Nhà văn Nguyễn Đình Tú là một trong những nhà văn thuộc thế hệ 7x có những thành tựu đáng ghi nhận về tiểu thuyết hiện nay. Từ năm 2002 đến nay, anh đã cho ra đời 5 tập tiểu thuyết nhận được nhiều phản hồi từ dư luận: Hồ sơ một tử tù (2002), Bên dòng Sầu Diện (2006), Nháp (2008), Phiên bản (2009) và Kín (2010). Mỗi cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Đình đều là những góc nhìn riêng của tác giả về cuộc đời. Hầu hết các tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú đều tập trung viết về cái xấu, cái ác, về thế giới tội phạm. Bên cạnh thành công của những câu chuyện đời vừa đau đớn, xót xa, vừa thấm đẫm chất nhân văn, Nguyễn Đình Tú còn tạo ra trong tiểu thuyết của mình hình tượng không gian độc đáo. Bài viết này góp thêm một cách tiếp cận tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú qua những bình diện không gian nghệ thuật, hy vọng có thể giúp bạn đọc có cái nhìn mới về tác phẩm của cây bút tiểu thuyết đang rất sung sức này.

1. Không gian hiện thực – “khuôn mặt nhìn nghiêng” của cuộc đời

Trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú chốn rừng thiêng nước độc, bãi đào vàng, tù ngục, bến sông, nhà ga… thường là nơi trú ngụ của những mảnh đời tội lỗi, tạo nên một ”thế giới ngầm” đáng sợ. Đó là bãi đào vàng Lũng Sơn, nơi các băng nhóm tiến hành các cuộc tàn sát đẫm máu để tranh giành địa phận (Hồ sơ một tử tù). Đó là ”thành phố Ngã ba sông, thế giới ngầm với ba vùng lãnh địa đen mà giới giang hồ không ai không biết” (Phiên bản). Đó là bến xe, nơi “có rất nhiều người sống bằng nghề trộm cắp vặt. Toàn bọn choai choai, đói dài đói rạc. Mỗi đứa một hoàn cảnh, mỗi đứa một lý do để ra đứng bến”… (Phiên bản). Trên bãi vàng Lũng Sơn, nơi vùng đất nghịch “Ngã ba sông”, ở các quán bar, nhà hàng, sòng bạc, nhà ga… cũng chỉ vì miếng cơm manh áo, đồng tiền, vì để kiếm sống và để được sống mà con người đã gây nên tội lỗi, trượt dài trên con đường tha hóa… Những người lao động ”không gia đình” như Hoàn, Kiên, Bình “cáy”, Phương và cả cô bé Lửa Cháy (Kín) sau những tháng ngày quăng quật đều biết được rằng: “thế gian này đâu đâu cũng có chủ. Tất cả các con đường đều đưa nó đến với manh quần che thân, nhưng tất cả những manh quần che thân đều phải dùng sức người mới cướp được” (Kín). Những đứa trẻ bất hạnh ấy đã tự nguyện lập thành một nhóm bụi đời với nhau gọi là nhóm Toa tàu với mong muốn cùng nhau san sẻ từ miếng ăn, giấc ngủ cho đến những áp lực, đe dọa. Họ phải thích nghi với cuộc sống mới tồn tại được. Ở xóm Đường Tàu, Diệu (Phiên bản) “phải kiếm sống bằng những trò lưu manh vớ vẩn ở bến xe, bến tàu”. Để rồi trải qua “một hiện tại không có quyền lựa chọn và thay thế”, Diệu trở thành một nữ giang hồ lúc nào không hay. Một ngày: “Thị trở thành thị của ngày hôm nay, một nữ đại bàng cai quản thế giới ngầm một phần ba địa bàn thành phố với một sân ga, hai bến xe, ba chợ lớn, nhà hàng Sóng Biển và hai mươi mốt sòng bài”. Hình ảnh của Diệu cùng với con dao bầu trở thành biểu tượng của một “nữ quái máu lạnh có một không hai” trong giới giang hồ thành phố Ngã ba sông, lập nên một ”đế chế” dọc ngang không còn biết sợ ai!

