Trong lịch sử nhân loại có những con người đã trở thành huyền thoại. Tư tưởng và hành động của họ đã mở ra một chân trời, một hướng đi cho một dân tộc nói riêng hay nhân loại nói chung kiến tạo nên những giá trị mới. Tư tưởng của họ đã trở thành ước mơ của toàn nhân loại hôm qua, hôm nay và mãi mãi mai này. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những người như thế.
Điều đó không những được khẳng định trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ Tịch Hồ Chí Minh (1890 – 1990) của tổ chức UNESCO tôn vinh Người là: “Người anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới”; mà còn được Tạp chí Time số ra ngày 13/4/1998 bình chọn là một trong bốn nhân vật châu Á trong tốp 20 các nhà hoạt động cách mạng trên thế giới: Salma RuShdie, Grandihi, RooSevels…
Phương Đông hay phương Tây?
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình Nho học ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An; cha là Nguyễn Sinh Sắc, còn gọi là Nguyễn Sinh Huy đỗ Phó Bảng khoa Tân Sửu 1901, đời Thành Thái thứ 13. Đó là vùng đất địa linh nhân kiệt, có núi Hồng Lĩnh và sông Lam, giầu truyền thống văn hóa, yêu nước và cần cù lao động, nơi Mai Hắc Đế nổi lên chống lại nhà Đường thế kỷ thứ VIII…
Lớn lên Hồ Chí Minh được theo học Nho học rất căn bản, đồng thời tự học và nghiên cứu Tây học qua văn bản tiếng Hán.
Đặc biệt với Nho học, Hồ Chí Minh khá am hiểu tư tưởng phương Đông cùng nền tảng triết học của nó, đại diện là văn hóa Trung Hoa, tiêu biiểu là đạo Khổng Mạnh và Phật học…
Người hiểu tư tưởng phương Đông, tư duy thiên về khai thác, lợi dụng tình thế, dựa theo khuôn mẫu thực tại để tiến hành công việc. Điều này dễ sa vào vết xe đổ của thế hệ trước, tương lai chẳng có gì sáng sủa; có thay đổi chăng nữa cũng chỉ là “bình mới, rượu cũ”. Cụ thể là vua Quang Trung ở nước ta sau khi dẹp Trịnh, Nguyễn thống nhất nước nhà và đại phá quân Thanh, lại lấy mô hình nhà Thanh đương thời để xây dựng đất nước. Đây là gốc rễ dẫn đến triều đại Qung Trung thất bại trước triều Nguyễn sau này.
Với đạo Khổng Mạnh (Khổng Tử và Mạnh Tử), Hồ Chí Minh nhận thấy học thuyết của Mạnh Tử tích cực hơn, còn Khổng Tử nặng về giáo điều, thường mang tính thụ động, nên Người thiên về Mạnh Tử. Bởi Mạnh Tử luôn đề cao lòng tự tin của con người, coi trọng nội lực của bản thân (tính tích cực của chủ thể), vì theo Mạnh Tử: Bậc chí thánh chỉ tin cậy ở sức mình, chứ không nương nhờ ở nhân vật nào.
Đây là nguyên nhân chính cắt nghĩa tại sao Hồ Chí Minh không tán thành phong trào Đông Du của Phan Bội Châu để nhờ Nhật đánh Pháp giúp Việt Nam giành độc lập; mặc dù Người rất kính trọng cụ Phan Bội Châu vừa là đồng hương vừa là bạn của cha mình.
Sự khác biệt giữa Hồ Chí Minh và Phan Bộ Châu trong việc tìm đường cứu nước chính là ở cấp độ trí thức trong nhận thức luận của chủ thể. Vì thế, cùng một mục đích, mỗi người đi một con đường khác nhau. Sau này ta mới hiểu vì sao năm 1945, Hồ Chí Minh lại thả Ngô Đình Diệm.
