Nhìn nhận hiện tượng văn chương Hồ Anh Thái, chúng tôi nghĩ, anh đang sáng tạo những tác phẩm trong thời đại hội nhập, mở cửa với phẩm chất thực sự tươi mới, và phẩm giá văn chương của anh trở thành giá trị văn hóa.

Năm 1978, khi mới vào tuổi hai mươi, đang là sinh viên trường Đại học Ngoại giao, Hồ Anh Thái đã là tác giả văn xuôi có truyện ngắn đăng đều trên báo Văn Nghệ, tạp chí Văn nghệ Quân đội… Bút pháp mới mẻ Hồ Anh Thái có được hết sức tự nhiên, như do trong hồn, trong máu anh, trong tư duy của anh nó đã vậy. Nó không như trường hợp những năm sau này một số nhà văn săn tìm những hình thức tân kỳ để văn mình được “mới hơn”. Những truyện ngắn ban đầu của Hồ Anh Thái, tiêu biểu là các truyện Chàng trai ở bến đợi xe, Nói bằng lời của mình, Mảnh vỡ của đàn ông…đã được người đọc chú ý bởi bút pháp mới và bởi sự sống trong truyện cũng thật tươi mới. Hồi đó, Hồ Anh Thái vóc dáng có phần gầy yếu so với những thanh niên cùng tuổi, tính tình khiêm nhường, rất chịu nghĩ ngợi về chuyện đời, và đọc rất nhiều, như một con mọt sách.

Nhà văn Hồ Anh Thái

Về làm việc ở Bộ Ngoại giao một thời gian ngắn, Hồ Anh Thái đi bộ đội. Cũng dịp này, tập truyện ngắn Chàng trai ở bến đợi xe được xuất bản. Trước khi hết thời gian làm nghĩa vụ quân sự, Hồ Anh Thái đã viết xong cuốn tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo, đề cập những chấn thương về thể chất và tinh thần của những người phụ nữ đi qua cuộc chiến tranh, trở thành quá lứa, lỡ thì. Sau chiến tranh, những nữ cựu chiến binh đó đến làm việc trong một lâm trường trên đảo Cát Bạc. Đây là câu chuyện cuộc chiến đấu tiếp tục của họ, hoặc là đau đớn chống lại những ham muốn nhục dục, hoặc là nhẫn nhục thèm khát có một chút con làm nơi nương tựa cuối đời. Dù là nhà văn trẻ, chưa nhiều từng trải, nhưng Hồ Anh Thái đã đặt vấn đề tình dục, về bản năng con người và nhu cầu làm tròn thiên chức người phụ nữ. Đặc biệt, đề tài của tiểu thuyết thực sự táo bạo, là cái giá thật ghê gớm mà những nữ cựu chiến binh phải trả trong cuộc chiến tranh! Năm 1986, Hồ Anh Thái lại xuất bản tiểu thuyết Vẫn chưa tới mùa đông. Và trong năm này, anh cũng viết xong thiên tiểu thuyết Người và xe chạy dưới ánh trăng. Sức viết của anh dồi dào, rất hiếm thấy trong các nhà văn thời ấy và cả hiện nay. Trong Người và xe chạy dưới ánh trăng, Hồ Anh Thái hai mươi sáu tuổi thể hiện một ý tưởng khá sâu sắc rằng, con người ta đi vào đời với đôi bàn tay trắng, sạch sẽ và lương thiện. Nhưng rồi càng đi càng phải giữ mình cho trong sạch, vậy mà đời cứ luôn muốn nhấn người ta vào sắc dục, vào những chỗ không được lương thiện lắm. Cuộc sống xã hội ta thời gian đó với những xô dập ghê gớm. Các nhân vật trong tiểu thuyết đều còn trẻ, Toàn, Hiệp, Trang, Minh… mỗi người một thân phận, bị cuộc sống xô dạt về những nẻo khác nhau và họ phải vật lộn với số phận trên con đường của cuộc đời mình. Với Người và xe chạy dưới ánh trăng, Hồ Anh Thái đã khẳng định được một vị trí trong văn chương Việt Nam hiện đại. Anh đã có ý thức trách nhiệm của một nhà văn trước đời sống. Điều đó thể hiện qua cách tạo dựng những nhân vật có cá tính đa dạng, có nhân cách phức tạp, nhất là nhân vật Toàn; thể hiện trong cách nêu vấn đề khá nhân bản rằng, hết chiến tranh tưởng chừng con người không còn mất mát gì nữa, vậy mà chúng ta lại phải chịu thêm nhiều mất mát khác, và cũng thể hiện qua ngôn ngữ nghệ thuật trong sáng, đa cảm, có sức biểu đạt thật sống động của nhà văn.