Nguyễn Đình Tú đã đặt các nhân vật của mình vào không gian của thế giới ngầm, nơi cái ác, côn đồ ngự trị để chỉ rõ sự tồn tại của những khuôn hình khắc nghiệt của cuộc sống cùng sự hủy hoại con người của nó. Một bãi bồi ven sông trở thành thành phố sầm uất nhưng “cùng với nhà ga, bến cảng, đường cái, những khu phố mọc lên là những ổ nhóm lưu manh khét tiếng tụ về”, nơi hoạt động của những giang hồ máu lạnh như Hương Ga, Tùng hê rô, Tính dao mổ, Lân sói, Cộc ba tai, Vĩnh con (Phiên bản) … Những mảnh đời đau khổ ấy đã bị cuộc đời vùi dập và tự vùi dập bản thân mình. Để theo thời gian, lún sâu vào không gian bùn lầy nhơ nhuốc đó mà không thể nào thoát ra được. Ở đó, trộm cướp, thù hận, chém giết, rồi chết chóc… diễn ra hàng ngày trước sự dửng dưng của người đời. Ở những nơi ấy “chân lý thuộc về kẻ mạnh”, hoặc mình sống hoặc là bị người khác giết. Vì thế, để có thể tồn tại trên những vùng đất dữ ấy, ”trai gái đều thành nghịch tặc cả”. Con người phải tìm mọi cách để tự bảo vệ, tự khẳng định thế lực của mình, chỉ có thể để ai đó bị chết, bị đánh đập chứ nhất định không phải là mình. Đó là quy luật của thế giới ngầm vô cùng nghiệt ngã.

Trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú hầu hết nhân vật là những con người sống dưới đáy xã hội, có hoàn cảnh “không bình thường”, hoặc mồ côi, hoặc bị lạc cha mẹ từ nhỏ, hoặc phải lang thang kiếm sống… Để được sống, họ phải giành giật từng miếng cơm manh áo, từng nơi trú ngụ yên ổn bằng mồ hôi công sức, máu, nước mắt, những thủ đoạn, thậm chí là cái chết. Hoàn cảnh cuộc sống đã biến họ trở thành những mảnh đời tội lỗi. Và cũng chính hoàn cảnh sống ấy đã nghiệt ngã hình thành trong họ những bản năng sinh tồn, kỹ năng tự vệ khác thường.

Tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú còn xây dựng không gian của thế giới cô đơn và hoan lạc. Cô đơn là một trạng thái bi kịch, là nỗi đau tinh thần lớn nhất của con người. Trên hành trình sống, các nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú nhận ra cái không gian cô đơn quá lớn trong những tâm hồn vốn đã đau khổ, trống trải, hoang hoải của mình. Giữa cuộc đời này, ngay trong gia đình hay trường học, con người sống với nhau nhưng không thể hiểu nhau. Trong gia đình, Quỳnh (Kín) đã không nhận được sự quan tâm của bố, Thạch (Nháp) đã bị mẹ rời bỏ để đến với nước Đức xa xôi, Đàn (Hồ sơ một tử tù) đã không nhận được sự thấu hiểu của anh trai mình, Phương (Kín) bị bố dượng hãm hiếp, Kiên (Kín) đã bị bỏ rơi từ lúc mới sinh ra. Ở giữa trường lớp, Đàn bị cô lập trong hội đồng kỷ luật, Đại (Nháp) bị bạn bè xem là ”có vấn đề”, bị ”biêng biêng” nên chẳng ai gần gũi…

Cuộc sống của họ bị cô đơn, lạc loài bủa vây các nhân vật trong Kín. Trong bôn ba thân phận, Quỳnh – cô bé Lửa Cháy lạc chợ năm nào – trở về lại ngôi nhà giàu có nhưng không tìm thấy nổi tình yêu thương. Vì cô đơn nên Quỳnh đã rời xa bố và đi khỏi ngôi nhà của mình. Quỳnh đã sống lạc loài và giẫm chân lên những cuộc chơi vô thức mang sức mạnh hủy diệt cả cuộc sống. Hoàn trở thành một kẻ săn người thuê với vết chém thù vắt ngang mặt như một dấu tội lỗi không thể xóa nhòa. Kiên – đứa trẻ bị bỏ rơi trên băng ghế đá – phải tự chống trả với khắc nghiệt của đời để lớn lên. Phương không thoát nổi nghiệp ”làm phò” – cái nghề bán thân xác từ tuổi 15. Những mảnh đời bất hạnh lạc loài tìm thấy nhau trong ”đơn côi trần thế”, cùng gom nhặt đến kiệt cùng sức lực để cưu mang nhau đi qua ”tuổi thơ dữ dội”. Để rồi, thời gian và dòng đời cuốn mỗi người trôi về một ngả. Họ sống trong thế giới cô đơn, cô độc ngay giữa xã hội.

Thực ra cô đơn luôn gắn với nỗi sợ, giống như một cái gai cứ chực cứa vào da thịt của Diệu (Phiên bản). Vì thế, Diệu cố tỏ ra hung hãn chẳng qua là để che giấu đi nỗi sợ hãi trong lòng. Cái chết của Tùng luôn hiện về “vọng vào thị, cắt cứa, công phá, xô dạt những cảm xúc của thị”. Những cơn ác mộng khủng khiếp thường xuất hiện trong giấc ngủ muộn mằn “bóp ghẹt trái tim” Diệu. Bi kịch cuộc đời diễn ra liên tiếp, không một giây phút được nghỉ ngơi thanh thản, sau bao hỉ nội ái ố của cuộc đời, giờ đây Diệu cô đơn tột cùng trong kiếp góa bụa không con cái của mình.

