Phan Tuấn Anh
1. Hình tượng dịch bệnh – nhìn từ mã thẩm mĩ
Có thể nói, những bệnh dịch là hệ thống hình tượng đáng chú ý trong tiểu thuyết G.G.Márquez với nhiều ẩn dụ về nền tảng chính trị, xã hội, văn hóa và tôn giáo tại Mĩ Latinh. Dịch mất ngủ, mất trí nhớ trong Trăm năm cô đơn khiến mọi nhân vật trở nên lú lẫn phải ghi tên và chức năng của các sự vật hiện tượng ra giấy rồi dán lên. Tình yêu thời thổ tả thì ám ảnh người đọc bởi những con tàu mang cờ vàng chạy dọc sông Magdalena báo hiệu có bệnh nhân đang mắc dịch tả trên tàu. Bệnh lậu cũng được đề cập trong nhiều tác phẩm như Trăm năm cô đơn, Tình yêu thời thổ tả, Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi… Những bệnh dịch lây lan nhanh trong xã hội ở tiểu thuyết Márquez không đơn thuần là câu chuyện cá nhân, nỗi đau cá nhân của các nhân vật mắc bệnh, mà phản ánh những tồn tại xã hội, bi kịch tộc loại ở tầm tổng thể.
Nhưng đóng góp đặc sắc của Márquez là ông đã lai ghép được hiệu ứng thẩm mĩ của những phạm trù vốn dĩ đối lập như dịch tả – tình yêu, mất ngủ – sự lãng quên, lậu – hoan lạc… một cách đầy thuyết phục, khả tín. Chẳng hạn, nhà văn đã nhìn ra sự tương đồng giữa tâm trạng “đang yêu” với… triệu chứng “bệnh thổ tả”, xét về tương quan giữa mặt hiệu ứng thẩm mĩ và bệnh lí học. Đúng như nhận định của người cha đỡ đầu nhân vật F.Ariza trong Tình yêu thời thổ tả: “Những triệu chứng của người thất tình cũng là triệu chứng của người mắc bệnh tả.” Chúng ta hoàn toàn có thể lược khảo quá trình lập luận đó nhờ sự đối sánh liên văn bản, giữa một bên là văn bản tiểu thuyết và một bên là văn bản y học về những triệu chứng lâm sàng của căn bệnh tả. Từ quá trình liên tưởng và xác lập mối tương đồng về những “triệu chứng” giữa tình yêu và căn bệnh tả, chúng ta khi tiếp xúc với văn bản tiểu thuyết sẽ dễ dàng chấp nhận hiệu ứng thẩm mĩ mới này, mà không bị một cú sốc về mặt “ngưỡng tâm lí” (Nguyễn Văn Dân). Chính vì vậy, hiệu ứng thẩm mĩ lớn nhất trong việc lựa chọn lai ghép tình yêu và căn bệnh thổ tả đó là nhờ năng lực “lạ hóa tính thẩm mĩ của tình yêu”, hoặc ngược lại là “thẩm mĩ hóa căn bệnh thổ tả”. Nhưng do tiểu thuyết Tình yêu thời thổ tả lấy tình yêu làm trung tâm của đời sống thẩm mĩ, cho nên hướng nhìn nhận hiệu ứng “lạ hóa tính thẩm mĩ của tình yêu” đóng vai trò là cảm quan chủ đạo trong tác phẩm.
Tuy nhiên, chìa khóa quan trọng nhất nhằm đi sâu cắt nghĩa giá trị thẩm mĩ của hình tượng lai ghép giữa “tình yêu” với “thổ tả” lại tồn tại sâu xa trong cội nguồn văn hóa trào tiếu dân gian phương Tây (Âu – Mĩ). Có thể nói, Márquez là một biểu hiện sinh động cho dòng chảy văn hóa trào tiếu dân gian trong văn học đương đại. Khác với F.Rabelais đã sống và viết trực tiếp trong khí quyển của văn hóa trào tiếu dân gian, Márquez duy trì sức sống của nền văn hóa này một cách ngầm ẩn hơn, qua sự động vọng sâu sắc từ những tiếng nói trong quá khứ, kết hợp với thanh âm cảm quan văn hóa hậu hiện đại cùng bản sắc Mĩ Latinh.
