Nhà thơ Hồ Dzếnh (ảnh: Internet)
Nhà văn nổi tiếng của Tự lực văn đoàn danh tiếng lúc bấy giờ đề nghị Hồ Dzếnh nhanh chóng cho in các truyện ngắn thành tập, ông sẽ nhận viết lời tựa. Đáng tiếc khi Chân trời cũ xuất bản với Lời tựa của Thạch Lam, thì trước đó một tháng, nhà văn qua đời. Cũng theo Thạch Lam, bài thơ Màu cây trong khói (sau tác giả đổi thành Chiều) là một tuyệt tác. Còn Bùi Giáng (1926 – 1998), người đem “bản thể trần trụi” của mình viết thành thơ, gần ba mươi năm sau (1969) cho Hồ Dzếnh là người làm thơ lục bát cực hay. “Khùng thi sĩ”, trong phút ngất ngư bị Rằm tháng giêng mê hoặc đã nói rằng, người Việt Nam có thể không đọc Nguyễn Du, nhưng không thể nào không đọc thi phẩm này. “Lời giới thiệu” Tuyển tập Hồ Dzếnh – Tác phẩm chọn lọc (NXB Văn học, H.1988) thì nhận định tổng quát: “Tác phẩm của Hồ Dzếnh không nhiều, lại không tập trung ở một tờ báo hay đặc san nào. Với bản chất trầm lắng, ông luôn luôn khiêm tốn tự cho mình là người mới bắt đầu bước vào nghề viết. Tuy nhiên, với hai tập văn thơ Chân trời cũ và Quê ngoại, Hồ Dzếnh được biết đến như một nhà thơ có chân tài”. Dẫn giải như vậy để thấy rằng, dù Hồ Dzếnh còn sáng tác những tác phẩm khác nữa, cả trước và sau cách mạng như Dĩ vãng (tiểu thuyết, 1940), Những vành khăn trắng (tiểu thuyết, ký bút danh Lưu Thị Hạnh, 1942), Tiếng kêu trong máu (tiểu thuyết, 1942), Một chuyện tình 15 năm về trước (tiểu thuyết, ký bút danh Lưu Thị Hạnh, 1943), Hoa xuân đất Việt (tập thơ, 1946), Cô gái Bình Xuyên (tiểu thuyết, 1946), Cuốn sách không tên (tiểu thuyết tự truyện, xuất bản sau khi mất) nhwng chỉ có Chân trời cũ và Quê ngoại (đều do Á Châu ấn cục phát hành năm1942) là hai đỉnh cao.
Hồ Dzếnh (1916 – 1991) tên thật là Hà Triệu Anh, phát âm theo giọng Quảng Đông là Hồi-Tsìu-Díng, gọi tắt là Hồi-Díng. Hồi-Díng nghe không được hay lắm nên ông tự ghi và đọc tên mình theo tiếng Việt là Hồ Dzếnh. Không phải như mọi người ngộ nhận, Hồ Dzếnh là phiên âm Quảng Đông của Hà Anh. Cha Hồ Dzếnh – Hà Kiến Huân (Quân), từ Quảng Đông – Trung Quốc, di cư sang. Mẹ là Đặng Thị Văn, cô lái đò trên bến sông Ghép. Ông sinh ra ở quê mẹ, làng Đông Bích, xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương. Thuở nhỏ, Hồ Dzếnh sống với cha mẹ trên miền núi Như Xuân. Sau khi bố lấy vợ hai, ông sống với mẹ ở quê ngoại, rồi về thị xã Thanh Hóa theo học trường Nhà Chung. Từ trung học, ra Hà Nội, vừa học, vừa kiếm sống. Bước chân “giang hồ” cũng đã từng đưa Hồ Dzếnh rong ruổi hầu khắp nẻo Đông Dương. Kháng chiến chống Pháp, Thanh Hóa lại là bến đỗ bình yên của ông thời bom đạn, giặc giã. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng (1954), Hồ Dzếnh mới ở hẳn Hà Nội. Nhưng một năm, một hai lần ông vẫn về quê ngoại thăm họ hàng, tìm hình bóng cảnh cũ, người xa. Năm 1990, tôi còn được gặp, trò chuyện với lão thi sĩ tại nhà bà cháu gái, gọi ông là chú ruột ở 159 phố Hàn Thuyên, TP Thanh Hóa.
