Với “Nàng Anna xanh xao”, Heinrich Boll thong thả kể những câu chuyện về một nước Đức gần gụi mà cả thế giới này đều có thể chạm tới.Nước Đức ở đây phảng phất khắp không gian một màu xanh buồn bã, nơi mà con người đang sống, khuất chìm hẳn những vui tươi, nhưng cũng từ cái màu xanh ấy đã nhói lên một vẻ đẹp ấm áp đau lòng.
Tập truyện Nàng Anna xanh xao gồm 17 truyện ngắn được sắp xếp theo thứ tự sáng tác từ năm 1949 đến năm 1963, với sự nghiêm trang tàn tạ và nét thơ mộng sầu muộn đan cài trong nhau như một bức tranh đủ đầy cung bậc xúc cảm. Nhìn vào hành trình thời gian trong các truyện ngắn, người đọc cũng dễ dàng nhận thấy sự dịch chuyển về mặt quan niệm và kỹ thuật sáng tác của Heinrich Boll. Tác giả đã đi từ những việc khơi gợi nỗi buồn tiếc riêng tư trong niềm mất mát vô cùng, dần chuyển hóa thành tính nhân văn cao đẹp bao quát ở những truyện ngắn về sau. Boll viết tỉ mỉ, chăm chút từng từ ngữ, từng câu chuyện, nhưng lại luôn để ra những khoảng mờ giản đơn đầy tinh tế, để người đọc có thể bước vào. Các nhân vật của Boll vì thế mà luôn mang đặc tính riêng, nhưng lại dễ dàng tìm thấy, nhận ra ở bất kỳ nơi nào trên nước Đức.
Trong truyện mở đầu Thiên đường đã mất, Boll kể về câu chuyện của một người lính trở về quê nhà sau khi chiến tranh kết thúc. Và rồi từ những hoang tàn của mảnh đất hôm nay, từng bước chân đều dẫn đưa anh về với những ký ức xa xưa, giờ đã hóa thành những mảnh tàn tro, chỉ còn phập phồng mỏng manh. Không ai trong Thiên đường đã mất kêu gào về chiến tranh, mọi thứ đều hiện ra một cách vô cùng nhẹ nhàng. Đó là một sự ý nhị sầu muộn. Không chỉ con người, mà cỏ cây hoa lá xung quanh, hay ngay chính những đồ vật được đặt trong không gian ấy cũng cất lên lời buồn, nhưng ấy chỉ là lời âm thầm vô cùng mà thôi.
Người đàn ông trong Thiên đàng đã mất, với những mối phức cảm riêng tư như thế, đã được Boll miêu tả bằng sự giản dị, tinh tế của ngôn từ, và sự thấu hiểu sâu sắc của một tâm hồn đầy sự yêu thương.
Tập truyện ngắn Nàng Anna xanh xao của tác giả Nobel văn học 1972 Heinrich Boll. |
Ngòi bút của Boll luôn hết sức uyển chuyển, vẫn thâm trầm, sâu sắc ấy mà cũng không kém phần hóm hỉnh, sắc sảo, thậm chí đôi khi bỡn cợt. Những truyện ngắn như Sưu tập im lặng của tiến sĩ Murke”, Khách… quý, hay Chuyện như đùa đều thể hiện rõ bút pháp đối lập nhưng vô cùng nhuần nhuyễn của Boll. Sau chừng ấy điều, những câu chuyện của Boll vẫn hiện lên một vẻ đẹp muộn sầu của hoang tàn, nó giống như một bài hát rất buồn nhưng khiến con người run lên vì đồng cảm.
Bằng giọng văn lững thững, điềm đạm và đầy ấm áp, ông còn đề cập đến những vấn đề thường thấy của con người trong quá trình quay về cuộc sống mới sau chiến tranh, như sự trống rỗng, sự tráo trở, hay thâm chí bán rẻ căn tính, để thấy cuộc đời thực chất là những vở diễn rất dài, khi người này bước xuống sân khấu, thì ngay lập tức lại có một người bước lên thế chỗ.Ở đây, Boll thể hiện bản thân là người ít nhiều hoài nghi về giao tiếp giữa con người với con người. Ông đặt niềm tin mãnh liệt vào sự lặng im. Sự lặng im được xem như điều chia sẻ đẹp đẽ nhất mà con người có thể làm cho nhau giữa những rã tan và vô nghĩa. Dấu ấn này cũng được đặc biệt thể hiện trong truyện ngắn Sưu tập im lặng của tiến sĩ Murke.
Boll được đánh giá là một nhà văn viết về hậu chiến hay xuất sắc. Ông việc về cái đói nghèo, tha hóa, cái tàn tạ, hủy hoại bằng một thứ văn chương thơ mộng như sương khói. Bởi thế Boll chính là người đã gieo nên được những hạt mầm quý, để con người từ ấy mà vun trồng lại những điều đã từng vì chiến tranh mà bị tàn lụi. Ông nhận được sự vinh danh của giải thưởng Nobel cao quý năm 1972, cũng bởi những ý nhị sâu sắc và vô cùng nhân văn ấy.
Theo Phong Linh – Zing.vn