Bộ phim “Hương Ga”, chuyển thể từ tiểu thuyết “Phiên bản” của nhà văn Nguyễn Đình Tú đang vào giai đoạn hậu kỳ được nhiều người chờ đợi. Lý do là vì cả ở tiểu thuyết lẫn kịch bản điện ảnh, nhân vật chính đều được xây dựng dựa trên một nhân vật có thật là nữ quái Dung Hà, trùm giang hồ một thời mà số phận gắn liền với cả một giai đoạn truy quét tội phạm gây rúng động cả nước.

Tội phạm dưới góc nhìn nhân văn

Có một điểm khác biệt giữa hai dòng sách cùng viết về những tên tội phạm hoặc những vụ án lớn đó là văn học hóa hồ sơ chuyên án và tiểu thuyết hóa nhân vật hoặc vụ án. Ở góc độ văn học hóa có thể lấy ví dụ như cuốn sáchChuyên án Z 501 – Vụ án Năm Cam và đồng bọn (NXB Công an nhân dân) của nhà văn, nhà báo Nguyễn Như Phong. Mục đích của tác phẩm là chuyển tải đến người đọc những chi tiết xung quanh vụ án hay các nhân vật tội phạm. Các chi tiết, nhân vật được miêu tả về cơ bản đều là có thật, tác giả chủ yếu sử dụng các thủ pháp văn học (ký sự) để tái hiện một cách chân thật, dễ đọc, dễ hiểu cho bạn đọc thay vì những bản báo cáo, hồ sơ vụ án khô khan của các cơ quan chức năng. Dĩ nhiên, trong tác phẩm tác giả cũng có thể thêm thắt một chút cho tác phẩm thêm sống động như việc khắc họa các chi tiết tâm lý nhân vật khi phạm tội, chạy tội…

Còn về tiểu thuyết hóa có thể lấy ví dụ tác phẩm Hành trình của sói của nhà văn Bùi Anh Tấn, cũng do NXB Công an nhân dân thực hiện. Nội dung của tác phẩm cũng xoay quanh vụ án Năm Cam nhưng các nhân vật, vụ án chỉ là tấm nền để trên đó tác giả triển khai những tư tưởng, phản ánh những vấn đề mà mình mong muốn. Để đạt hiệu quả mong muốn tác giả thậm chí có thể sáng tác thêm nhân vật, thêm thắt một số chi tiết miễn là không đi quá xa cái sườn gốc của sự kiện.


Một cảnh trong phim Hương Ga.

Phiên bản của Nguyễn Đình Tú cũng là một dạng như vậy, từ câu chuyện về một nhân vật có thật, tác giả triển khai mở rộng để phản ảnh những điều trần trụi về một thế giới những tên tội phạm và đồng thời sử dụng cả yếu tố tâm linh để chuyển tải tư tưởng của mình. Tác giả xây dựng cả một thế giới nơi nhân vật chính lớn lên và thế giới đó cũng là nguyên nhân dẫn dắt nhân vật chính trở thành tội phạm. Có thể nói, ngoại trừ chi tiết cuối cùng khi nhân vật chính bị bắn gục ngay trên hè phố giống với số phận của Dung Hà thì phần lớn các chi tiết khác đều do tác giả tưởng tượng nên. Chính vì thế, Nguyễn Đình Tú đã từng khẳng định nếu người xem cứ nghĩ trong đầu rằng Diệu (nhân vật chính) là Dung Hà thì sẽ thất vọng vì thực ra không có sự liên quan nào giữa họ, tác giả chỉ mượn hình ảnh nhân vật có thật để sáng tạo nên một nhân vật văn học.

Sự hấp dẫn từ yếu tố xã hội

Thế nhưng, dù Nguyễn Đình Tú phủ nhận lấy Dung Hà làm nguyên mẫu cho nhân vật chính trong tác phẩm của mình thì sự thực, chính việc đánh đồng nhân vật có thật với nhân vật hư cấu đã khiến bạn đọc và cả khán giả vẫn quan tâm đến tác phẩm văn học cũng như chuyển thể điện ảnh. Điều này cũng đã từng diễn ra với Hành trình của sói hay Chạy án của Nguyễn Như Phong mà nội dung được cho là lấy từ nguyên mẫu vụ án nổi tiếng liên quan đến một vị thứ trưởng khi đó.

Trên thực tế, các tác phẩm gắn liền với đề tài xã hội luôn là những tác phẩm được bạn đọc quan tâm chú ý. Tại Hội sách TPHCM lần thứ 7 và 8, rất nhiều người đã ngạc nhiên khi chứng kiến nhiều cuốn hồi ký của những nhân vật vô danh lại nhận được sự chú ý của bạn đọc, thậm chí được xếp vào danh mục những cuốn sách bán chạy nhất. Họ không phải là người tên tuổi, cuộc sống của họ cũng không gắn liền với những sự kiện nổi bật của lịch sử… Cái duy nhất mà họ có là yếu tố chân thật đối với xã hội mà họ đang sống. Chính điều đó đã thu hút bạn đọc đón nhận tác phẩm của họ.

Thế nhưng, các tác phẩm có đề tài gắn với những vấn đề xã hội, với hiện thực cuộc sống vẫn còn quá ít trong dòng chảy văn học Việt Nam. Quanh đi quẩn lại vẫn là những cái tên quen thuộc và không phải ngẫu nhiên tại các cuộc hội thảo về sáng tác, đời sống sáng tác văn học luôn bị phê là “xa rời thực tế” và ở vị trí như thế thật khó để văn học trong nước tạo sức hút với bạn đọc.

Công tác trong ngành công an, làm việc ở lĩnh vực xuất bản nhưng các sáng tác của nhà văn Bùi Anh Tấn không chỉ xoay quanh vụ án mà còn đụng đến những đề tài “nhạy cảm” của xã hội. Chẳng hạn như đề tài về đồng tính với một loạt tác phẩm như Một thế giới không có đàn bà, Les – Vòng tay không đàn ông, Phương pháp của A.C Kinsey, Bí mật hậu cung.

Tường Vy

Nguồn: phongdiep.net

Exit mobile version