Bản tiểu sử trên cho ta thấy Hồ Dzếnh mang dòng máu Hoa – Việt đời thứ nhất. Cùng với đó, cái tinh thần Trung Hoa luôn được nhắc nhở trực tiếp hoặc gián tiếp qua hình ảnh người thân, mặc dầu ông chưa bao giờ biết đến quê nội. Cha Hồ Dzếnh là người cần kiệm, giỏi kinh doanh, biết nhiều thơ Đường, thạo tiếng Pháp, gia trưởng và phóng túng. Ông thấy cha khi ngồi bên bàn đèn, mắt thường buồn xa xôi, nhớ cố hương. Muốn các con gắn chặt với quê cha, đất tổ, ông bắt anh cả lấy vợ Trung Quốc, dù đang yêu người con gái khác, dù vợ không tán thành. Chị dâu cả cam phận sống lặng lẽ, chịu đựng, nhẫn nhục. Ông cũng chứng kiến, sau khi cha mất, cảnh nhà ngày một khốn khó, dì Hai bỏ đi mang theo hết của cải cha để lại. Mẹ phải bán dần nhà cửa, ruộng vờn, cả con ngựa trắng cha vẫn cưỡi để trả nợ, nuôi con. Anh cả nghèo khổ, nghiện ngập, chết trong cơn cuồng thuốc phiện. Anh hai, niềm hy vọng của gia đình, sinh ra phóng đãng, ăn chơi, rồi biệt vô âm tín. Người chú ruột từ Trung Quốc sang, cũng một thân phiêu bạt, dáng vẻ phong trần. Mẹ ông phải chu cấp hết, kể cả lộ phí hồi hương, trong khi chú Nhì keo kiệt, lạnh lùng không chút cảm thông với hoàn cảnh khốn khó của chị dâu góa bụa,… Cho nên, có hai “Trung Hoa” trong Hồ Dzếnh. Một, thiên về lý thuyết, là giống nòi, “đất nước vĩ đại”, “nghe vang một thứ gió của miền sa mạc vượt trùng dương sang tôi như tiếng thở dài của những tâm hồn phiêu bạt”. Nó đẹp đẽ, mộng ảo, vời vợi: “Khói trầm bén giấc mơ tiên/ Bâng khuâng… trăng rải qua miền quạnh hiu/ Tô Châu lớp lớp phù kiều/ Trăng đêm Dương Tử, mây chiều Giang Nam/ Rạc rời vó ngựa quá quan/ Cờ treo ý cũ mây giàn mộng xa/ Biển chiều vang tiếng nhân ngư/ Non xanh tha thiết, trời thu rợi sầu…” (Đợi thơ). Còn một là “thực tế”, khiến ông nhìn trực diện chỉ thấy những “linh hồn lạc loài đau khổ”, cảm nhận được sự lỏng lẻo trong quan hệ giữa gia đình Việt Nam với họ hàng bên kia. Thế nên, cái phần Trung Hoa này không thể thành thơ ở một sức vóc yếu nhược từ tấm bé, có tâm hồn đa cảm như Hồ Dzếnh. Nó thành các thiên truyện ngắn với lòng trắc ẩn tinh tế, dịu dàng ở Chân trời cũ.
Thơ, Hồ Dzếnh giành cho Quê Mẹ, thành tập Quê ngoại. Vì thơ là tiếng nói trực tiếp của con tim mà ông thì đã giành con tim cho người phụ nữ Việt Nam, đất nước Việt Nam. Đó là người mẹ “dịu dàng và cao quý”. Tuy “đau khổ từ lúc lọt lòng” nhưng “tâm hồn chỉ biết lặng lẽ vâng theo một cách nhẫn nhục”. Là chị Yên, người giúp việc gia đình khi Hồ Dzếnh còn nhỏ. Là chị đỏ Đương hàng xóm, xinh đẹp, tốt nết. Chồng bỏ nhà đi từ năm mời tám tuổi vẫn vò võ chờ mong. Sau này, vừa nhận lễ dạm ngõ của anh hai, hẹn năm sau thành hôn, anh lại ra đi không bao giờ trở về. Chị tiếp tục lặng lẽ sống. Còn đất nước, với Hồ Dzếnh là đất nghèo, “thoát ra ngoài sự lọc lừa phản trắc”, “chỉ bị bạc đãi mà không bạc đãi ai bao giờ”. Ông từng nói, mình cảm thấy “yêu mến nước Nam” bằng một tấm lòng trọng đại, một mối tình lớn vô song”. Hình dung ra mình “nghiêng xuống lòng người trên những luống cày mà hương thơm như phảng phất”. Đây là nơi nuôi lớn tình cảm, chốn “trú ngụ” tâm hồn của thi sĩ. Và đây là Người – Đất Xứ Thanh. Cho nên, có thể nói tổng quát, Quê ngoại là tập thơ về người phụ nữ, người con gái Việt Nam, về mảnh đất Thanh Hóa – miền Trung nước Việt với rất nhiều tình cảm thiết tha, kỷ niệm sâu lắng của Hồ Dzếnh.