*

Hồ Anh Thái quê gốc ở Nghệ An, sinh năm 1960. Học xong đại học, làm việc tại Hà Nội, rồi trở thành nhà văn. Khi cuộc chiến tranh chống Mỹ lan ra miền Bắc, Hồ Anh Thái lên 5 tuổi, được gia đình đưa đi sơ tán ở nông thôn. Chiến tranh nhanh chóng mở rộng tới các làng quê, nơi dự trữ rất nhiều sức người, sức của để cung cấp cho mặt trận. Vậy là, ngay từ thơ ấu, hiểu biết về nông thôn của Hồ Anh Thái là thông qua những đợt đi sơ tán, đã chứng kiến máy bay Mỹ dội bom xuống xóm làng, thấy lửa cháy và những cái chết. Những ấn tượng đầu đời này rất sâu đối với một người sau này trở thành nhà văn. Cùng những ấn tượng như vậy, theo thời gian, những câu chuyện kể, bao cuộc gặp gỡ những người từng ra mặt trận, trực tiếp thấu hiểu những mất mát hy sinh của các gia đình họ hàng, thân quen, Hồ Anh Thái nghĩ nhiều về cuộc chiến tranh khốc liệt. Nó đã khiến rất nhiều người bị thương tổn, bị chết, bị mất tích; nhưng nó cũng đào luyện, thử thách tất cả những người Việt Nam. Hồ Anh Thái có thói quen đọc rất nhiều ngay từ thời niên thiếu, nên anh sớm hiểu về cuộc chiến tranh trên quê hương mình ở phương diện văn hóa – xã hội. Anh viết văn vào giai đoạn mà hầu hết các nhà văn Việt Nam đang hăng hái viết về cuộc chiến tranh. Nhiều nhà văn trẻ cùng lứa tuổi Hồ Anh Thái cũng rất hăng hái viết về cuộc chiến tranh, viết về chiến tích của cha, anh. Đó là xu thế chung của nên văn chương hiện thực thô sơ ở nước ta nửa sau thế kỷ XX. Với Hồ Anh Thái, những ám ảnh về cuộc chiến tranh chống Mỹ khiến anh cũng viết về chiến tranh, như trường hợp tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo; và rồi năm 1989 anh lại viết tiểu thuyết Trong sương hồng hiện ra. Nhưng Hồ Anh Thái kể lại những câu chuyện chiến tranh nhằm đặt ra những vấn đề bức thiết của cuộc sống những năm tám mươi, thế kỷ XX. Như Người đàn bà trên đảo mà chúng tôi nói tới ở trên, là vấn đề đạo đức, cả trong ứng xử xã hội cả về mặt luật pháp, đối với thân phận những nữ cựu chiến binh đã phải trả một cái giá khủng khiếp cho cuộc chiến tranh chống Mỹ! Còn tiểu thuyết Trong sương hồng hiện ra, từ cuộc sống hiện tại nhà văn nhận thức lại quá khứ, cuộc sống thời chiến, có cả cái tốt, cả cái xấu. Xã hội con người muôn đời là như vậy. Qua tiểu thuyết Trong sương hồng hiện ra, ta thấy Hồ Anh Thái nhìn đời thật thoải mái mà dung thứ. Anh hiểu sâu sắc rằng, con người vốn rất đa dạng về nhân cách, nên không kỳ vọng về con người, nhưng bao giờ anh cũng trân trọng con người với tất cả sự phức tạp trong họ.