Đầu thế kỷ XX, sau cuộc khởi nghĩa Cần Vương thất bại, phong trào Duy Tân nổi lên do một nhóm trí thức ưu tú gồm: Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng (bộ ba Quảng Nam) làm chủ chốt, mà người khởi xướng là Nguyễn Trường Tộ.
Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu mục tiêu và phương hướng của nhóm Duy Tân, Hồ Chí Minh nhận thấy nhóm này theo hướng “Cải lương”, bởi dựa vào Pháp để đòi quyền tự trị (quyền điều hành đất nước), nhằm thiết lập chế độ Đại nghị, hay áp dụng luật của nước Pháp thay cho luật hiện hành ở Việt Nam để đòi quyền tự do căn bản cho dân tộc chỉ là ảo tưởng vì giai cấp thống trị không bao giờ chịu từ bỏ vũ đài của nó một khi không bị tước vũ khí.
Chính vì thấy hướng của nhóm Duy Tân không thể thực thi, nên Người không theo con đường trên.
Qua hai ví dụ về thái độ của Hồ Chí Minh với phong trào Đông Du và Duy Tân ở trên, chứng tỏ tư duy của Người theo tư tưởng phương Tây. Vì tư tưởng phương Tây với tư duy lấy hiệu quả để thực thi, dám đương đầu với thực tại để giải quyết những khó khăn của thực tại và đặt ra vai trò của chủ thể. Tức là đề cao tính hiệu quả, coi hiệu quả là kết quả thực hiện của lý thuyết phản chiếu thực tại, nó vừa là mục tiêu vừa là cứu cánh do con người trực tiếp hành động tạo ra hiệu quả.
Thực tế trên con đường hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn tự thân vận động, coi trọng nội lực, đề cao tính tự lực, tự cường. Điều này xuyên suốt trong quá trình hoạt động của Người.
Biết mình biết người mới có thể chiến thắng, Hồ Chí Minh hiểu điều đó nên chọn ngay nước Pháp, một nước có nền văn minh và kỹ nghệ cao ở châu Âu đang đô hộ Việt Nam làm mục tiêu, điểm đến để học tập những tinh hoa của nước Pháp nói riêng, châu Âu nói chung, mang về áp dụng cho cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc của đất nước.
Ngày 05-6-1911, một ngày trọng đại, đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử Việt Nam: từ bến Nhà Rồng (Sài Gòn), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lấy tên Văn Ba lên đường sang châu Âu bằng nghề phụ bếp trên chiếc tàu buôn của Đô đốc Latouche-Treville với khát vọng giành tự do, độc lập cho dân tộc; chứ không phải phương Đông bằng đường bộ sang Trung Quốc, Nga… sẽ thuận tiện hơn.
Cách mạng như một ván cờ thế, nước đi ban đầu đúng, sai sẽ quyết định thắng, bại của cả ván mà sau này Hồ Chí Minh đã đúc kết:
“Lạc nước hai xe đều bỏ phí
Gặp thời một tốt cũng thành công”
(Học đánh cờ – Ngục trung nhật ký)
Sự tích hợp đa văn hóa
Sở dĩ Hồ Chí Minh đạt được cấp độ nhận thức cao hơn bậc cha anh đương thời, bởi trong quá trình học tập, nghiên cứu các nền văn hóa khác nhau, Người biết sàng lọc những tinh hoa văn hóa của các dân tộc, các giai tầng xã hội: đạo Phật – Khổng Mạnh và chủ nghĩa Mác… kết hợp với tinh hoa văn hóa nước nhà thành sự minh triết trong việc nhìn nhận, ứng xử hàng ngày từ những việc nhỏ nhất đến những vấn đề lớn có ý nghĩa trọng đại, thời cuộc trước mắt cũng như lâu dài. Bởi vậy Người không sùng bái hay thiên kiến với bất kỳ học thuyết nào. Người hiểu rõ mọi học thuyết đều là sản phẩm của nhân loại mang tính lịch sử cụ thể, nó không có lợi cho giai tầng này thì có lợi cho giai tầng khác. Nhưng tất cả không thoát ra ngoài quy luật của tạo hóa.