Tập thơ gồm 36 bài thơ nhỏ nhẹ, thanh mảnh. Đề từ, thi sĩ “KÍNH DÂNG MẸ”, kèm câu thơ “Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa…” trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.
Dù tập thơ không có một câu, bài nào trực tiếp về mẹ, nhưng Mẹ chính là nguồn cội của thi tứ. Nhìn cuộc đời, hình bóng mẹ, Hồ Dzếnh cảm xúc, tạo dựng nên hình ảnh người phụ nữ Việt Nam của cả một thời dằng dặc đến mấy ngàn năm: “Cô gái Việt Nam ơi!/ Từ thuở sinh ra lận đận rồi,/ Tôi biết tình cô u uất lắm,/ Xa nhau đành chỉ nhớ nhau thôi./ Cô chẳng bao giờ biết bớm hoa,/ Má hồng mỗi tiết, mỗi phôi pha,/ Khi cô vui thú, là khi đã/ Bồng bế con thơ, đón tuổi già,…”, khiến nhà thơ phải ngậm ngùi thốt lên đầy cảm phục, trân trọng: “Cô gái Việt Nam ơi!/ Nếu chữ hy sinh có ở đời/ Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực/ Cho lòng cô gái Việt Nam tươi“. Cùng rất nhiều tình với Người con gái quê mẹ qua nhiều chiều kích khác nhau, làm ông nhớ thương, yêu thương, gây nên nỗi đoạn trường – đứt ruột. Ở đó, Hồ Dzếnh có tình bạn trong trắng, thơ ngây thời thơ ấu. Để mai này, thi sĩ còn mơ màng: “Bong bóng tàn theo mộng,/ Nhân duyên dần hết mùa./ – Ai như Hiền áo trắng/ Loáng thoáng qua hơi mưa ?” (Mưa). Có tình ước mong: “Tôi về lấy vợ/ Người ở bên sông,/ Mắt đẹp môi hồng,/ Lòng như hoa nở./ Hai mùa gặp gỡ,/ Chim nhỏ trên cây/ Tôi chắp hai tay/ Xin trời thắm mãi…” (Xuân ở quê em). Cũng có mối tình thanh mai trúc mã “Lần đầu ân ái trao bằng mắt,/ Rồi để trao thương đến trọn đời!” đến tận tuổi già dẫu dầu dãi phong trần vẫn còn mong nhớ: “Đôi phen trên bước đường đau khổ,/ Anh vẫn mơ về chốn ái ân“. Tất cả đều là tình xa, như tiêu đề một bài thơ trong thi phẩm. Bởi lẽ, trước ngày xa quê mẹ vào năm còn độ hoa niên, một mình Hồ Dzếnh đã “làm cả cuộc phân ly”: “Đêm qua ta gục đầu lên sách,/ Mộng thấy hồn đau thổn thức buồn/ Ta chợt nhớ ra ngày viễn cách,/ Là ngày… em sẽ xa ta luôn” (Tặng). Những người con gái ấy đã tạo một dạng kích thích tinh thần cho Hồ Dzếnh. Khiến ông bao giờ cũng thấy thất tình, tình dang dở, sự cách ngăn trong tình yêu là vẻ đẹp cao cả, là ái tình của những ái tình. Dẫn ông đến đồng quan niệm nhân sinh như thế. Có thế, con người muôn kiếp mới giao hòa vì luôn “tưởng nhớ” nhau. Bài thơ Ngập ngừng “Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé” chính đã thể hiện cảm xúc chủ đạo này. “Tình mất vui khi đã vẹn câu thề,/ Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở./ Thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ,/ Cho nghìn sau… lơ lửng… với nghìn xa“. Từ đây một “không gian Hồ Dzếnh” xuất hiện, đậm đặc những mùa thu, buổi chiều, chất hồi cố, xa cũ, hoang vắng, bâng khuâng, sầu thương. Ở đó, người thơ Hồ Dzếnh không bao giờ già. Vì người đang sống trong hoài niệm những mối tình thời trẻ trung, đang “lơ ngơ” buồn vương thương nhớ: “Tôi về giữa xứ bâng khuâng,/ Nghe thơ lục bát gieo vần nhớ xưa,…/ Con người tôi gọi bằng Em,/ Nhớ tôi nhưng cũng