Ở trường hợp cụ thể khi xem xét hình tượng lai ghép giữa “tình yêu” với căn bệnh “thổ tả”, có thể nhận rõ tính chất “nhị chức năng” trong nghệ thuật xây dựng hình tượng kiểu “nghịch dị” của Márquez. Gắn tình yêu với một căn bệnh vốn không lấy gì làm sạch sẽ là vừa hạ thấp lại vừa đề cao tình yêu. Hạ thấp ở chỗ xem tình yêu là một dạng chất thải tiêu hóa, nhưng đề cao cũng nằm ngay trong chính cảm quan đó, tức xem tình yêu là xác thực, mang tính vật chất và thân xác rõ nét. Bakhtin từng nhận định: “Một trong những khuynh hướng chủ yếu của hình tượng nghịch dị tựu trung lại cho thấy hai thân thể trong một thân thể: một thân thể đang sinh nở tiêu vong, thân thể khác đang được thụ thai, đang được ấp ủ, đang được sinh hạ.” Thức ăn và phân là hai mặt tất yếu của quá trình tiêu hóa; tiêu hóa là quá trình sinh học tất yếu của tồn tại người. Như vậy, thủ pháp lai ghép hình tượng “tình yêu” với hình tượng “phân” chính là dụng ý gắn cho tình yêu thuộc tính tất yếu và phổ biến của quá trình sống. Nhưng “phân” ở đây không đơn thuần là chất thải, nó cần được xem xét trong tính nhị chức năng đặc thù của văn hóa lộn trái mang tính chất hội hè, mà tiêu biểu nhất là lễ hội Charivari của thế kỉ XIV, một lễ hội mà người ta quét phân vào người qua đường. Phân là một dạng tồn tại khác của thức ăn, là thức ăn đã qua “trải nghiệm người”, tức thức ăn đã phát huy tác dụng. Phân, do đó, còn là một biểu tượng của phục sinh, khi nó quay về lại với mẹ đất, làm giàu cho nơi đã sản sinh ra nó. Mặt khác, nếu thổ tả (phân) là cơ thể cũ đang bị tiêu vong, thì tình yêu chính là phương án cứu chuộc, một thân thể mới đang được sinh hạ, ấp ủ và thụ thai trên nền thân thể tiêu vong đó.
2. Hình tượng dịch bệnh – nhìn từ mã lịch sử, văn hóa
Các bệnh dịch trong tiểu thuyết Márquez nói với chúng ta nhiều diễn ngôn chính trị, xã hội, lịch sử. Đa phần những bệnh dịch đó đều động chạm đến một vấn đề mang tính thời sự thường trực ở Mĩ Latinh nói chung và Colombia nói riêng: kiến trúc quy hoạch đô thị lạc hậu, sự mất vệ sinh ở những thành phố lớn, tệ nạn xã hội tràn lan, quản lí quan liêu, y tế công cộng kém cỏi, thói mê tín dị đoan trong việc phòng dịch… Chính hiện thực của Mĩ Latinh trong thời hậu thực dân đó đã tạo ra một “thời đại thổ tả” theo quan niệm nghệ thuật của Márquez.
Cái “hiện thực ngoại cỡ ấy” – như cách ví von quen thuộc của Márquez – đã tạo điều kiện cho căn bệnh tả được tác oai tác quái. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Márquez đã chọn địa danh Cartagena de Indias ven biển, nơi gần khu vực của sông Magdalena, làm bối cảnh cho câu chuyện tình yêu gắn với căn bệnh dịch tả. Như vậy, chúng ta có thể nhận ra “tính hiện thực” đã hòa quyện với “tính lãng mạn” và “tính huyền ảo” một cách nhuần nhuyễn trong các tác phẩm của nhà văn người Colombia. Nói cách khác, diễn ngôn về tình yêu (lãng mạn) và diễn ngôn về bệnh tả (hiện thực) đã được lai ghép một cách thống nhất trong tác phẩm, bởi chúng đều bắt nguồn từ những cơ sở và nền tảng vững chắc trong quan niệm thẩm mĩ của nhà văn, bắt nguồn từ hiện thực Mĩ Latinh thời hậu hiện đại.
