Công ty Văn hóa và sáng tạo Trí Việt First News vừa cho ấn hành cuốn tự truyện “Không gục ngã” của dịch giả – nhà văn Nguyễn Bích Lan. Cuốn sách được trân trọng đưa vào tủ sách “Hạt giống tâm hồn” này đã thực sự tạo nên một “cơn sốt” trong dư luận. Giống như tôi, chắc hẳn đã có nhiều giọt nước mắt lặng lẽ rơi trên những trang sách nhỏ ấy…

Nhà văn Nguyễn Bích Lan – bằng sự chân thực đến mức giản dị nhất – đã kể lại cuộc hành trình đầy kiên cường để chống chọi lại bệnh tật và vươn lên, khẳng định ý nghĩa của cuộc đời mình…


Từ khi cuốn tự truyện “Không gục ngã” được phát hành, hộp thư điện tử của Bích Lan luôn bị tràn vì mỗi ngày chị nhận được một lượng thư rất lớn của độc giả từ khắp cả nước gửi về. Họ chia sẻ cảm xúc và cảm ơn chị đã động viên họ qua câu chuyện vượt khó của mình. Trang facebook cá nhân của Bích Lan gần như ngày nào cũng có những bạn đăng lên những dòng cảm nhận sau khi đọc “Không gục ngã”. Bích Lan cho biết, đó chính là niềm hạnh phúc lớn lao mà chị có được từ việc cho ra đời cuốn tự truyện.

Nguyễn Bích Lan vừa bước sang tuổi 37. Chị đón ngày sinh nhật khi đang có chuyến đi Sài Gòn để thực hiện buổi diễn thuyết trước gần 300 người tại Hội nghị toàn quốc của Hãng Dược phẩm IUP tại khách sạn Star City. Với những tình cảm đặc biệt dành cho Nguyễn Bích Lan, gần 300 người có mặt trong buổi diễn thuyết hôm ấy đã cùng hát bài “Happy Birthday” chúc mừng chị đón thêm một mùa xuân mới. Khi kể lại câu chuyện này, Bích Lan vẫn còn nguyên sự xúc động. Chị đã không kìm được hai giọt nước mắt nóng hổi lăn dài trên khuôn mặt nhỏ xương gầy. Tổng Giám đốc Hãng Dược phẩm IUP tại Việt Nam là một người nước ngoài đã mua hơn 400 cuốn sách để phát cho cán bộ nhân viên của mình, bởi ông muốn cuốn sách sẽ là nguồn động viên lớn để mỗi thành viên trong công ty của ông vươn lên khẳng định sức mạnh và trí tuệ của mình, góp phần vào thành công chung của đơn vị. Điều đặc biệt hơn, tên của cuốn sách – “Không gục ngã” – đã trở thành khẩu hiệu của Hãng Dược phẩm IUP năm 2013 khiến Bích Lan cũng cảm thấy vui vui. Tự đáy lòng mình, chị luôn muốn chia sẻ thông điệp ấy từ trải nghiệm của chính bản thân mình đến với mọi người.

Cũng trong chuyến đi này, Nguyễn Bích Lan có buổi nói chuyện với 130 công nhân viên nhà máy dược của Hãng IUP tại Khu Công nghiệp Việt – Sing II (Bình Dương) về chủ đề “Đánh thức tiềm năng của con người”. Bài nói chuyện của chị bắt đầu thật giản dị: “Thưa các anh chị, tôi cũng xuất thân từ nông thôn như các anh chị. Tôi cũng cắt cỏ, cấy lúa từ khi còn nhỏ…” để xích lại thật gần với những người đối diện và kết thúc bằng câu: “Với tôi, thành công và hạnh phúc không nằm ở những bục vinh danh, những giải thưởng, hay số lượng các cuốn sách tôi viết và dịch. Thành công và hạnh phúc là cảm giác an tâm về chính bản thân mình khi mình sống mà không lãng phí thời gian, được làm những việc có ích mà mình đam mê và được rất nhiều người yêu thương, trân trọng và có cơ hội chia sẻ thành quả của mình với người khác…”.