thành duyên lâu rồi./ Mộng tàn nước chảy, mây trôi,/ Tôi lui hồn lại những đời đã xa!” (Trở lại). Chỉ càng khiến người yêu hơn “Dưới chân, mỗi lối thu vàng/ Tình xa lăm lắm, tôi càng muốn yêu” (Mầu thu năm ngoái). Cao độ nhất, thi nhân tưởng tượng mình chết, “Lung linh nến cháy trên đầu áo quan“. Trên đường đến mộ, “Ngựa gầy, bóng gió mênh mang,/ Cờ đen lối cũ, cây vàng nẻo xa…/ Ta nằm trong ván trông ra, Tủi thân vì thấy người hoa vẫn cười!/ Ta toan… giận dỗi xa đời“, nhưng, “Chợt hay khăn liệm quanh người vẫn thơm” nên “Nát thân không nát nổi hồn,/ Lẫn trong cái chết vẫn còn cái đau“. Đây là điểm khác biệt của thơ tình Hồ Dzếnh trong trường thơ mới. Cũng do thế, ở Quê ngoại, xét về thi pháp, phần lớn Hồ Dzếnh từ lãng mạn đến tượng trưng. Ta sẽ gặp ở đây lối diễn giải, cách nhìn đối tượng cảm xúc như Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938), Nguyễn Bính (1918-1966). Chẳng hạn, Rằm tháng giêng và Chùa Hương; Giản dịvà Chân quê. Hoặc một số câu thơ sau: “Cây chính mùa, nhưng lá đã quên xanh. Bướm đương vui, nhưng bướm sẽ xa cành” (Giữ gìn); “Có một nghìn cây rũ rợi buồn,/ Một nghìn sóng rét, vạn hoàng hôn,/ Dăm thân thiếu nữ buồn như trúc/ Đứng chịu tang trời đổ bóng đơn” (Hai bài thơ ru). Không thể không nhớ đến Xuân Diệu (1916-1985), “Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua/ Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già” (Vội vàng) và “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang/ Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng…/ Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói/ Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì.” (Đây mùa thu tới). Cái khác là Hồ Dzếnh đã bước chân sang hiện sinh đều có phần nguyên nhân từ xì-téc đã nói.
Có bốn nhà thơ nổi tiếng viết về làng quê Việt được Hoài Thanh – Hoài Chân đưa vào Thi nhân Việt Nam (1942): Bàng Bá Lân, Nguyễn Bính, Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ. Nguyễn Bính là chàng trai quê đa tình, trên bước đường phiêu lãng, nhớ quê tìm về những nét chân quê: trồng dâu nuôi tằm, mùa thu – mùa cốm, mùa xuân – hội làng. Lo sợ cái ngày màu quê phơn phớt màu thành thị, “Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều“. Anh Thơ (1921 – 2005) vẽ Bức tranh quê bốn mùa, các thời khắc trong ngày và những sinh hoạt trong không gian này. Tập trung cảm hứng “làm sống lại vẻ đẹp nghìn đời của nông thôn Việt Nam” (Từ điển văn học bộ mới, NXB Thế giới, H. 2004). Bàng Bá Lân (1912 – 1988) ghi lại “tiếng đồng quê”: tiếng thông reo, tiếng sáo diều, tiếng võng đưa,… cảnh sinh hoạt quen thuộc, giản dị, nỗi cảm thông đời sống dân quê. Đoàn Văn Cừ (1913 – 2004) thì làm Thôn Ca các phong tục cổ truyền đang hiện diện. Màu sắc tươi tắn, hình ảnh sinh động nhưng ẩn chứa tiếng thở dài xót xa vì dường như nó chỉ lóe lên để rồi tàn tạ. Nhưng đó đều là cảnh vật, con người “đồng quê xứ Bắc” như tác giả Thi nhân Việt Nam nhận định. Hồ Dzếnh ở Quê ngoại đã góp thêm cảnh