Nguyễn Đình Tú đã để cho các nhân vật sống với nhau trong những quan hệ xã hội dày dặc: anh em, thầy cô, vợ chồng, cha con… Quan hệ gần gũi, thân thiết nhưng lại chẳng thể hiểu được nhau. Và vì không hiểu được nên chẳng thể cảm thông, chia sẻ với nhau. Trong không gian cô đơn và hoan lạc, các nhân vật của Nguyễn Đình Tú trần mình đi tìm bản thể. Mỗi người phải đấu tranh để tồn tại, cố tách ra khỏi vòng lẩn quẩn giữa thù hận và yêu thương, giữa toan tính ích kỷ và tha thứ bao dung, giữa thấp hèn và thanh cao, cả giữa sự sống và cái chết… Nhưng rồi, Quỳnh như lạc vào mê lộ của kí ức tuổi thơ, Kiên luôn khắc khoải về nhóm bạn ở ga tàu (Kín), Đại tìm về những kỉ niệm đẹp bên Thảo (Nháp), Diệu tiếc nuối nhớ về Nhân (Phiên bản)… con người lạc lối trong chính cuộc hành trình nhân sinh và duy trì bản ngã của mình. Họ cô đơn ngay trong xã hội, lạc lối trong không gian sống của chính họ.

Và trong không gian của cô đơn ấy, hoặc là họ đẩy mình tìm quên trong men rượu, hoặc trong tình dục. Chuyện tình dục, tình yêu, sự xuất hiện ”giới tính thứ ba” trong xã hội hiện đại là một ám ảnh. Nhưng ở tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú, sex hay tình dục chẳng qua cũng chỉ là cái cớ, là cách đưa đẩy các tình tiết để tác giả bộc lộ những băn khoăn nhức nhối của giới trẻ nói riêng và những luận giải bất tận về con người nói chung… Khi cô đơn, “tìm không được cái mình cần tìm” họ sa vào đời sống tình dục lệch lạc. Không gian thế giới cô đơn và hoan lạc của các nhân vật bủa vây khắp chốn.

Vùi mình trong men say tình yêu, hoan lạc, nhưng cũng không vì thế mà các nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú nhìn thế giới này đẹp đẽ hơn. Thạch (Nháp) bị đẩy vào không gian thế giới cô đơn, hoan lạc khi nỗi “ám ảnh giống đực nhược tiểu” xuất phát và đầy đọa Thạch. Thạch bị cuốn vào vòng tình dục đồng giới để rồi đánh mất năng lực tình dục tự nhiên, rơi vào vòng bế tắc mà không có lối ra. Vì cô đơn mà cả Thạch và Đại đều phải nhờ đến sự thần kì của viên ngọc ước. Vì cô đơn mà họ phải tìm đến thế giới của sự hoan lạc, buông thả. Nguyễn Đình Tú đã để cho các nhân vật của mình chìm vào trong dục vọng. Thế giới sex đã cuốn hút lấy họ như một thứ ma túy khó lòng dứt ra được. Nhưng sâu thẳm trong tâm hồn Quỳnh (Kín), cái cô tìm kiếm ở sex là cái mùi tinh khôi của tuổi dậy thì, bụi bặm mà trong trẻo, khi mà sự dâng hiến vượt lên nhục cảm đầu đời của lần chung đụng đầu tiên với Kiên, cậu bé hơn cô hai tuổi trong toa tàu hoang. Cô đã cố tìm lại cảm giác đó bằng những chàng trai để rồi lần lượt thất vọng về họ.

Không gian của thế giới cô đơn, hoan lạc trong tiểu thuyết có đề cập đến sex. Tuy nhiên, điều làm cho người đọc bị ”bắt chặt” vào với tiểu thuyết không phải là những trường đoạn nói về sex nặng hay nhẹ, đẹp hay dung tục, chính đáng hay sa đoạ mà chính bởi sự lôi kéo của tâm lý nhân vật đã làm cho độc giả có cảm giác đang cùng đồng hành và chia sẻ với những phận người ẩn chìm sau câu chữ. Người đọc lại cảm thấy vừa đáng trách, vừa đáng thương đối với những phận người gắn liền với thế giới của cô đơn và hoan lạc.