Ngắn gọn mà đầy đủ, không dùng nhiều tính từ nhưng luôn ấm áp, đầy tình cảm là phong cách của Nguyễn Bích Lan khi nói cũng như khi viết. Thế nên, nhà báo Thục Hạnh, Tổng biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam khi nhận được cuốn “Không gục ngã” do Bích Lan gửi tặng, đã thư lại cho chị một bức thư dài, trong đó có đoạn: “Nhận được cuốn tự truyện của em, đọc một mạch, rơi bao nhiêu là nước mắt. Đáng để vui nhất là văn của cô em mình không có một chữ nào thừa, không có một dòng vô nghĩa. Khen em vượt lên khó khăn đã có nhiều người làm, chị chỉ chúc mừng em với tư cách một nhà văn, một nhà báo hiếm hoi còn coi văn chương, chữ nghĩa như một cái đạo để khai mở cuộc đời…”. Bích Lan tâm sự: “Quý mến nhà báo Thục Hạnh đã lâu, cũng là cách để cảm ơn người Tổng biên tập nơi tôi hay đăng tải các sáng tác cũng như bài báo nên tôi đã gửi sách tặng chị. Cũng không ngờ là chị đọc hết và còn viết thư lại, chia sẻ với tác giả, thật là cảm động… Đặc biệt hơn, có một độc giả từng trải qua quá khứ lầm lỗi, từng vấp ngã trên đường đời, đến khi đọc được cuốn sách đã viết thư cho tôi bày tỏ cảm xúc, lòng biết ơn sâu sắc và khát vọng hướng thiện, làm lại cuộc đời…”.


Tác giả Nguyễn Bích Lan ký tặng độc giả Tp HCM.

Trước đây, Nguyễn Bích Lan không bao giờ nghĩ rằng sẽ có lúc mình viết tự truyện. Nhưng qua những bài báo viết về chị, đã có hàng trăm độc giả gửi thư về hỏi: “Chị đã tự học tiếng Anh như thế nào?”; “Làm thế nào để chị vượt qua bệnh tật, để sống một cuộc đời đầy ý nghĩa trong điều kiện sức khỏe chỉ còn 10%?”. Sự quan tâm ấy đã khiến chị thay đổi cách nghĩ và muốn được chia sẻ những trải nghiệm của chính mình trong hành trình vươn sống. “Không gục ngã” đã được độc giả cả nước đón nhận nhiệt tình bằng sự sẻ chia, khâm phục cũng như đem lại hy vọng cho nhiều người. Đó là một bất ngờ tuyệt vời với chính tác giả. Dịch giả Bích Lan tâm sự rằng, chị viết cuốn sách này không phải vì bản thân mình mà vì bạn đọc, nhất là những bạn đọc trẻ. Và chị luôn khích lệ người đọc hãy giữ lại cuốn sách trên giá sách của mình, để những đứa con của họ có thể đọc và tự nguyện học những bài học vượt khó và sống hữu ích từ cuốn sách.