Hồ Chí Minh rút ra những gì tinh túy nhất của các học thuyết khác nhau, đúc kết thành nhân sinh quan, thành đường lối đúng đắn cho mình trong việc chỉ đạo Cách mạng Việt Nam ở từng thời kỳ để giành thắng lợi trước mắt cũng như lâu dài.
Một đặc điểm nổi bật của tư tưởng Hồ Chí Minh là không giáo điều trong khi vận dụng các học thuyết. Đó là nhân cách-bản lĩnh Hồ Chí Minh, Người của muôn người.
Hồ Chí Minh đã đề ra phương châm làm việc: “Nguyên tắc quá hay lỡ việc, linh động khéo tùy trường hợp”.
Cho đến nay, hơn một thế kỷ đã trôi qua, nhiều người vẫn tự hỏi vì sao Hồ Chí Minh trong bất kỳ hoàn cảnh nào vẫn giữ được quan điểm, lập trường riêng; một mình dám chống lại số đông, chống lại cả một hệ thống, một trào lưu mà vẫn thắng lợi?
Để lý giải vấn đề này, có rất nhiều cách giải thích tùy thuộc vào trình độ, quan điểm cá nhân của từng người và cương vị, giai cấp của họ…
Nhưng dù thông tuệ đến mấy chăng nữa, nếu người giải thích thiên kiến vì lợi ích bản thân, lợi ích của một nhóm người, một giai cấp hay thể chế của mình thì sẽ bế tắc, khó thấu tình đạt lý trước hiện tượng Hồ Chí Minh.
Có thể ví hiện tượng Hồ Chí Minh xuất hiện như một vầng sáng, một khi chúng ta phân tích với những dụng ý trên thì bản thân ta đã che đi một phần ánh sáng Hồ Chí Minh.
Hãy trả Hồ Chí Minh về với bản thể của Người!
Không phải ngẫu nhiên trước khi Hồ Chí Minh ra đời, vùng đất địa linh xứ Nghệ có câu: Nam Đàn sinh thánh và trong điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam đọc khi Người qua đời có đoạn: Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại; và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta; nhân dân ta và non sông đất nước ta.
Hồ Chí Minh là một chủ thể lớn với đam mê Độc lập – Tự Do; Người đề cao giá trị Tự do, coi Tự do là lý tưởng của mình, vì vậy bất cứ cá nhân, tập thể, thế lực nào cản trở sự đam mê của Người, Người đều chống trả đến tận cùng.
Hồ Chí Minh xả bỏ tất cả để chiến đấu cho tự do, và Người không còn là bản thân Người nữa (vô ngã) và trở thành (vô thủy vô chung), tạo thành sức mạnh bất diệt. Chính điều đó đã tạo nên niềm tin, một nội lực tiềm ẩn cho Hồ Chí Minh trở thành vô địch, bất khả chiến bại.
Theo con tàu buôn, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành lần lượt đặt chân lên đất Mỹ (1911) và làm công tại Brooklyn ở NewYok, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Angiêri, Tynidi, Xênê gan, Anh, tại Anh, Người làm bồi bàn trong một khách sạn ở Luân đôn.
Ngay sau khi đến Pháp, Nguyễn Tất Thành đã lấy tên là Nguyễn Ái Quốc và liên lạc với Phan Chu Trinh, luật sư Phan Văn Trường là những người đã lập Hội Ái hữu Việt Nam (1914) để hoạt động chính trị.
Nguyễn lao vào các cuộc tranh luận, Người thẳng thắn tuyên bố quan điểm, mục tiêu của mình là không ngừng đấu tranh cho các dân tộc thoát khỏi ách thuộc địa.