2. Không gian trải nghiệm – thế giới chênh vênh của con người giữa đôi bờ Thiện – Ác

Xuyên suốt các tiểu thuyết, Nguyễn Đình Tú đã để cho các nhân vật có sự dịch chuyển, trải nghiệm bản thân giữa các vùng không gian khác nhau. Sự trải nghiệm đó có ảnh hưởng đến những biến đổi của các giá trị cuộc sống ở từng nhân vật. Không gian trong tác phẩm là môi trường cho nhân vật hoạt động. Hình tượng không gian hiện thực, không gian trải nghiệm trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú có nội dung phản ánh cuộc sống đời thường của những mảnh đời tội lỗi. Hình tượng không gian được Nguyễn Đình Tú miêu tả đa dạng, cụ thể từ bối cảnh thế giới ngầm bên ngoài xã hội, đến thế giới nội tâm bên trong của con người… Trong đó cái Thiện và cái Ác luôn chi phối, tạo nên thế giới chênh vênh trong con người.

Sự dịch chuyển của Đàn (Hồ sơ một tử tù) từ nông thôn ra thành thị cũng là từ ngôi trường hiền lành đến không gian của khu đào vàng Lũng Sơn đầy tội phạm, dân giang hồ, bọn lục lâm thảo khấu đã làm biến đổi hoàn toàn cuộc sống của nhân vật này. Không gian của làng quê, của trường học, của bãi vàng, của nhà chùa, của những lần trốn chạy và của tù ngục cứ lần lượt hiện lên qua từng chặng đường đời của Bạch Đàn – nghiệt ngã và xót xa. Qua từng không gian sống, Đàn đã bị tha hóa dần dần về nhân phẩm, kết cục Đàn trở thành một tên cướp khét tiếng của vùng núi Lũng Sơn và trượt dài trên con đường tội lỗi… Để rồi rơi vào tình trạng sống ngày nào hay ngày đó, phải chui lủi, trốn tránh để hòng giữ được mạng, “hắn sống vì sợ ngày mai phải chết. Nghĩa là hắn sống gấp”. Giá trị cuộc sống của hắn không còn ý nghĩa. Nói đúng hơn, hắn chỉ tồn tại chứ không sống!

Cuộc sống của con người trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú còn hiện ra ở không gian thành phố, không gian đô thị đầy rẫy những cạm bẫy đối với con người. Tác giả đã đặt nhân vật Diệu (Phiên bản) vào không gian vùng đất nghịch “Ngã ba sông” để kể câu chuyện về sự tha hóa của Diệu – Hương Ga, từ một cô nữ sinh ngây thơ thành một siêu giang hồ. Cùng với quá trình tha hóa của Hương Ga, không gian xóm Đường Tàu ở mảnh đất Hải Phòng được mở rộng đến tận Sài thành.

Không chỉ xây dựng trong tiểu thuyết của mình những không gian đời sống khắc nghiệt, với một niềm tin yêu cuộc sống, Nguyễn Đình Tú đã bày tỏ sự thấu hiểu và đồng cảm với rất nhiều số phận khác nhau. Với Diệu, không gian thành phố Lớn đầy ắp những hứa hẹn về sự đổi thay, sẽ làm cuộc sống của Diệu tốt đẹp hơn: “Em vào thành phố lớn để kiếm tìm cho mình những đổi thay anh ạ”. Tương tự, không gian Hải Thành là nơi Quỳnh (Kín) tìm về sau bao nhiêu năm xa cách. Nhưng cuối cùng, khi đặt chân đến được đến ga Hải Thành, “Quỳnh lại cảm thấy trống rỗng và buồn nản quá chừng”. Mọi thứ nơi đây từ cảnh vật đến con người đã thay đổi. Ở cuối tiểu thuyết, Nguyễn Đình Tú đã để cô từ bỏ tam giác không gian đô thị sống quen thuộc của mình, quyết tâm đi đến cùng không gian bờ biển mới: Quảng Thành – với mong muốn giá trị cuộc sống sẽ đổi thay với chiều hướng tích cực hơn.

Hầu như các nhân vật tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú rất ít hoặc không thể được sống trong những gia đình hòa thuận, yên ấm, dù họ còn rất trẻ. Họ thường bị đẩy ra, hoặc tự mình vẫy vùng thoát khỏi không gian gia đình chật hẹp, mê man đi theo tiếng gọi bạn bè hay tình ái, với những ham muốn bất chợt, bất thường… Trượt dài theo bước đường lang bạt, giang hồ, các nhân vật đã dần tự mình thay đổi bản thân, làm biến đổi của các giá trị cuộc sống của chính họ.

