Bác Hồ là vị cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc. Cuộc đời, nhân cách, tư tưởng, trí tuệ của Người đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận của nhiều thế hệ nghệ sĩ Việt Nam và nước ngoài, trong đó có những người cầm bút. Trong vô số tác phẩm văn học viết về Bác, chiếm một số lượng không nhỏ là những bài lục bát. Sử dụng thể thơ thuần Việt viết về vĩ nhân đất Việt, thiết tưởng là lựa chọn không thể phù hợp hơn đối với những nhà thơ. Bài viết dưới đây điểm qua một số bài, câu thơ lục bát tiêu biểu về đề tài Hồ Chí Minh.
Bài lục bát viết về Bác được nhiều người biết đến nhất có lẽ là bài Đẹp nhứt của nhà thơ Bảo Định Giang:
Tháp Mười đẹp nhứt bông sen
Nước Nam đẹp nhứt có tên Cụ Hồ
Bông sen dành để lễ chùa
Cụ Hồ mãi mãi tôn thờ trong tâm…
Sen là quốc hoa của người Việt, Bác là người được toàn dân tộc yêu quý, tôn vinh. Đặt hoa sen bên Bác, nhà thơ Bảo Định Giang đã tạo nên một trường so sánh, liên tưởng vừa giản dị, vừa sâu sắc về hình ảnh và ý nghĩa. Với sự giản dị và sâu sắc đó, bài thơ – nhất là hai câu thơ đầu đã đi vào tiềm thức của nhân dân như tài sản chung, một bài ca dao Nam Bộ, chứ không còn thuộc quyền sở hữu riêng của nhà thơ. Đây là vinh dự lớn, không phải nhà thơ nào cũng có được.
Nhắc đến những sáng tác về Bác, nhiều người nhớ ngay đến Tố Hữu. Trong hàng chục bài thơ viết về Bác của nhà thơ, không thể thiếu những câu, những bài lục bát, thể thơ góp phần đưa ông trở thành một trong những tượng đài của nền thơ ca cách mạng. Trong Sáng tháng năm, nhà thơ tái hiện hình ảnh Bác tuy làm việc trong ngôi nhà đơn sơ giữa núi rừng Việt Bắc nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp bình dị, cao cả:
Bác kêu con đến bên bàn
Bác ngồi Bác viết nhà sàn đơn sơ
…
Bác ngồi đó, lớn mênh mông
Trời xanh biển rộng ruộng đồng nước non…
Ở bài lục bát đã trở thành “kinh điển” Việt Bắc, Tố Hữu một mặt tái hiện hình ảnh Bác trong vai trò lãnh tụ dẫn dắt, soi đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam: Ở đâu u ám quân thù/ Trông về Việt Bắc Cụ Hồ sáng soi, một mặt khắc họa tình cảm, nỗi nhớ da diết của đồng bào miền núi với Người:
Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời,
Áo nâu, túi vải đẹp tươi lạ thường!
Nhớ Người những sáng tinh sương,
Ung dung yên ngựa trên đường suối reo.
Nhớ chân Người bước lên đèo,
Người đi rừng núi trông theo bóng Người…
Trong niềm hân hoan vui sướng nhân dịp kỉ niệm 30 năm thành lập Đảng, Tố Hữu đã nói hộ tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với Bác bằng cặp lục bát giàu hình ảnh và nhiều xúc cảm:
Bạc phơ mái tóc người Cha
Ba mươi năm ấy nở hoa tặng Người
(Ba mươi năm đời ta có Đảng)
Cũng sử dụng biện pháp ẩn dụ, nhưng nếu như trong Viếng lăng Bác, Viễn Phương dùng hình ảnh mặt trời nhằm ngợi ca công lao vĩ đại của Bác đối với dân tộc: Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng/ Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ thì Tố Hữu lại chọn mặt trăng, nhằm gợi lên vẻ đẹp bình yên, giản dị của cuộc đời và nhân cách Hồ Chí Minh:
Đêm khuya Hà Nội… trên Lăng
Một vầng trời sáng như trăng đêm rằm
Bốn nghìn năm, bốn mươi năm
Tỏa quanh nơi Bác đang nằm, hào quang…
(Đêm xuân 85)
Nhà thơ Nguyễn Bao, tác giả bài thơ Hoa chanh nổi tiếng, thay vì ẩn dụ lại sử dụng biện pháp nghệ thuật lẩy thơ nhằm diễn đạt một cách tinh tế tầm ảnh hưởng, sức lan tỏa sâu rộng của nhân cách Hồ Chí Minh đối với cá nhân nhà thơ nói riêng và nhân dân cả nước nói chung:
Trăng vào cửa sổ đòi thơ”
Trăng soi bóng Bác, bây giờ càng trong.