Nhưng, những cảm thức và hiện trạng trong thời hậu hiện đại ở Mĩ Latinh chỉ là “kết quả”, xuất phát từ những nguyên nhân sâu xa trong lịch sử thực dân hóa vùng đất này. Chính vì thế, nếu xét mối quan hệ ý nghĩa giữa “tình yêu” và “thổ tả”, chúng ta cần quay về mốc 1492 – năm đầu tiên C.Columbus tìm ra châu Mĩ. Một cái nhìn lịch sử xuyên suốt dọc dài tiến trình phát triển của Mĩ Latinh – mà thực chất là xem xét quá trình thực dân hóa vùng đất này, biến địa danh Trung Mĩ (Trung Mĩ và vùng biển Caribbean) và Nam Mĩ thành địa danh “Mĩ Latinh” – sẽ giúp giải mã dụng ý nghệ thuật của Márquez trong việc lựa chọn tựa đề “Tình yêu thời thổ tả”.
Về mặt địa danh, Mĩ Latinh là một tên riêng mang tính thực dân, hệt như tên của nước Philippines (vốn xuất phát từ tên riêng của vua Philip II của đế quốc Tây Ban Nha) và một loạt địa danh khác ở Trung – Nam Mĩ. Điều này là hiển nhiên về mặt văn hóa, do người bản xứ Indian (da đỏ) tại Trung – Nam Mĩ không thể nào định danh văn hóa bản địa của mình là Latinh được. Nhưng rốt cuộc, đã chẳng có Mĩ Indian (Mĩ da đỏ) hoặc ở những cấp độ nhỏ hơn là Mĩ Inca, Mĩ Aztec, Mĩ Maya… nào cả, mà lại là Mĩ Latinh. Latinh là thuật ngữ thường dùng để chỉ nhóm ngôn ngữ có nguồn gốc từ Latium – vùng xung quanh thủ đô Roma của đế quốc La Mã. Latinh là cội nguồn của mọi ngôn ngữ thuộc nhóm ngôn ngữ Roman (cả tiếng Anh và tiếng Pháp), và là thứ tiếng được dùng chính thức trong văn phạm chính trị và khoa học ở châu Âu hơn một ngàn năm… Tựu trung, Latinh dù ngày nay là một tử ngữ, nhưng vẫn được xem là ngôn ngữ mang tính nghi lễ, tôn giáo, học thuật có vai trò quan trọng bậc nhất tại châu Âu (cho dù là trong quá khứ). Và như thế, Mĩ Latinh là một sự lai ghép thuật ngữ định danh mang tính thực dân, giữa vùng thuộc địa Trung – Nam Mĩ (về mặt địa lí) với văn hóa Latinh của người châu Âu (trực tiếp ở đây là người Bồ Đào Nha, Pháp, và chủ yếu là người Tây Ban Nha).
Theo Jared Diamond trong Súng, vi trùng và thép, C.Columbus không phải là người từ châu lục bên ngoài đầu tiên “phát hiện” ra châu Mĩ. Trên thực tế, những người Na Uy và có thể là cả người Trung Hoa đã phát hiện ra châu lục này từ thế kỉ thứ X, và những người Na Uy thậm chí đã từng định cư tại Greenland (một hòn đảo hiện nay thuộc Đan Mạch nhưng vị trí địa lí lại thuộc về châu Mĩ) trong một thời gian ngắn. Nhưng tại sao các cuộc khai phá đầu tiên đó không chinh phục và thực dân hóa được ngay các dân tộc Indian bản xứ, mà phải đến năm 1492 trở đi, người da trắng mới chính thức áp đặt được sự cai trị của họ? Trước tiên, theo J.Diamond, có thể xét đến một số nguyên nhân như chữ viết, ngựa và vũ khí thép(1). Tuy nhiên đây vẫn chưa phải là nguyên nhân chính yếu giúp những người thực dân châu Âu áp đặt được quyền cai trị của mình một cách dễ dàng, và tiến hành diệt chủng được người da đỏ một cách hiệu quả. Nên nhớ rằng, chỉ 7.000 người da đỏ bị giết chết trong trận Cajamarca định mệnh, 7.000 trên tổng 80.000 quân là con số thương vong chưa đáng kể. Thế nhưng, tại sao 72.000 quân còn lại không xốc nổi đội hình sau đó, học tập cách sử dụng ngựa và vũ khí thép nhằm phản kích lại những người thực dân ít ỏi và mệt mỏi sau nhiều tháng lênh đênh trên đại dương? Trên thực tế, theo J.Diamond, những người da đỏ bản địa không có cơ hội làm điều đó, cho dù nhiều dân tộc tiếp thu rất nhanh cách cưỡi ngựa, sử dụng vũ khí thép và cả súng hỏa mai, chỉ vì họ nhanh chóng bị tuyệt diệt bởi một thứ vũ khí tàn ác và hiệu quả nhất của người da trắng: vi trùng.