Bây giờ nhìn nhận hiện tượng Hồ Anh Thái, chúng tôi thấy rất rõ, anh là nhà văn của một thời đại văn chương mới, thời đại của các nhà văn, coi văn chương là mục đích của văn hóa. Bằng sự hiểu biết có chiều sâu về lịch sử xã hội, anh viết về cuộc sống tươi nguyên đang cuồn cuộn chảy trước mắt. Thấu hiểu văn chương truyền thống, nhưng anh không phụ thuộc vào nó. Là nhà văn của thời đại văn chương mới không theo nghĩa Hồ Anh Thái được viết trong thời kỳ đổi mới kinh tế xã hội ở nước ta, mà đơn giản, anh là một tài năng mới không giống các tài năng văn chương cũ. Năm 2001, nhà văn Lê Minh Khuê có nhận xét về tác phẩm Người và xe chạy dưới ánh trăng mà Hồ Anh Thái viết từ năm 1986: “Có lẽ ngay từ ngày ấy, tác giả này đã ý thức rằng tác phẩm văn học muốn hòa nhập được với dòng văn học chảy ào ạt ngoài kia của thế giới thì đừng có quá lệ thuộc vào hiện thực giản đơn”. Chỉ nhận xét qua một tác phẩm, mà thấy Hồ Anh Thái đã ý thức được về sự hòa nhập với dòng chảy chung của thế giới! Những năm tiếp theo, với lao động sáng tạo liên tục và mang tính chuyên nghiệp, anh đã thể hiện bản lĩnh của một nhà văn hàng đầu ở Việt Nam trong thời đại văn chương nước ta hội nhập với văn chương thế giới. Có thể nói, Hồ Anh Thái là nhà văn đã chuẩn bị tương đối đầy đủ về mặt văn hóa, trong đó có cả những giá trị văn chương, không chỉ văn chương nước ta, mà cả văn chương thế giới. Và càng dấn thêm trên con đường văn chương, nhà văn càng thấy phải hiểu biết sâu hơn về văn hóa. Anh là nhà văn của cuộc sống đang cuồn cuộn trước mắt. Anh khám phá những vỉa, những tầng trong nó và nêu lên những vấn đề của nó. Lúc mới cầm bút viết văn Hồ Anh Thái đã vậy. Sau này, có dịp sống trong thực tế đời sống ấn Độ và thấu hiểu nền văn hóa của đất nước này, anh cũng như vậy. Cho tới khi anh viết thiên tiêu thuyết lịch sử Đức Phật, nàng Savitri và tôi (xuất bản năm 2007), cũng có năm chương viết về Tôi, người kể chuyện – nhà văn hóa, và bảy chương về nàng Savitri với phân thân của nàng là Kumari, Nữ thần Đồng trinh đã giải nghệ đang là hướng dẫn viên du lịch. Đó là những con người của cuộc sống hiện tại, và bởi vậy, tác phẩm chứa đựng những tư tưởng cuộc sống đương đại.