Bác cho con cả núi sông,
Gương trăng vằng vặc, sáng dòng thơ con
(Gương trăng)
May mắn được gặp Bác trực tiếp trong những trường hợp tình cờ, các nhà thơ Thanh Tịnh và Phan Thị Thanh Nhàn đã ghi lại niềm hạnh phúc vô biên của mình bằng những vần lục bát. Trong khi nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn xúc động trước việc làm thiết thực, ý nghĩa của Bác là tặng gạch cho ngôi làng mình sinh ra xây giếng nước để sinh hoạt cho vệ sinh, tránh bệnh tật:Bác về, gửi gạch tặng dân/ Giếng đầu tiên ấy ở sân đình làng/ Tròn xoe dưới một tán bàng/ Ôi gàu nước mát đầy tràn thương yêu/ Lòng Cha chia khắp xóm nghèo/ Thẳm sâu mạch nước trong veo giếng này… (Giếng nước Bác Hồ) thì nhà thơ Thanh Tịnh lại bồi hồi khắc ghi trong lòng cử chỉ bình dị mà cao đẹp của Bác đối với mình trên một chuyến đò ngang ở chiến khu Việt Bắc: Cụ già dáng rất dịu hiền/ Đưa tay tôi vịn, tôi vin vững dần/…/ Tần ngần nhìn vọng hàng cây/ Ấm ran, da thịt hơi tay của Người/…/ Trăm năm nhớ một chuyến đò/ Chênh vênh lại được Bác Hồ cầm tay (Trăm năm nhớ một chuyến đò).
Sinh thời, Bác dành vô vàn tình yêu thương cho các em nhỏ và các em cũng rất yêu mến Bác. Nhà thơ Trần Đăng Khoa khi ở độ tuổi nhi đồng đã bày tỏ tình yêu mến của mình và các bạn đối với Bác bằng những câu thơ lục bát ngộ nghĩnh, dễ thương: Nhà em treo ảnh Bác Hồ/ Bên trên là một lá cờ đỏ tươi/ Ngày ngày Bác mỉm miệng cười/ Bác nhìn chúng cháu vui chơi trong nhà/ Ngoài sân có mấy con gà/ Ngoài vườn có mấy quả na chín rồi/ Em nghe như Bác dạy lời/ Cháu ơi đừng có chơi bời đâu xa/ Trồng rau, quét bếp, đuổi gà/ Thấy tàu bay Mĩ nhớ ra hầm ngồi. (Ảnh Bác)
Nếu như lời thơ của Trần Đăng Khoa toát lên niềm vui sướng, hạnh phúc của các em nhỏ miền Bắc được gặp Bác thì tác giả các thi phẩm Mồ anh hoa nở, Mùa xuân nho nhỏ nổi tiếng lại nói giùm lòng yêu mến, niềm khát khao mong được gặp Bác của các em thiếu niên miền Nam trong dịp trung thu khi đất nước còn chia cắt bằng những câu thơ trong trẻo và xúc động: Đêm nằm cháu những chiêm bao/ Ngày vui thống nhất Bác vào miền Nam/ Cổng chào dựng chật đường quan/ Bác đến đình làng Bác đứng trên cao/ Bác cười thân mật biết bao/ Bác dặn đồng bào cặn kẽ từng câu/ Ung dung Bác vuốt chòm râu/ Bác xoa đầu cháu, Bác âu yếm cười (Cháu nhớ Bác Hồ – Thanh Hải).
Ngày 2 tháng 9 năm 1969 mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc như một trong những ngày đau buồn nhất. Sau 79 mùa xuân cống hiến cho đất nước, Bác đã về với “Mác, Lê-nin, thế giới người hiền”. Trong những tiếng khóc thương Bác của các văn nghệ sĩ, bật lên khúc tráng ca của nhà thơ Thu Bồn ở tiền tuyến:
Đã ngừng đập một quả tim
Đã ngừng đập một cánh chim đại bàng
Nỗi đau vô tận thời gian
Nhớ thương nhưng chớ lệ tràn đẫm mi.
(Gửi lòng con đến cùng Cha)
Và cánh chim chơrao của Trường Sơn đại ngàn hùng vĩ tự nhủ với lòng mình sẽ lập thêm nhiều chiến công, giải phóng miền Nam để thỏa nguyện ước của Bác trước lúc đi xa: Con xin gửi nắm đất nồng/ Chắn che giữ nước sông Hồng đương lên/ Cho con làm một mũi tên/ Xòe năm cánh nhọn giương trên thành đồng/ Việt Nam ơi giống Tiên Rồng/ Bốn nghìn năm lấy máu hồng làm hoa/ Gửi lòng con đến cùng Cha/ Chiến công đất nước kết hoa triệu vòng (Gửi lòng con đến cùng Cha).
