt, ồn ào như một đám nhặng khổng lồ. Nhưng tởm nhất phải là bọn trẻ con cứ e é lên toan phá nát thính lực của bất kì con người nào trong quán. Giữa không gian ấy, bỗng nổi lên sự im lặng của chiếc bàn hai người, một già một trẻ điềm nhiên đợi.
– Nạm bàn mười tới đây!
Nhanh như cắt, Huyền nẫng tô phở khỏi tay con bé chạy bàn.
– Người quen, để tui đưa giùm cho. Thêm tô bò viên bàn mười luôn nhe.
Huyền nở một nụ cười thân thiện nhất, thong thả đi tới đặt tô phở xuống trước mặt ông bác già. Trong lòng ông ôm một chiếc tráp dài khảm xà cừ lấp lánh, chiếc hộp gỗ Sam mà cô từng được thấy trong tiệm của ông Tư.
– Chào bác ạ. Con là Huyền, bác mới mua đồ ở tiệm của ông Tư phải không?
– Đúng rồi, con biết ông Tư hả?
– Dạ, con xin lỗi, nhưng con là người thừa kế món đồ bác đang giữ.
***
Lam buông điện thoại. Cậu lại quá tin người. Năm dòng kẻ trước mặt xoắn lại thành những lọn mì nồng mùi dầu cũ, chỉ ngửi thôi cũng nóng ruột. Cậu vò tờ giấy ném vào sọt rác rồi lại chán chường moi ra trở lại. Vết nhàu nhĩ bẻ gãy năm đường song song thành những đoạn gấp khúc, vết chì cũng hóa ra xiêu vẹo.
Rồi mắt Lam chợt sáng, nhanh như cắt, cậu lục lại đống rác chất đống trong thùng, lật mở từng tờ đã bị ném đi trong tuyệt vọng. Nó đây rồi, tờ giấy mà hai ngày trước cậu đã vứt đi vẫn còn đó. Lam đưa tay vuốt nó phẳng trở lại, đặt cạnh bên tờ giấy nhàu nhĩ ban nãy. Chính là nó, một lớp trầm bị thiếu cuối cùng đã được tìm thấy.
Lam gọi ngay cho Sang.
– Này, tuần tới em ở đâu?
– Tuần tới em ở dưới quê – Sang đáp – Có gì hả anh?
– Hay quá, tuần tới anh cần em đấy. Em về đây có mang đồ về không?
– Lúc nào mà chẳng để ở dưới quê hả anh. Em sắp bỏ rồi mang theo chi nữa.
Lam sững người. Một cơn gió buốt qua bàn tay đang giữ lấy chiếc điện thoại. Lại một người nữa. Vậy là lại một người nữa sao?
– Ờ, vậy lần này coi như lần cuối đi.
***
Tú ôm cái hộp trong lòng ngồi bất động nhìn ra cửa sổ, đôi mắt vẫn chưa thôi trào nước. Ngoài trời vẫn mưa, cơn mưa dầm dề đã bao ngày vẫn chưa chịu ngừng lại. Có phải là trời đang đưa bác Liên đi trong nước mắt không? Khóc cho một người đáng sống lại chết đi cô độc, khóc một đoàn đưa linh chỉ vài ba cán bộ, một hai người hàng xóm theo cùng. Nếu An không xách cậu chạy khỏi đó, ngay trước khi hai người con kịp nhìn thấy món đồ cha họ để lại cho Tú, có lẽ di vật này sẽ biến mất mãi mãi.
– A lô. Tụi mình đang về. Tú lấy được rồi… Bị dời? Làm gì còn thời gian mà dời?
Tú chậm rãi nhìn An để thăm dò nội dung cuộc nói chuyện.
– Rồi có gọi cho Sang chưa?
An buông điện thoại, vẻ mặt trầm ngâm ra chiều không vui. Chợt nhìn thấy Tú trông chờ tin tức đến không dám chớp mắt, An càng thêm nặng lòng.
– Băng mới gọi báo Huyền không lấy kịp rồi. Còn ngày diễn cũng đã bị cướp mất. Lại thằng Đoài Trúc chơi xấu chúng ta.