Năm 1919, Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng Xã Hội Pháp, coi những người Xã Hội là duy trì lý tưởng của cách mạng Pháp, có thể đáp ứng mục tiêu của mình. Song thực tế qua hoạt động của Đảng Xã Hội Pháp, Nguyễn thấy những người Xã Hội không coi vấn đề thuộc địa là cốt yếu, là mục tiêu quan trọng, cần được ưu tiên khiến Nguyễn trăn trở… Mặt khác trong nội bộ Đảng Xã Hội lúc này nảy sinh nhiều ý kiến khác nhau quanh chủ đề Đảng Xã Hội Pháp gia nhập Quốc tế thứ III. Cùng thời gian trên Nguyễn Ái Quốc được đọc Luận cương về các vấn dân tộc và thuộc địa do Lênin dự thảo tháng 6-1920, Nguyễn nhận thấy Luận cương của Lênin đã coi vấn đề thuộc địa là một trong những vấn đề mấu chốt của chiến lược cách mạng Bônsêvích và có thể đưa đến thực hiện ước vọng giải phóng các dân tộc thuộc địa phù hợp với mục tiêu, lý tưởng của mình.
Đây là lý do chính dẫn đến tại Đại Hội 18 của Đảng Cộng Sản Pháp họp ở Tours tháng 2-1920, Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế III vì vấn đề giải phóng các dân tộc thuộc địa được đưa vào chưong trình nghị sự. Tại cuộc họp này, Nguyễn phát biểu: Tôi không hiểu các đồng chí nói thế nào là chiến lược, chiến thuật vô sản và nhiều điểm khác. Nhưng tôi hiểu rõ một điều Đệ tam Quốc tế rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa… còn Đệ nhị Quốc tế không hề nhắc đến vận mệnh các thuộc địa… (Hồ Chí Minh từ nhà cách mạng đến thần tượng-Pierre Brocheux), và Nguyễn Ái Quốc từ bỏ Đảng Xã Hội Pháp, gia nhập phân bộ Pháp của Quốc tế Cộng Sản, đồng thời Người được mời tham gia hoạt động Tiểu ban thuộc địa của Đảng Cộng Sản Pháp.
Vấn đề đặt ra ở đây là: Nếu Quốc tế III của Quốc tế Cộng Sản không quan tâm đến vấn đề giải phóng dân tộc thuộc địa và đưa vào chương trình nghị sự, liệu Nguyễn Ái Quốc có gia nhập Đảng Cộng Sản?
Xin mọi người hãy cất tiếng nói từ trái tim thẳng thắn trả lời.
Bởi vì một người có chủ thể lớn, tích hợp trí thức đa văn hóa coi TỰ DO là giá trị tối thượng như Nguyễn Ái Quốc thì không một đảng phái nào có thể thuyết phục, dẫn dụ được Người tham gia, nếu Nguyễn Ái Quốc không thấy cái mình cần trong đó, tức là lợi ích của dân tộc Người, lợi ích của những người dân thuộc địa đòi được giải phóng, đòi tự do, hạnh phúc.
Rõ ràng ở đây, Nguyễn Ái Quốc ở thế chủ động, các đảng phái khác nhau phải đáp ứng cái Người cần, chứ không phải Người cần các đảng phái. Và bất cứ đảng nào không đáp ứng được khát vọng tự do, độc lập, bình đẳng, hạnh phúc cho người lao động phù hợp với lý tưởng của Nguyễn Ái Quốc, Người đều từ bỏ, chứ không riêng đảng Xã Hội Pháp.
