Tôi thường nghĩ về Hiệu Constant giống như một người đàn bà say chữ. “Say” nó gợi đến một một trạng thái thú vị, một cái kiểu chếnh choáng rất tự nhiên và cũng đáng yêu nhất của một người. Nghĩ đến cảnh đàn ông say chữ tôi dễ tưởng tượng hơn, một căn phòng nhỏ, một gã miệt mài viết hoặc gõ máy lạch tạch suốt đêm ngày, bên ngoài thỉnh thoảng có một người phụ nữ dịu dàng mang vào cho chồng chén cà phê, ly nước chanh… Đàn bà say chữ thì lại ghê gớm lắm, nó có kiểu say rất phi thường đấy là vừa say vừa phải tỉnh táo để chăm sóc con cái và cả gia đình. Chính vì vậy mà đối với đàn bà say chữ tôi vẫn thường có cái vị nể hơn.

Trước nay trong giới cầm bút thường yêu quý đặt cho Hiệu Constant một cái tên “Con ong Việt cần mẫn trên cánh đồng văn học Pháp”. Bởi Hiệu Constant là một cây bút đa năng, vừa dịch sách, viết truyện ngắn, viết tiểu thuyết. Mà đối với thể loại nào chị cũng thể hiện cá tính sáng tạo của mình và ít nhiều để lại dấu ấn trong lòng độc giả. Mới cách đây không lâu, quãng đầu năm 2013 chị vừa cho ra mắt cuốn tiểu thuyết thứ hai mang tên Đường vắng, gây được sự chú ý đối với độc giả. Tác giả này có cách viết khá thú vị, khi thì quyết liệt, gai góc, chua chát đến cực điểm khi lại nhấn nhá nhẹ nhàng.

Nhà văn, dịch giả Hiệu Constant

Nếu như Đường vắng là cuốn tiểu thuyết được cài cắm những tư tưởng về giới, mang tính chủ đích với những luồng nhân vật, những mâu thuẫn chồng chéo về số phận đàn ông thời hiện đại đầy cay đắng, làm người đọc cứ như bị lệch pha và hoang mang sau khi đọc. Thì cuốn tiểu thuyết thứ ba mang tên Đời du học, do nhà xuất bản Dân trí ấn hành, lại được viết theo cái kiểu nhấn nhá, nhẹ nhàng vừa đủ độ. Một kiểu tự truyện lan man nhiều cảm xúc được kể khá duyên. Một trạng thái say khó lòng lý giải. Say chữ là một chuyện hiển nhiên, nhưng say ký ức, những điều tưởng chừng như đã ngưng đọng vĩnh viễn trong quá khứ cùng lúc dội về, biết là người viết cố tình mang cái nhẹ nhàng vào truyện nhưng người ta vẫn thấy những giọt nước mắt. Tôi còn nhớ trong một lần trò chuyện trên báo Hiệu Constant có chia sẻ rằng chị nhớ quê, nhớ đến cồn cào và những lúc ấy lại tự nhủ lòng “đừng khóc nhé”, và khi ấy, lại đọc, lại dịch và viết một cái gì đó. Quê hương vì vậy mà trở nên gần gũi hơn…

Có thể lúc đầu, khi cầm cuốn sách và bắt gặp tiêu đề truyện “Đời du học” một kiểu đặt tên không mới, nó dễ bị lẫn vào bởi trăm ngàn những cái tên truyện trước đó: Đời sinh viên; Đời tăm tối… nhưng có lẽ đối với tác phẩm này thì cái tên Đời du học cũng có phần phù hợp xét về mặt nội dung. Cuốn tiểu thuyết giống như những trang nhật ký viết về cuộc đời du học bên Pháp của nhân vật chính tên Tiến. Những khó khăn và biến cố, được lồng ghép bởi nhiều cung bậc cảm xúc.

 

Đời du học đã có một màn dạo đầu rất thật, kiểu tự bạch ướm lời cho những phần sau “Trong cuốn sách này, có những chỗ tôi viết thực, có những nét mà có lẽ tôi đã chuyển đổi đi ít nhiều, bởi thực tế đôi khi rất trần trụi và nghiệt ngã… rất mong các bạn hãy đọc nó như một tác phẩm tiểu thuyết có chút hư cấu. Vậy hãy cùng tôi đi khám phá xứ sở Gaullois dưới danh nghĩa là một du học sinh và trên hết là khách lãng du!”. Thực ra theo tôi, độc giả không mấy quan tâm về sự thực trong cuốn sách, mà cái độc giả có được trong cuốn sách này là sự đồng cảm, là cái nhìn mới mẻ về đời du học sinh. Nó không lung linh huyền hoặc như trước nay vẫn nghĩ. Bản thân mỗi người xa quê, đều phải tự lực cánh sinh, tự đối mặt với trăm ngàn khó khăn. Và cái thích thú ở đây là, tác giả có quyền tưởng tượng, có quyền hư cấu, để cuối cùng cuốn sách của mình đa màu sắc vừa khắc họa cảnh sắc nước Pháp đẹp tuyệt vời đến thế, vừa miêu tả chân thực cảnh sinh viên du học đầy khó khăn.