Một điều dễ nhận thấy là trong các tiểu thuyết của mình, Nguyễn Đình Tú thường nhìn nhân vật cận cảnh, với trường nhìn mở rộng theo sự trải nghiệm của nhân vật. Không gian sống luôn thay đổi gắn với sự thay đổi của tính cách, số phận nhân vật và sự biến đổi của các giá trị cuộc sống con người vì thế, dường như cứ chênh vênh trong thế giới người, chênh vênh giữa đôi bờ Thiện – Ác. Vì không gian sống, vì hoàn cảnh cuộc sống và vì cả bản thân không vững vàng được trước những biến cố của cuộc đời mà nhiều người đã đánh mất mình, khiến cái Thiện phải co mình trước cái Ác. Hiện tượng cái Thiện bị lạc đường đã được Nguyễn Đình Tú nhìn nhận như những điều nhức nhối qua từng trang văn.

Ngòi bút của Nguyễn Đình Tú thực sự tự do khi tung hoành, nhào nặn, đẩy đưa với những tình tiết dồn dập đắt giá mang đến cho người đọc hình ảnh một thế giới giang hồ muôn hình vạn trạng để họ cùng hãi hùng, rùng rợn trước sự hiện hình của cái ác, cùng lo âu phấp phỏng cho số phận của con người, cho sự yếu thế của cái Thiện đang bị lạc đường và có nguy cơ bị đánh bại… Theo từng trang tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú, người đọc cảm nhận được sự tăng dần của nỗi đau và sự lo sợ trong lòng mình. Đó là nỗi lo về một điều gì đó mà bản thể con người không thể nắm bắt và chế ngự nổi, một cái gì đó cứ trào lên như dòng nham thạch chứa những độc tố tràn ra khắp không gian sống.

Ngay chính không gian của bãi vàng Lũng Sơn, Bạch Đàn (Hồ sơ một tử tù) đã nhiều lúc dằn vặt, bất an về chính về chính hành vi của mình đã gây nên. Qúa nhiều tội lỗi, nhưng phần nhân tính trong con người Đàn vẫn luôn tồn tại. Đã có lúc Đàn nghĩ đến tự thú để xứng đáng là một người chồng, một người cha khi nằm trong hang đá của nơi rừng thiêng nước độc. Hắn hiểu rằng tự thú thì phải chịu án tù, dẫu rằng bảy năm, mười năm, hay mười lăm năm thì vẫn còn có ánh đèn ở cuối đường hầm. Đằng này cứ chui rúc, chạy trốn thế mọi thứ quanh hắn chỉ là hang đá tối đen, hun hút, vô định. Nhưng rồi hắn lại sợ, lại bấp bênh dằn vặt, hắn tiếp tục đi trong bóng tối và hoài nghi với sự lựa chọn của mình. Và nhiều lúc trên bãi đá ấy, Đàn đã nghĩ đến tự sát, muốn kết thúc cuộc đời mình cho thanh thản. Lương tâm, trách nhiệm của một người chồng, một người cha luôn đeo bám hắn kể từ khi Hồng Nhung có mang. Hắn nhận ra mình vô nghĩa khi sống mà mang quá nhiều tội lỗi với bàn tay đã nhúng chàm. Nhưng cũng vì tương lai của vợ con, không muốn vợ con khổ, nên hắn đã phải sống, tiếp tục bước đi trên vũng bùn tội lỗi ở không gian bãi đào vàng Lũng Sơn…

Không gian đường ray với những bước đi của Diệu và Nhân (Phiên bản) được Nguyễn Đình Tú hình tượng hóa nhằm nói lên sự bấp bênh trong lựa chọn của Diệu. Từ lúc Diệu còn là cô nữ sinh lớp 9, được Nhân đưa về: “Đi giữa hai thanh ray em cứ sờ sợ thế nào ấy. Vậy mà hôm đó anh xách cặp cho em. Hai đứa đi giữa hai thanh ray, vừa đi vừa nói chuyện, thỉnh thoảng lại bật lên những tràng cười”. Cho đến khi Diệu đã trở thành giang hồ có tiếng ở Ngã ba sông: “Anh và em như hai đường ray tàu ấy nhỉ, cứ chạy mãi miết về phía trước cuộc đời mà chẳng thể nào gặp được nhau”. Đường ray tàu bên này là Diệu, đường ray tàu bên kia là Nhân – một bên là đam mê và tội lỗi, một bên là con người với ý nghĩa đích thực của nó. Diệu cứ chông chênh giữa hai bến bờ được và mất, tồn tại và ra đi. Nếu như cô bằng lòng chấp nhận tình yêu bên Nhân thì dù sao tâm hồn cũng có được một bến neo dừng. Nhưng điều đáng nói ở chỗ cô lại chạy trốn nó, cô cứ ngày càng đi xa mãi, rời xa cả quê hương mình để đến một chân trời khác, để rồi cô không dám quay trở lại nơi ấy nữa – nơi có một người bà gần đất xa trời trông ngóng cô từng ngày, nơi có một niềm yêu mà cô luôn giấu kín trong lòng. Phải chăng đây cũng chỉ là một sự chạy trốn hiện tại. Nhân vật của Nguyễn Đình Tú mang trọn trong mình mọi ẩn ức của cuộc sống, vì cứ mải miết kiếm tìm nên họ thực sự chưa sống trọn vẹn cho một cái gì, tất cả cứ như đang rượt đuổi, dao động và kiếm tìm.