Năm 1988, Hồ Anh Thái sang học tập và làm việc ở Đại sứ quán Việt Nam tại ấn Độ, sống tại đất nước này sáu năm. Đây là một bước quan trọng trên đường đời nhà văn. ấn Độ là xứ sở của những tư tưởng rất minh triết và cũng hết sức siêu hình, là quê hương của những trí tuệ hiền minh bậc nhất nhân loại từ cổ đại đến cận, hiện đại, như Phật Thích Ca, M. Gandhi, R. Tagore. Đây là cái nôi sinh ra nhiều truyền thuyết cùng những pho sử thi vĩ đại, là quê hương của nền văn hóa Phật giáo với những bộ kinh điển vừa sâu sắc vừa huyền bí và đầy mê hoặc. Hồ Anh Thái đến đây vào thời kỳ cao trào của cuộc hội nhập thế kỷ giữa nền văn hóa Tây phương và nền văn hóa cổ truyền của xứ sở này. Anh ngưỡng mộ nền văn minh ấn Độ vĩ đại. Nhưng anh cũng ngỡ ngàng trước những tấm sari và nhiều con người đói rách trên đất nước này. Lập tức anh có một tình yêu lớn dành cho ấn Độ với tất cả sự phức tạp có trong nó. Bởi vậy, anh muốn khám phá nó. Hồ Anh Thái dành nhiều thời gian đi tới rất nhiều vùng quê trên đất nước này, đến những đền chùa danh tiếng, rong ruổi khắp miền Bắc và Trung ấn, những nơi thuộc Vương quốc Phật thời cổ đại. Đây là cuộc khám phá văn hóa ấn Độ trong đời sống xứ sở này, khám phá  kiến trúc của tôn giáo này cùng những kinh điển Phật học… Anh trở thành nhà ấn Độ học khi tuổi đời còn rất trẻ. Vào tuổi 31, anh tốt nghiệp Học viện Hindi, và nhận hàm Bí thư thứ ba Sứ quán Việt Nam tại ấn Độ. Trở thành nhà ấn Độ học cũng chỉ để anh làm nhà văn tốt hơn. Nghiên cứu văn hóa ấn Độ, Hồ Anh Thái cũng hiểu rằng, ấn Độ kiêu hãnh đã thấm mệt sau biết bao năm tìm kiếm những chân lý siêu hình, và có lẽ do vậy, đã không quan tâm lắm đến những vấn đề về con người. Thêm nữa, trên hàng ngàn dặm đường cát bụi mà Hồ Anh Thái từng đi qua, có biết bao mảnh đời người ấn phiêu dạt… Với tình yêu lớn dành cho ấn Độ, anh viết, đầu tiên là những truyện ngắn. Và, những truyện ngắn đó, còn một thời gian nữa mới thành sách in ở Việt Nam thì đã lần lượt được bạn đọc ở nhiều nước rất hoan nghênh trên báo chí Anh ngữ tại ấn Độ, và qua bản dịch ở Pháp, ở Mỹ. Đặc biệt tại ấn Độ, như K. Pandey, Tiến sĩ văn học người ấn đã coi đó là “những mũi kim châm cứu á Đông đã điểm trúng huyệt tính cách ấn Độ”, khiến họ đã “nhìn thấy đúng cái bóng đang quẩn dưới chân mình”.

Loạt truyện ngắn viết về ấn Độ, sau này thành một tuyển tập xuất bản tại Việt Nam, đã thực sự chiếm lĩnh tâm hồn bạn đọc trong nước, đó là tập Tiếng thở dài qua rừng kim tước. Qua từng truyện, những chân dung ấn Độ hiện lên đậm nét và có gì thật gần gũi với bạn đọc Việt Nam. Có lẽ, Hồ Anh Thái là một tâm hồn Việt Nam, và có lẽ, ấn Độ cũng là một đất nước nông nghiệp, như Việt Nam, đang cố gắng thoát khỏi lạc hậu, đói nghèo. Đó là những câu chuyện về vẻ đẹp như thực, như hư của ấn Độ cổ đang bị nắng mưa thời gian xói mòn. Sức khái quát của những truyện ngắn đạt tới tầm cổ điển, mà ngôn ngữ mô tả thật hiện đại, sau những khe chữ là nụ cười minh triết và sống động của thực tại. Mỗi tác phẩm viết về ấn Độ là một tình yêu của Hồ Anh Thái dành cho xứ sở này. Đến bây giờ, nhìn nhận hiện tượng Hồ Anh Thái, chúng tôi cho rằng, duyên may đã đưa anh đến với ấn Độ và Phật giáo. Và, cơ duyên này khiến tài năng của anh đạt tới một tầm mức mới.

*

Mấy năm sau ấn Độ, Hồ Anh Thái bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Văn hóa phương Đông tại Mỹ, rồi về làm việc trong nước. Trước mắt anh lại là cuộc sống xô bồ, ngổn ngang trăm mối. Xã hội ta bây giờ lắm loại người quá, nhiều kiểu sống quá. Những thanh niên mới lớn thì tự do, buông tuồng, trong họ nảy sinh không ít thói dị bợm. Đời còn nhiều người nghèo khó, nhưng cũng đã thấy lắm kẻ giàu phất lên. Những người bán báo rong len lỏi vào các ngõ ngách chào mời đọc các vụ án… Năm 1996, Hồ Anh Thái viết tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế. Trong cõi đời, kẻ làm ác luôn có cơ hội để trở về lương thiện… Đây là tiểu thuyết luận đề, nhưng hết sức dồi dào chi tiết sống, nên rất sinh động và cuốn hút người đọc.