Cuốn sách được chia thành các phần, mỗi phần được đặt tên theo một chủ đề: Cặp bến nơi đất khách Paris; Oran Algérie; Master 1; Trải nghiệm đầu đời; Compiègne Pháp; Anh Công bảo vệ luận án Tiến sỹ; Hà Nội Việt Nam; Tâm tư đàn bà; Tel-Aviv-Israel; Thực tập bên Dubai; Đảo corse Pháp; Năm cuối-bảo vệ luận án tiến sỹ Abidjan-bờ biển Ngà;

Mỗi phần là một trải nghiệm của nhân vật. Có những đoạn đọc thấy nhấn không đủ sức, nhưng có những đoạn độ nén về cảm xúc rất sâu sắc. Mười hai chương trong cuốn sách giống như một chuỗi các mắt xích liên kết, nhưng cũng rất độc lập. Những đoạn đầu có vẻ đơn giản hơn, giới thiệu sơ lược, nó giống như màn dạo đầu cho một hành trình khám phá thế giới rộng lớn của nhân vật Tiến. Để rồi càng ở lâu với đất nước này, người ta mới thấy có những điều không thể nói thành lời. Một sự đồng cảm, sẻ chia và nhiều suy ngẫm. Compiègne Pháp là một chương đầy xót xa, nhân vật Tiến chứng kiến những cảnh đau lòng mà những du học sinh, những người ngoại xứ thường xuyên phải gặp. Tính mạng của họ không được sự quan tâm của cảnh sát Pháp. Sự so sánh giữa cái chết của hai người phụ nữ, một là người Việt, một là người Pháp. Đã cho thấy cái nhìn của tác giả về sự rủi ro về tính mạng của những người ngoại xứ.

Trải nghiệm đầu đời là một chương mà tôi rất thích, một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của nhân vật Tiến. Để từ đây, anh có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc đời. Một cuộc tình thoáng qua nhưng nhiều day dứt, nó đúng với chính cái tiêu đề Trải nghiệm đầu đời vậy. Hà Nội – Việt Nam lại là một chương lắng đọng nhiều cảm xúc nhất, nỗi nhớ quê hương nhiều khi đến trào nước mắt. Cảnh các du học sinh chuẩn bị đón giao thừa xa quê, cảnh gọi điện về nhà, kìm tiếng nấc nghẹn lòng… tất cả những cái đó bình dị mà cũng thắt lòng. Rồi nhiều khi xa quê rồi mới chợt nhận thấy, hóa ra bấy nhiêu lâu mình không nghĩ sẽ có một ngày mình nhớ nhà, nhớ quê hương đến vậy.

Đọc xong cuốn Đời du học thì thấy có một cảm giác mơ màng dễ chịu, đúng với cái ý tưởng của tác giả. Tôi không muốn viết một cuốn tiểu thuyết gai góc, quyết liệt mà muốn kể một câu chuyện của riêng mình, về những trải nghiệm và những cảm xúc thực, về nỗi nhớ quê da diết…

Đã có nhiều câu hỏi cho rằng, tính ra trong một năm mà tác giả cho ra đời hai cuốn tiểu thuyết với dung lượng khá dày dặn, liệu có nhanh quá không? Và cái nhanh đó, liệu rằng nó có làm cho tác phẩm loãng đi? Theo cảm nhận của tôi thì cái loãng hay không loãng phụ thuộc vào độc giả. Đối với một cuốn tiểu thuyết hay truyện ngắn, mỗi tác giả trước khi đặt bút đều có sự thai nghén ấp ủ trong một thời nhất định. Điều đó cho thấy một cây bút có nội lực và viết khỏe. Sau khi đọc xong cuốn Đời du học thấy rằng, một cuốn sách được viết bằng những trải nghiệm, bằng một sự khắc khoải khôn nguôi về quá khứ thì cái dòng cảm xúc ấy là vô tận, và nó đủ sức neo giữ lại được trong lòng người đọc.

Tôi tin rằng, đối với một người đàn bà say chữ, lặng lẽ sáng tạo và tận tâm với nghề. Hiệu Constant sẽ còn viết được thêm nhiều tác phẩm hay hơn nữa bằng chính những trải nghiệm và tạo được cho một một dòng riêng cá tính.

Hà Nguyên

Nguồn: Toquoc

Exit mobile version