Trong không gian biệt thự có hoa lam tường phủ kín, Quỳnh (Kín) được bố hết sức yêu chiều nhưng cô vẫn luôn bất định về sự lựa chọn của mình. Mọi cố gắng của người cha đều thất bại bởi Quỳnh không thể hòa giải được giữa sự mù mờ, bất định về mục đích, ý nghĩa tồn tại và sự phi nghĩa của cuộc đời; giữa sự tự nhận thức và ý thức; giữa những nỗ lực tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống và kết quả đạt được. Trong căn nhà đó, Quỳnh tìm đến cái chết vì thấy ”kiếp người chỉ mang thứ màu lễnh loãng phù vân”, thấy mình vô nghĩa khi có mặt trên cõi đời này. Quỳnh không chỉ hủy hoại mình bằng thể xác mà cô còn huỷ hoại mình về tinh thần.

Thực tại cuộc sống của Quỳnh nhuốm màu u buồn, bức bối, ngột ngạt. Ngôi nhà cao tầng khang trang nhưng ẩn chứa sự ảo não không níu giữ nổi khát vọng muốn đi tìm lại cái tôi, tìm lại mình của Quỳnh. Mọi thứ sung sướng, hứa hẹn trước mắt không dập tắt được ý định: “Muốn đi đâu đó, xa căn nhà thành phố ven sông, xa những khuôn mặt quen thuộc vẫn hiển hiện hàng ngày” của cô. Cô đã quyết định rời xa người bố “luôn thờ ơ với mọi diễn biến nội tâm của Quỳnh”, quyết tìm lấy cái mình cần tìm. Mà cái cần tìm ấy là gì? Với Quỳnh, đó là cái cụ thể nhưng cũng vô hình: “Nó có thể là nhà ga, là thanh ray tàu, là một khuôn mặt của ai đó như Kiên, Hoàn, Phương, Bình chẳng hạn. Nó cũng có thể là một cơn đói, một bữa no, một khoảnh khắc đáng sợ, một giấc mơ nghiến vào bánh tàu, một đêm đông lạnh lẽo, một vũ khúc quỷ thần, một bờ đê lộng gió, một mơ hồ thức dậy trong cơ thể, một khát khao tìm mẹ… Tóm lại là Quỳnh phải tìm lại một quãng kí ức của mình… (…) Có thể thấy, trong không gian sống thực tại nhân vật của Nguyễn Đình Tú chính là những con người đa cảm, đa sự, buồn khi đang vui, cô đơn ngay trong hạnh phúc. Tính cách nhân vật phát triển phức tạp. Điều này không chỉ diễn tả bộ mặt đời sống và tâm hồn con người đa dạng mà còn cho thấy tính chất bộn bề của cuộc sống. Nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú, khuôn mặt nhân sinh dường như đang hối hả trong hành trình từ những trăn trở, bất an, chênh vênh của cuộc sống để quay về quá khứ trong những hoài niệm xa xôi với hi vọng tìm một chốn ”an cư” cho tâm hồn mình. Đó là hành trình sống vất vả, đau đớn và đậm tính nhân bản.

3. Không gian tâm linh – miền cứu rỗi những kiếp đời lầm lạc

Không gian tôn giáo, hình tượng tôn giáo như ngôi chùa, sư ông, đức cha… thường xuyên xuất hiện với mật độ cao trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú. Niềm tin tôn giáo đã giúp các nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú tin tưởng, hy vọng vào những điều bình dị trong cuộc sống, giúp con người vượt lên những khó khăn, làm cho đời sống tinh thần được thăng hoa.

Đức tin Thiên Chúa cũng khiến người dân thị trấn Nét mặt buồn (Bên dòng Sầu Diện) sống hòa nhã, lương thiện, tin yêu mọi người hơn. Đó là không gian nhà thờ nơi Phố Núi (Nháp), là không gian vùng đất đạo An Lạc của thành phố biển Hải Phòng (Bên dòng Sầu Diện). Trong tâm thức của Thảo (Nháp), Chúa là đích đến, là chốn cõi tuyệt đối để con người nương tựa. Chúa và câu Kinh thánh xuất hiện ở đầu một số chương trong Phiên bản có giá trị như một tấm gương soi, để nhân vật Diệu nhìn vào đó nhận ra những góc khuất trong tâm hồn và giúp tâm hồn ấy dần dần được thanh lọc.