Tú gục đầu thở dài. Người ta cứ nói rằng hãy cố gắng đi rồi mọi thứ sẽ trở thành hiện thực. Người ta cũng an ủi rằng, tuổi trẻ vấp ngã vài lần cũng chẳng sao cả, chỉ cần người có tài trời sẽ không phụ lòng người. Lời lẽ của người chiến thắng dành cho người bại trận mới thật hay ho làm sao, đẹp đẽ làm sao. Chẳng lẽ vì tuổi đời còn trẻ, người ta không có quyền được đáp lại bằng vinh quang xứng đáng? “Em còn trẻ, em sẽ còn làm những điều hơn cả thế này nữa, đường còn dài lắm”.
– Tuổi trẻ nào có dài đâu.
Tú nói, An im lặng thở dài. Tuổi trẻ nào có dài đâu. Dù tuổi trẻ có dài mãi mãi, thì đó cũng là một tuổi trẻ không còn. An mở ba lô, lấy ra một chiếc kèn harmonica và bắt đầu thổi. Tiếng kèn vang vào không gian chiếc xe khách, làm thức giấc những người đang gật gà ngái ngủ. Âm thanh chầm chậm chảy, người chầm chậm trôi vào một vùng không gian bạc màu của nước.
Trước giờ An vẫn luôn là người thổi những bản cover buồn dằn vặt, bất chấp bản gốc của nó hoàn toàn vui tươi. Thế mà lần này tiếng kèn của An không làm thê lương bản nhạc vốn dằn vặt tâm can người khác, ngược lại còn dịu dàng man mác.
Tất cả đã hết rồi.
***
Lam bật cười rồi nhảy lên sung sướng. Cậu đã làm được rồi, cuối cùng cậu cũng làm được rồi. Tất cả đã hòa làm một, tất cả đã có thể đứng cùng nhau.
Lam lắc lư giữa căn phòng chật chội. Ánh sáng từ cây đèn bàn đung đưa chiếc bóng trên tường uyển chuyển. Lam ngâm nga giai điệu. Ánh sáng nhảy múa trong đêm.
Cậu ngừng lại nhìn hai mươi ba tờ giấy trải ra trước mặt mình. Đây là máu, là cậu, là Lam. Đây là tất cả những gì cậu có thể làm được cho tới lúc này.
***
Đài phun nước giữa công viên đông đúc người qua kẻ lại này là một điểm đắc địa đặc biệt. Với thiết kế hình lòng chảo, đài phun nước nằm giữa những vòng bậc thang dài nối tiếp nhau tựa như tâm điểm của một đấu trường cổ. Đó là nơi người ta thường hay đặt một số tác phẩm nghệ thuật đương đại được chọn lọc mỗi tuần. Hai ngày nay cái vị trí đắc địa này bỗng dựng lên bốn tấm phông trắng vây lấy một vùng không gian nhỏ hẹp. Chẳng ai biết từ đâu mà xuất hiện, cũng chẳng ai hiểu nó đẹp đẽ ở chỗ nào để được chọn đặt vào đấy. Mà cũng phải. Cái loại trường phái đương đại có mấy người xứ này hiểu được, giống đám bùng nhùng kẽm gai đã xuất hiện ở đây tháng trước chẳng hạn. Đến khi người ta dời đi rồi cũng chẳng mấy người hiểu vì sao nó được gọi là nghệ thuật.
Chỉ khác ở chỗ lần này bốn tấm phông trắng hoàn toàn không được chiếu sáng gì cả, chẳng có mấy hiệu ứng sặc sỡ thường gặp. Nó cứ sừng sững ở đó như một chiếc đèn trời đã tàn mất ánh lửa, rơi xuống bơ vơ khi đã hết đời cháy rực.
Sang bước tới bốn tấm phông trắng, hai tay mở toang nó ra thành bốn bức bình phong cao gấp hai lần mình. Giữa khoảng đất nhỏ bị vây kín, chợt lộ ra một dàn trống điện tử với những chiếc dĩa tròn xiên xiên trên giá đỡ. Sang ngồi vào sau những giá trống, lôi từ ba lô ra một tập giấy cong cong sờn cũ đặt ngay ngắn trên khuông nhạc. Lạ thay, cái khuông nhạc này không hướng về phía cậu, nó hướng ra ngoài để bất kì ai đi ngang qua cũng có thể thấy tên bài nhạc phổ ấy.
