Kibera, khu ổ chuột nằm ở thành phố Nairobi, Kenya là khu ổ chuột lớn nhất thế giới. Nơi đây không có điện nước, đường xá, thậm chí cả… xà phòng. Hạnh phúc ở đây được định nghĩa như thế nào?
Khu ổ chuột Kibera tại thành phố Nairobi – thủ đô của Kenya là nơi sinh sống của hơn 1 triệu người với diện tích trải rộng hơn 2,5 triệu m2. Nơi đây ngập ngụa bùn đất và rác thải do các hệ thống đường xá, điện nước và xử lý vệ sinh không hề tồn tại.
Thực tế, khu ổ chuột Kibera không xuất hiện trên bất cứ tấm bản đồ chính thức nào về thành phố Nairobi bởi nó là một nơi cư trú bất hợp pháp, một khu dân cư nghèo khó bị lãng quên, tuy vậy, nơi đây hiện đang là nhà của ít nhất 1/3 dân số thành phố Nairobi.
Theo năm tháng, khu ổ chuột bất hợp pháp này lớn dần, mở rộng dần nhưng tình trạng sống của người dân trong khu này vẫn không được cải thiện hơn.
Nơi đây còn nổi tiếng là khu vực bất ổn về an ninh với các thành phần dân cư hỗn tạp cùng sinh sống. Kibera bị cho là nơi cư trú của những tội phạm đường phố, ở đây thường diễn ra các vụ bạo lực.
Tuy vậy, chính phủ Kenya không thể đưa ra một giải pháp triệt để nào nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân khu này. Không giấy tờ sổ đỏ, không đường ống thoát nước, chẳng đường xá… Đơn giản, cuộc sống ở Kibera không có bất cứ dịch vụ cơ bản, thiết yếu nào.
Một nhiếp ảnh gia người Mỹ có tên Maureen Ruddy Burkhart gần đây đã tới thăm khu ổ chuột Kibera để ghi lại hình ảnh cuộc sống nơi đây. Đối với Maureen, chuyến đi đặc biệt này đã cho cô những trải nghiệm, khám phá mới về cuộc sống con người: “Ở bề mặt, tôi nhìn thấy sự nghèo đói, cùng cực tại Kibera nhưng mặt khác tôi nhìn thấy niềm vui, tình yêu thương tràn ngập”.
Người đàn ông đang chơi đùa với cậu con trai 5 tháng tuổi.
Các nhà hoạt động xã hội thường đến với khu ổ chuột Kibera để thuyết phục người dân có thói quen sử dụng xà bông. Phụ nữ được dạy cách làm xà bông để bán. Một tổ chức như vậy đã đều đặn tổ chức tiệc trà cuối tuần cho những bé gái. Buổi tiệc chỉ có trà và bánh ngọt nhưng đủ khiến các cô bé háo hức chờ đợi. Các em sẽ diện bộ váy đẹp nhất của mình để đến dự tiệc trà ngày chủ nhật. Những miếng vải đăng-ten phủ trên tường là để che đi những tấm lợp kim loại cũ rỉ.
Chị Helen là một trong những phụ nữ kiếm sống bằng nghề làm xà bông. Dù cuộc sống nhiều khó khăn, nhưng điểm chung của những người dân sống tại khu ổ chuột Kibera là họ luôn nở nụ cười, không hề tỏ ra bi quan, chán nản.
Khi đến thăm nhà cô bé Evinta, nhiếp ảnh gia Maureen đã khiến Evinta rất ngạc nhiên bởi chiếc máy ảnh “đồ sộ”. Evinta liền lấy chiếc điện thoại của mẹ em ra để khoe với Maureen.
Ở Kibera, mọi người sống với nhau rất thân tình, từ người lớn cho tới trẻ nhỏ. Là hàng xóm nhưng họ đối xử với nhau như anh em. Chỉ cần nhìn lũ trẻ chơi với nhau là có thể nhận ra điều đó, bạn sẽ không biết đứa nào là anh em với đứa nào, chúng hồn nhiên thay nhau bế em để lần lượt từng đứa đều được rảnh tay chạy chơi.
Các em nhỏ mừng chiến thắng tại cuộc thi “Ai vệ sinh nhất?” do một tổ chức từ thiện thực hiện. Điều khiến nhiếp ảnh gia Maureen ấn tượng là tại cuộc thi này có rất nhiều em đạt giải cao bởi cuộc thi được tổ chức chủ yếu mang ý nghĩa giáo dục, động viên. Khi được biết mình có thứ hạng cao, các em vui mừng hò reo hết cỡ, tuyệt nhiên không hề đòi hỏi phần thưởng.
Cô bé Evinta tìm được một đoạn dây nhựa và học cách nhảy dây. Cô bé luyện tập hết cả buổi chiều không nghỉ. Đối với đa số trẻ em ở đây, đồ chơi là điều xa xỉ, các em vui với những món đồ không tên, tự tạo.