Không gian tâm linh trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú còn là không gian của chùa chiền. Không gian chùa Áng Sơn là nơi Hiến (Hồ sơ một tử tù) – người bạn ấu thơ của Bạch Đàn gửi gắm cuộc đời mình sau những tháng ngày tuổi thơ cực nhọc, phải bon chen để sống với đời. Và chính bản thân Bạch Đàn sau lần nói chuyện với Hiến – đã là nhà sư Pháp Thiện – cũng có ý định nương nhờ cửa Phật để xóa đi những nghiệp chướng mình gây nên. Chùa Tử Tội là nơi đã giúp Đại (Nháp) tìm được về với phần Thiện trong con người mình khi hắn vượt ngục và ẩn nấp ở đó. Sau bao năm phiêu bạt, chinh chiến giang hồ, mái tóc đã hoa râm, đôi mắt trở nên u buồn, “Tân không còn tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống nữa” (Phiên bản) nên đã tìm đến cái chết. Bức tượng Phật mà Tân đặt trong phòng riêng là cách Tân tự mình hối cải cho nhưng hành vi tội lỗi của mình. Nó giúp Tân giải thoát, cứu chuộc linh hồn, giải phóng con người ra khỏi tù ngục của hoang mang, đớn đau.

Nguyễn Đình Tú còn đưa cả không gian văn hóa dân gian cùng tín ngưỡng thờ Mẫu vào tác phẩm, có lẽ nhà văn muốn chứng tỏ, con người đang sống trong một xã hội hiện đại vẫn không thể dứt bỏ được tín ngưỡng, văn hóa truyền thống. Người ông của Quỳnh (Kín) theo thờ đạo Mẫu đã làm lễ trình đồng mở phủ mong khấn tìm cho được tung tích của Quỳnh từ ngày cháy chợ. Các hình tượng tâm linh, không gian nhà thờ, chùa chiền, đạo Mẫu được đưa vào nhằm cứu rỗi những kiếp đời lầm lạc, những mảnh đời đã lầm lỡ gây nên nhiều tội lỗi.

Nguyễn Đình Tú đã đặt nhân vật của mình vào các không gian tâm linh, không gian tôn giáo để sau những giây phút bận rộn, đương đầu với những khó khăn của cuộc sống đời thường, họ tìm thấy sự bình yên tâm hồn. Thế giới tâm linh, tôn giáo đã giúp cho các nhân vật có chỗ dựa về tinh thần, biết hối cải, thanh lọc tâm hồn của họ.

Quả thực thế giới tinh thần con người từ phương diện đời sống tâm linh – tôn giáo qua ngòi bút Nguyễn Đình Tú đã hiện lên rất sống động. Suy nghiệm để rồi triết thuyết về đức tin tôn giáo như một trợ lực tinh thần, hướng thượng và bảo dưỡng tính thiện trong con người như vậy, nhà văn đã chạm được đến tận gốc rễ của con người ở “bên kia bờ lý tính”. Mặt khác, qua những trang viết về không gian tâm linh – tôn giáo, Nguyễn Đình Tú đã thổi hồn văn hóa dân tộc vào chính những trang văn. Những tiểu thuyết của nhà văn vì thế vừa mang đậm chất hiện đại, vừa mang đậm chất văn hóa. Hơn thế nữa, hình tượng không gian tâm linh – tôn giáo đã giúp người đọc cảm nhận rõ hơn nỗi khó nhọc của phận người, và cũng từ đó mà biết cảm thông và yêu thương con người hơn.

Qua các trang tiểu thuyết, Nguyễn Đình Tú cũng đã cùng nhân vật chăm chú đi tìm và giải mã sự bí ẩn của cái tôi. Nhà văn còn đặt nhân vật của mình vào không gian chiêm ngắm để nhân vật tự ý thức, tự nhận diện về bản thân mình.

Hầu như các tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú đều khiến cho độc giả khi gấp sách lại vẫn còn bị ám ảnh bởi sự cảm nhận cuộc đời không chỉ ở bề rộng mà cả ở bề sâu của nhà văn. Nguyễn Đình Tú đã dành cho cuộc sống cái nhìn ưu tư, mẫn cảm, nhờ những trang văn của mình để giúp người đọc soi vào những phần ”lệch chuẩn” trong con người mình mà bộc lộ nỗi niềm trước cuộc sống và con người. Không chỉ thế giới tâm hồn mà ngay cả thế giới bên ngoài và cuộc sống hàng ngày cũng được nhân vật lôi cuốn vào quá trình tự chiêm ngắm, tự ý thức trong cái cõi riêng khi nhìn nhận bản thân. Người đọc nhận ra rằng, đằng sau ngòi bút sắc lạnh miêu tả hiện thực là những đắng cay, xót xa, lo lắng của nhà văn trước những con người luôn chiêm nghiệm, dằn vặt về bản thân.