Hồ Anh Thái là nhà văn nhanh chóng thấu hiểu bản chất sự sống đang diễn ra trước mắt, điều đó khiến anh viết được rất nhiều. Bút lực của anh luôn dồi dào. Nhà văn Ma Văn Kháng như thốt lên khi nhận xét về Hồ Anh Thái: “Thành ra những truyện ngắn trong Tự sự 265 ngày, tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế vừa có tính đại chúng, gần gũi vừa uyên bác trí tuệ. Dễ mấy ai đã làm được điều này!”. Hồ Anh Thái không chỉ viết văn chương luận đề, một loại văn hiếm hoi của nền văn chương nước ta. Anh còn tỏ ra có tài trong văn chương hoạt kê, là thứ còn hiếm hơn. Chúng tôi nghĩ, thật buồn, bởi sau tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, Việt Nam không có nổi văn chương hoạt kê. Nó như một xã hội không biết cười cợt thoải mái, hay không biết cười cay chua mà lại hiền minh! Hồ Anh Thái đã bù lại chỗ thiếu hụt đó, anh viết nhiều văn chương hoạt kê, cả các truyện ngắn, cả tiểu thuyết. Các tập truyện ngắn Tự sự 265 ngày, Bốn lối vào nhà cười, Sắp đặt và diễn là thứ văn chương trào lộng thật sâu. Những thói quen thời bao cấp kéo dài cùng thói học đòi thời mở cửa, đâu có thiếu gì trong cuộc sống hôm nay. Nhà văn nắm bắt rất nhanh, và bằng văn chương, anh điểm đúng huyệt nó. Đến tiểu thuyết Mười lẻ một đêm, người đọc phải bật cười rất nhiều. Tên cuốn tiểu thuyết khiến chúng tôi có nhớ tới tác phẩm vĩ đại Ngàn lẻ một đêm của người Ba Tư. Với trí tưởng tượng vô cùng phóng túng, người Ba Tư xưa kể những câu chuyện nhiều khi bất chấp logic, mà có sức cuốn hút không người đọc nào cưỡng lại được. Mười lẻ một đêm cũng có sự phóng túng trong tưởng tượng của nhà văn, lại có lối bố cục liên tiếp mở ra những câu chuyện, mở ra nhiều khung cảnh sống. Nhưng đây là cuộc sống Việt Nam hiện tại, chứ không phải là thế giới cổ tích của Ba Tư xưa. Cũng khác với các nhân vật cổ tích, nhân vật trong Mười lẻ một đêm là những mẫu người dị bợm và lố bịch trong cuộc sống nước ta những năm đầu thế kỷ XXI. Trong Mười lẻ một đêm, lần lượt diễn ra biết bao chuyện. Từ chuyện của đôi tình nhân, chuyện về các nhân vật dị bợm, đến chuyện về các quan ông, cả chuyện các quan bà. Có chuyện vợ một ông to ăn cắp cái đĩa sứ trong một bữa tiệc ngoại giao sang trọng, lột tả thói thô lậu không sao gột sạch được trong căn tính các mệnh phụ… Cuộc sống thời mở cửa nó vậy, cõi đời này nó vậy. Có cái bi và cũng có cái hài. Có một nhận định, bi kịch là khóc thương những cái bị chết nhưng nó đáng được sống mãi, còn hài kịch là cười những gì không đáng có trong cuộc đời này mà nó cứ nhăn nhở sống. Thử nghĩ mà xem, những chuyện mua quan bán tước, buôn đất lời lớn… mà viết theo lối tả thực thì có nhức đầu nhức óc người ta không! Bằng cách cười mà kể cho đời cười, thì nhẹ lòng hơn. Riêng việc chọn lối văn chương hoạt kê để viết về phần cuộc sống lố lăng trước mắt mình đã biểu hiện phẩm chất dung thứ và minh triết trong văn chương Hồ Anh Thái. Anh hơn người ở chỗ đó!