Những đứa trẻ ở Kibera rất vui vẻ. Trong mắt những người chưa từng đặt chân tới khu ổ chuột Kibera, nơi đây thật gớm ghiếc, cuộc sống ở đây bị coi là cơn ác mộng. Tuy vậy, khi nhiếp ảnh gia Maureen đến đây, cô chỉ thấy những con người chân chất, thân thiện và dễ mến. Mọi người đều vui vẻ và dễ chịu đến kỳ lạ.
Maureen đã dành ra 4 tuần lưu lại thành phố Nairobi, ngày ngày cô tới khu ổ chuột Kibera để lưu lại những hình ảnh về cuộc sống của người dân nơi đây.
Thoạt tiên, Maureen cảm thấy rất khó thực hiện bộ ảnh bởi yếu tố kỹ thuật. Ở đây, nắng chói chang, không gian bên trong các căn nhà lụp xụp vì thế càng trở nên tăm tối, ngoài ra, nước da đen của người dân nơi đây khiến các shot hình càng khó đặc tả biểu cảm trên gương mặt họ. Mất vài ngày thử nghiệm, Maureen mới tìm ra được giải pháp.
Ban đầu, Maureen hy vọng mình có thể thực hiện một bộ ảnh màu ấn tượng, nhưng khi đến tận nơi, cô mới nhận ra đó là điều không thể. Maureen cũng phát hiện ra rằng màu sắc khiến người thực hiện và người xem bị phân tâm, do quá chú trọng vào màu sắc mà quên đi mất nhân vật chính, chủ thể của bức ảnh.
Những bức ảnh đen trắng thay vào đó tập trung đặc tả nhân vật, khiến những con người, đồ vật trong ảnh đều trở nên sống động, giàu cảm xúc, câu chuyện trong ảnh cũng được đề cao hơn hẳn.
Nhiếp ảnh gia Maureen đã quyết định đặt tên cho bộ ảnh là “Slice of Heaven” (Lát cắt của thiên đường) bởi sau khi thực hiện dự án ảnh này, hình ảnh đọng lại nhiều nhất trong tâm trí cô là những nụ cười, những tiếng cười sảng khoái của người dân nơi khu ổ chuột Kibera.
“Sau khi thực hiện bộ ảnh này, tôi tin rằng có thiên đường trên trái đất. Chẳng phải thiên đường là nơi người ta rũ bỏ mọi toan tính vật chất, quên đi âu lo, phiền muộn, sống vui vẻ, yêu thương, nhân ái với nhau sao?”, Maureen chia sẻ.
Ở Kibera không có đường ống dẫn nước. Nước ở đây được những người kinh doanh tư nhân đưa đến và bán đắt gấp đôi so với giá nước của nhà nước. Vì vậy, người dân thường phải tiết kiệm nước tối đa, họ bỏ qua nhiều thói quen vệ sinh là vì vậy.
Ban đầu, khi mới tới Kibera, cô Maureen cảm thấy rất xa lạ và sợ hãi khi nhiều người nhìn cô chằm chằm và còn tỏ ra khó chịu với cô. Tuy vậy, khi thấy Maureen ngày ngày có mặt đều đặn ở nơi đây với chiếc máy ảnh, dần dần họ thân thiện hơn với cô và nhiều người còn tỏ ra vui mừng khi thấy cô xuất hiện.
Tất cả những người xuất hiện trong khuôn hình của Maureen đều được cô in ảnh ra và gửi tặng một bức. “Có một người phụ nữ, bức ảnh mà tôi tặng chị là bức ảnh duy nhất mà chị có từ lúc sinh ra tới giờ. Khi tôi đưa nó cho chị, chị bị thu hút đến mức ngồi chăm chăm nhìn nó hồi lâu”.
“Khi tiếp xúc với người nghèo ở Kibera, để được họ chấp nhận, điều quan trọng nhất chính là thái độ của bạn. Hãy cởi mở và chân tình”, nhiếp ảnh gia Maureen chia sẻ kinh nghiệm.
“Cứ thêm một ngày tôi tới với khu ổ chuột này, tôi lại thêm thân thiết với mọi người ở đây. Họ gọi tôi bằng tên thân mật, ôm tôi và hôn lên má. Những đứa trẻ ít sợ sệt hơn và thích được chụp ảnh”.
Những ngôi nhà ở Kibera đều được xây dựng bằng những vật liệu nghèo nàn, như mảnh gỗ, tấm tôn, vải bạt, nhà nào kiên cố lắm mới được xây bằng xi-măng.
Cuộc sống tinh thần của các em nhỏ tại Kibera đã bắt đầu được các tổ chức từ thiện quan tâm hơn. Họ thường tổ chức các cuộc thi nhỏ để các em được vui chơi, học tập.
Khoảnh sân chung nơi những gia đình hàng xóm bắc ghế ra chuyện gẫu được coi là “tụ điểm sinh hoạt văn hóa” yêu thích.