Mùa xuân năm 1921, Nguyễn Ái Quốc cùng một số người đến từ hải ngoại thành lập câu lạc bộ Liên hiệp thuộc địa và phát hành tờ báo Le Paria từ tháng 4-1922, và Nguyễn là một trong những biên tập chính, phần lớn viết trực tiếp các bài, ngoài ra còn vẽ minh họa, biếm họa cho tờ báo này. Trong thời gian này, Nguyễn Ái Quốc vào các thư viện: Sainte-Genevíeve, thư viện Quốc gia đọc, nghiên cứu để tự hoàn thiện thêm kiến thức của mình và viết cuốn sách Bản án chế độ thực dân Pháp, được nhà xuất bản Pari cho ra mắt bạn đọc vào cuối năm 1923; đồng thời Người làm cho tờ L’ Humaniti hơn một năm với một số bài viết sắc sảo về Đông Dương, về sự bần cùng của người da đen ở châu Phi, tình trạng công nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ…
Tháng 6-1923, Nguyễn Ái Quốc rời đất Pháp bí mật sang Moskva với hy vọng gặp Lênin, người đã viết Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa…
Tại Moskva, Nguyễn Ái Quốc theo học trường Đại học Phương Đông, đồng thời tham gia các hoạt động của Quốc tế Cộng Sản. Ngày 7-8-1924, Nguyễn Ái Quốc được bầu vào Ban Phương Đông, phụ trách Cục Phương Nam (Bách khoa toàn thư-wikiperia mở ). Rất tiếc năm đó (21/1/1924) Lênin qua đời, Trước sự kiện Lênin mất, Nguyễn Ái Quốc đã linh cảm một điều gì đó bất lợi cho Quốc tế Cộng Sản và phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa. Người viết: Khi Lênin còn sống, nhân dân bị áp bức coi Người là người giải phóng mình. Khi Người mất họ tự hỏi: “Lênin đã mất rồi, chúng ta biết làm sao bây giờ? Tìm đâu ra những người có đủ tinh thần dũng cảm và nhân từ chăm lo đến việc giải phóng những người nô lệ ở các nước thuộc địa?”(Lênin và các vấn đề thuộc địa – Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2 trang 29, Nxb Sự Thật 1981)
Quả nhiên sau này phong trào Quốc tế Cộng Sản diễn biến khá phức tạp, gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa không chỉ với Nguyễn Ái Quốc mà còn ở các nước thuộc địa khác.
Giương cao ngọn cờ yêu nước, kiên định với đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc bị một số người lãnh đạo trong Quốc tế Cộng Sản, kể cả các đồng chí đồng hương của mình phê phán gay gắt, tìm mọi cách ngăn trở hoạt động của Người. Cuối năm 1927, Nguyễn Ái Quốc bị lãnh đạo Quốc tế Cộng Sản “treo giò” ở Berlin, Người phải mòn mỏi chờ được phép về nước kể cả kinh phí đi đường.
Năm 1934, Đảng Cộng Sản Trung Quốc dựa vào danh nghĩa Quốc tế Cộng Sản tăng cường áp lực chỉ đạo Việt Nam thông qua đại diện của mình ở Moskva là Vương Minh và Khang Sinh, Họ viết thư phê bình, công kích một cách dữ dội các đồng chí Viêt Nam, nhất là đối với Nguyễn Ái Quốc là những phần tử cải lương theo chủ nghĩa dân tộc: “Cho dù chúng núp dưới chiêu bài nào đi nữa…”. Lá thư này đã được Quốc Tế Cộng Sản trích đăng trên tờ Comumunít International, số ra ngày 5/8/1934.
Đồng chí Vera Vasilie, phụ trách bộ Viễn Đông của Quốc tế Cộng Sản đã bảo vệ Nguyễn Ái Quốc, gửi điện sang Việt Nam rằng: “Bức thư trên chứa đựng những thách thức có tính căn nguyên mà các đồng chí phải hết sức chú trọng ngay từ bây giờ” (Lưu trữ QTCS, 154, 195, 585).