Càng dấn thêm trên hành trình văn chương, Hồ Anh Thái càng hiểu sâu hơn về văn hóa Việt Nam cũng như văn hóa nhân loại. Ngôn ngữ văn chương của anh có cả sự trong sáng ngọt ngào và lối mô tả sắc nét; có khi câu văn thâm trầm, thương cảm sâu xa; có nhiều hình ảnh tượng trưng, và siêu thực nữa; nhiều khi trào lộng chua cay, đôi khi hài hước mà khi gấp sách lại thì thấy buồn thấm thía… Đó là văn hóa, đã nhuần nhuyễn trong tư duy và cảm xúc của nhà văn. Trường hợp tiêu biểu về văn hóa đã trở thành một bộ phận của tài năng Hồ Anh Thái, là thiên tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi (NXB Đà Nẵng, 2007). Đây là một đề tài lớn cho văn chương nhiều dân tộc trên thế giới; và là vấn đề lớn của đời sống hôm nay, sẽ nhìn nhận thế nào đây về lịch sử, về Đức Phật qua màn sương mù mịt của 26 thế kỷ?! Từ đầu tác phẩm, nhà văn như đã cho người đọc có cảm giác cần phải tự tin để vượt qua cái màn sương mù mịt ghê gớm vùng biên giới ấn Độ – Nepal, và vượt qua là sẽ có cơ hội nắm bắt được lịch sử. Xuyên suốt thiên tiểu thuyết là cuộc đời 80 năm của Đức Phật. Sáng tạo đầu tiên có tính chìa khóa để mở ra mọi vấn đề, là Hồ Anh Thái đã tạo được mối liên kết giữa lịch sử và thực tại. Đó là việc tạo dựng nhân vật Savitri, nàng công chúa hai mươi sáu thế kỷ trước và phân thân của nàng là Kumari, Nữ thần Đồng trinh giải nghệ đang là hướng dẫn viên du lịch; và nhân vật Tôi, người kể chuyện, nhà văn hóa. Có bảy chương viết về công chúa Savitri và phân thân Kumari. Công chúa Savitri yêu hoàng tử Siddahatta (sau này trở thành Đức Phật), tuy là một tình yêu đơn phương, nhưng đầy khát khao nhục cảm. Ngay cả trong phân thân, Kumari vẫn mang dáng vẻ Savitri thuở xa xưa. Trong Kama Sutra (Dục lạc kinh) có đoạn: “Các bậc hiền minh chỉ có hai cách để tận hưởng cuộc sống nơi cõi trần ô trọc và phù vân, là chiêm nghiệm tri thức cao siêu và ân ái cùng các giai nhân xuân sắc đang nở rộ”. Nếu hiểu đoạn kinh sách cổ kính trên bằng cả trí tuệ và xúc cảm, sẽ thấy rất có lý rằng, cuộc sống ở xứ sở ấn Độ này phải có nàng Savitri, ngày xưa có, ngày nay có và mãi mãi sau này còn có. Người đàn bà này nồng nàn như lửa, dữ dội như nước và phấn khích như gió. Nàng là vẻ đẹp vừa bản năng vừa kiêu hãnh. Tất cả những hành xử của nàng đều làm cho Đức Phật vĩ đại hơn. Savitri là một biểu tượng ấn Độ huyền bí, sâu xa và cũng đầy quyền uy. Và, nhà văn Hồ Anh Thái đã tạo dựng nàng thành nhân vật văn chương đặc sắc, có một đời sống dài như lịch sử quê hương nàng…

Bây giờ nhìn nhận hiện tượng văn chương Hồ Anh Thái, chúng tôi nghĩ, anh đang sáng tạo những tác phẩm trong thời đại hội nhập, mở cửa với phẩm chất thực sự tươi mới, và phẩm giá văn chương của anh trở thành giá trị văn hóa.

(Nguồn: Văn nghệ số 13/2014)

Exit mobile version