Như nhiều người đã biết, đã hai bốn năm qua, cô gái Nguyễn Bích Lan chống chọi với căn bệnh loạn dưỡng cơ mà đến nay y học thế giới vẫn chưa tìm ra phương thuốc điều trị. Trong tay chỉ có tấm bằng tốt nghiệp cấp 2, lại sống ở một làng quê thuần nông thuộc huyện Hưng Hà (Thái Bình), sau những năm tháng dài miệt mài tự học tiếng Anh, tự liên hệ tìm nguồn dịch, đến nay, Bích Lan đã là dịch giả của 24 cuốn sách, trong đó có tiểu thuyết “Triệu phú khu ổ chuột” từng đem đến cho chị Giải thưởng về dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010. Cuối năm 2010, khi nhận lời và bắt tay vào viết cuốn tự truyện theo đơn đặt hàng của ông Nguyễn Văn Phước – Giám đốc Công ty Văn hóa và sáng tạo Trí Việt First News – nơi có “Tủ sách tâm hồn” chuyên đi “gieo mầm thiện tin yêu” trong lòng độc giả – cũng là lúc chị bắt tay vào dịch cuốn sách nổi tiếng “Sống không giới hạn” của Nick Vujicic. Nguồn cảm hứng từ Nick Vujicic – một người khuyết tật không tay không chân đã vượt lên trên số phận, đem lại sức mạnh niềm tin, tình yêu và ý chí cho hàng triệu người trên khắp thế giới đã đến Việt Nam qua bản dịch của một dịch giả cũng có hoàn cảnh đặc biệt không kém. Cũng trong khoảng thời gian ấy, chị còn đem đến cho bạn đọc cuốn “Tuyển tập truyện ngắn” của Tagor, cho ra mắt tập truyện “Sống trong chờ đợi” – cuốn sách được coi như điểm khởi đầu để độc giả chủ động gọi chị bằng cụm từ: “Nhà văn – dịch giả Nguyễn Bích Lan” chứ không phải chỉ là “Dịch giả Nguyễn Bích Lan” như trước đó nữa. Hiện nay, Nguyễn Bích Lan đang “bận rộn” với hai cuốn sách, trong đó có cuốn tạm dịch là “Cọ hoang” của William Faulkner – nhà văn Mỹ từng đoạt giải Nobel. Tác giả của “Không gục ngã” chia sẻ: “Dịch tác phẩm của William Faulkner là một thách thức lớn đối với tôi cũng như với bất kỳ một dịch giả nào khác. Song chính thách thức ấy một lần nữa khiến tôi cảm thấy mình cần phải vượt qua để đem đến cho bạn đọc thêm một tác phẩm văn học đặc biệt của nhân loại”.

Nguyễn Bích Lan có thói quen dịch cẩn thận đến từng câu, từng chữ, không có chuyện “phiên phiến” hay “cốt không sai là được”. Nếu tự thấy cách dịch của mình “thiếu hụt” nhiều so với nguyên tác, chị luôn có cảm giác có lỗi với tác giả. Và chị cứ trăn trở như vậy cho đến khi tìm được từ ngữ mà chị hài lòng nhất. Vì thế, mỗi cuốn sách Nguyễn Bích Lan thường đầu tư khá nhiều thời gian (có trang chị phải đánh vật cả buổi là chuyện bình thường).

Khi tôi đang ngồi viết những dòng này về nhà văn – dịch giả Nguyễn Bích Lan thì cũng là lúc tôi đọc được những dòng tâm sự đầy xúc động của chị trên trang cá nhân: “Báo Tuổi Trẻ vừa gọi điện tới nói rằng một bạn đọc muốn tặng tác giả Bích Lan một khoản tiền (chẳng hỏi to, nhỏ thế nào) nhưng Bích Lan đề nghị tòa soạn hãy gửi lại bạn đọc khoản tiền đó bởi Bích Lan vẫn lao động ngày 10 tiếng và tự kiếm tiền để lo cho các nhu cầu của bản thân và đó là một niềm hạnh phúc đối với Bích Lan. Bích Lan ghi nhận tấm lòng sẻ chia của bạn đọc đó và mong rằng người đó hãy giúp những đứa trẻ mồ côi, những người ốm bệnh không có tiền mua thuốc, và rất nhiều người khác đang gặp khó khăn. Ngay trong hôm nay, báo Tuổi trẻ đăng bài về chương trình “Tháng 3 biên giới” với bức ảnh những em nhỏ vùng cao và trường tiểu học được ghép bằng những thanh nứa sơ sài của các em. Những chỗ đó đang cần những tấm lòng của bạn đọc. Xin yêu thương và sẻ chia hãy đổ về đó!”…

Nguồn: CAND

Exit mobile version