vật, con người “đồng quê miền Trung”. Có điều cũng chỉ một lần thi nhân có ấn tượng với cảnh sắc ấy, “Chiều xuân sang chuyến đò đông,/ Trai tơ khăn lục, gái hồng thắm môi“, cảm nhận: “Da sông mát rãi da trời,/ Đây mùa xuân bén trên loài cỏ hoa./ Hiu hiu chiều ngả tà tà,/ Buồn lên xóm vắng, cây nhòa khói xanh./ Đời êm như một bức tranh,/ Và gần như tiếng bên đình trẻ thơ“. Còn lại đều là hình ảnh Xứ Thanh quen thuộc, gắn bó máu thịt với cuộc đời ông. Ví như cái Phố huyện Như Xuân, gia đình cư ngụ đôi ba năm: “Vài thanh đá dựng làm hè/ Vài nhà tranh yếu vai kề sát nhau/ Phố tôi trông dáng buồn rầu…”. Nhất là làng quê hương – quê ngoại – êm đềm, hạnh phúc: “Ngày xa tôi sống vui êm/ Trong khu làng nhỏ kề bên sông đào/ Chị tôi giặt lụa cầu ao/ Trời trong, nắng ửng, má đào ghẹo duyên…/ Đời lành, nắng nhạt mưa thưa/ Sầu hôm nối sáng, buồn trưa tiếp chiều/ Có lần tôi thấy tôi yêu/ Mắt nhung cô bé khăn điều cuối thôn“. Khiến thi nhân sau này còn thốt lên “Tôi say nước thắm mây huyền/ Nước mơ dáng cũ, mây truyền tiếng xa” (Quê hương). Làng quê mẹ Hồ Dzếnh là “Làng tôi thắt đáy… lưng tre/ Sông dài, cỏ mượt đường đê tư mùa/ Nhịp đời định sẵn từ xa/ Ươm tơ tháng sáu, lên chùa tháng giêng,…/ Làng gần đô thị tuy nhiên/ Mắt trong vẫn giữ được niềm sắt son/ Lâu rồi truyền tử lưu tôn/ Mầu duyên ân ái mây còn thoảng bay“. Khiến người phải tuyên ngôn: “Tôi yêu, nhưng chính là say/ Tình quê Nam Việt, bàn tay dịu dàng/ Thơ tôi: đê thắm, bướm vàng/ Con sông be bé, cái làng xa xa…” (Lũy Tre xanh). Hồ Dzếnh đi đâu, ở đâu rồi cũng nhớ về cái làng quê ấy, mái nhà xa ấy. Sự tích tụ nỗi nhớ nhung có lần đã cho ông một tuyệt phẩm thơ. Đó là bài Chiều mà Thạch Lam ca ngợi, sau này Dương Thiệu Tước phổ nhạc, cũng rất nổi tiếng. Thế rồi, lại một ngày xa xuất hiện trong thơ gắn với những câu chuyện xa đầy ắp kỷ niệm được nhiều lần kể lại. Theo chị đi lễ đầu xuân: “Ngày xa còn nhỏ, ngày xa/ Tôi đeo khánh bạc, lên chùa dâng hương/ Lòng vui quần áo xênh sang“, có “Hai chàng trai trẻ khấn đùa hai bên” khiến “Chị tôi phụng phịu má hồng/ Vùng vằng suýt nữa quên bồng cả tôi” kể trong nỗi bùi ngùi trước hiện tại “Hàng năm tôi đi lễ chùa/ Chuông vàng khánh bạc ngày xưa vẫn còn/ Chỉ hơi thấy vắng trong hồn/ Ít nhiều hương phấn khi còn ngây thơ/ Chân đi, đếm tiếng chuông chùa/ Tôi ngờ năm tháng ngày xưa hiện về” (Rằm Tháng giêng). Trong nắng trưa, thi nhân thầm thì tiếng lòng với “người cũ” cũng gắn với hình bóng quê nhà “Tôi bước vào đời tự ngõ xa/ Nơi hiu hiu sớm, xế buồn trưa“. Với người con gái “Tóc mây vắt lỏng niềm duyên dáng/ Che nửa phong ba nửa mát lành” trông giống cô thôn nữ sống bằng nghề sông nước như mẹ năm nào, vừa mạnh mẽ vừa dịu dàng. Với mái trường xưa, “Hồn xưa dậy: chim cành động nắng/ Lá reo trên hồ lặng lờ trong/ Trưa im, im đến não nùng/ Tôi ngờ trống học trong lòng trưa vang“. Đường đến nhà “em” cũng “cách ở hai sông/ Muốn qua bên ấy phải vòng phía non/ Lúa xanh sóng lúa reo cồn/ Cây xanh dẫn lối, lối