Trong không gian nhà giam tử tội, năm đêm cuối để chờ ngày xử án, Đàn (Hồ sơ một tử tù) đã mơ thấy những người bị hại dưới tay Đàn đến đòi lại quyền được sống cho họ và người thân. Trong bốn bức tường nhà ngục ấy, những cơn ác mộng kéo đến liên tiếp, khiến Đàn trằn trọc suy tư, ăn năn về tội ác của hắn. Giữa bốn bức tường nhà giam tử tội này, hắn chỉ biết hối hận về những điều hắn đã làm, con đường hắn đã đi, tội ác hắn đã gieo trồng mà không còn cơ hội để làm lại cuộc đời. Tất cả đã muộn màng!

Không gian nhà ngục cũng là nơi mà Diệu (Phiên bản) có thời gian nhìn nhận lại những hành động sai trái của mình ở ngoài. Vì thế, “trong trại mà nhiều lúc thị cảm thấy tinh thần thoải mái hơn ở nhà. Đầu óc nhẹ nhõm hản đi. Ít ra thì thị cũng được thực sự nghỉ ngơi, không phải lo toan cả tỉ thứ việc ngoài đời”. Ngôi nhà số 4 Trường Thành của Diệu đã trở thành không gian tự chiêm ngắm của cô. Ở đấy, nhiều lúc Diệu đã tự độc thoại chất vấn tâm can, tìm đường rũ bỏ bụi bặm giang hồ để quay về với cái ”nhân chi sơ tính bản thiện” của con người. Đối diện với mình Diệu thấy “thương hại cho một phần đời quá khứ”. Nỗi ám ảnh luôn đè nặng lên tâm trí khiến hai từ  ”tội phạm” ”cứ như mũi khoan xoáy vào lòng”.

Nguyễn Đình Tú đã quan tâm tới những khoảng không gian tâm hồn khi con người khi tự chiêm nghiệm về bản thân. Ở không gian riêng của mình ấy, Diệu đã đối thoại với trăng, để trăng dẫn đi qua không gian ký ức này đến không gian ký ức khác mà nhận ra bản thể của mình. Những giọt nước mắt chiêm nghiệm, hối hận muộn mằn cho những lỗi lầm của cái ác đã gây ra…

Không gian tâm hồn người còn được Nguyễn Đình Tú khắc họa bằng những trang nhật ký của Bình (Kín). Cứ sau mỗi lần gặp lại Kiên, trò chuyện ôn lại những kỉ niệm đã qua, về nhà, Bình đều ghi vào nhật ký của mình. Đó cũng là một cách bứt mình ra khỏi cuộc sống hiện tại tầm thường, thoát ra khỏi những thói quen, để trở về với không gian của riêng mình. Nguyễn Đình Tú đã để nhân vật thu mình vào một góc khuất để lắng suy, chiêm nghiệm, để có thể trải lòng mình ra mà trở về quá khứ của mình bằng những dòng hồi cố bất tận.

Trong không gian sống của hiện đại, các nhân vật của Nguyễn Đình Tú bị cuốn sâu vào vòng xoáy chóng mặt, khắc nghiệt của xã hội đang phát triển mà vô tình đánh mất chính bản thân mình. Các tiểu thuyết của anh viết về sự phi lý của cuộc sống, về sự “biến mất” của con người cá nhân, nhân cách, phẩm giá. Con người trở nên cô đơn và hư vô bởi không trả lời được câu hỏi: “Mình là ai?”. Có thể nói, mỗi tác phẩm của Nguyễn Đình Tú đều chứa trong nó những cuộc tìm kiếm bản thể. Nhân vật thường tự cuộn mình vào trong một không gian riêng để nhìn nhận, để chiêm ngắm, sâu lắng nhưng cũng đầy giằng xé. Vì thế, một mạch ngầm xuyên suốt các tiểu thuyết chính là hành trình đi tìm cái tôi, đi tìm bản ngã, đi tìm lí tưởng cho mình của các nhân vật.

Nguyễn Đình Tú đã xây dựng được trong tiểu thuyết của mình hình tượng không gian hiện thực và không gian trải nghiệm khắc nghiệt dẫn đến bi kịch cho con người trong quá trình tìm ý nghĩa thực sự của sự sống và giá trị tồn tại. Và những con người tội lỗi ấy đã tìm đến chốn tâm linh, tự hối lỗi để có được sự bình an trong tâm hồn. Qua việc xây dựng hình tượng không gian trong tiểu thuyết, nhà văn đã có được một hình thức biểu hiện tư tưởng thẩm mĩ, tình cảm, cảm xúc, một phương thức chiếm lĩnh hiện thực cuộc sống riêng.

P.T.T.N Lớp Cao học Văn học Việt Nam K22 – Đại học Đà Nẵng

Nguồn: Vannghequandoi

Exit mobile version