Người ta bắt đầu tụ lại trên những bậc thang vòng cung, có lẽ đây là lần đầu tiên người ta thấy có một cuộc biểu diễn ở đúng vị trí này.
Một chiếc đèn pha rọi thẳng lên trời. Sang cũng ngước mắt nhìn, hai chiếc dùi bắt chéo trên cao đột ngột vung vào mặt trống. Âm trống trầm hùng thật chậm, hai phách liền một phách nghỉ, từng nhịp từng nhịp nhanh dần. Kết một tràng trống dồn, ánh đèn pha cao áp từ một góc khác trong thành phố bắn vọt lên không trung. Đúng lúc ấy, tấm phông ngoài cùng bên phải lấp đầy hình ảnh một người con gái đang đứng giữa quảng trường với những tấm phông trắng khác. Cô kề sáo thổi.
Tiếng sáo thoai thoải nối dài, trầm sâu miên man thấm vào không gian, thấm vào con tim khắc khoải những nỗi niềm sâu chứa. Hồn người lặng trong vệt màu kí ức, len lỏi lần tìm trên sợi dây hoài niệm giữa bầu trời đẫm nước. Những nụ cười xa xôi rung động trong tâm khảm, thì thầm về một thời đã mất. Tiếng sáo mười sáu lỗ lên cao xuống trầm nhẹ như mây trôi qua đời. Mười sáu nốt thăng giáng, đời người bỗng thu bằng sợi kim thoi, đan ngang vẽ dọc qua những đường tơ dĩ vãng, thấu cả những vùng vàng son lồng lộng.
Ông Sáu ngồi trên bậc thềm mải mê nhìn Huyền thổi. Nếu không có Huyền, sáo này là vô dụng. Nhưng nếu không có sáo, nhạc phổ này cũng không thể thỏa sức bay cao liệng thấp, luyến vuốt theo con gió thu lành lạnh quấn vào lòng người. Ông đến cuối cùng đã hiểu vì sao ông Tư biết bao lần từ chối không bán sáo cho mình. Bởi chiếc thần khí mười sáu lỗ ấy có vào tay ông cũng chẳng hơn là một vật trưng bày tàn thời mạt thế. Đến chết cũng không được cất tiếng ca.
Âm khánh gõ nhẹ khuất sau lớp tiếng sáo bỗng trỗi lên một tiếng ngân đanh. Cột sáng khác trong thành phố lại bắn lên trời. Tấm phông ngoài cùng bên trái chiếu lên hình ảnh người con trai gầy gò trong bộ đồ sa tanh đen đang bồng lấy một cây đàn nhị. Tay cậu kéo vĩ, âm thanh miết ra một nốt líu như cứa, từng đợt từng đợt run rẩy, từng nốt từng nốt xước vào lòng người. Chỉ hai sợi đàn nối liền âm dương, ai luyến như tiếng khóc từ những gì còn lại, trường viễn tựa tiếng than của những gì đã mất. Một dòng thở dài rưng rưng nhẹ như nước, chảy tràn qua mọi vết rạn của tâm hồn cô độc. Nước lúc ầm ào như xiết, nấc từng hồi nghẹn trào như sóng sâu.
Tiếng nhị hòa với sáo, quyện vào tiếng trầm nhẹ vang ra dùi trống của Sang. Rồi tiếng sáo tắt hẳn. Một ánh đèn khác lại sáng lên. Lần này là An với chiếc kèn baritone saxophone bóng loáng. Tiếng đàn nhị thoáng chốc vút thành mưa thu, réo róc rách bên tiếng trầm rền vang đọng. Âm thanh bỗng chốc hóa ra ma mị, phủ vào không gian khí sắc huyền hoặc của những đêm ngập tràn ảo ảnh.