Người Cộng Sản đồng hương của Nguyễn Ái Quốc cũng gửi thư tới Quốc tế Cộng Sản (17/4/1931), phê phán gắt gao quan điểm của Người: “Nguyễn đi ngược lại giáo lý Quốc tế, rằng cương lĩnh của Nguyễn, ngoài việc kêu gọi hợp tác với tư sản dân tộc, mà còn chú trọng thành lập các nông hội thuần túy phản đế…”, tác giả bức thư này mới ở Moskva về cho rằng: “Nên cắt đứt Nguyễn ra khỏi mạng liên lạc vì Nguyễn lo truyền đạt quan điểm riêng của mình hơn là quan điểm của Quốc tế Cộng Sản”(Lưu trữ QTCS 154, 162 ), vì thời gian ở Quảng Châu Nguyễn Ái Quốc huấn luyện các cốt cán thanh niên vẫn tuyên truyền lập trường giai phóng dân tộc (1928-1929).
Những chứng cớ trên càng khẳng định tư tưởng nhất quán của Nguyễn Ái Quốc trước sau như một quyết tâm chiến đấu cho Tự Do, giải phóng cho các dân tộc khỏi bị ách áp bức nói chung và Việt Nam nói riêng.
Ngay những ngày tháng bị cầm tù trong trại giam của chính quyền Tưởng Giới Thạch (29/8/1942-10/9/1943), Nguyễn Ái Quốc vẫn lạc quan tin tưởng ở con đường mình đi:
Phương Đông màu trắng chuyển sang hồng
Bóng tối đêm tàn quét sạch không
Hơi ấm bao la trùm vũ trụ
Người đi thi hứng bỗng thêm nồng
(Giải đi sớm –Nhật ký trong tù)
Không phải ngẫu nhiên Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy lời trong bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776 và Bản Tuyên ngôn Nhân quyền của nước Pháp để mở đầu cho bản Tuyên ngôn Độc lập của nước ta, ngày 2-9-1945: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Chính vì quyền con người (human rights ) mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dấn thân vào con đường cách mạng tìm đường cứu nước. Người không ngại hy sinh gian khổ, đấu tranh không mệt mỏi cho tự do, hạnh phúc của con người, Người không chỉ đấu tranh giành hạnh phúc cho dân tộc Người, mà cho tất cả nhân dân lao động ở bất cứ đâu còn bị áp bức, bất công. Người lên án kiểu hành hình đầy man rợ của chế độ thực dân Pháp cũ ở châu Phi, Người phản đối chế độ nhà tù hà khắc của chính quyền Tưởng Giới Thạch chà đạp lên con người, lên nghững giá trị nhân văn…
Hồ Chí Minh lên án bất cứ ai có thái độ phi nhân bản, vô văn hóa, hống hách, cửa quyền, áp bức nhân dân… Người hiểu rất rõ hạnh phúc của mỗi người không thể tách rời hạnh phúc của dân tộc một khi bị mất Độc lập, Tự do.
Tư tưởng nhân văn lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ở chỗ biến quyền lợi con người thành quyền lợi dân tộc, quyền lợi của cá nhân được coi là quyền lợi của cách mạng. Đó mới là thực chất của nhân quyền.
Và Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng ước mơ của nhân loại hôm nay và mãi mãi mai này!
Hồ Chí Minh hiểu rất rõ cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải tập hợp được tất cả mọi người, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, đẳng cấp, giầu nghèo, trẻ già…
Hồ Chí Minh không xóa bỏ hết mọi quá khứ, mà tập trung xây dựng cây cầu mới giữa quá khứ và hiện tại bằng cách chọn lọc. Vì vậy Hồ Chí Minh luôn nêu cao khẩu hiệu Đoàn kết, Đoàn kết, Đại đoàn kết!
Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lôi kéo các tầng lớp trí thức theo cách mạng như: Luật sư Đặng Thái Lung, Phạm Ngọc Thuần, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, kỹ sư Tạ Quang Bửu… Các quan lại như: Phạm Khắc Hòe (Đổng lý văn phòng của Bảo Đại), Thượng thư Bùi Bằng Đoàn, Huỳnh Thúc Kháng…
Đặc biệt đối với cụ Huỳnh Thúc Kháng, Hồ Chí Minh rất tin tưởng giao toàn quyền điều hành Chính phủ Lâm thời khi Người đi đàm phán với nước ngoài. Ngay đối với Bảo Đại sau khi thoái vị, Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh đầu tiên bổ nhiệm Bảo Đại làm Cố vấn tối cao của Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đối với các đảng phái cũng vậy: Nguyễn Hải Thần của Đồng Minh Hội được làm Phó Chủ tịch Chính phủ; Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam đều được tham gia Chính phủ. Nguyễn Tường Tam làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Vũ Hồng Khanh làm Đặc phái viên Chính phủ. Nhiều tài liệu nói là Bác Hồ đã thả Ngô Đình Diệm, chưa biết độ chính xác đến đâu nhưng bấy giờ Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về Ngô Đình Diệm: “Thái độ thân sinh ông Diệm, Đại thần Ngô Đình Khả đã từ chối không chịu lưu đầy Vua Thành Thái theo lệnh của các quan bảo hộ Pháp”.
Thật hiếm ai có được sự hành xử như Chủ tịch Hồ Chí Minh! Người đã vượt xa chúng ta về tầm văn hóa, lòng bao dung và nhân cách.
Có thể nói Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết tinh của những gì tốt đẹp nhất của truyền thống văn hóa Việt Nam và tính nhân văn. Người của muôn người!
Là người minh triết, Hồ Chí Minh luôn nhìn xa trông rộng, Người thấy cái mọi người không thấy nên trong bất kỳ hoàn cảnh, thời gian nào, Người đều tiên liệu trước được mọi việc sẽ xảy ra, tạo thành tác phong ung dung, tự tại:
“Bác ngồi đó ung dung châm lửa hút
Trán mênh mông thanh thản một vùng trời”
(Tố Hữu)
Kể từ khi Bùi Viện sang Mỹ đặt quan hệ bang giao từ năm 1873, gặp Tổng Thống Mỹ Ulysse Grant năm1875, do biến động của thời cuộc, quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam bị gián đoạn một thời gian dài, thì Hồ Chí Minh tìm cách nối lại quan hệ với Mỹ. Ngay khi còn ở Quảng Châu (Trung Quốc) năm 1927, Hồ Chí Minh đã giảng dạy về lịch sử nước Mỹ cho lớp chiến sĩ cách mạng đầu tiên của Viêt Nam sang học. Ngoài ra, Người còn viết thư gửi văn phòng Đảng Cộng Sản Mỹ ở Quốc Tế Cộng Sản yêu cầu cung cấp sách báo tuyên truyền của Đảng Cộng Sản Mỹ để sử dụng.
Tháng 5-1945, lại gửi thư cho Patti, yêu cầu viên sĩ quan OSS này chuyển ngay cho Đại sứ quán Mỹ ở Trùng Khánh đề nghị thả xuống một cuốn Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ.
Tháng 6/1945, theo yêu cầu của Hồ Chí Minh nhóm OSS mang biệt danh Deer (Con nai) gồm 6 người đã nhảy dù xuống khu vực cây đa Tân Trào do thiếu tá Thomas chỉ huy để hướng dẫn các chiến sĩ cách mạng Việt Nam sử dụng phương tiện thông tin nhằm đánh Pháp, đuổi Nhật. Trong hồi ức của mình, Thomas kể: “Ông Hồ ân cần tiếp chúng tôi và đưa cho chúng tôi thịt bê rán và mấy chai bia Hà Nội dùng cho bữa ăn tối” (Hồ Chí Minh -Người mang lại Ánh sáng, trang 132, 134- NXB Thời Đại, năm 2011)
Quan điểm Hồ Chí Minh thoáng và mở, Người sẵn sàng quan hệ, hợp tác với bất cứ lực lượng, quốc gia nào, miễn lực lượng, quốc gia ấy ủng hộ, đáp ứng được mục tiêu của Người đề ra là giải phóng dân tộc giành Độc lập, Tự do.
Một lần nữa, ta thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt Tự Do lên trên tất cả, coi Tự Do là giá trị tối thượng.
Trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp để giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng hành cùng quân dân cả nước, Người không chỉ là vị Tổng chỉ huy vạch ra chiến lược, chiến thuật; mà còn hành quân cùng bộ đội, dân công đi chiến dịch, Người trực tiếp quan sát, chỉ huy ở một số chiến dịch quan trọng như: Đông Khê, Điện Biên Phủ…
Khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, nhân dân miền Bắc được sống trong hòa bình thì trái tim Người vẫn đau nhức nhối vì đồng bào của Người ở miền Nam vẫn chìm trong máu lửa. Đêm đêm Người thao thức. Có ai hay Người đã phải nhiều lần lấy khăn tay lau nước mắt: “Miền Nam trong trái tim tôi”.
Đối với Hồ Chí Minh, cách mạng không thể nửa vời. Cuộc chiến đấu do Người lãnh đạo phải đạt được mục đích tối thượng: Đất nước hoàn toàn giải phóng, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, Nam Bắc một nhà; đồng bào các dân tộc từ Mục Nam quan tới Mũi Cà Mâu đều được sống bình đẳng hưởng tự do, ấm no, hạnh phúc…
Không một thế lực nào có thể xúi bẩy, ngăn cản được.
Điều đó đã được thể hiện chính trong những ngày ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước: 30 vạn quân Mỹ ồ ạt đổ vào miền Nam, miền Bắc chiến tranh phá hoại ngày càng tàn khốc với đủ loại máy bay hiện đại, kể cả B52 rải thảm… Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập, tự do.”
Và Người tin tưởng cuộc chiến do mình lãnh đạo nhất định thắng lợi:
“Tiến lên! Chiến sỹ, đồng bào
Bắc –Nam xum họp, xuân nào vui hơn”
(Thư Chúc Tết Kỷ Dậu 1969 )
Có một điều ít ai ngờ, chính trong những ngày chiến tranh ác liệt ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại mời đối thủ của mình: “Tôi xin mời ông Johnson đến Hà Nội như là khách của chúng tôi. Ông hãy đến với vợ và con gái, thư ký, bác sĩ và người đầu bếp của mình. Nhưng đừng mang theo tướng lĩnh và đô đốc. Tôi xin bảo đảm rằng: Tổng Thống sẽ an toàn tuyệt đối”(17/1/1967 Hồ Chí Minh – Người mang lại Ánh sáng, trang 127)
Qua cách ứng xử trên ta thấy cốt cách của một nhà văn hóa lớn, một bậc đại trí, thấu hiểu đạo trời trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người tin không chỉ nhân dân Mỹ mà cả nhân dân thế giới đều ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam do Người lãnh đạo bởi một lẽ giản đơn: Mọi khát vọng của con người đều như nhau, ai cũng muốn hưởng cuộc sống hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc…
Bằng trường thức giác của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở ra lối thoát cho đối thủ có thể hành động cụ thể trong tương lai, và cũng giảm được khó khăn cho chính mình… Mở một chân trời mới.
Rõ ràng, xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới lên đường hoạt động cách mạng với mục tiêu duy nhất là giành độc lập, giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức, nô lệ… làm cho mọi người đều được hưởng tự do, hạnh phúc, bình đẳng trên mọi phương diện. Nếu ai đó nghĩ khác chỉ là sự suy diễn…, và những người không thực hiện những điều trên là làm trái với tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tôi xin phép được trích lời của Giáo sư S.Karnow, chuyên gia sách về Việt Nam, người từng đoạt giải Pulizer làm kết cho bài Hồ Chí Minh-Người của ước mơ: “Bất cứ sự nhân nhượng nào, Hồ Chí Minh nhận thấy đều đồng nhất với chia cắt đất nước lâu dài và cướp đi ước mơ thống nhất Việt Nam dưới ngọn cờ của Ông” (Tạp chí Time, ngày 3-4-1998 )
Ánh Hồng
Nguồn: vanvn.net.