mòn cỏ tươi” của cảnh sắc, đồng đất quê ngoại. Làng quê ấy, ngoài dáng nét chung của làng quê Việt, có những đường nét, phong tục, con người rất riêng: “Chợ làng mỗi quý mươi phiên/ Đong ngô đổi gạo, trang tiền bằng khoai/ Trong làng lắm gái, thưa trai/ Nên thường có luật chồng hai vợ liền!” (Lũy tre xanh); “Gió đưa mặt trời dần cao/ Khóm tre rì rào muôn tiếng chim kêu/ Đẫm mình trong gió hiu hiu/ Lúa non sóng uốn thầm reo cuối trời/ Trên đường đê bé chạy dài/ Bóng trâu trên nước, bóng người bên cây“. Và “ổ rơm, bác Xã thôi nằm/ Chân đi guốc thấp xỏ nhầm guốc cao/ Mắt còn líu ríu chiêm bao:/ Với cho tao điếu thuốc lào, cu con!”. Cái riêng của Hồ Dzếnh là do ông có một làng quê, những người quê cụ thể – quê ngoại mà thi nhân gửi vào đó tình cảm sắt son làm đối tượng cảm xúc. Để đến thời “Bụi trắng… Thời gian lên sắc trắng” thi nhân vẫn “giật mình“.
Đọc lại các nhà thơ đồng quê cùng thời với Hồ Dzếnh sẽ thấy, dù cách nhìn, cách cảm, cách thể hiện khác nhau nhưng họ đều cảm xúc chung về “đồng quê xứ Bắc”. Ví như những câu thơ rất hay, hình ảnh rất tiêu biểu của Bàng Bá Lân: “Sáng hồng lơ lửng mây son/ Mặt trời thức giấc véo von chim chào/ Cổng làng rộng mở ồn ào/ Nông phu lững thững đi vào nắng mai” (Cổng làng). Hay: “Vài cô về chợ buông quang gánh/ Sửa lại vành khăn dưới bóng tre/ Thời gian dừng bước trên đồng vắng/ Lá ngập ngừng rơi nhẹ lướt ao/ Như mơ đường khói lên trời nắng/ Trường học làng kia tiếng trống vào“. Nhưng là “làng kia” chứ không phải “làng tôi”. Cũng vì thế, xét ở phương pháp nghệ thuật, Hồ Dzếnh hiện đại hơn do sự cá thể hóa này.
Quê ngoại của Hồ Dzếnh cũng mang giọng điệu riêng giữa điệu buồn chung của thơ lãng mạn cùng thế hệ, thời thế. Không phải cái chính do ông thường chịu/ gặp cảnh ngộ buồn mà do hai nền văn hóa ngấm vào máu thịt, tương tác thành hồn thơ, cho ta nghe ra cả âm hưởng Đường thi và âm hưởng ca dao, dân ca Việt trong thi phẩm. Như cuộc gặp gỡ định mệnh của hai đấng sinh thành đã báo trước, được chính ông kể lại ở thiên truyện ngắn Ngày gặp gỡ. Thân phụ trên bước luân lạc, một buổi chiều muộn bên bờ sông Ghép thuộc làng Ngọc Giáp tỉnh Thanh đã gặp thân mẫu qua điệu hát đò đưa, trầm trầm, lặng lẽ, lơ lửng bay trên dòng nước: “Muốn sang nhưng ngại vắng thuyền/ Muốn về bên ấy nhưng duyên lỡ rồi!”. Còn thân mẫu lại nghe thân phụ ngâm Phong Kiều dạ bạc (Đêm đỗ thuyền ở Phong Kiều) của Trương Kế (nhà thơ đời Đường, sống khoảng trước, sau năm 756): “Trăng tà chiếc quạ kêu sương/ Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ/ Thuyền ai đậu bến Cô Tô/ Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San”, “cười qua hai làn môi kín đáo khép lại“.
Tựu trung, qua tập Quê ngoại, ta có thể khẳng định, trên thi đàn công khai 1930 – 1945, không ai nặng ân tình với quê mẹ, với người phụ nữ Việt Nam – người con gái Xứ Thanh như Hồi Tsìn Díng. Cũng chính từ đây làm nên nhà thơ Hồ Dzếnh hấp dẫn các thế hệ người đọc.
LƯU ĐỨC HẠNH (Nguồn: Tạp chí Thơ-HNV)