Ông Sáu giật mình, chợt thấy âm thanh hóa thành hình thù nhảy múa trước mắt mình. Tiếng sáo bay trên cao, âm kèn đồng trầm dưới thấp, phía trước là một hình nhân sống động của đàn nhị còn đằng sau là lớp trống mờ ảo trong điệu vũ người say. Âm thanh lúc lả lơi, lúc hùng dũng, từng tiếng từng tiếng rơi xuống đất, tan ra những hình thù cầu kì trúc trắc. Như một bức tranh xáo động siêu thực làm người lạc lối vào muôn trùng điệu khúc. Miệng không tài nào gọi nổi một cái tên tượng hình đúng nghĩa.
Nhạc cuốn lấy người, người cuốn vào nhạc. Cả hai đẩy đưa nhau lẫn vào những miền không tên xa lạ, những vùng đất diệu kì chưa ai từng khám phá.
Rồi tấm phông cuối cùng cũng sáng lên. Im phăng phắc. Tiếng piano độc tấu bất ngờ vang ra, nhanh như ngón đàn của Liszt. Mười ngón tay hóa hàng trăm phím nhấn, liến thoắng gảy qua đủ bốn tầng âm mê. Tay cô nhanh như lướt, nhanh đến nỗi người ta chỉ thấy phím đàn bật xuống mà tay như chưa từng rê qua. Tầng tầng lớp lớp ma mị vì vậy mà xoay vần như bão cát theo ngón đàn của Băng. Hút lấy toàn bộ không khí trong không gian, bóp nghẹt hơi thở bằng vũ điệu liên hồi của bản nhạc.
Rồi tiếng đàn nhị một lần nữa vang lên. Liến thoắng, réo nhanh như một trận bão chớp. Tám mươi tám phím dương cầm sóng đôi hai dây cùng vĩ kéo. Một bầu trời giông bão.
Khi cả hai chợt ngừng, tiếng sáo cùng kèn lại đồng nhịp vang lên. Sáo rào rào tiếng mưa trôi từng đợt, kèn trầm trầm tựa âm mưa vừa vẳng qua. Hết đợt này đến đợt khác, mưa trút xuống mặt đất như muốn xuyên cả đất trời, xới tung hiện thực này thành trận hỗn mang đặc quánh.
Cả năm nhạc cụ đồng loạt vang lên. Hết lớp này là lớp kia, hết đợt này rồi đợt khác, trùng trùng điệp điệp những con sóng thần càn qua tim người. Năm con người ở năm địa điểm khác nhau trong thành phố, thu lấy hàng trăm hàng ngàn đôi tai lặng người hút theo thanh âm.
Những chiếc loa đài vắt vẻo trên cột điện đằng xa cũng vọng lại bản nhạc nguyện của năm con người đang hòa làm một. Ông Sáu bật cười. Âm nhạc của tuổi trẻ đang vang lên bằng chiếc loa phường lâu năm cũ kĩ. Một thứ âm nhạc rất mới, nhưng lạ lùng thay lại vô cùng cổ xưa. Năm con người đứng một mình giữa thành phố này, cùng hợp tấu bài nhạc phổ sống còn. Ngọn lửa mãnh liệt nhất thì ra không phải màu đỏ rực, nó là một ngọn lửa xanh dìu dịu nhưng nóng bỏng gấp trăm ngàn lần.
Ông Sáu chợt nhìn tới bản nhạc phổ nằm trên kia. Ông chợt khóc. Tuổi trẻ với ngọn lửa này, vậy mà người ta cứ thích những đồng tiền trên nghệ thuật. Nghệ cứ phải khai mùi tiền. Thuật cứ đẩy nghệ sĩ chân chính rớt khỏi sân khấu vinh quang đáng có, nhường sóng cho những sắp đặt chiêu trò giành lấy ngôi cao.
***
Lam thấy mình bay giữa trời. Nhẹ như gió, như mây, như vầng sáng bao la tràn ngập. Sau cơn bão luôn là trời quang mây tạnh như bản nhạc của cậu đang được tấu lên. Cây đàn nhị của bác Liên vẫn vang rồi vang mãi, sáo trúc mười sáu lỗ nay lại có truyền nhân. Đâu có cái gì là tân hay là cổ nữa bởi thiên đường của giai điệu đã rộng mở trên những người bạn cũ. Bao nhiêu toan tính của kiếp người từ nay gác lại. Lam cứ vậy mà du dương.