Những con vi trùng do người thực dân châu Âu mang đến đã gây ra các bệnh dịch khủng khiếp tại châu Mĩ như sởi, cúm, đậu mùa, sốt phát ban, dịch hạch, dịch tả… mới chính là cú đánh chí mạng của người da trắng đối với các dân tộc Indian bản địa. Chính vũ khí sinh học quan trọng này đã dịch chuyển hệ hình văn hóa Trung – Nam Mĩ, từ văn hóa Indian bản xứ sang văn hóa thực dân châu Âu (Mĩ Latinh). Theo J.Diamond, các bệnh dịch do người châu Âu mang đến đã làm chết khoảng 95% dân số Indian bản xứ; trong đó hiện nay ở nhiều quốc gia (tập trung tại các hòn đảo Caribbean ở Trung Mĩ), người da đỏ bản xứ đã bị tuyệt diệt. Dân số Indian bản địa tại Mexico (quê hương của đế quốc Aztec) ban đầu là 20 triệu người, nhưng đến năm 1618 thì chỉ còn lại 1,6 triệu người. Dịch bệnh làm chết các thủ lĩnh quân sự, các vua của người da đỏ, như trận dịch đậu mùa năm 1520 giết chết Cuitláhuac – vua của đế quốc Aztec, đánh gục ý chí kháng chiến của đế quốc rộng lớn và hùng mạnh nhất Trung Mĩ. Thực chất, hiện nay, người da đỏ chỉ là những sắc dân thiểu số, sống mông muội và biệt lập ở những nơi khắc nghiệt, khô cằn tại một số vùng thuộc các quốc gia Mĩ Latinh. Còn ở rất nhiều quốc gia khác, dân cư toàn là người da trắng, người da đen, người da vàng nhập cư và người lai. Với nguyên nhân sâu xa này, có thể nói, lịch sử Mĩ Latinh (từ khi tên gọi này ra đời) là lịch sử được viết nên bởi vi trùng (của người da trắng).
Từ đây, ta có thể hiểu “tình yêu” và “thổ tả” là một cách gọi gợi nhắc lại một kí ức xa xưa và đượm buồn của châu Mĩ. Một quá trình thực dân mà nói như Jared Diamond là “các vi trùng của người Tây Ban Nha phát tán vào nội địa (châu Mĩ – PTA) nhanh hơn bản thân người Tây Ban Nha”. Một lịch sử được viết nên bởi vi trùng và những dòng họ Indian bản địa đã bị tuyệt diệt, vĩnh viễn “không có dịp may lần thứ hai để trở lại làm người trên mặt đất này”, như chính Márquez viết trong Tướng quân giữa mê hồn trận. Như vậy, “thổ tả” trở thành một biểu tượng văn hóa mang tính chất thực dân và hậu thực dân ở Mĩ Latinh. Trong đó, cho dù nền độc lập đã được xác lập, những bệnh dịch đã dần được chế ngự, nhưng những cảm thức mang tính chấn thương tinh thần của tộc loại vẫn ám ảnh con người hậu hiện đại. Những bệnh dịch có thể phòng tránh, nhưng chúng đã diễn ra như là lịch sử tất yếu. Dịch bệnh trong tiểu thuyết Márquez, vì vậy, nói với chúng ta nhiều điều hơn chính bản thân nỗi đau thân xác cụ thể mà nó đã gây ra cho các nhân vật.
Theo Văn nghệ Quân đội