Bằng tình cảm kính yêu vô vàn đối với Bác, nhiều nhà thơ đã tìm về những nơi lưu dấu chân Người để chiêm nghiệm và tìm cảm hứng sáng tác. Đặt chân đến làng Sen quê Bác, nhà thơ Nguyễn Trọng Oánh bồi hồi xúc động khi nghĩ về cuộc đời giản dị, thanh cao của Bác qua những vần lục bát rưng rưng:
Bác ơi, nhà Bác cũng nghèo
Quê hương Bác cũng như nhiều quê hương
Chỉ vì Bác rộng tình thương
Cho nên nắng đẹp mười phương tràn về.
(Quê Bác)
Về Pác Bó, căn cứ cách mạng xưa, là con đường nhà thơ Xuân Diệu tìm về với minh triết và bản lĩnh Hồ Chí Minh khi lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong những thời khắc gian nan, khó khăn nhất: Một vùng thuần khiết non xanh/ Như mang ánh mắt tinh anh Bác Hồ/ Hãy còn bàn đá nhấp nhô/ Bác ngồi dịch sử, nghĩ cho muôn đời/…./ Rau măng cháo bẹ dâng Người/ Ngày ra bờ suối, tối thời vào hang/ Nơi đây Bác vạch đường quang/ Mở ra sông núi, gồm sang biển trời(Thăm Pác Bó)
Khác với nhà thơ nổi tiếng của phong trào Thơ mới, nhà thơ Quốc Tấn lại đến vườn Bác, ngắm nhìn cây vú sữa Bác tự tay chăm bón ngày ngày để nhớ về tình cảm sâu nặng của Bác đối với nhân dân miền Nam: Đầu vườn nghe động cánh ong/ Kìa cây vú sữa Bác trồng năm nao!/…/ Mười lăm năm… mỗi sáng chiều/ Bác Hồ chăm chút, nâng niu từng cành/…/ Đã nghe thơm nắng Ba Đình/ Ngọt mùa vú sữa bờ kênh Tháp Mười/ Cây ơi! Ơn Bác đời đời/ Bác đi – Con cháu thay Người chăm cây! (Cây vú sữa trong vườn Bác).
Sau cùng, trong vô số bài lục bát viết về Bác, tôi muốn đề cập đến hai bài rất đặc biệt. Thứ nhất là bài Mẹ con của Nguyễn Xuân Sanh.
…
Ngủ đi con, ngủ cho đằm
Mẹ nâng tay mẹ, con nằm con mơ
Đời con đã có Bác Hồ
Mẹ đang đi dưới bóng cờ Bác đây…
(Mẹ con)
Đọc thi phẩm này, hẳn nhiều bạn đọc sẽ ngỡ ngàng về sự chuyển đổi phong cách sáng tác của thành viên nòng cốt trong nhóm Xuân thu nhã tập. Trong bài thơ viết năm 1954 này, Nguyễn Xuân Sanh đã dùng lời ru giản dị, ngọt ngào trong ca dao nói về lòng biết ơn sâu sắc của một người mẹ dân tộc ở Điện Biên với Bác. Việc trở về với hồn cốt dân tộc của một trong những nhà thơ cách tân nhất trong phong trào Thơ mới, người đã thành danh bằng những “vần thơ ấn tượng, khó hiểu nhưng quyến rũ” (chữ của Đỗ Lai Thúy), là một minh chứng tiêu biểu nói lên sức hấp dẫn đặc biệt của hình tượng Hồ Chí Minh đối với văn nghệ sĩ nước nhà.
Thứ hai là bài thơ Bác Hồ của nữ thi sĩ Pháp Madeleine Rifaud (qua bản dịch của nhà thơ Tế Hanh). Bài thơ là hồi ức một lần gặp Bác của nữ thi sĩ. Bài thơ vừa tái hiện hình ảnh Bác hiền từ nhân hậu như người cha, thân thiết, chân thành như người bạn với nhà thơ, vừa làm nổi bật lên sự lịch lãm, trí tuệ của Người khi nhận định Bác hiểu nước Pháp hơn cả nhiều người Pháp:Người vào, cửa vẫn lặng im/ Hỏi han thân mật giống in những hình/ Giấu thầm khi chửa hòa bình/ Đêm đêm soi ảnh thấy mình ở trong/ Người cầm hai đóa hoa hồng/ Tựa như những đóa ta trồng vườn hoa/ Hỏi thăm tin tức chúng ta/ Hiểu dân tộc Pháp hơn là bạn, tôi.
Qua những bài lục bát viết về Bác, thêm một lần nữa chúng ta thấy được tấm lòng của văn nghệ sĩ đối với Người. Bác mãi là đề tài vĩnh cửu của văn học nói riêng và nền nghệ thuật nước nhà nói chung
Theo Đoàn Minh Tâm – VNQĐ